Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu

- Vũ Cao

Gần đây, tôi được sống trong một nông trường ở một khu rừng núi hẻo lánh. Bộ đội có, học sinh có, nông dân, thanh niên, đủ cả. Đêm rừng thường là rất vắng lặng, chỉ nghe gió và hoẵng kêu. Có một anh công nhân nông trường rất trẻ, vào khoảng mười chín tuổi, đêm anh ta nằm gần tôi và đêm nào trước khi ngủ, anh ta cũng lẩm rẩm ngâm mấy câu thơ:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.

Đêm đầu, tôi không để ý lắm. Nhưng rồi đêm thứ hai, thứ ba, thứ tư, anh ta vẫn cứ ngâm như vậy. Giọng ngâm của anh rất vụng, nhưng nghe vẫn rất đầm ấm và càng nghe tôi càng cảm thấy cái say sưa của anh khi anh ngâm thơ Tố Hữu, cũng như cái thú vị của mấy đồng đội nằm nghe anh.

Cho đến một đêm, tôi phải hỏi:

− Anh thích thơ Tố Hữu lắm à?

Anh ta đáp:

− Thích chứ! Mua được quyển nào là bị mượn mất rồi biến luôn. Nhớ câu nào ngâm câu ấy.

Tôi tò mò hỏi thêm:

− Sao anh thích?

Anh ta khẽ cười:

− Thanh niên ra đi làm nông trường, đi xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa thì phải thích thơ Tố Hữu chứ!

Ngừng một lát, anh ta tiếp:

− Anh tính trên cái rẻo cao này đôi lúc cũng thấy vắng vẻ quá đấy anh ạ…

Tất nhiên anh ta không giải đáp được các câu hỏi của tôi một cách đầy đủ, nhưng giọng nói chân thật của anh không thể không khiến tôi suy nghĩ.

Tôi nhớ lại cách đây hai mươi năm…

Hồi ấy, vào khoảng năm 1942, tôi đang là một anh học trò cũng ít tuổi như anh thanh niên nông trường kia bây giờ. Nhưng tất nhiên tôi không thể là một anh thanh niên lạc quan và trẻ như anh bây giờ. Tôi ốm yếu, già cỗi như một số bạn cùng tuổi tôi hồi ấy, không biết đi những đâu, không biết làm những gì,…

Một hôm, tôi tới nhà một anh bạn ở Lò Chum, Thanh Hoá, một nơi sản xuất các thứ đồ dùng bằng sành. Căn buồng tôi nằm là một gian gác rất đặc biệt, vuông và nhỏ như cái chuồng chim, tường lại bằng tiểu sành, những chiếc tiểu sành vỡ hoặc nung hỏng nên chỉ còn dùng để xếp lên nhau làm thành tường. Ngày ngày những chiếc tiểu sành ấy ám ảnh tôi dữ. Đã buồn lại càng buồn: tôi như nằm ở giữa sự chết chóc, thời gian càng thêm nặng nề đằng đẵng. Anh bạn tôi tìm các thứ sách cho tôi đọc. Nhiều sách mới lắm, hay lắm. Nhưng những trang sách ấy cũng chỉ có thể lay động tâm hồn tôi một cách yếu ớt. Trong đầu tôi vẫn còn nặng những tảng mây u ám của những cái gì kia, của những bài thơ, của những cuốn sách tối tăm nào khác kia… Cho đến một hôm, anh bạn tôi nằm bên tôi bỗng đọc lên vài đoạn thơ, những câu thơ nghe rất gần gũi và có một sức kích động lạ thường. Tôi vừa nằm nghe vừa nhìn vào cái ánh nắng từ ngoài trời chui qua những kẽ hở của bức tường tiểu sành rọi vào trong nhà. Tôi hỏi:

− Thơ ai vậy?

Anh bạn tôi khẽ đáp:

− Tố Hữu.

Cái tên Tố Hữu tôi cũng đã được nghe nói đến đôi ba lần, nhưng lúc này thơ anh và tên của anh bỗng vang lên trong lòng tôi rất đẹp. Tôi biết Tố Hữu là người làm cộng sản, lại làm thơ. Cộng sản, thơ, thơ, cộng sản. Lí tưởng biết bao nhiêu! Tôi cứ nằm mà cố hình dung ra cái dáng của một người vừa cộng sản vừa làm thơ như Tố Hữu xem như thế nào… Tôi lại hỏi:

− Thế Tố Hữu bây giờ ở đâu?

