Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
- Hoàng Trung Thông
Cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc là cuộc phê bình rộng lớn đầu tiên trong phong trào văn nghệ nước ta. Đã mấy tháng nay trong trường học, trong xí nghiệp, trong đơn vị bộ đội, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra sôi nổi về thơ Tố Hữu. Hàng trăm bài phê bình từ khắp nơi gửi về báo Nhân Dân và báo Văn nghệ. Đã đến lúc chúng ta có thể rút ra những nhận định chính về tập thơ Việt Bắc đồng thời đánh giá những ưu khuyết điểm của cuộc phê bình vừa qua.
I
NHẬN ĐỊNH VỀ TẬP THƠ VIỆT BẮC
Yêu nước trên cơ sở giai cấp
Lòng yêu nước là tình cảm nổi bật trong thơ Tố Hữu ngót hai chục năm nay từ khi anh mới bước chân vào con đường cách mạng và con đường thơ ca.
Trong tập thơ Việt Bắc, lòng yêu nước mạnh mẽ đó có những phát triển mới. Đó là giai đoạn thơ Tố Hữu đi sâu vào đời sống thực của quần chúng lao động. Lòng yêu nước trong thơ anh có một nội dung giai cấp rõ rệt.
Nhận định này về căn bản trái ngược với ý kiến một số bài phê bình cho rằng bản chất thơ Tố Hữu là bản chất tiểu tư sản cách mạng, chủ nghĩa ái quốc trong tập thơ Việt Bắc là chủ nghĩa ái quốc lãng mạn tiểu tư sản.
Đấy là điểm mấu chốt của bao nhiêu ý kiến khác nhau. Con người mới hay không mới, thực hay không thực, tình cảm yếu đuối hay lành mạnh, tư tưởng sai hay đúng, tất cả bấy nhiêu vấn đề của một số bài phê bình nêu ra đều xoay xung quanh vấn đề lập trường giai cấp.
Qua tập thơ Việt Bắc, ta nhận thấy rõ lòng yêu nước và lòng yêu nhân dân là một.
Lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu trước hết là lòng yêu những người lao động và chiến đấu của đất nước. Hầu hết những nhân vật được biểu hiện lên trong tập thơ đều là những người nông dân lao động, từ anh bộ đội nghỉ chân trên lưng đèo Nhe, anh pháo binh vác voi ra trận, bà mẹ trên nhà sàn Việt Bắc đến bà bủ nằm ổ chuối khô, hay chị phụ nữ phá đường. Ngay từ đầu kháng chiến, trong khối toàn dân đoàn kết giết giặc Tố Hữu đã nhận rõ nông dân là lực lượng trụ cột. Anh đem hết nhiệt tình biểu hiện họ lên thành những nhân vật chủ yếu của thơ anh.
Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo. Tình cảm của nhân vật thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực.
Người bộ đội chiếm một địa vị quan trọng trong tập thơ Việt Bắc chính là người nông dân nghèo khổ:
Bữa đói bữa no Chạy ăn chẳng đủ Ngày hai bát ngô Lên rừng đào củ.
Vào bộ đội được sự rèn luyện của Đảng của giai cấp công nhân những người nông dân mặc áo lính đó chan chứa tình yêu nước, yêu nhân dân. Quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc nhất trí, đời họ gắn chặt với cách mạng và kháng chiến. Từ nhân dân mà ra, họ anh dũng vì nhân dân mà chiến đấu.
Gian khổ bao nhiêu cũng quyết tâm vượt qua. Càng gian khổ càng hăng hái tin tưởng:
Con đường gieo neo
Là đường Vệ quốc
Tha hồ đèo dốc
Ta hò ta reo!
Chỉ có một quân đội như thế mới lấy thân làm giá súng, lấy người bịt lỗ châu mai anh dũng hi sinh không bờ bến.
Nhưng tình cảm người bộ đội trong thơ Tố Hữu không phải máy móc, một chiều chỉ biết đạn lửa chiến trường, một đi không trở lại. Khi Tố Hữu nói:
Chắc có lúc lòng anh
Nhớ nhà anh nhớ lắm
là Tố Hữu đã thấu hiểu nỗi lòng người chiến sĩ. Tình cảm đó diễn tả sâu sắc trong bài Bầm ơi. Ở đây, tình yêu gia đình, yêu đồng chí, yêu nước đã quyện lấy nhau. Phải chăng đó là "những tình cảm nhỏ bé của những nhân vật bộ đội nhỏ bé" hay chính là những nét tình cảm sâu sắc cao quý của người chiến sĩ Việt Nam đã được biểu hiện rõ rệt trong thơ Tố Hữu.
