ĐỌC LẠI TỐ HỮU
Nhiều thập niên trong thế kỉ trước, ở ta, nói đến thơ là nói đến Tố Hữu, thậm chí, chỉ với Tố Hữu là đủ. Rất nhiều cuộc thi tốt nghiệp phổ thông lấy thơ Tố Hữu làm đề bài. Nhiều luận văn, luận án đại học, sau đại học lấy thơ Tố Hữu làm nội dung. Nhiều chuyên luận về Tố Hữu được xuất bản. Những việc ấy hợp lí vì Tố Hữu là nhà thơ tài năng. Nhưng cũng có gì thái quá. Thái quá nên làm mờ cả tính khoa học và sức thuyết phục trong những biểu dương thơ Tố Hữu. Ấy vậy mà trong hơn một thập niên vừa qua, thì thơ Tố Hữu bỗng nhiên vắng hẳn trong dư luận văn chương. Các thầy ở trường đại học cho biết số khoá luận chọn thơ Tố Hữu làm đề tài trở nên hiếm hoi. Đây là kết quả của thay đổi nhận thức xã hội, của chuyển biến thẩm mĩ hay chỉ biểu hiện của thời thượng, của sự mất thăng bằng tâm trí?
Tố Hữu tạ thế đã tám năm. Di sản ông để lại đã định hình trong kho tàng văn chương nước nhà. Hôm nay chúng ta, ít nhiều đã có đủ độ lùi thời gian để bao quát khối di sản văn chương đó. Chúng tôi xin được đọc ông như đọc Tản Đà, đọc Tú Xương, Nguyễn Khuyến, đọc Lê Thánh Tông, đọc Mãn Giác thiền sư. Thành kính, trân trọng và công bằng, khoa học.
Nếu nói: Tố Hữu may mắn gặp lí tưởng cộng sản và tổ chức Đảng, nên từ năng khiếu thi ca, ông đã thành con chim đầu đàn của văn học cách mạng. Thì cũng có thể nói: thật may cho Đảng, trong buổi khai sơn phá thạch ấy, đã có dưới cờ một thi sĩ chân tài làm nòng cốt cho cả nền thơ cách mạng chưa từng có tiền lệ ở xứ mình.
Cái tài lớn nhất ở chàng thanh niên thi sĩ này là sự say đắm, và cường độ say đắm. Say đắm như một bản năng. Đó cũng là sản phẩm chất chiến sĩ, phẩm chất nhà cách mạng. Say lí tưởng, say hành động và sẵn sàng chấp nhận:
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Và:
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Một tiếng chim tu hú rơi giữa phòng giam trưa mùa hạ, lòng ông bừng bừng như trong cơn sốt. Chất thơ ập đến của một cơn say. Cơn say xé nhà giam của một thân tù:
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Chất cảm xúc ấy là một nốt đàn mới trong thơ Việt hồi ấy. Nó khác với lối thơ nghĩa khí, dùng ước lệ giãi bày trung nghĩa của cổ nhân, nó đã mang hơi hướng những khát khao cá thể, nó say đắm trong các chi tiết thực của đời, giản dị, dễ thấy nhưng thật lớn lao. Thơ Xiềng xích, Máu lửa của Tố Hữu thời Từ ấy làm bằng chính cuộc đời ông: Mười bảy tuổi tham gia hoạt động bí mật, mười chín tuổi bị cầm tù. Địa danh dưới các bài thơ là tên các xà lim, các nhà tù. Thơ tù, nhiều người đã viết. Chí khí, tâm huyết, xúc động lòng người. Nhưng thường là thơ chiến sĩ. Thấy tâm hồn chiến sĩ nhưng ít thấy nghệ thuật thơ.
Thơ tù Tố Hữu là thơ thi sĩ.