Anh bạn tôi nghĩ ngợi một lát mới trả lời:

− Ở đâu à, ai mà biết…

Anh bạn tôi chỉ nói đến vậy. Tôi cũng không hỏi gì thêm nữa. Anh ta lại nằm đọc lại mấy đoạn thơ. Và cho đến nay, đã hai mươi năm trời rồi, anh bạn tôi cũng không còn nữa, nhưng tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác buổi ấy, cái cảm giác ấm áp lạ lùng khi tôi nhìn vào cái ánh nắng lọt qua kẽ những chiếc tiểu sành – hình ảnh của sự tàn lụi – bỗng hửng lên một màu rạng rỡ, vui vui…

Tôi kể lại hai mẩu chuyện trên đây, chính là để nói lên một điều: thơ Tố Hữu là thơ của tuổi trẻ. Tôi không muốn nói tuổi trẻ với cái nghĩa đơn thuần là quãng thời gian từ mười tám đôi mươi đến bao nhiêu tuổi. Tuổi trẻ tôi ở đây là sức sống, là lí tưởng của cuộc sống. Cho đến nay ai cũng phải công nhận rằng nhiều người thích và thuộc thơ Tố Hữu, chính vì trước hết, thơ anh luôn luôn nói đến những khát vọng, những tư tưởng tình cảm tốt đẹp nhất, mới mẻ nhất trong đời sống chúng ta.

Đọc Gió lộng, tôi càng thấy thêm đặc điểm ấy của thơ Tố Hữu. So với anh thanh niên nông trường kia và so với bản thân tôi hai mươi năm trước kia thì tôi bây giờ không còn là tuổi thanh niên nữa, nhưng tại sao khi đọc những dòng thơ Gió lộng, tôi vẫn cứ thấy dạt dào vào trong tôi một cái gì sáng lắm, trẻ lắm. Tôi tự bảo: Có lẽ có những lúc nào đó mình bỗng thấy mình có gì cô độc hoặc không may có chuyện gì buồn thì lại càng nên đọc thơ anh…

Vì Tố Hữu cách mạng với Tố Hữu làm thơ là một. Hầu như tất cả những bài thơ của anh từ trước đến nay không có bài nào không nói đến cách mạng. Các mạng là cái cốt của thơ anh.

     Con lớn lên con tìm Cách mạng
     Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
     Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
     Dìu dắt khi con chửa biết gì.

Những câu như thế trong bài Quê mẹ, cảm động và chân thực biết chừng nào! Vẫn là cái hồn của Từ ấy, Việt Bắc. Tưởng như tiếng nói thông thường thốt ra từ một tấm lòng, không cần đắn đo vần điệu.

Hoặc những câu này trong bài Mẹ Tơm:

     Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
     Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.
     Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
     Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?

Nếu không có cái nhìn xa rộng thì viết sao được những câu thơ giản dị và gợi cảm đến thế?

Bài Ba mươi năm đời ta có Đảng cũng vậy, một bài thơ dài mà tôi cho là rất khó viết vì nó có phần phải gò theo thể kể chuyện, tôi vẫn cứ thấy nó truyền được vào tôi cái hơi thở của Tố Hữu. Những câu nghe ra bình thường mà lại rất xúc động:

     Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát
     Trông trời cao mà mát tâm can!
     
Chín năm nắng núi mưa ngàn
     Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau

Cứ kể nói cho thật rõ thật hết cái hay của một bài thơ, của một câu thơ không phải chuyện dễ - cũng như người làm thơ không phải lúc nào cũng trút được hết cảm xúc của mình vào lời thơ. Ở ngòi bút Tố Hữu, một đề tài chính trị, một chuyện thời sự, một vấn đề tư tưởng thường đã chứa đựng dồi dào chất thơ của một nghệ sĩ.

Anh nói về Lê-nin:

     Thành Krem-lin
     Trong đó có Lê-nin
     Có cả đời ta trong đó
     …
     Lê-nin nằm nhắm mắt
     Hơn mọi nhà thơ
     Có lẽ Người đang mải giấc mơ
     Để thấy trước những bước đường lịch sử…

Đâu có phải chỉ nói lên sự ngưỡng mộ của mình đối với Lê-nin một cách trơ trụi tầm thường?