Những bà mẹ lao động Việt Nam cũng được Tố Hữu biểu hiện lên với lòng kính yêu đằm thắm. Đó là những bà mẹ nông dân nghèo khổ, cần cù, chất phác, thắt lưng buộc bụng nuôi con. Đó là những bà mẹ ở hậu phương lòng luôn luôn hướng về tiền tuyến, theo dõi từng bước chân của những đứa con đi giết giặc. Bà mẹ Việt Bắc, bà bầm, bà bủ, những hình ảnh bà mẹ nông dân nghèo khổ đã được vẽ lên bằng những nét đậm đà không thể nào phai nhạt.
Chính vì biểu hiện lòng yêu nước thiết tha của những người lao động nghèo khổ mà lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu thật vững chắc và có sức rung động mạnh mẽ.
Lòng yêu giai cấp và lòng yêu nước đó kết hợp chặt chẽ trong lòng yêu lãnh tụ. Tố Hữu đã viết nhiều về Hồ Chủ tịch và đã gợi lên những tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với lãnh tụ. Bà mẹ Việt Bắc thiết tha yêu kính Cụ Hồ là vì "Cụ Hồ mở nước, chia thóc cho dân". Anh chiến sĩ Điện Biên ra trận lòng hướng về Bác là vì biết rằng: "Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày". Người dân Hà Nội: "Đêm đêm nhìn ảnh Cụ / Mắt Người nhìn ấm lòng" và:
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi.
Hồ Chủ tịch là quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ, lời của Bác là lời non nước, tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau. Người đã gắn chặt với lòng chị dân công tải đạn, anh thợ máy vàng thuốc pháo và anh chiến sĩ xung kích diệt đồn. Lãnh tụ từ quần chúng mà ra, kết tinh cao nhất trí tuệ thông minh của quần chúng. Ca ngợi lãnh tụ không phải là thần thánh hoá lãnh tụ. Nhưng qua những hình ảnh về lãnh tụ trong bài Sáng tháng Năm ta thấy Tố Hữu mặc dù đã biểu hiện được những tình cảm kính yêu giản dị mà thắm thiết nhưng vẫn gợi ra một cái gì xa cách giữa lãnh tụ và quần chúng.
Lòng yêu nước và yêu giai cấp, yêu lãnh tụ trong thơ Tố Hữu nhất định không thể là lòng yêu nước của giai cấp tiểu tư sản, mà chính là lòng yêu nước của giai cấp công nhân.
Nhưng một số lời phê bình lại cho rằng: lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu căn bản là đúng, "thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm về ý nghĩa chính trị", thơ Tố Hữu "tuyên truyền chính sách tốt" thật, nhưng đó chỉ mới là đề tài, là chính sách, là chính trị. Một người "tiểu tư sản cách mạng" cũng có thể viết đúng về nông dân, về lãnh tụ, về quốc tế... Cũng những người đó nói: Điều quan trọng là phải xét xem cái "hồn thơ" cái "điệu tâm hồn" của thi sĩ đã là của giai cấp chưa"? Đó mới thật là cốt tuỷ của thơ, là chỗ rung động sâu kín nhất mà nhà thơ không thể tự dối mình hay dối người được. Đó mới là sự chân thành của người cầm bút. Thực tế khách quan (chính sách, chính trị) có thể tốt, đúng, nhưng điệu tâm hồn của nhà thơ vẫn có thể yếu đuối, lệch lạc như thường. Điệu tâm hồn mới thật quyết định nội dung tình cảm của nhà thơ.
Mới nghe thì lí luận đó có vẻ tinh tế và cũng dễ xuôi tai. Nhưng đi sâu mới thấy đó là một lí luận chủ quan siêu hình nấp sau những danh từ "hồn thơ", "điệu tâm hồn" rất bóng bẩy, rất kêu, dễ choáng tai, nhưng rất lầm lạc.
Thứ lí luận này đã lấy điệu cảm xúc riêng của mỗi thi sĩ (hừng hực, bừng bừng) thay thế cho lập trường và quan điểm giai cấp. Nó tách rời hiện thực khách quan phản ảnh trong tác phẩm với tình cảm chủ quan của thi sĩ, và coi tình cảm chủ quan là quyết định. Hoàng Cầm cho rằng: "thật khó mà tìm thấy một khuyết điểm về ý nghĩa chính trị trong tập thơ Việt Bắc" nhưng lại cũng cho rằng: "hồn thơ Tố Hữu là hồn thơ yếu đuối".
