Bảo tàng Tố Hữu

Tiểu sử

Nguyễn Kim Thành, thường được biết đến với bút danh Tố Hữu (4 tháng 10 năm 1920 - 9 tháng 12 năm 2002), là một cố nhà thơ kiêm chính trị gia người Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguồn gốc bút danh Tố Hữu

Theo lời Tố Hữu tự giải thích về bút danh của mình thì năm 1938, ông sang Lào thăm một người anh. Ở đây ông gặp một cụ đồ người Quảng Bình. Cụ đồ đã đặt cho ông bút danh "Tố Hữu" (chữ Hán: 素有), lấy từ câu nói của Đỗ Thị[1] "Ngô nhi tố hữu đại chí" (吾兒素有大志). Tố Hữu (素有) có nghĩa là "sẵn có, ý chỉ khí phách tiềm ẩn trong người". Tố Hữu nhận tên gọi này nhưng hiểu theo nghĩa là "người bạn trong trắng", viết bằng chữ Hán là "素友", khác với tên do cụ đồ đặt

Thời niên thiếu

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Hội An, là con út trong gia đình. Đến năm 9 tuổi, ông cùng cha trở về sống tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho nghèo nhưng thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất yêu thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.

Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi ông đỗ đầu tiểu học Paul Bert và năm 14 tuổi thì thi đỗ vào học lớp đệ nhất của trường Quốc học Huế (hồi đó gọi là trường Khải Định) và lại được học bổng, được ăn ở nội trú. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maksim Gorky,... và qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Năm 1936, ông đã lãnh đạo Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương ở Huế. Thời kỳ này Mặt trận Bình dân Pháp và Đảng Cộng sản Pháp có ảnh hưởng khá sâu rộng đến giới học sinh, trí thức Việt Nam. Hồi đó sách Mác - Lênin được đưa sang công khai. Ở Huế, loại sách này được bán ở hiệu sách Hương Giang của đồng chí Hải Triều, nhưng chủ yếu là ở hiệu sách Thuận Hóa do đồng chí Lê Duẩn đóng vai chủ hiệu. Ông và các bạn thường đến hai hiệu sách này tìm đọc Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, sách của Lênin và cả bộ Tư bản của Mác. Phan Đăng Lưu là người dìu dắt Nguyễn Kim Thành trong những bước đi đầu tiên đến với cách mạng và văn học. Người giảng chính trị nhiều nhất cho Thành qua sách chính là Phan Đăng Lưu.

Hoạt động cách mạng

  • 3/1937, Nguyễn Kim Thành cùng hàng vạn quần chúng đi đón Gôđa, phái viên của Chính phủ Pháp để đòi những quyền dân chủ, dân sinh, lúc đó ông đã là Bí thư Đoàn thanh niên dân chủ thành phố Huế, là một trong những người lãnh đạo phong trào học sinh ở trường Quốc học. Vì vậy, ông bị đuổi ra khỏi nội trú, bị cắt học bổng và phải tự kiếm sống để đi học.
  • Năm 1938, trong lúc đang học năm thứ nhất ban tú tài ở trường Quốc học Huế (lúc ấy gọi là trường Trung học Khải Định) thực chất để che giấu hoạt động chính trị của mình... ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
  • 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế). Do đấu tranh trong nhà tù ông bị tăng án sáu tháng và bị đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây ông và các đồng chí đã đấu tranh chống đánh đập bằng cách tuyệt thực và tuyệt ẩm 14 ngày. Các bài thơ "Con cá chột nưa", Trăng trối... đã ra đời trong thời gian này. Cuộc đấu tranh của tù nhân đã hoàn toàn thắng lợi nhưng địch tiếp tục đày ông và đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Tố Hữu và hai người nữa bị đầy đi Buôn Ma Thuột và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên. . Mãn hạn 2 năm, chúng tiếp tục đày ông đi trại tập trung Đắc Glêi ở Bắc Kontum.
  • 14/3/1942, ông vượt ngục Đắc Glêi (nay thuộc Kon Tum)[2][3] rồi tìm ra Thanh Hóa, hoạt động bí mật ở huyện Hậu Lộc và thôn Tâm Quy, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), bắt liên lạc với Đảng, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Hội Ái quốc ở tất cả các làng giúp phong trào cách mạng Thanh Hóa nhanh chóng khôi phục và phát triển. Ông là Tổng biên tập báo “Đuổi giặc nước"
  • 3/1944 ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
  • 1945, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế và trên cương vị Phó Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (8/1945 - 6/1946)
  • 11/1946 - 9/1947: Phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (lần thứ hai)
  • 1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
  • 2/1951: Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng.
  • 1952: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ.
  • 1954: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền.
  • 1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
  • Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức.
  • Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư.
  • Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương.
  • Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị.
  • 1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (nay gọi là Phó Thủ tướng) cho tới 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.

Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt Phong trào Nhân văn - Giai phẩm (1958)[4]. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa II và VII.

Năm 1969, ông được giao là người sửa cuối cùng bản điếu văn trong tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tố Hữu đã dùng ngòi bút và tâm huyết của mình để giúp cho bản điếu văn hay hơn, đi vào lòng người hơn:

  • Bản dự thảo viết: "Thưa đồng bào, thưa các đồng chí và các bạn". Tố Hữu sửa lại thành: "Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước, thưa các đồng chí và các bạn".
  • Bản dự thảo viết: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất lớn lao này không gì bù đắp được". Tố Hữu sửa lại thành: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa! Tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn".
  • Bản dự thảo viết: "Phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết". Tố Hữu sửa lại thành: "Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết".
  • Bản dự thảo viết: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sản sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Tố Hữu bỏ chữ "sản", trở thành: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Sau năm 1986, Việt Nam tiến hành Đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Do phải chịu một phần trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên ông bị miễn nhiệm các chức vụ về quản lý hành chính, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội và các chức danh lãnh đạo về lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Năm 1994, ông được Nhà nước phong tặng Huân chương Sao Vàng (1994).

Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (giải thưởng cao nhất về văn học tại Việt Nam) ngay trong đợt xét tặng đầu tiên (năm 1996).

Ông qua đời lúc 9 giờ 15 phút 7 giây, ngày 9 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.