Tố Hữu
- Lưu Trọng Lư
Trước Cách mạng tháng Tám, tôi chỉ được đọc một bài thơ của Tố Hữu: Li rượu thọ, trong cuốn sổ con của một người cháu. Bài thơ bấy giờ không gây được cho tôi nhiều hào hứng về cuộc sống, về cách mạng, cũng như về nghệ thuật. Nhưng bấy giờ từ trên sông Hương tôi đã nghe được tiếng súng nổ gần điện Hòn Chén. Rồi sau đó, những đoàn người từ nông thôn kéo lên, không ngớt, rầm rập, hiên ngang giữa kinh đô Huế. Tôi nghe người ta nói về những người lãnh đạo Việt Minh. Trong câu chuyện giữa những người học sinh trẻ, tên Tố Hữu đã được nhắc tới nhiều và câu chuyện về anh như nhuốm nhiều màu thần thoại. Một nhà thơ lãnh đạo khởi nghĩa. Trẻ, trẻ lắm. Bé người mà gan góc. Nhiều lần vượt ngục đấy! Cho đến khi tôi được gặp anh ngồi bên cạnh anh Nguyễn Chí Thanh. Anh Nguyễn Chí Thanh trông quá lành. Mà Tố Hữu cũng không như tôi tưởng tượng. Giọng nói của anh dịu dàng, tình cảm. Giọng ngâm thơ anh hơi buồn buồn. Một người Huế. Anh lập ra nhóm "Xây dựng" để tạo điều kiện cho một số nhà thơ, nhà văn chúng tôi làm quen với thực tế mới. Anh săn sóc rất tỉ mỉ đến đời sống tinh thần, tình cảm và vật chất của mỗi chúng tôi. Anh rất hiền lành giữa chúng tôi..., đâu phải như câu chuyện thần thoại của học sinh, đâu phải như kiểu người thép mà tôi tưởng tượng. Nhưng vẫn là thép đấy, chất thép của anh. Sau này đọc thơ anh nhiều, tiếp xúc anh nhiều, tôi lại càng hiểu cái chất thép ấy trong thơ anh, trong người anh.
Cho kẻ thù của dân tộc, của giai cấp, anh đã dành những chữ đanh thép nhất. Không những thế, anh xem thường chúng, khinh, tởm chúng. "Đứng trên đầu thù" chính là những chữ của anh!
Vần thơ của anh không bao giờ chệch cái hướng duy nhất ấy: phục vụ chính trị. Anh không nhân nhượng với bất kì một sự buông lơi nào về nguyên tắc, một biểu hiện nào xa rời sự sống, xa rời thực tế, xa rời đường lối của Đảng. Cái "đảng tính" đó không phải chỉ thể hiện qua một vài câu, một vài chữ, một vài hình tượng, mà trong toàn bộ thơ anh. Một bài thơ nhỏ của anh cũng tự nó có một xương sống vững chắc. Không những anh tự rèn cho mình chất thép cần thiết, mà đối với những người đi sau anh trên sự nghiệp văn thơ cách mạng, anh cũng tạo mọi điều kiện để cho những người đó cũng có thể luyện được chất thép đó. Trên cương vị người lãnh đạo công tác tư tưởng của Trung ương Đảng, anh luôn luôn nhắc nhở. Không chỉ nhắc nhở bằng những biện pháp thực tế, anh đã tạo cho anh chị em văn nghệ sĩ những điều kiện lao vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất, nóng bỏng nhất. Những năm gần đây có được một số tác phẩm tốt về miền Nam, chính là vì đã có những bạn trẻ không ngại hi sinh gian khổ, đã cắm mình ở những nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Cũng chính anh lại là người luôn luôn nhắc nhở anh chị em văn nghệ miền Bắc đi vào, bám sát