Chúng ta càng khó hiểu khi Lê Đạt cho rằng thơ Tố Hữu "giải thích chính sách tốt" (tức là nguyện vọng cao nhất của công nông) biểu hiện "chính sách có rung cảm" và "được số đông trong quần chúng hoan nghênh" mà lại là không phải là thơ công nông, chỉ là mức tiểu tư sản cách mạng!
Đối với Hoàng Cầm và Lê Đạt thì có lẽ chính trị, chính sách và thực tế đều chỉ là cái vỏ mà tất cả các thi sĩ đều có thể biểu hiện lên giống nhau. "Điệu tâm hồn" mới thật là tình cảm thực của thi sĩ. Phê bình một nhà thơ chỉ cần tìm hiểu "điệu tâm hồn" của người ấy là đủ. "Điệu tâm hồn" hầu như chẳng có liên quan gì tới tư tưởng chính trị của nhà thơ đó. Mà điệu tâm hồn của Tố Hữu là "rơi rớt nhiều tính chất ngậm ngùi buồn buồn ít hành động". Bản chất thơ Tố Hữu vì thế là bản chất tiểu tư sản cách mạng mặc dù tư tưởng chính trị của Tố Hữu là tốt.
Các bài phê bình đó đã cắt đứt chính sách với tình cảm, lập trường tư tưởng với tâm hồn mà không thấy tâm hồn một nhà thơ cách mạng vốn phải được bồi dưỡng từ tư tưởng chính trị cách mạng.
Từ sai lầm căn bản đó một số bài phê bình càng ngày càng đi xa hơn: Bà mế vừa kể chuyện vừa khóc rưng rưng cũng là tiểu tư sản, cảnh phá đường giữa đêm gió rét trăng lu cũng là tiểu tư sản. Rồi Việt Bắc, Lại về và cả Ta đi tới cũng đều là những cuộc hẹn hò, những lời gặp gỡ, những tình cảm lạc quan tiểu tư sản.
Bản chất tiểu tư sản là gì?
Dù là tiểu tư sản cách mạng đi nữa thì bản chất giai cấp tiểu tư sản vẫn là bấp bênh, dao động, khi thuận chiều thì bốc anh hùng rơm, khi khó khăn thì nghiêng ngả, buồn nản hoài nghi. Cái gốc của nó vẫn là tự do. Chỉ nhìn thấy mình mà không nhìn thấy nhân dân, lấy cái lợi ích của cá nhân mình mà đánh giá cả thế giới.
Phải chăng thơ Tố Hữu chứa đựng bấy nhiêu yếu tố của bản chất tiểu tư sản?
Trái lại, từ căn bản giai cấp công nhân đang lãnh đạo cách mạng, Tố Hữu đã nhìn người nhìn cảnh sâu sắc. Những nét hình ảnh của quê hương đất nước được Tố Hữu biểu hiện lên nhất là trong bài Ta đi tới và Việt Bắc đều mang sức sống mãnh liệt của dân tộc, của những người lao động làm ra lịch sử. Những con người trong tập thơ Việt Bắc đều luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của giai cấp và dân tộc, gắn chặt quyền lợi của giai cấp và dân tộc, đời sống riêng và vận mệnh chung trong một tình cảm tin tưởng và lạc quan cách mạng.
Khi bà bủ nằm nhớ con suy nghĩ:
Năm xưa cơm củ ngon chi
Năm nay cơm gié nhà thì vắng con!
là đã hiểu sự khác nhau giữa hai chế độ cũ và mới mặc dầu nông thôn chưa phát động.
Anh bộ đội ra trận diệt thù:
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
đã hiểu rằng giết giặc cũng là đập tan được một ách nặng đè trên đầu giai cấp.
Đến người mẹ đã nghĩ rằng:
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này ơn ai.
thì ý thức giai cấp đã rõ rệt. Ruộng đất và độc lập gắn chặt vào nhau trong tình cảm người nông dân lao động.
