KHI NHÀ NGHỆ SĨ
THAM GIA VÀO CUỘC ĐẤU TRANH
VỚI TẤT CẢ TÂM HỒN MÌNH
Giới thiệu nhà thơ Tố Hữu với các bạn đọc bản dịch tiếng Espéranto, tôi cảm thấy không thể tách rẽ con người ra ngoài nhà thơ, thân thế ra ngoài sự nghiệp sáng tác.
Trong Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí.
Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật.
Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động.
Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể.
Với Tố Hữu, thơ, không hề có một "cứu cánh tự tại". Thơ là một phương tiện để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ba tập thơ của thi sĩ đã được công bố trong thời gian mười tám năm gần đây cũng là những công trình sáng tác khớp chặt với ba giai đoạn lớn của cách mạng Việt Nam từ 1937 đến 1961. Từ ấy kết tinh trên hoạt động của thi sĩ từ ngày mới vào Đảng, phụ trách công tác thanh niên dân chủ ở Huế, qua những năm bị tù đày, rồi vượt ngục, rồi trở lại hoạt động bí mật cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công (1945). Việt Bắc gồm những bài thơ viết trong thời kì toàn quốc kháng chiến (1946 - 1954), chống lũ thực dân Pháp lăm le đặt lại quyền thống trị của
chúng ở Việt Nam. Mọi người còn nhớ rằng cuộc chiến tranh thần thánh ấy đã kết thúc với thắng lợi lịch sử Điện Biên và Hiệp định Genève về Đông Dương (1954). Sau đó, lịch sử cách mạng Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Hoà bình được thiết lập ở miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam, trên nửa phần Tổ quốc ở miền Bắc được độc lập, tự do hăng hái bắt tay vào công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở đây, nét mặt con người, nét mặt đất nước ngày một đổi mới. Trong lúc đó, đế quốc Mĩ đưa bàn tay dơ bẩn, đẫm máu của nó can thiệp vào miền Nam nhằm ngăn cản việc hoà bình thống nhất đất nước Việt Nam và đặt ở đây một tiền đồn xâm lược ở đông nam châu Á. Cho nên, chín năm nay, nhân dân miền Nam Việt Nam lại phải tiếp tục cầm lại gậy gộc, giáo mác, súng ống, để đánh đuổi quân thù. Trong tang tóc, trong khói lửa, nhân dân miền Nam Việt Nam hiên ngang đứng dậy, quyết tâm giành lại chủ quyền và thực hiện thống nhất nước nhà. Trên bối cảnh lịch sử đó, hai đề tài chủ yếu - công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh ái quốc ở miền Nam - là hai nguồn cảm hứng cho tập thơ gần đây nhất của Tố Hữu: Gió lộng (1954 - 1961).
Nhiều nhà thơ Việt Nam cùng một thế hệ với Tố Hữu mò mẫm khá lâu trước khi tìm được một phương hướng sáng tác. Một số các bạn đó - kể cả những người ưu tú nhất - đã đi từ vùng ảm đạm của "thế giới nội tâm" ra ánh sáng. Thơ họ đã chuyển từ màu xám nhạt của mơ mộng qua màu hồng của đời sống đấu tranh thực tế, bởi một quá trình diễn biến, chậm rãi, dần dần, có khi đứt đoạn. Cũng có kẻ loay hoay mãi trong cái vỏ của cá nhân chủ nghĩa để cuối cùng lao đầu vào những vùng xám xịt và ngột ngạt của thế giới siêu hình. Tố Hữu từ thuở mới bắt đầu sáng tác đã tìm được cho thơ mình một ý nghĩa, một phương hướng đúng đắn. Hoạt động giữa quần chúng cách mạng, nhà thi sĩ - chiến sĩ đã tôi luyện tâm hồn mình trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân cách mạng. Con đường ý thức hệ của thi sĩ là một con đường thẳng tắp và sáng sủa ấy là vì từ những ngày thơ ấu, Tố Hữu đã cảm thấy tất cả cái đau khổ của người dân mất nước, của những con người lương thiện bị chà đạp và nhất là vì bước vào lứa tuổi thanh niên Tố Hữu đã tắm mình trong bầu không khí đấu tranh của xứ Huế và đã được ánh sáng của chủ nghĩa Marx - Lenin soi đường. Sau này, nhà thơ sẽ nhắc lại, trước hình ảnh của bà mẹ quý mến,
những nét tình cảm đậm đà nhất trong tâm hồn mình, trong thời gian thanh thiếu niên:
... Nước mất, nhà tan, đời khổ thế
Không làm nô lệ, đứng lên thôi!