những nơi điển hình tiên tiến xã hội chủ nghĩa. Trong một cuộc trao đổi với các giáo viên văn học ở Thủ đô năm 1963, anh có nói: thơ anh trước Cách mạng có không ít những khuyết điểm về tư tưởng cũng như nghệ thuật, nhiều biểu hiện tiểu tư sản trong cảm xúc, trong thế giới quan và nhân sinh quan. Những khuyết điểm ấy tất nhiên là điều không tránh được. Anh nói: "Trong tâm hồn của các anh lúc đó (chỉ chúng tôi, những nhà thơ trong phong trào Thơ mới) tôi tìm thấy những nỗi băn khoăn, đau buồn của những người cùng thế hệ, đòi hỏi tự do, ước mơ hạnh phúc...". Về mặt nào đó, có thể nói anh cũng là một người có gắn bó với phong trào Thơ mới... Nhưng anh khác chúng tôi nhiều. Cũng từ nguồn dân tộc chảy ra, "Thơ mới" chỉ là một dòng thơ tiểu tư sản, còn dòng thơ của anh là dòng thơ của Đảng. Dòng Thơ mới có soi bóng vài hàng cây bên đường, cũng khơi dậy một ngọn gió rì rào... nhưng dòng sông ấy không chảy ra biển cả. "Thơ mới" sau mười năm, bế tắc.
Dòng thơ anh là một dòng thơ trẻ của dân tộc, có trời xanh, có biển cả. Lúc bấy giờ trên báo chí tên anh dường như cô đơn, mà thật ra thơ anh từ ấy đã được nuôi dưỡng trong cái hơi ấm của quần chúng. Dũng cảm biết chừng nào, trẻ trung biết chừng nào, dòng thơ của Đảng! Chúng tôi sau này mỗi lần đọc lại Từ ấy đều từ trong lòng có một sự xa xót về tuổi trẻ của mình, nhưng đồng thời cũng như tắm lại trong một nguồn nước trong trẻo nhất.
Anh nói: "Buổi đầu tiên đến với chủ nghĩa cộng sản, với Đảng, tôi thấy nó như một thiên thần với hào quang lãng mạn và rất nhiều mộng tưởng. Lòng tin đó tất nhiên không phải là sai". Sao có thể là sai? Tuổi trẻ nào chẳng lãng mạn, tuổi trẻ nào lại không có mộng tưởng, nhưng đau đớn! Không phải ai cũng có được cái lãng mạn và mộng tưởng của anh! Nói cho cùng, cách mạng nào, nhất là buổi đầu, lại không dồi dào lãng mạn và mộng tưởng? Điều ấy không hề tước mất tập thơ đầu của anh tính chiến đấu, tính nhân dân, tính lạc quan cách mạng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Đó là lời thơ tin tưởng. Thơ ấy mang chân lí của thời đại. Mặt trời ấy khi đã rọi đến sẽ không bao giờ tắt nữa. Đó vừa là con chim én báo mùa xuân, vừa thực sự là mùa xuân!
Có chính trị vô sản, tất nhiên có văn thơ vô sản. Nhưng anh vừa là một chiến sĩ vừa là một nhà thơ, dưới sự dìu dắt của Đảng, ngay từ khi văn học dân tộc chưa có lối thoát, thì anh đã đặt cho nền văn học ấy những viên đá đầu tiên, vững vàng, chắc chắn. Thơ anh sau này qua mỗi giai đoạn cách mạng, dưới sự dìu dắt của Đảng, lớn lên về mặt tư tưởng và cả về mặt nghệ thuật, về cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm, lại củng cố thêm những nền móng đầu tiên đó của nền văn thơ mới mà lịch sử sẽ đánh giá một cách xứng đáng. Ta có thể nói: Thơ anh trong quá trình hơn ba mươi năm nay đã thể hiện được tư tưởng của Đảng.