Chính từ căn bản giai cấp đó mà trong toàn bộ tập thơ Việt Bắc toát lên một tinh thần tự hào dân tộc rất cao. Lòng tự hào dân tộc đó biểu hiện sảng khoái nhất trong hai bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên và Ta đi tới. Đó không thể là lòng tự hào của tiểu tư sản mà nhất định là lòng tự hào của một giai cấp đang giữ chắc được đất nước và cầm chắc vận mệnh của mình.
Giai cấp tính và đảng tính trong thơ không phải chỉ là có một số bài thơ nói về công nhân hay về Đảng như Lê Đạt đã hiểu một cách máy móc như vậy. Chúng ta rất yêu cầu các nhà thơ viết về công nhân và về Đảng. Nhưng điều trước tiên, điều cần thiết là tư tưởng tình cảm trong thơ phải có lập trường của giai cấp và của Đảng.
Tố Hữu chưa có một bài thơ về công nhân, nhưng tư tưởng công nhân đã chỉ đạo cho tình cảm thơ ca của Tố Hữu. Tư tưởng công nhân đã soi rọi cho tư tưởng tình cảm của những nhân vật trong thơ Tố Hữu.
Trong tập thơ Việt Bắc thỉnh thoảng còn có một ít tình cảm bùi ngùi (Bao giờ hết giặc), heo hút (Lên Tây Bắc) lạnh lẽo (Những thành phố trụi)... Những tình cảm này một phần nào đã hạn chế bản chất hiện thực của thơ anh, nhưng không thể phủ nhận tập thơ giá trị đó.
Chính sách, sự sống và nghệ thuật
Tố Hữu tha thiết đem nghệ thuật thơ ca phục vụ chính sách của Đảng.
Chính sách không phải là những mệnh lệnh chính trị ngăn cản người chiến sĩ nói lên tình cảm chân thực của mình và thực tế của cuộc sống. Chính sách vừa là lí trí nhưng cũng vừa là tình cảm. Chính sách là đường lối kết tinh lại từ nhiều mặt của cuộc sống.
Nhà thơ không phải tự khép chặt mình trong những khẩu hiệu của chính sách mà biết nhìn thấy chính sách trong cuộc đấu tranh dồi dào và sâu sắc của quần chúng.
Đọc thơ Tố Hữu người ta ít nghĩ đến chính sách nhưng thực tế thì tư tưởng của chính sách, tình cảm của chính sách vào sâu trong chúng ta. Cuộc đời của bà mẹ, hình ảnh chị phá đường hay em bé liên lạc, những cảnh vác voi ra trận hay cuộc chiến đấu anh dũng trên chiến trường đều là những nhân vật sự việc và hình ảnh biểu hiện lên từ sự sống.
Những con người thực việc thực đó đã lần lượt hiện lên trong tập thơ Việt Bắc, có máu có thịt và có suy nghĩ, có tâm hồn. Cuộc sống cơm áo, mồ hôi, nước mắt của quần chúng lao động không còn là những danh từ trừu tượng khô khan, mà đã thành những hình ảnh rất thực. Bàn tay cấy mạ, tiếng hát ru con, ổ chuối khô, vạt áo tứ thân phai bạc, những tiếng nói câu cười, nỗi đau thắt ruột hay niềm tin tưởng vui tươi cùng với những khóm tre, bụi lúa, con đường, gốc đa, tất cả những hình ảnh thực của cuộc sống đã được nhào nặn lại để sáng tạo nên những bài thơ chứa chan tình cảm: Cá nước, Bầm ơi, Phá đường, Lượm. Tố Hữu không từ chính sách suy luận ra nhân vật và sự việc. Anh từ cuộc sống dựng lên những con người, những sự việc tự nó bật lên những tư tưởng, tình cảm có chính sách.
Nhiều bài phê bình đều nói thơ Tố Hữu giàu tình cảm: mến thương và thắm thiết. Giàu tình cảm, thực chất cũng là giàu sự sống.
Ngay cả những bài thơ sau này của Tố Hữu Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Việt Bắc, mà nhiều người cho là những bài thơ có nhiều tư tưởng tính đánh dấu sự lớn lên của thơ Tố Hữu, thì tính chất trữ tình cũng rất mạnh rất sắc. Có thể nói những bài thơ đó mang nhiều tư tưởng tính mà ít sự sống được không? Có thể nói những bài thơ tổng hợp nhiều mặt của sự sống rồi nâng lên trình độ tư tưởng rộng lớn là kém hiện thực hơn những bài thơ nói một góc cạnh của tình cảm hay một mẩu của cuộc đời không? Không nên so sánh như vậy và cũng không nên coi đó là một khuyết điểm của người làm thơ. Vấn đề chính là tìm xem từ trong những bài thơ đó sự sống đã được biểu hiện lên đến mức độ nào, cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của bài thơ cổ bắt nguồn từ thực tế cuộc sống hay không hay chỉ là những khẩu hiệu chính trị.