Anh nói về chị Trần Thị Lý:

     Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
     Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
     Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
     Trên mình em đau đớn cả thân cành!
     

     Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
     Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
     Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
     Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Trong Bài ca mùa xuân 1961, anh nói về người xưa:

     Trải qua một cuộc bể dâu
     Câu thơ còn đọng nỗi đau chân tình
     Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
     Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!
     Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
     Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng…

Cũng như anh nói đến đất nước ngày nay trong bài Mẹ Tơm:

     Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
     Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!

Tình yêu đất nước, tình yêu con người đã hun đúc nên cái đẹp trong thơ của anh. Với một lối giản dị, thơ anh thường nói đến những tư tưởng lớn, những tình cảm lớn nghe dường như cao xa những lại rất gần gũi với người đọc, rất gần gũi với những con người luôn luôn khao khát cái hay, cái đẹp cho cuộc đời. Thơ anh rất chiến đấu, rất quần chúng, là ở chỗ đó. Mà tôi nói thơ anh là của tuổi trẻ, cũng ở chỗ đó. Thơ anh truyền thêm sức sống, nâng thêm lòng tin trong chúng ta.

Gió lộng có nhiều bài hay nữa như Thù muôn đời muôn khiếp không tan, Em ơi… Ba Lan…, tôi không kể hết, vì ở đây tôi không làm công việc phân tích toàn bộ tập thơ àm chỉ muốn nói vài ý nghĩ của tôi nhân xem Gió lộng.

Chắc có người sẽ hỏi: vậy thì thơ Tố Hữu có chỗ nào là dở? Tôi nghĩ khó có một nhà thơ nào mà bài thơ nào cũng hay. Riêng thơ Tố Hữu, với nhận xét riêng và yêu cầu ngày càng cao của tôi đói với tài năng của anh, tôi vẫn thấy đôi chỗ anh còn hơi dài lời và đôi bài có đôi nét cũng hơi đơn điệu. Nhưng tôi không chê trách anh nhiều ở chỗ ấy: Rõ ràng qua Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, phong cách thơ anh ngày càng vững; đến cái mức hình như có đôi người đã muốn bắt chước người khác mà lại thành ra thơ được. Cũng có người trách thơ anh ít đề cập đến những chuyện bình thường như chuyện tình yêu chẳng hạn. Không, điều đó cũng tùy ở người làm thơ. Đề tài đâu phải là quyết định. Điều quyết định là ở tư tưởng, ở vốn sống, ở tài năng. Tố Hữu có cách nói của Tố Hữu, cũng như người khác cso cách nói của người khác… Qua mấy chục năm, cách mạng lớn lên, thơ Tố Hữu cũng phơi phới lên theo cách mạng. Ngòi bút anh càng già dặn bao nhiêu thì thơ anh lại càng trẻ ra bấy nhiêu, tiếng thơ của anh càng đậm đà, càng sảng khoái bấy nhiêu.

Cách đây hai mươi năm, thơ Tố Hữu đã có lúc rọi vào tâm hồn tôi như một ánh nắng kì lạ. Cách đây hai mươi năm, anh bạn tôi đã có lúc phải giới thiệu thơ Tố Hữu cho một minh tôi. Nhưng bây giờ đây tôi có viết bài nói về thơ Tố Hữu thù cũng không phải để giới thiệu thơ anh với ai nữa. Thơ của anh đã tìm đến tấm lòng của rất nhiều con người như anh bạn thanh niên nông trường mười chín tuổi kia… Tôi nghe có người muốn so sánh Tố Hữu với một nhà thơ lớn nào của nước ta. Tôi nghĩ đêm so một nghệ sĩ này với một nghệ sĩ kia cũng là điều khó. Đường thơ của Tố Hữu còn dài. Trước mắt tôi, Tố Hữu ngày càng giương cao ngọn cờ thơ của anh, ngọn cờ của người vừa làm cộng sản vừa làm thơ, vừa thơ vừa cộng sản – như cái điều mơ mộng của tôi ngày trước. Sức ta là sức thanh niên. Sức thơ của anh cũng là sức của tuổi trẻ, của nghệ thuật chiến đấu cho tự do và hạnh phúc con người.

2 – 1 – 1962
(Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 2 – 1962)