Tư tưởng của anh vẫn đi hai chân giữa cuộc sống, toát ra từ những cảm xúc hằng ngày của quần chúng, từ những nỗi vui buồn, nghĩ lo, mong ước của quần chúng. Thơ anh nhiều tính chiến đấu, đầy tính lạc quan cách mạng. Tư tưởng không tách rời khỏi đường lối của Đảng. Tư tưởng đó trở thành xương sống của thơ anh. Có người nói: "Qua mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước, anh có một bài thơ tổng kết". Thật ra là qua mỗi giai đoạn cách mạng, thơ anh lại như khẳng định một tư tưởng của Đảng qua sự tự khẳng định mình.
Tháng 8 năm 1954, Hiệp định Genève vừa kí xong, thơ anh đã khẳng định:
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau
Trời ta chỉ một trên đầu
Tư tưởng anh từ trong đường lối Đảng mà thành hình. Những năm chống Mĩ cứu nước gần đây, khi cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang dốc cả cho miền Nam không kể gì công sức, không kể gì của cải, không kể gì xương máu, thì tư tưởng anh cũng lại từ trong cái thực tế vĩ đại đó mà lấy thịt lấy máu:
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Tư tưởng anh đã thành hình tượng! Chất thép ở trong thơ anh, không phải chỉ thể hiện trong chiến đấu. Căm thù địch ở anh, cũng xuất phát từ lòng thương yêu: thương yêu con người, thương yêu đồng bào, đồng chí, thương yêu dân tộc, giai cấp. Anh là nhà thơ của thương yêu:
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau!
Và tư tưởng ở anh, toả ra trong những nỗi vui buồn của anh, của một con người.
Anh có những nỗi đau lớn của thời đại, của quần chúng, nỗi đau giữa cảnh đất trời xáo động:
Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ
Không quê hương, sương gió tơi bời
Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay.
Câu thơ đã từng làm cho bao nhiêu người phải rơi nước mắt. Nhất là khi nghĩ đến miền Nam, thì nỗi đau của anh tưởng như phá cả lồng ngực:
Ôi đâu phải con tàu! Trái tim ta đó.
Tiếng đập thình thình, muốn vỡ làm đôi!
Ta biết em rất khoẻ, tim ôi
Không khóc đấy.
Nhưng sao mà nóng bỏng
Trong hạnh phúc ngọt ngào hôm nay, lòng anh bỗng thắt lại vì nỗi cay cực mênh mông hôm qua. Thẳm sâu là những nỗi đau như thế! Nỗi đau của mẹ Tơm:
Đốt nén hương thơm, mát dạ
Người Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm giong, nắng biển khơi...
hay cả nỗi đau của nàng Kiều và của người anh hùng đầm trong máu Lệ Chi Viên:
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng...
Anh có những nỗi đau buồn lớn. Anh cũng có những nỗi mừng vui lớn. Không ai nói được như anh nỗi vui của đất nước giải phóng, nỗi vui "Việt Nam Dân chủ Cộng hoà":
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!
Nỗi vui của những con người tự do, những con người được giải phóng và đang tiếp tục sự nghiệp giải phóng đất nước:
Này các chị các anh, đi trên đường có thấy
Nước non mình, đâu cũng đẹp như tranh.
Gương mặt người, ai cũng sáng long lanh
Những đôi mắt trong lành vui ấm lạ!
Những gương mặt như thế đấy, những đôi mắt như thế đấy, trong một cuộc chiến đấu đầy hi sinh và gian khổ. Rồi nỗi vui xây dựng chủ nghĩa xã hội:
Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?
Một "hành khúc" xã hội chủ nghĩa! Cả điệu nhịp của bước chân giòn giã hôm nay và ngày mai của đất nước. Và nỗi vui, nỗi tự hào là nỗi vui và nỗi tự hào vô biên có Bác giữa đất nước, giữa cuộc đời:
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng, ruộng đồng nước non...
Tư tưởng của Tố Hữu toả ra trong nỗi vui, buồn lớn đó của đất nước, của thời đại. Anh không đóng buồng lại, ngồi "làm ra" tư tưởng, nặn ra tư tưởng:
Vì sao ngày một thanh tân?
