Bảo tàng Tố Hữu
Tác phẩm

CHÂU RO


Châu Ro ơi, xa rừng quê núi cũ
Tù nơi đây buồn lắm phải không anh?
Người Thượng già đương mải ngó xa xanh
Với đôi mắt dại đờ trong tuyệt vọng
Bỗng quay lại, cơ chừng nghe xúc động
Cả một lòng thương nhớ, dưới chiều đi
Anh nhìn tôi, đau đớn, rồi thầm thì:
“Tôi nhớ lắm, chui cha, tôi nhớ lắm!”

Ôi tiếng nhớ sao mà nghe buồn thảm
Nó kéo dài như một tiếng dê kêu
Lạc bầy đi ngơ ngác dưới sương chiều…
Tôi để lặng nghe nỗi lòng đau khổ
Của anh bạn, trong khi sầu não đó
Kể bên tai, bằng một giọng rừng non:
“…Mấy năm rồi, xa cái vợ, cái con
Tôi nhớ lắm! Nhớ cái nhà, cái cửa
Nhớ cái rẫy nhiều khoai, nhiều bắp lúa
Nhớ con bò to, nhớ mấy con heo
Không biết còn, hay Ông1 bắt chết queo
Để con đói với vợ nghèo trong núi?”
Rồi bỗng lặng trầm ngâm anh rã rượi
Há hốc mồm như để gió rừng xa
Của quê hương đem lại chút hơi nhà…

Và dưới bóng mày đen, trong hộc tối
Như hang đá chiều hôm dày khí núi
Đọng sương mờ trên đôi mắt chứa chan
Bao nhớ nhung, thờ thẫn, ngó lên ngàn…
Anh không khóc nhưng vì đâu chẳng biết
Có lẽ bởi bao nhiêu điều nhớ tiếc
Trong lòng anh hun lại khối căm hờn

Những bàn tay độc ác đã chia tan
Tổ yên ấm trên đầu ngàn ngọn núi
Tôi bỗng thấy chớp loè lên dữ dội
Lửa thù trong đôi mắt tối chiều đông
Đôi vành môi thành một lưỡi dao cong
Anh nghiến chặt hai hàm răng lẩm bẩm:
 “Đau cái bụng( ), ui chui cha, tức lắm!” 
Và hồi lâu, bên ngưỡng cửa song tù
Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro:
“Đau cái bụng, ui chui cha, tức lắm!”

Lao Bảo, mùa đông 1940

1 Ông: cách gọi bọn quan Pháp cai trị.
2 Đau cái bụng: một lối nói của người Thượng, chỉ sự uất ức trong lòng.