Con lớn lên con tìm cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi...
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chửa biết gì
(Quê mẹ)
Thơ Tố Hữu là một tập hành khúc nồng nàn, đằm thắm hoà nhịp với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày trước, của Đảng Lao động Việt Nam ngày nay, từ cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, qua cuộc kháng chiến toàn quốc cho đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay.
Từ ấy là bản cáo trạng gay gắt nhân danh phẩm giá của con người lao khổ, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo để chống lại một chế độ tàn bạo, ngoan cố, nhân danh cái đẹp của thiên nhiên và của nghệ thuật, của chân lí và công lí để phản kháng với cái xấu xa, cái giả dối của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hống hách; nhân danh cái mới và sự sống chống lại cái lạc hậu và cái chết. Từ ấy là bản quyết tâm thư của một chiến sĩ không hề do dự trước nhiệm vụ, không hề lui bước trước bạo lực của quân thù, không tuyệt vọng trên những bước đường thử thách đau đớn nhất. Thi sĩ đã hé cho những con người truỵ lạc cái viễn cảnh một "ngày mai huy hoàng", chỉ rõ cho những người đau khổ con đường đấu tranh, và đưa tới họ niềm tin vào tiền đồ của dân tộc, của nhân loại. Phải nói rằng giữa những năm ảm đạm, tê tái của lịch sử nước nhà dưới hai tầng áp bức của chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa phát xít Nhật, tiếng hát của thi sĩ là một hành động cách mạng. Từ những câu nỉ non với người cùng khổ, qua những ý nghĩ về thời cuộc trong nước và tình hình thế giới, qua những "tâm sự" trong tù, những mẩu kí ức về "những người không chết", những bức ảnh đồng quê im cạn, nhẫn nhục, một ngày kia bỗng đứng lên vì "tức nước nên phải vỡ bờ" đều bao hàm một ý nghĩa dự báo đanh thép về
tương lai của nước nhà, của nhân loại. Tố Hữu ca ngợi quần chúng, ca ngợi lãnh tụ, như "ngọn đuốc thiêng liêng", như "ngọn cờ dân tộc" và như:
Bạn muôn đời của thế giới đau thương
(Hồ Chí Minh)
Dự báo của thi sĩ đã được thực hiện với thành công của Cách mạng tháng Tám. Nhưng, ý đồ tham tàn của chủ nghĩa thực dân lại đặt dân tộc Việt Nam trước những thử thách mới. Việt Bắc là tập hùng ca của cuộc kháng chiến toàn dân tám năm ròng rã chống bọn xâm lăng. Tập hùng ca xây dựng trên một nền thơ trữ tình phong phú: Ấy là những câu chuyện đằm thắm giữa anh cán bộ với người bộ đội, hoặc nỗi lòng của những bà mẹ thao thức nhớ con đang đi đánh giặc hay của những người bộ đội thương mẹ già khó nhọc ở chốn quê làng; là tiếng hát phá đường; là giọng hò kéo pháo; là hình ảnh em bé liên lạc bị hi sinh giữa cánh đồng; là bóng dáng của những anh vệ quốc trên sườn non Tây Bắc; là ánh sáng tháng năm chói lọi từ căn nhà đơn sơ nơi Bác Hồ làm việc toả ra khắp nơi nơi để đảm bảo thắng lợi cuối cùng sau "ba ngàn ngày" kháng chiến; là niềm hân hoan của cả nước sau thắng lợi Chiến dịch Điện Biên; là nhịp sống rộn rịp trên các nẻo đường khi hoà bình được lập lại; là nỗi nhớ nhung khi từ giã núi rừng Việt Bắc lòng nôi của cách mạng, thủ đô của cuộc kháng chiến trường kì,... Đây là những vần thơ chân thật, kết tinh trên mối tình cảm thiết tha, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tình cá nước giữa người bộ đội, người cán bộ với nhân dân, tình đồng chí, đồng bào từ Nam chí Bắc, tình yêu của toàn dân đối với vị lãnh tụ kính mến và đối với Tổ quốc Việt Nam. Trong truyền thống của thơ văn yêu nước, Tố Hữu một lần nữa chứng minh rằng: tình yêu nước là một đề tài phong phú, cao cả của thơ trữ tình. Trong một hội nghị