QUANH QUẨN
Có ngang dọc mới hiểu buồn quanh quẩn
Khổ vô biên của ngày tháng khô khan.
Đây con tàu im lặng vượt thời gian
Toa lớn nhỏ quanh năm vừa chật chỗ.
Khách chen chúc trên hai hàng sạp gỗ
Một lối đi vừa rộng giữa bờ xai
Những tường cao và những chấn song gài
Chuồng tiêu giữa hai ô phòng nhỏ nhỏ
Giản tiện quá: chơi, nằm, ăn, ỉa đó.
Đủ ba mùi: vôi, cứt với mồ hôi
Trộn hoà nhau làm nên một thứ mùi
Cay nồng nặc của bọn người khốn nạn
Mà muỗi rệp cũng hè nhau đốt cắn
Mà đến loài chí, rận cũng không tha!
Mỗi người đi khi lãnh vé vào toa
Là cảm thấy mình sa vào địa ngục
Nơi phải nuốt chua cay và tủi nhục
Trọc lóc đầu, số áo đã thay tên
Bàn tay trơn còn đâu nữa tự quyền
Còn đâu nữa mênh mông trường hoạt động!
Thân giam cấm như con thuyền biển rộng
Sống loanh quanh trong một vũng ao tù
Đời lặng thầm không một tiếng vang to
Trăm ý nghĩ không ngoài khuôn chật hẹp
Ngày cứ thế, vươn lên rồi cửa khép:
Nghĩa là trưa; lại mở: nghĩa là chiều
Rồi là đêm, cửa khoá. Ngọn đèn treo
Bật cháy sáng. Thì thầm rồi yên tĩnh
Toa tàu đổi làm một căn phòng bệnh
Những chăn đơn phủ kín những hình hài...
Rồi lại mai, trưa, chiều, tối: một ngày mai
Tuy khác đến, nhưng để rồi lại cũ.
Mùa đổi áo trên những cành gội nhỏ
Một khung trời mưa nắng, bốn tường câm.
Ga thời gian, từng chặng, mắt vừa tầm
Khách đôi kẻ trông ra ngoài tính nhẩm...
Ngày đi chóng bởi không chờ, tháng chậm
Khách dài lâu ngao ngán rủa bâng quơ
Ở ngoài kia, bao kẻ đợi người chờ!
Bao đồng chí, những ai còn, ai mất?
Trái đất hỡi, sao mà mi vẫn chật!
Đừng ai vô thêm nữa, bạn đời ơi
Rát mắt trông ra, cửa sắt ngăn trời
Ôi đêm tối những nơi nào lửa đỏ?
Nếu đôi lúc ta hát thầm nhỏ nhỏ
Dưới gầm xai, hay cười nói huyên thuyên
Như một thằng trẻ dại, một thằng điên
Là để khổ trong những giờ im lặng
Để nuốt bọt với bao nhiêu mật đắng
Của một đời cách biệt khối đời chung
Đả nao nao với những mộng không cùng
Để cháy ruột mơ những ngày hoạt động.
Lao Thừa Thiên
Tháng 6-1939