Vì sao người lại mến thân hơn nhiều?
Vì sao cuộc sống ta yêu,
Mỗi giây mỗi phút, sớm chiều thiết tha?
Vì sao mỗi hạt mưa sa,
Mỗi tia nắng rọi cũng là tình chung?
Xuân vui ca múa mọi vùng,
Bắc Nam đâu cũng anh hùng, vì sao?
Anh chả triết lí, chả làm trí tuệ. Anh chỉ đặt những câu hỏi thế thôi. Ấy thế mà lòng ta suy nghĩ khôn cùng! Tư tưởng ở anh có cái dạng như thế đấy, và ở anh, nghệ thuật không tách khỏi con người. Có lần anh nói: "Chính vì lí tưởng cộng sản, vì sự nghiệp vĩ đại của Đảng mà tôi yêu thơ". Vì thế, thơ anh luôn phục vụ chính trị, phục vụ động viên, tuyên truyền. Trên lĩnh vực này, anh cũng mong được làm trọn trách nhiệm người đày tớ của nhân dân.
Khuất Nguyên viết Li tao, Tư Mã Thiên viết Sử kí, Nguyễn Du viết Truyện Kiều, đâu phải vì muốn lưu danh thiên cổ mà vì đời có sự đau đớn, bất bình, ngọn bút tờ giấy không thể im được! Chúng ta ngày nay viết một câu, hạ một lời cũng chỉ mong được chút bổ ích cho quần chúng. Có lần tôi đưa anh đọc mấy câu tôi viết: "Có văn thơ long lanh như sao đêm, có văn thơ huy hoàng như mặt trời buổi sáng, có văn thơ chất phác, bình dị, trong sáng như nước nguồn chảy ra".
Tôi rất thích hai ý trên vì tôi hằng mơ ước ở trong thời đại này có một Shakespeare hay một Lí Bạch kiểu mới, nhưng hình như anh, anh sợ sự long lanh, sự huy hoàng và anh thoáng đọc qua hai đoạn trên, chỉ đọc to đoạn cuối.
Có lần anh nói: "Văn học cổ điển xã hội chủ nghĩa sẽ mang tính chân thực, bình dị, mộc mạc, trong sáng". Do đó, thơ anh như trực tiếp "vóc" từ sự sống:
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, anh gọi Bác ba lần.
Có sự việc diễn ra như thế, anh lấy lại y nguyên. Ấy thế mà thơ anh lay động cả tâm hồn!
Hỡi người Anh,
Giải phóng quân
Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy.
Tưởng như đó là lời nói của mọi người, ai cũng nhận thấy như thế, mà đó lại là một bức tranh vô cùng chân thực, sinh động và xúc động!
Lại trong bài Mẹ Suốt, có khi anh như chỉ thuật lại y như lời mẹ kể:
Chẳng bằng con gái, con trai.
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...
Bình dị như không có gì, thế mà bên trong như có sức mạnh núi không lay, thành không chuyển! Cái bình dị lớn cũng dễ thấy mà cũng không phải dễ cảm cho hết được. Anh bình dị vì anh muốn thơ anh vào đại chúng. Vì thế, thơ anh có nằm trong những cuốn sổ con của những người chiến sĩ trẻ đang ra tiền tuyến lớn. Ở hậu phương lớn, thơ anh cũng rộn lên. Có lần một đêm giữa cuộc chiến đấu ác liệt ở Quảng Bình, tôi nghe một người thanh niên ở phà sông Gianh ngâm thơ anh. Một lần khác tôi nghe ở Còng (Thanh Hoá), một người mẹ hát ru con thơ anh; ở Bình Đà vừa rồi giữa mùa gặt mười tấn, trên đường ra đồng, tôi nghe có người ngâm khẽ thơ anh. Tôi vào một nhà, trên vách viết to mấy câu thơ anh trích từ bài: Bác ơi!. Sau vụ mùa vẫn ở Bình Đà, tôi nghe từ một cô gái làm "ren" ngâm bài Người con gái Việt Nam.
