TRƯA THÁNG TƯ, SÀI GÒN
Trời tháng Tư xanh trong
Không bóng mây tư lự
Ta thẩn thơ bên bờ sông
Sài Gòn
Nắng rát
Và gió mát
Đăm đắm trông
Dào dạt dòng sông
Một dòng lịch sử…
Bao chiến công
Và bao thế sự!
Một trăm ba mươi năm trước
Tàu giặc vào xâm lược
Đục nước sông này,
Giữa bùn máu, cả rừng tay
Nhọn hoắt tầm vông, giáo mác
Đất Nam thiêng chẳng dung tội ác
Từ tro tàn, tràm đước lại xanh cây
Ngọn lửa sống không bao giờ tắt
Trong mỗi trái tim, ánh mắt.
Tám mươi mốt năm… Trưa ấy, Trưa gì ?
Từ thành phố này, Người đã ra đi1
Ôi! Câu hát tự hào, cao vút lương tri
Mà làm ta rơi lệ.
Bến Nhà Rồng đỏ máu bao thế hệ!
Ba mươi năm, Người đã ra đi
Năm châu bốn bể
Để trở về Pắc Bó hang sâu
Gọi cả nước vùng lên
Đuổi quân Nhật, lật ngai vàng Hoàng đế
Cho dân ta lại ngẩng cao đầu!
Bước chân con
Lần đến Ba Son
Bàng hoàng nỗi nhớ
Tiếng búa vang mặt sóng Sài Gòn
Một người thợ
Bảy mươi tám năm xưa
Đã chia tay chiều mưa
Người vợ trẻ
Lặng lẽ xuống tàu…
Chính Anh, người thợ ấy
Người lính thuỷ da vàng
Trên Biển Đen nổi dậy
Treo cờ hồng đỉnh chiến hạm, hiên ngang
Chào Tháng Mười Cách mạng!
Mười sáu năm hầm tối Côn lôn
Mắt Anh vẫn sáng.
Kháng chiến gian nan
Lội suối, lên ngàn
Lòng nhẹ nhõm, vui trong lòng Đảng
Bên Bác Hồ, đẹp dáng Bác Tôn.
Thành phố rước Anh ngày giải phóng
Trời cao lồng lộng
Vẫn là Anh, người thợ Ba Son
Hồng ngọc của tâm hồn Đất nước.
Trưa tháng Tư, Sài Gòn
Nắng rát
Và gió mát
Quanh co, sông vẫn xuôi dòng
Không thể nào chảy ngược
Lịch sử vẫn đi lên phía trước
Chân trời mênh mông…
12-4-1992
1 Lời thơ của Đăng Trung trong bài hát của nhạc sĩ Cao Việt Bách.