Về nghệ thuật, tập Từ ấy có đầy đủ những tương đồng với phong trào Thơ mới. Tương đồng về bút pháp và tương đồng ngay cả việc hướng cảm xúc vào cái Tôi cá thể, vốn là một đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng cái tôi lãng mạn Tố Hữu ngược với cái tôi của Thơ mới. Tố Hữu: “Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ”. Cái tôi Thơ mới: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta/ Ta bỏ đời và đời cũng bỏ ta”. Chính vì vậy, Tố Hữu, là người đầu tiên mang cho thơ Việt Nam một phẩm chất mới: chất trữ tình riêng tư của người hành động. Ở đây có sự hoà trộn của đời công và đời tư. Cái riêng tư của nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu là sự nghiệp Cách mạng. Tố Hữu đã tự bình: “Nói có vẻ to chuyện nhưng thực là thế đấy!”
Tố Hữu rất tinh tế nắm bắt cảm giác, tinh tế như các nhà thơ tài năng của phong trào Thơ mới khi diễn đạt những biến động thầm kín của tình cảm con người. “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”. Người tù thi sĩ đo chiều sâu một trưa tù bằng lòng thương nhớ và đổ đầy hiu quạnh vào trong một giọng hò. Ông ngang tầm tinh xảo với một kiện tướng Thơ mới, cũng một trưa thương nhớ: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Ấy ai đàn lẻ để tơ chùng/ Ấy ai tiễn biệt nơi xa ấy/ Xui bước chân đây cũng ngại ngùng”. Có đêm, trong xà lim, đôi tai người tù nghe như lọc ra từ những âm thanh quen của đời mà đụng đến cõi sâu của hồn người: “Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh/ Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về”. Chi tiết thật và cũng đầy bí ẩn như tiếng xạc xào của lá khô dưới chân nai mảnh dẻ từ cánh rừng xa mơ hồ trong Thơ mới. Có thể nói, những thành tựu bút pháp mà thơ ca công khai thời ấy đạt được, đều tìm thấy trong thơ tù Từ ấy. Xuân Diệu từng than phiền bạn đọc hay nhầm những chữ mới đang động cựa của ông thành những chữ cũ bẹp dí trên trang giấy “Bữa trước riêng hai dưới nắng đào”. Nghĩa là có riêng hai người thì lại nhầm thành tháng giêng, tháng hai Bữa trước giêng hai… Tố Hữu cũng than thở: “Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường” thì lại thành mấy đêm trường. Ông muốn tính đường vượt ngục bằng đêm, chứ đêm trường, đêm đoản thì tác động gì ở đây, đã muốn xa nhà tù cho nhanh thì đêm chạy hoá ngắn chứ, sao lại trường, “Người đi quấn áo chen chân” là viết theo tiểu đối tả đường đông người thì lại in sai thành “quần áo chen chân”. Quần áo làm gì có chân mà chen! Tố Hữu sử dụng những thành tựu thời Thơ mới vào một hướng cảm xúc khác, một nội dung tư tưởng khác rất nhuần nhuyễn. Hơn thế, ông còn góp thêm khá nhiều vào thành tựu nghệ thuật thơ thời ấy. Ông tạo những hiệu quả bất ngờ từ ngôn ngữ, hình ảnh thơ thật bình dị. Một ví dụ: con thuyền in bóng trên mặt nước sông Hương. In đối xứng từng chữ một, chỉ trừ chữ trời thì in lên chữ nước ở chỗ tiếp giáp hai mảnh hình ảnh:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
Hình ảnh bóng giống hệt hình thực chứng tỏ mặt nước dòng sông Hương yên tĩnh lắm. Mặt sông yên tĩnh, mơ mộng nhưng đời cô gái trên sông lại đầy bão gió. Cái nghịch lí nằm ngoài chữ của bài thơ đã được kí gửi vào sáu câu thơ ngỡ như chỉ để tả này.
Cái âm điệu mà các tác giả Thơ mới mang vào tiếng Việt tạo nên sức gợi cảm gần như là thần bí cũng ẩn hiện trong bút pháp Tố Hữu. Đây, cảnh một chiều rừng Tây Nguyên, tội tù. Âm điệu đã trở thành tâm trạng:
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai?
“Chim chiều chiu chít”: bao nhiêu bù trì thương sót trong bốn chữ ch ấy.