Thật vậy, nhiều câu thơ anh đã biến thành ca dao. Phần thưởng lớn nhất mà nhân dân đã tặng cho anh đấy. Vừa rồi, anh đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ mới của anh: Bài ca xuân 71. Anh nói nửa đùa nửa thật: một nghị quyết diễn ca. Thật ra những điều anh nói trong thơ rút từ một nghị quyết mới của Trung ương:
Đáng yêu sao những mảnh đất bạc màu Những quả đồi hoang xói lở
Nghe Đảng khuyên bỗng thấy mình giàu Hết tím hoa mua, sẽ trắng mùa hoa sở.
Quả đó là một chủ trương mới của Trung ương về nông nghiệp, nhưng giọng nói của anh ngọt ngào dễ thương, cứ rót vào lòng. Lời nói bình thường bỗng thành câu thơ lạ!
Ngày chúng ta chưa có Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Trung ương quanh Bác họp trong một lán nhỏ ở Việt Bắc bàn việc cứu nước, anh viết:
Lịch sử hôm nay, đầu ngọn thác.
Từ bình dị, câu thơ anh đã đi đến huy hoàng. Vâng, huy hoàng, dầu anh không muốn nghe hai chữ đó. Lại cũng rất nhiều lần, từ bình dị, từ đại chúng, câu thơ anh đã trở nên tế nhị, sâu kín mà táo bạo vô cùng:
Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành!
Người con gái trong thơ đại diện cho người con gái anh hùng Việt Nam ngày nay.
Nỗi đau đớn trên mình người con gái đó, là tất cả nỗi đau đớn của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi lần đọc lại mấy câu thơ đó, trong lòng tôi như có một dư ba gợn mãi không cùng. Vì câu thơ mang tính khái quát cao, có cái này, lẫn cái nọ, có người có mình, có cái cụ thể, lại có cái trừu tượng,...
Sự tế nhị đó đã nâng cao dần khiếu thẩm mĩ của quần chúng.
Trước mắt anh, khi ngồi vào bàn, hình như anh không thấy anh, mà chỉ thấy quần chúng. Người ta nói nhiều về tính dân tộc của thơ anh. Anh không ngại dùng những từ cũ. Từ cũ mà ý mới, tứ mới, điệu mới. Câu thơ anh giàu điệu, giàu vần.
Có lần anh nói: "Mỗi vần thơ phải như một ngón tay cái nhấn mạnh động cả toàn thân".
Thơ anh nhiều phong vị dân gian, giàu âm nhạc, nên dễ vào lòng quần chúng, nhất là quần chúng nông thôn. Nhiều câu thơ trong Truyện Kiều đã biến thành lời ru bên nôi, thì nhiều câu thơ trong Việt Bắc cũng đã biến thành tiếng hát ruộng đồng. Thơ anh dân tộc, dân gian chỉ vì anh muốn nó đại chúng.
"Vì chủ nghĩa cộng sản mà yêu thơ, làm thơ". Thơ anh biến thành một vũ khí tư tưởng, không những vì anh là một chiến sĩ mà chính vì anh là một tâm hồn.
Nghệ thuật và kĩ thuật quyện sâu trong tâm hồn anh. Thơ chỉ là một mặt biểu hiện của tâm hồn anh. Chúng ta đọc thơ anh, luôn luôn cứ phải nghĩ đến người anh, đời anh...
