Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
- Pièrre Emmanuel
Một nhà thơ hiện đại Việt Nam kể lại đời mình vừa đọc lên và bình luận những bài thơ của mình. Cuộc đời ấy là một cuộc chiến đấu, nhưng những bài thơ của anh là bấy nhiêu khúc hát ân tình. Tố Hữu, mà Mireille Gansel thu lượm ở đây những lời nói và dịch những bài thơ – đúng hơn, những khúc hát nhịp nhàng – là người nổi tiếng nhất trong các nhà văn cách mạng của nước anh; và người ta thấy rất rõ, theo cách anh kể lại, sự nảy sinh của thơ ở trong anh, rằng thơ đã tự nhiên là sự diễn đạt, sự giác ngộ của anh về số phận của dân tộc mình.
Rằng Tố Hữu là người cộng sản, rằng chủ nghĩa Mác của anh cũng là một tín tâm, rằng anh khêu gợi lên trong chòm sao thơ của anh tên những thi sĩ mà gia đình cộng sản hầu như duy nhất tôn yêu – tôi nghĩ rằng cần phải xuất phát từ những điểm ấy như là một chân lí của anh, và tìm cách nhìn xem anh đã vượt xa hơn nữa như thế nào, anh đã đưa nó lên đến tầm thế giới như thế nào mà không bội phản nó. Tính cách tình cảm của sự gia nhập của những người cộng sản vào Đảng, là một tính cách chung cho họ trên khắp trái đất: tình yêu ấy có những đối tượng ưu tiên, những vĩ nhân, những biểu tượng lớn của nó, và thông thường, có cái tính xúc cảm quần chúng của nó. Rằng người tiếp chuyện Tố Hữu là một phụ nữ, điều ấy làm mạnh thêm tính xúc cảm đó; tuy nhiên, ở nhà thơ này, tính xúc cảm ấy không hề có dạng như một văn vẻ tuyên truyền; trái lại, nó diễn đạt cái kinh nghiệm trực tiếp của anh về quần chúng nhân dân anh đã thâm nhập vào, khi chiến đấu.
Quyển sách này, thật ra, đáng lẽ có thể nghe lấy bằng lỗ tai: đĩa hát nhỏ kèm theo sách cho ta một ý niệm về nó. Đây là sự ghi chuyển một truyện anh hùng ca mà một trong các nhân vật trong đó là người xướng lên và chen những tiếng hát vào. Chất truyền khẩu là yếu tố sinh sống của thơ này, nó được truyền đi từ miệng đến tai và làm thành, ngay từ bây giờ, một khâu của kịch sử ngàn năm của một dân tộc. Đem so sánh với những nhà thơ kháng chiến Pháp có thể không đúng; đúng hơn là nên nghĩ đến tính chất trữ tình của những thi sĩ cổ truyền trong một số nền văn minh nông nghiệp và chinh chiến, họ đưa lịch sử vào trong trí nhớ luôn luôn sống, luôn luôn mới mẻ của một nước mà trí nhớ ấy không ngớt bảo vệ chống lại tất cả những sức mạnh đáng lẽ ra có thể tiêu diệt mình. Tố Hữu cho chúng ta hiểu do đâu mà Việt Nam là một nước, và khó khăn đến mực nào mới đứng được là một nước; nhưng trong khó khăn ấy lại có niềm kích thích phải tồn tại. Và người thi sĩ lại đồng thời là người lính đang nói lên ở ngôi thứ nhất, sự kiện này không đem đến cho bài thơ một tính cách cá nhân chủ nghĩa nào cả, một tính chất tự sự cá nhân nào hết. Sự xoá mình của nhà thơ phía sau điều mình muốn ca hát, càng rõ hơn trong những bài thơ bắt nguồn từ hoàn cảnh mà anh thật đã sống nhưng hầu như đã hoá thành những khuôn mẫu – điển hình, ngay trong những bài thơ tù cũng vậy.
Dù bản dịch của Mireille Gansel giá trị đến bao nhiêu, cũng cố nhiên chỉ có thể cho ta một ý niệm rất chung về tính chất chủ đề của một áng thơ mà nhịp điệu và âm vang có lẽ khó được chúng ta lĩnh hội hết, nếu không có cái đĩa hát nhỏ làm tài liệu. Trong chừng mực mà người ta có thể xét đoán được qua những dấu tích mà bản dịch để lộ ra, thì thấy tính chất thẩm mĩ của Tố Hữu, kết hợp một thứ chủ nghĩa lãng mạn dính liền vào sự xúc cảm lịch sử hiện nay với một thứ chủ nghĩa cổ điển bắt nguồn từ nền tình cảm lâu đời không những của quần chúng nhân dân mà còn của các nhà thông thái. Tình cảm đối với thiên nhiên đặc biệt là tinh tế, đôi khi gần gũi với truyền thống lớn lao của Trung Quốc; lòng yêu thiên nhiên ấy hoà hợp rất tế nhị với sự khẩn trương rất mực của người du kích, người tù nhân, người chiến sĩ chính trị. Do đó tránh được sự tầm thường về đề tài mà loại văn học “đi theo chủ nghĩa” đôi khi mắc phải. Độc giả sẽ ngạc nhiên, trong một số bài của Tố Hữu, về sự kiện là: chủ đề chính trị ở đây được thoáng gợi đến bằng vài ba từ, thế mà càng nổi bật hơn khi nó được ấp mang trong những tình cảm vĩnh cửu và giản dị; có thể nói rằng chủ đề chính trị trở thành biểu hiện cụ thể và hồn nhiên của những tình cảm cơ bản kia.
Nhà thi sĩ ấy muốn mình là tiếng nói của dân tộc mình. Vậy thì là dân tộc ấy có năng khiếu thơ thông qua nhà thi sĩ. Các dân tộc hiện đại, công nghiệp hoá rồi, đã bị san bằng bởi những phương tiện tuyên truyền, không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn có một năng khiếu về hình tượng như thế nữa; không còn có suối nguồn của mình ở trong bản thân mình nữa. Nhưng Tố Hữu, đắm mình trong dân tộc của mình, cũng đồng thời là một thi sĩ độc đáo, một nhà sáng tạo các hình thể. Người ta càng cảm thấy điều đó rõ hơn khi anh nói một cách rất hay về thơ…
(Lời Tựa tập thơ Máu và Hoa – con đường của nhà thơ Tố Hữu, bản tiếng Pháp,
Xuân Diệu dịch, 8-7-1975)