cán bộ khi hoà bình mới được lập lại sau Hiệp định Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói là trong tình hình mới của đất nước, "một trong những việc khó khăn nhất là làm sao chuyển được đầu óc chúng ta cho kịp với tình hình". Gió lộng của Tố Hữu đáp ứng với nhu cầu đó. Tập thơ phát triển chủ đề tư tưởng cách mạng lên đến một mức độ cao hơn, rộng hơn. Mấy cuộc đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em là nguồn cảm hứng của những bài thơ chứa chan tình hữu nghị quốc tế. Nhưng phần chủ yếu của Gió lộng tập trung vào hai đề tài lớn: công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một cơ cấu kinh tế lạc hậu, và trong tình hình đất nước
tạm thời bị chia cắt, đòi hỏi ở con người những tri thức mới về khoa học, về kĩ thuật và những tình cảm mới, những nhận thức mới về xã hội, về nhân sinh. Thi sĩ nhắc lại với mọi người những khó khăn đang ngổn ngang trên đường đi tới, nhưng chính là để cho mọi người nhìn thấy rõ chỗ khác nhau giữa xưa và nay. Cái đẹp đã bắt đầu nảy nở với những công trình xây dựng, với những cố gắng bền bỉ hằng ngày của một xã hội, với nét mặt anh dũng vui tươi của con người mới đang nảy nở trên miền Bắc tự do. Khó khăn chưa phải đã chấm dứt. Nhưng cuộc sống ở đây đã thay đổi:
Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh
Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết...
(Bài ca mùa xuân 1961)
Và quan hệ tình cảm giữa người với người cũng đã đổi khác:
Có gì đẹp trên đời hơn thế,
Người yêu người sống để yêu nhau...
(Bài ca mùa xuân 1961)
Cả miền Bắc là "một bài thơ" và bước tiến của cả một xã hội đã có cơ làm chủ được cả không gian lẫn thời gian:
Ồ thích thật, bài thơ Miền Bắc
Rất tự do nên tươi nhạc, tươi vần
Cả không gian như xích lại gần
Thời gian cũng quên tuần quên tháng...
(Bài ca mùa xuân 1961)
Nhưng khi nói đến miền Nam thì lời thơ nghe hết sức não nùng, da diết và sùng sục căm thù. Thi sĩ thương nhớ quê mẹ đau xót đến nỗi khi nghĩ đến miền Nam, và khi nói đến tội ác của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai thì căm hờn đã biến thành sức mạnh, như sấm như sét, đánh vào đầu lũ ác ôn. Một mặt nữa, trong đau thương cũng như trong căm hờn, Tố Hữu luôn luôn làm chủ được tình cảm. Trong cảnh nước sôi lửa bỏng, nhân dân miền Nam vẫn hiên ngang sáng suốt, giữ vững quyết tâm đánh ngã quân thù. Tư thế của nhà thơ chúng ta là tư thế một chiến sĩ luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo. Nhưng nồng nàn biết bao! Cảm động biết bao! Tôi sẽ không trích dẫn ở đây một vài câu, một vài đoạn của những bài thơ như Quê mẹ, Thù muôn đời muôn kiếp không tan hay Người con gái Việt Nam. Những bài như thế, cần phải đọc đi đọc lại, từ đầu chí cuối, để "sống" lấy tất cả tình thương và lòng tin của thi sĩ đối với miền Nam.
Tố Hữu rất ít nói đến nghệ thuật của mình. Điểm đó rất đáng quý trong một nghệ sĩ. Nhà nghệ sĩ chân chính xưa nay không ai thích tự mình "giảng" lấy mình, và thích chờ người khác "giảng" hộ. Sự thực thì lâu nay ở nhà trường cũng như trong giới văn học nhiều nhà phê bình có uy tín ở Việt Nam đã bắt tay vào công tác ấy. Nhiều nhà phê bình văn học Việt Nam đã đặc biệt chú ý đến cái độc đáo trong phong cách, cái giản dị rất phong phú trong cấu tạo, đến những liên tưởng táo bạo mà cũng rất tự nhiên trong hình tượng nghệ thuật, đến tính âm nhạc trong tiết tấu và trong âm hưởng của thơ Tố Hữu. Nhiều người khác chú ý lối kết hợp tài tình giữa truyền thống văn học dân tộc, văn học cổ điển và văn học dân gian - cùng với tính chiến đấu, tính hiện đại trong sáng tác của thi sĩ.
