Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới

- Lê Đình Kỵ

Máu và hoa tập thơ thứ năm của Tố Hữu đã ra mắt bạn đọc. Một tác phẩm ra đời, vừa là kế tục, vừa là một sự phát triển.

Vẫn cái khí thế thường gặp trong thơ Tố Hữu trước đây, chúng ta lại thấy
Nước non ngàn dặm một dáng tạo hình còn đậm nét hơn nữa:

Trập trùng thác Lửa, thác Chông,
Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà
Thác, bao nhiêu thác cũng qua
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời
                                   (Nước non ngàn dặm)

Thành ngữ nói lên thác xuống ghềnh để chỉ nỗi gian lao, hiểm trở trên một chuyến đi hay cả một đường đời. Ngày nay, người chiến sĩ cách mạng lại thấy thênh thang ngay khi lên thác xuống ghềnh, khi phải trải qua nguy nan vất vả.
Càng về sau, khi sự nghiệp cách mạng tiến lên, thì sự xót thương, tin yêu quần chúng đã thấy có trong Từ ấy nhường chỗ cho lòng kính trọng, khâm phục, mà vẫn mến thương. Qua một bài thơ như Mẹ Suốt, ta thấy rõ điều đó. Nhà thơ xen vào câu chuyện cũng có nghĩa là có sự hoà làm một giữa nhà thơ với nhân vật. Một chi tiết nhỏ nhưng rất có ý nghĩa sau Hiệp định Paris tháng 1 – 1973, nhà thơ đi vào Nam:

      Chú lái trước, anh ngồi sau
Rừng cao su mát một màu lá xanh
     Xe bay, nghiêng gió dạt cành
Đã quen lối tắt, đường quanh hiểm nghèo
     Đến đâu, anh cũng dám theo
Áo bà ba, mũ tai bèo chú em!
                                   (Nước non ngàn dặm)

Dám theo. Cả niềm tin tưởng, tự hào về sức mạnh, về khả năng của quần chúng được gửi trọn trong hai chữ ấy.
Nhà thơ đã nói lên rất đúng cái cảm giác khi đồng bào đồng chí, giữa ngày vui thắng lợi còn không xa nữa, mà vắng Bác:

Gặp nhau, đồng chí đây rồi!
Xôn xao, hết đứng lại ngồi bên nhau
Chuyện nhà, Nam Bắc, trước sau
Mừng ra nước mắt, nén đau lại cười
Phải chi còn Bác vô chơi!
Bỗng nghe cháu nói... đất trời lặng thinh

Đất trời lặng thinh, vì nỗi mất mát vẫn đột ngột khó tin như bao giờ. Lặng đi vì thương Bác, nhưng rồi lại toả ra lao tới. Sau tất cả những lần nghĩ đến Bác đều là như vậy.

Rất nhiều bài thơ của Tố Hữu đã làm sáng tỏ cái chân lí này: Cách mạng là ngày hội lớn của quần chúng. Nhà thơ như lúc nào cũng không tự ngăn được mà phải reo lên: Tổ quốc ơi!... Đất nước ta ơi!... Anh chị em ơi!... Xuân ơi xuân... Thơ ơi thơ... Reo lên như thế, mà ta vẫn không thấy ồn ào, vì đằng sau là mối đồng cảm lớn, là tình yêu đến say mê cuộc sống của chúng ta.
Chỉ một cành hồng trên đất nước những ngày chống Mĩ cũng đủ cho nhà thơ ngẩn ngơ say đắm, ước ao mọi người cùng chia sẻ nỗi niềm của mình.

     Cây hồng như thực như mơ
Khách qua đường những ngẩn ngơ... ghé nhìn,
                                   (Cây hồng)
 
Khách qua đường những ngẩn ngơ – ghé nhìn. Chúng ta cũng đã từng gặp trong thơ Tố Hữu niềm vui đến ngẩn ngơ, đến sững sờ như vậy. Ở bài Giữa ngày xuân:

Tôi muốn hỏi như một chàng thi sĩ
Ngẩn ngơ nhìn bát ngát dải phù sa
Rằng: Đất trời, sông nước bao la
Và xuân đó, người đây, tự bao giờ đẹp vậy?

Ở bài Trên đường thiên lí:

Ta đứng vậy, ngẩn ngơ mà ngắm mãi
Quê hương ta. Nghe phấp phới trong lòng.