Những kĩ xảo thơ của Từ ấy có thể vốc lên hàng vốc. Nhưng điều làm nên giá trị của tập thơ lại là phẩm chất lí tưởng, ý chí quả cảm, tinh thần hi sinh của người thanh niên yêu nước Tố Hữu. Nước mất thì dù ở quốc gia nào, thời cuộc nào, phẩm chất hàng đầu của công dân là hi sinh cứu nước. Tố Hữu khi chưa đầy hai mươi tuổi ước ngyện:
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi!
Thơ Tố Hữu được minh chứng bằng đời Tố Hữu. Nhiều phen kề bên cái chết. Có phút cũng yếu lòng. Âm thầm tự đấu tranh để vượt qua. Bài Con cá, chột nưa là một ví dụ. Bài ấy không nhiều tài thơ. Nhưng tôi đã nghe Tố Hữu dặn: “Bài ấy, sau này, các cậu có làm tuyển cho mình, đừng bỏ!”. Tôi hiểu đó là một kỉ niệm, một thử thách, không quên của đời ông. Ông còn tựa vào nó trong nhiều chặng sau này của đời mình.
Nhớ lại thi đàn Việt Nam những ngày đầu Cách mạng ấy sẽ thấy Từ ấy quả là một mùa gặt bội thu. Với Từ ấy, Tố Hữu thắp cho cả nhà văn lẫn bạn đọc, niềm tin vào đường lối văn học Cách mạng. Với Từ ấy, Tố Hữu khẳng định phẩm chất thẩm mĩ mới của thơ Việt Nam.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thơ Tố Hữu với các bài Cá nước, Phá đường, Bầm ơi,… cùng với thơ bộ đội mà hồi đó người ta gọi là thơ đội viên đã trở thành một gợi ý có sức thuyết phục các nhà Thơ mới cách tìm thơ trong đời sống rộng lớn, đưa thơ vào tình cảm của hàng triệu người lao động ít học nhưng đang giữ vai trò lay chuyển cả xã hội. Xuân Diệu khi đọc Cá nước, Phá đường,… đã kinh ngạc về chất thơ có phẩm chất kép là bình dị mà sâu sắc. Ông tự chê mình chỉ quen với hoa cắm trong bình mà lại bộp chộp khi đứng giữa bạt ngàn hoa rừng cỏ nội. Tôi tin lời Xuân Diệu, vì tôi đã thấy ông trầy trật làm thơ về chuyện phá đường:
Hố xẻ thưa mau nhìn tựa phím
Những dây thép nói tựa dây đàn
Sỏi đá lộn vòng lăn chúm chím
Hố đào trên đường cản xe cơ giới giặc trông như những phím đen trên chiếc cần đàn mà dây đàn là dây tê lê phôn (Xuân Diệu Việt hoá là “dây thép nói”). Và để tả niềm vui đời sống kháng chiến, ông cho sỏi đá cũng cười khi đang lộn vòng dưới bánh xe đạp của ông. Sau này ông cũng tự phê là vui gượng, đã lộn vòng thì nó nhe răng chứ đâu phải nó cười! Tố Hữu thì cứ thanh thản, hồn nhiên: “Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ/ Thằng Tây mà cứ vẩn vơ/ Có hố này chờ chôn sống mày đây”. Đúng cách nói, cách nhìn của bà nông dân vừa bước ra từ lớp bình dân học vụ. Cái vần lưng trong câu thơ này là một bước chuyển về đại chúng khá rõ của thơ kháng chiến chống Pháp. Không phải chỉ Xuân Diệu, cả lớp kiện tướng tài năng của phong trào Thơ mới đều đang loay hoay chuyển hướng để chinh phục chất trữ tình mới. Lưu Trọng Lư ngơ ngác con nai vàng thuở nào, giờ đây: “Xục xịch xục xịch/ Tôi phát động lực/ Ở xưởng Thai Thân”. Đó là lời cái máy nổ mà ông đang nhập thân. Tế Hanh tả lớp học bình dân, công tác ông phụ trách: Anh này chữ viết như cua và Chị này trí não đâu đâu/ Học đuôi quên đầu chưa thuộc vần môi. Chế Lan Viên thể nghiệm đủ thứ để cuối cuộc kháng chiến hình thành tập thơ mỏng Gửi các anh. Huy Cận thì bí hẳn. Chất thơ chân mộc của những Cá nước, Phá đường, Bầm ơi đã là những gợi ý của người trong cuộc, có sức thuyết phục người trong nghề.