Tôi sung sướng nhận thấy Nhà xuất bản Ngoại văn chọn đúng những bài thơ có ý nghĩa tiêu biểu nhất trong tác phẩm của Tố Hữu để giới thiệu nhà thi sĩ dân tộc của chúng ta với bạn đọc nước ngoài.
Tôi được biết có những thi phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới đã được dịch ra Espéranto, và được bạn đọc quốc tế ngữ hoan nghênh; gần đây nhiều người đã chú ý tìm hiểu nền thi ca Việt Nam. Vì vậy tôi nghĩ rằng tập thơ Tố Hữu này ra đời sẽ góp phần đáp ứng được lòng yêu thơ của bạn đọc quốc tế ngữ các nước.
Tôi cũng tin rằng anh bạn Đào Anh Kha đã cố gắng truyền đạt đến mức độ nhiều nhất mà một dịch giả có thể làm được để các bạn đọc có thể cảm thụ được cái ý vị của một nghệ thuật thơ rất giản dị mà cũng rất phong phú và đằm thắm của Tố Hữu.
Cố nhiên, tôi biết rằng đọc một tập thơ dịch bao giờ cũng phải thiệt thòi ít nhiều... Phần nhạc trong một bài thơ, khi chuyển từ một thứ tiếng này qua một thứ tiếng khác - nhất định là sẽ tiêu tan đi khá nhiều. Mà tiếng Việt Nam lại là một thứ tiếng đặc biệt dồi dào chất nhạc! Mà Tố Hữu lại là một nhà thơ đã vận dụng thanh điệu và âm hưởng tiếng Việt Nam một cách hết sức tài tình... thì lột thế nào cho hết cái ý vị thơ đó?
Tuy vậy, chúng ta cũng nên biết rằng: dầu ta chỉ đứng về mặt kĩ xảo mà nói, thì thơ đâu phải chỉ là một vấn đề nhạc.
Cho nên công tác của anh bạn Đào Anh Kha nhất định chắc sẽ không phải là một "hành động không công".
Tôi vừa nói rằng: nét đáng quý trong thơ Tố Hữu là sự nhất trí trong toàn bộ sáng tác của thi sĩ. Nhưng nếu nói riêng về nghệ thuật, thì tôi lại nghĩ rằng: cái đáng quý ở đây là cái nhiều màu nhiều vẻ.
Quả có thế. Tố Hữu từ trước đến nay luôn luôn làm thơ cách mạng, nhưng thơ Tố Hữu đã phản ánh cuộc cách mạng Việt Nam qua những giai đoạn khác nhau. Nhiệt tình cách mạng tràn lan trên tất cả các bài thơ đó và một số bài thơ cùng chung một đề tài, một chủ đề, nhưng tư thế, cử chỉ, động tác, nét mặt, tiếng nói của nhân vật, hình thái, đường nét, màu sắc, tiếng động của các bức cảnh luôn luôn được ghi lại dưới những hình tượng linh động và phong phú. Ngoài những hình tượng âm nhạc (mà chúng ta biết là khó có thể diễn đạt cho hoàn toàn) còn rất nhiều hình tượng hội hoạ, hình tượng điêu khắc để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc và lâu dài. Con người, trong thơ Tố Hữu, xuất hiện với những nét mặt trong trẻo, đẹp đẽ, với một nội tâm dào dạt, đầy sức sống. Nhận xét này đúng với những bức chân dung riêng rẽ, cũng như khi thi sĩ phác hoạ cả một nhóm người.
Còn nhớ có một hôm Tố Hữu dường như vô tình cũng đã nói đến cách làm thơ của anh. Ấy là trong một buổi nói chuyện thân mật, rồi để trả lời một bạn đã hỏi anh về cách làm của anh. Thi sĩ chỉ trả lời bằng mấy câu rất vắn tắt: "... Tôi biết nói thế nào?... Hình như lúc đầu tôi không hề nghĩ đến chuyện làm thơ... Làm thơ... Tôi cũng rất ít băn khoăn về câu chuyện văn chương... Tôi nghĩ rằng: nhân sinh quan, thế giới quan là chủ yếu. Hoạ chăng có thể nói rằng: Dần dà, càng về sau này tôi càng nghĩ đến vấn đề: viết thế nào cho mình đừng tự lặp lại mình...".
Tôi sẽ chỉ đưa câu nói trên đây để "tặng" lại các bạn đọc Tố Hữu.
12 – 1963
(Báo Văn nghệ, số 87, 25 – 12 – 1964)