Thơ trữ tình không phải chỉ gợi lên những tình cảm trong phạm vi đời sống bình thường. Ngày nay trong cuộc đấu tranh chính trị gay gắt chúng ta còn cần có cả những bài thơ thay cho những bài diễn văn bốc lửa. Chúng ta vừa muốn có những bài thơ đi sâu vào một mẩu nhỏ của cuộc sống, chúng ta vừa thèm đọc những bài thơ rộng rãi bao la "có những cái vỗ cánh hùng mạnh của tư tưởng".
Tập thơ Việt Bắc đã có cả hai phương diện đó. Ta vui sướng thấy rằng: Tố Hữu vừa là nhà thơ ca ngâm (chansonnier) lại vừa là nhà thơ hùng biện (poète-tribune) mặc dù ở Tố Hữu phần ca ngâm vẫn là căn bản.
Chúng ta cũng thấy trong một số bài thơ của Tố Hữu sức rung cảm chưa mạnh, tình cảm của nhân vật chưa gắn chặt với thực tế cuộc sống. Người chiến sĩ đi lên Tây Bắc lặng lẽ quá. Hình ảnh anh hiện lên rất đẹp giữa núi rừng. Nhưng tình cảm của anh đối với quê hương đất nước ra sao chưa được nhà thơ biểu hiện. Bước chân nhà thơ vắng vẻ giữa thành phố trụi chưa hoà nhịp được lời ca xây dựng mai sau. Tình cảm của nhà thơ với nỗi lòng người chiến sĩ trong bài Bắn! cũng vẫn còn xa nhau dù hai người cùng đứng bên nòng súng nhằm thẳng vào mặt quân thù. Nhưng trong nhiều bài thơ khác, sự sống và tình cảm, tư tưởng chính trị đã quyện vào nhau trong một bài thơ đến nỗi như có lúc ta không thể phân rõ đó là tiếng nói của nhà thơ hay là tiếng nói cất lên từ sự sống, từ những con người thật: Bà mẹ Việt Bắc, Bầm, Lượm, Phá đường, Việt Bắc... là những bài thơ đạt đến trình độ nhuần nhuyễn đó.
Những bài thơ phản ánh bước chuyển vĩ đại của kháng chiến sau này của Tố Hữu đều là những bài thơ mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống. Thực tế đấu tranh vĩ đại bên ngoài đã xô vào thơ Tố Hữu những luồng sóng lớn. Đó là những bài thơ tổng hợp sự sống trong những nét tình cảm điển hình. Mặc dù nó còn "ít những hình ảnh dựng ngay lên một con người một hành động, một phong cảnh cụ thể đang sống trước mắt chúng ta", nhưng do toàn bộ tư tưởng và tình cảm của nó những bài thơ này đã có một sức rung cảm lớn...
Hình thức dân tộc
Thơ Tố Hữu gần gũi với quần chúng, rung động sâu sắc trong lòng quần chúng vì nội dung tư tưởng tình cảm của nó và một mặt nữa vì ngôn ngữ và nhịp điệu của thơ Tố Hữu nằm trong truyền thống thơ ca của dân tộc.
Cốt cách dân tộc hiện lên rất rõ trong thơ anh. Càng là những bài lấy lời của quần chúng biểu hiện lên tâm trạng và đời sống của quần chúng, Tố Hữu càng chú ý đến thể thơ dân tộc, âm điệu dân tộc (Phá đường, Bà mẹ Việt Bắc, Bầm ơi, Voi, Việt Bắc), và cũng vì vậy tình cảm thơ Tố Hữu càng chan chứa thiết tha, mang được cái giản dị tự nhiên của tâm hồn quần chúng và rất dễ vào quần chúng. Ai đã đọc thơ Tố Hữu, nếu không nhớ cả bài cũng nhớ vài câu. Có những bài thơ đã thành tiếng hát ru em của các mẹ già em nhỏ ở nông thôn. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thơ Tố Hữu vang xa trong những làng xóm nhỏ tít mũi Cà Mau hay những trạm liên lạc xa xôi trên đỉnh núi cực Nam Trung Bộ. Ở các nông thôn Liên khu Bốn, giữa các cuộc nhóm họp cán bộ thường đọc thơ Tố Hữu. Anh du kích ở địch hậu, anh bộ đội ở đồn biên phòng đều coi thơ Tố Hữu là người bạn chiến đấu, người bạn tâm tình.