Tập thơ Việt Bắc đã thành tiếng hát của toàn dân kháng chiến. Lời thơ bình dị, gần với lời ăn tiếng nói của công nông binh đánh giặc. Với Việt Bắc, Tố Hữu đã đi từ tâm tình cá thể đến tâm tình cộng đồng. Nhà thơ phát hiện và biểu dương những tình cảm cao cả của người dân thường. Chủ đề của thơ là lòng yêu nước. Đề tài thơ là cuộc sống đánh giặc. Tác động của thơ là xây dựng tình cảm kháng chiến. Với Việt Bắc, hình ảnh người dân thường được khắc hoạ và trở thành biểu tượng mĩ học cho một giai đoạn thơ ca.
Cũng phải nói tới đôi bài thất bại của Tố Hữu ở chặng sáng tác này.
Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. “Sông Đà, Sông Lô, sông Hồng, sông Chảy/ Nào đâu thác nhảy cho điện quay chiều”. Tập thơ Gió lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: “Gió lộng đường khơi rộng đất trời”. Thời kì này, thơ Tố Hữu cũng lộng gió, gió của tâm hồn và sức bay cao của nghệ thuật. Thơ Tố Hữu ôm trùm hiện thực bề thế và nghệ thuật thơ, theo ý chúng tôi, cũng ở vào điểm đỉnh nhuần nhuyễn của đời ông. Với Em ơi… Ba Lan…, Mẹ Tơm, Người con gái Việt Nam, Tiếng chổi tre,… thơ Tố Hữu lúc này trở thành một động lực tinh thần, tác động tới đời sống xã hội rộng lớn.
Ra trận là tập thơ kháng chiến chống Mĩ. Ông vẫn giữ được giọng thơ đằm thắm. Đề tài mở rộng như đánh dấu những sự kiện chính trị, quân sự của đất nước. Có Lá thư Bến Tre, có lời dặn của anh Trỗi, có kỉ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, có ngọn lửa Morrison, có nước mắt khóc Bác Hồ,… Tố Hữu có khuynh hướng khái quát thời đại. Ông hướng tới những tình cảm phổ quát, cộng hưởng được với nhiều lòng người nên tính riêng tư cá thể và chi tiết đời sống cụ thể có vơi hụt ít nhiều. Bù lại, tài phát hiện chất thơ trong những vấn đề chính trị là một đặc sắc của Tố Hữu. Sau ba câu “Hồ Chí Minh muôn năm” của Nguyễn Văn Trỗi trước cọc hành hình, Tố Hữu hạ một câu thơ trầm: “Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần”. Một chữ “gọi” ở phút giây thiêng ấy đã biến khẩu hiệu thành nỗi xúc động chạm tới gan ruột. Bài Mẹ Suốt là hình ảnh người dân thường còn để nguyên bàn chân đi đất mà đứng lên đài kỉ niệm lịch sử. Ý thơ hàm súc hơn so với Bà má Hậu Giang, và cho thấy một chặng đường phát triển tâm hồn của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Bà má Hậu Giang còn run rẩy lo âu “Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt/ Má già run, trán toát mồ hôi”, thì mẹ Suốt tự chủ, tự tin “Tây kia ta đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua”. Tính biểu tượng được đẩy cao hơn mà bài thơ vẫn giữ nét sinh động vốn có của đời sống là nhờ những chi tiết thuộc tính cách hai bà mẹ gắn với hai thời đại. Phẩm chất nhân dân trong thơ Tố Hữu sâu sắc và biện chứng hơn. Thể thơ dân gian của bài rất hợp với tính cách bà mẹ lái đò. Cùng thời điểm đó (tháng 11 năm 1965) bài Ê-mi-ly, con… có bút pháp khác hẳn. Câu thơ ngắn dài, nhiều âm điệu như bước đi lưu luyến, như lời dặn ân cần, gọn chắc và hàm súc của người sắp hi sinh vì nghĩa lớn nhân loại.