Anh ít động đến những kỉ niệm riêng tư của anh mà ta vẫn thấy anh. Anh luôn luôn thu mình lại, nén mình đi, có khi như lại muốn xoá mình đi, anh sợ sự phô trương, sự cường điệu, sợ sự "làm văn"... Anh chỉ muốn cuộc sống, tấm lòng không trang sức tự lộ ra. Nhưng thật ra cái "riêng" và cái "chung" ở anh hoà vào nhau nhuần nhị. Nhiều bài thơ của anh mang tính khái quát và như có người nói, mang tính "tổng kết". Tổng hợp thì đúng hơn, là vì cái "riêng" biết hoà vào trong cái "chung".
Tôi nhớ một lần, một ngày Tết, tôi đến thăm anh, anh đọc một bài thơ của một người khác. Khi anh đọc đến những kỉ niệm riêng của tác giả, anh chỉ muốn đọc thầm.
Trong bài Theo chân Bác có lần anh nói với tôi: "Anh chỉ muốn làm một người ghi chép, người làm sử!". Nhưng rồi những trang sử đó về Bác dầu muốn, dầu không đã là một bài thơ lớn của anh. Kể đến chỗ Bác trở về biên giới Tổ quốc, anh hạ hai câu:
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi.
Thật là cả cuộc đời Bác... Nhưng rồi cái "vị" của cách nghĩ, cái điệu của ngôn ngữ, cái bóng của hồn anh cũng đã xuất hiện. Điều ấy có lẽ cũng hoàn toàn bất ngờ đối với anh.
Thơ anh cũng như người anh, tất nhiên cũng không tránh khỏi những thiếu sót.
Ấy là những lúc lí trí anh quá tỉnh. Thật ra thơ anh cũng có lúc mê. Nhưng nhiều lúc anh đã bỏ mất cái hồn nhiên của đứa trẻ. Nhà thơ nào suốt đời chẳng là một đứa trẻ? Thơ anh được tuyển nhiều vào sách giáo khoa. Qua thơ anh, tuổi trẻ đã thấm sâu tình yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Bác, yêu Đảng. Nhưng thơ anh chưa chú ý nhiều đến những tình cảm bình thường của con người. Một cảnh đẹp như Vịnh Hạ Long, nơi anh từng đi qua, không để một vang bóng nào trong thơ anh.
Anh có độc giả tha thiết nhất là tuổi hai mươi, anh đã làm cho họ say với cái say mê lớn, vui cái vui lớn, đau cái đau lớn, nhưng anh là người thích thơ tình của Petofi hay của Simonov mà anh chưa có trọn một bài thơ về tình yêu.
Cách mạng chiếm cả lòng say mê của anh, như thế anh càng nên dành phần thích đáng cho tình yêu vốn cũng là một tiếng nói rất thời đại. Lí tưởng và tình yêu phải được quyện kết vào nhau thành một bài học đẹp của tuổi trẻ.
Về sự nghiệp chống đế quốc, thơ anh đã là một bản hùng ca. Về sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, thơ anh cũng đã là một tiếng hát hoan hỉ tràn ngập tin yêu nhưng cũng phải nhận rằng: thơ anh chưa có cái chất dẻo của cuộc đấu tranh quyết liệt, gian khổ đang diễn ra trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữa cái "mới" và cái "cũ", chưa phản ánh được những đợt sóng lao xao đang tác động hằng ngày trong đời sống quần chúng.
Có thể mỗi nhà thơ có một sở trường riêng. Nhưng cách mạng có quyền đòi hỏi ở nhà thơ nhiều hơn nhà thơ nghĩ.
Anh vừa là người hướng dẫn, đồng thời cũng là người bạn đồng hành của tuổi hai mươi trong thơ văn. Anh còn dồi dào sức trẻ để tự vượt mình cao hơn nữa. Từ ấy là niềm tự hào chung của chúng ta. Với Việt Bắc, Gió lộng, ta mừng anh đã lớn dần, lớn mãi trong tư tưởng Đảng.
Sau Theo chân Bác, ta có quyền đợi ở anh một sức thơ trẻ hơn nữa, táo bạo hơn nữa!
(Báo Văn nghệ, số 381, 29 - 11 - 1971)