Tố Hữu thường dùng nhiều nhất là thể thơ lục bát mà câu thơ lục bát của anh rất giàu có. Nó vừa kết hợp được điệu lục bát rất cổ của bình dân: "Nhà em con bế con bồng / Em cũng theo chồng đi phá đường quan" vừa phảng phất lối đối từng vế của những câu thơ cổ điển trong Kiều hay Chinh phụ:
Anh về, cối lại vang rừng
Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân.
Trừ một số câu thơ kém mà nhiều bạn đã trích trong bài Lại về phần lớn là câu thơ lục bát của Tố Hữu đều uyển chuyển. Những câu thơ lục bát hay nhất của Tố Hữu tiếp tục được cái truyền thống của ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam.
Trong những thể thơ bốn chữ, năm chữ Tố Hữu cũng có nhiều sáng tạo. Bà mẹ Việt Bắc, Lượm, Voi, cùng một thể thơ mà mỗi bài có những nhịp điệu khác nhau do sự việc hình ảnh và tình cảm của từng bài quyết định. Đọc những bài thơ đó, ta phảng phất nhớ lại những bài vè kể chuyện của quần
chúng. Nhưng ở đây, Tố Hữu đã phát triển và nâng cao nhịp điệu và ngôn ngữ lên, làm cho những bài thơ đó còn giữ hơi vè mà đã thành thơ phong phú, súc tích.
Những bài thơ của Liên Xô, Nam Tư... đã được Tố Hữu "Việt Nam hoá" thành những bài thơ rất quen thuộc với nhịp điệu tình cảm của nhân dân ta.
Tuy nhiên, hình thức trong những bài Những thành phố trụi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên hãy còn lúng túng chưa ổn định, Tố Hữu muốn phá vỡ thể thơ, uốn cho nhịp thơ rung động theo nhịp tình cảm của mình. Nhưng những bài thơ đó của anh có nhiều chỗ chưa đạt. Chúng ta mong đợi Tố Hữu cố gắng nâng cao hơn nữa tiếng nói và hình thức dân tộc trong thơ anh.
Sự chuyển biến về hình thức nghệ thuật dân tộc biểu hiện rất rõ rệt trong thơ Tố Hữu từ tập Thơ trước Cách mạng tháng Tám đến tập Việt Bắc.
Sự chuyển biến đó chứng tỏ Tố Hữu ngày càng đi sâu vào con đường phục vụ quần chúng, đi sâu vào con đường sáng tạo của thơ ca...
III
KẾT LUẬN
Cuộc thảo luận về tập thơ Việt Bắc đã mang lại cho chúng ta những bài học lớn. Bài học đó là con đường đi của thơ Tố Hữu, con đường phục vụ lợi ích của cách mạng của quần chúng của người làm thơ nói riêng và của những người làm văn học nói chung.
Người làm thơ phải đem hết nhiệt tình đi vào thực tế cuộc sống, biểu hiện lên những tư tưởng tình cảm mới, lên những con người chính yếu của xã hội, những con người lao động và chiến đấu góp phần thúc đẩy cách mạng tiến lên.
Người làm thơ phải nắm vững chính sách của Đảng, lấy ánh sáng của chính sách Đảng soi rọi vào cuộc sống và tình cảm tư tưởng mình.
Người làm thơ phải đi sâu vào truyền thống dân tộc, phát triển và nâng cao tiếng nói và hình thức dân tộc để cho nhịp điệu của thơ mình gần gũi quần chúng, chứa đựng được nội dung tư tưởng tình cảm của thời đại. Và trong khi đi vào phương hướng dân tộc, nhà thơ không phải tự xoá mờ mình đi mà chính là để tạo một cá tính cho mình.
Đó là bài học của tập thơ Việt Bắc, của nhà thơ Tố Hữu mà cũng là con đường hiện thực mà thơ ca Việt Nam đã mạnh mẽ đi theo và sẽ mãi mãi đi trên con đường đó.
8 – 1955
Chặng đường mới của văn học chúng ta,
NXB Văn học H., 1961