Sau giai đoạn này, Tố Hữu ít bài trội. Thơ ông thiên dần về ý tưởng, chi tiết thường ước lệ, mất đi vẻ tươi xanh của sự sống “Anh chị em ơi/ Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68”. Chữ to nhưng ít gợi cảm. Nhà thơ nói vậy thì độc giả biết vậy chứ không vào cảm xúc. Bài thơ dài Nước non ngàn dặm, nhiều sáng tạo câu thơ: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” nhưng toàn bài bằng phẳng trong hơi thở kể chuyện. Những chi tiết sống, tươi, như gồ lên “Vài chàng lính trẻ măng tơ/ Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi” quá ít. Tập thơ Một tiếng đờn, Tố Hữu trở về bút pháp nội tâm, rất gần với thời kì Từ ấy. Một sự tự đấu tranh: “Mới bảy mươi sao đã gọi già”. Bút pháp không tung hoành hào sảng mà trầm xuống trong chiêm nghiệm. Phẩm chất phấn đấu nội tâm vốn có của Tố Hữu từ Con cá, chột nưa hình như vẫn nguyên vẹn. Cuộc đời không phải lúc nào cũng ở thế thuận. Tố Hữu lấy niềm tin, lấy kinh nghiệm sống của đời mình mà nhìn hiện tại “Nắng tự lòng ta cứ ấm dần”. Ông buồn vì bài Tiếng hát sông Hương bị đưa ra khỏi sách giáo khoa mà không phải tại nó, tại các nhà quản lí để sông Hương nhiều trở lại những cô gái trên sông. Bài thơ thành tiên đoán sai. Ông buồn hơn một nỗi buồn thơ. Nhưng không nản. Dù có phải làm lại từ đầu, ông sẵn sàng, không đầu hàng hoàn cảnh. Trong cái bình đạm của giọng thơ, có sức rắn lại của ý chí “Ta lại đi, như từ ấy ra đi”. Đôi khi tôi tưởng ông đã chạm tới một điều gì riêng tư của tuổi cuối đời nhìn lại “Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn”. Nhưng không. Cuối bài thơ, đã dậy tiếng kèn của thế trận lòng ta. Đây có thể là một thất thiệt cho phẩm chất trữ tình của thơ nhưng lại là tầm lớn của ý chí Tố Hữu. Tôi đã nghe ông nói: “Các cậu nên coi mình là nhà thơ nghiệp dư. Mình làm cách mạng chuyên nghiệp và thơ chỉ nghiệp dư. Trước cách mạng mình làm thơ để giác ngộ, tuyên truyền cách mạng. Sau đó làm thơ để phổ biến chủ trương chính sách. Có được làm thơ cho mình đâu. Thơ tình ít là thế. Trong kháng chiến chống Pháp mình đang tuổi thanh niên đấy, tuổi viết thơ tình đấy. Nhưng thấy bao nhiêu người xa vợ con đi kháng chiến, viết thơ tình yêu nó không nỡ. Chỉ dịch bài Đợi anh về của Xi-mô-nốp vì thấy nó hợp với tình cảnh bao nhiêu người hồi ấy”. Đọc bài Bầm ơi, ông viết trong kháng chiến chống Pháp, tôi phát hiện: anh bộ đội khi xa mẹ, không thể nói: xa mẹ, con có khối mẹ khác (nguyên văn: Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm). Nhưng sao một nhà thơ tinh tế vào bậc nhất của nền thơ lại viết thế. Chỉ có thể giải thích rằng: ông nhà thơ của tình mẹ con muôn thuở đã tự nguyện nhường chỗ cho ông tuyên huấn của việc xây dựng tình cảm quân dân, của phong trào mẹ chiến sĩ, vốn đang rất cần cho cuộc kháng chiến. Tố Hữu hẳn thừa biết những thiệt thòi về phẩm chất thơ, nhưng ông chấp nhận. Chiếu lên câu nói tếu táo của Tố Hữu, có thể ông đã hi sinh thơ để làm công tác vận động kháng chiến. Ông đã chọn con đường của Phan Bội Châu “Lập thân tối hạ thị văn chương”, của Hồ Chí Minh “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.
Và đó chính lại là tầm lớn của tâm hồn Tố Hữu.
Hà Nội, ngày 3 – 10 – 2010