Cũng như trong bài Việt Bắc trước kia, ở đây tác giả đã viết nên nhiều câu thơ vào loại hay nhất:

     Anh còn lặn lội đường xa
Sông Hương đành nhớ, chưa qua sông Bồ
     Phù Lai ba bến con đò
Thanh Lương quê ngoại, câu hò còn chăng?
     Êm dòng Thạch Hãn đêm trăng
Những lo ngược gió Tam Giang nặng chèo!

Giọng điệu dân gian, và tiếng địa phương xứ Huế càng khiến bài thơ có ý vị đặc biệt.
Liền sau Hiệp định Paris, nhà thơ viết bài Việt Nam máu và hoa. Thắng lợi vĩ đại... Niềm vui sâu xa còn phải lắng lại, trầm tư:

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.
                             (Việt Nam máu và hoa)

Tưởng không thể viết khác hơn về khí thế chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta, về Trường Sơn:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
                             (Theo chân Bác)
 
Những câu thơ đã biến thành khẩu hiệu viết chữ lớn trên băng, trên tường, trên các tranh áp phích, trên khắp các nẻo đường đất nước, vừa thúc giục lên đường, vừa bắt buộc mọi người phải suy nghĩ, phải nhìn lại mình:

Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
Trường Sơn, vượt núi, băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.
Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình.
                             (Nước non ngàn dặm)

"Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình" – câu thơ càng làm cho những ai đã có dịp chiến đấu ở Trường Sơn thêm phấn khởi tự hào, và những người khác không có cái may mắn đó chắc cũng cảm thấy thiệt thòi, tiếc rẻ, ân hận.
Khái quát về dân tộc Việt Nam, về con người Việt Nam, nhà thơ thường có thiên hướng mở rộng ra, nâng lên tầm thế kỉ, tầm nhân loại:

Đây cuộc hồi sinh, buổi hoá thân
Mùa đông thế kỉ chuyển sang xuân.

Việt Nam trở thành tượng trưng cho chân lí, cho nhân phẩm, cho lương tâm, cho tình đời, tình người:
Ngôi sao, chân lí của đời
Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay.
                             (Nước non ngàn dặm)

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm
...
Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời
                             (Việt Nam máu và hoa)
Việt Nam ơi!
Người là ai? Mà trở thành nhân loại.
                             (Với Đảng, mùa xuân)

Thơ có tầm khái quát là thơ vừa của tấm lòng, vừa của trí tuệ. Phải nâng tấm lòng lên tầm suy nghĩ, và suy nghĩ không chỉ từ đầu óc, mà từ tấm lòng.
 
Nếu chỉ có tấm lòng, thơ có thể mang đậm sắc thái cảm xúc, có sức truyền cảm, nhưng dễ thiếu cái cốt lõi của tư tưởng, nó giúp cho thơ không ẻo lả, không triền miên, mà đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Ngược lại, nếu chỉ suy nghĩ "chay" thì dễ trở thành chung chung, khô khan, có đưa vào những hình tượng liên tưởng này nọ, cũng không sao đạt tới cái hồn nhiên tươi tắn, vẻ độc đáo riêng.

Ở tập Máu và hoa, chủ đề về chủ nghĩa quốc tế vô sản cũng được khai thác nhiều và mang tầm cỡ mới. Giống như những bài thơ về Lenin, về các nước bạn trước kia. Bài Rôm, hoàng hôn; Đường của ta đi... cũng muốn "bay trên đầu thế kỉ nhân gian" như trong Em ơi, Ba Lan... Nhà thơ đứng từ đỉnh cao của thời đại, từ cuộc chiến đấu của dân tộc mình, mà nhìn lại, nhìn sang nhân loại cổ kim. Vì là viết về cả nước Tây Âu còn ở dưới chế độ cũ nên các bài thơ lần này day dứt, xao động, không có cái trong trẻo của Em ơi, Ba Lan... hay cái say sưa của Từ Cu-ba – bài Rôm, hoàng hôn kể chuyện Venice, Florence, La Mã, nổi tụ lại cái đẹp của những nghìn năm sâu thẳm của những Michelangelo, Leonardo da Vinci, Raphael, Titien, của Dante:

     Tôi đã đến Ra-ven cổ kính
Buổi hoàng hôn, nghe tiếng chuông đưa

Bên mộ Dante, hỏi người xưa bạc mệnh:

Kiếp tài hoa đày đoạ đến bao giờ?

Đến Venice, nhà thơ ngắm cảnh:

Con thuyền cong dáng mộng thiên nga
Lặng lờ trôi giữa nước trời ngọc bích
Đi về đâu? Hỡi Vơ-ni-dơ nàng công chúa vàng xoã
tóc dài xanh biếc
Cảnh đào nguyên lạc lối vào ra!

Venice có thể là cảnh tiên nơi trần thế, nhưng nhà thơ không lạc lối, mà lắng nghe từ quá khứ xa xăm cái gì đang nói nhiều với hiện tại, đang hướng tới tương lai:

Lắng nghe, lắng nghe trên Cô-ly-xê gạch nát điêu tàn
Xpác-ta-quýt lại trở về trong gió
"Vùng lên, hỡi các nô lệ trên thế gian"
Và trước cổng thành Rôm, vó ngựa của
Ga-ri-ban-đi cùng đoàn quân áo đỏ.

Bài thơ là tiếng hát dâng lên cái đẹp vĩnh cửu, nhưng lại lấy tên Rôm, hoàng hôn. Vua chúa đã đi qua, chế độ thống trị đang tàn lụi, chỉ có nhân dân là còn mãi mãi, nhân dân đã làm nên lịch sử, đã là nguồn cảm hứng, là người bảo tồn cho những giá trị tinh thần bất diệt. Đến Tây Đức, đến Anh, nhà thơ cùng chung một cảm tưởng: vui buồn lẫn lộn, vì quá khứ đang đè nặng lên những nước này:

Quảng trường Tra-phan-ga
Mấy con sư tử già
Vẫn nằm mơ giấc mơ của đá
Trước cổng Hoàng cung, vẫn đứng gác
trang nghiêm hai chàng kị mã
Ôi, nếu Sếch-xpia sống lại cùng ta
Có thể khác gì, những bi kịch hôm ra?
                                         (Đường của ta đi)

Nhưng thời đại đã đổi khác, cuộc chiến đấu đang triển khai, tương lai đang giành lấy sự sống:
Đấu tranh này là trận cuối cùng Đoàn kết lại! Rồi ngày mai...
Tiếng hát đưa tôi đi suốt đường dài Tiếng hát của những người cộng sản. Tình thương ta mạnh hơn súng đạn Mặc chúng muốn gì

Tôi đến đây cùng bạn Đường ta, ta cứ đi!
                                         (Đường của ta đi)

Viết về nước ngoài, nhưng chỗ xuất phát là Việt Nam, có nhìn về quá khứ cũng là với cái mặt của thời đại: đi từ xa, từ xưa, để trở về với Việt Nam.

Hoàng hôn đang xuống, sáng đêm sao...
                                         (Rôm, hoàng hôn)

Hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản. Sao sáng của thời đại, của Việt Nam đang thắng Mĩ, đẩy lùi bóng đen phủ lên thời đại. Tạm biệt! Con đường trở về Việt Nam cũng là con đường để tới gặp lại đồng chí bạn bè hôm nay, con đường dẫn tới tương lai, dẫn tới nhân loại:

Tạm biệt! Đường ta, lại trở về
Tưởng chừng lâu lắm đã xa quê
Ngoảnh trông muôn dặm đường sương tuyết
Nhìn lại ta, xuân dậy bốn bề.
Giống đã gieo cho mùa gặt mới
Cái vui cứ nở tự lòng đời
Trường Sơn đã mở đường đi tới... Đường của
ta đi, đến mọi người... Đường của ta đi...

Nhân dân ta tiến lên hàng đầu của nhân loại bằng cuộc chống Mĩ toàn thắng và bằng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình. Tất cả là nhờ có Đảng. Mùa xuân năm 1977 là mùa xuân thứ hai của Tổ quốc thống nhất và hoàn toàn giải phóng. Đại hội lần thứ 4 của Đảng vừa bế mạc, giữa niềm phấn khởi chung, Tố Hữu viết bài Với Đảng, mùa xuân:

Lịch sử sang trang.
Đại hội Đảng mở mùa vui. Phơi phới
Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường
Người chiến thắng là người xây dựng mới
Anh em ơi
Tất cả lên đường! Tất cả lên đường!
Con đường đang rẽ một bước ngoặt vĩ đại
để lao tới tương lai.

Báo Văn nghệ, số Tết Mậu Ngọ – 1978