Đồng chí Tố Hữu
- GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng,
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
...
Đồng chí Tố Hữu - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, nhà tư tưởng - văn hóa tài năng, giàu kinh nghiệm của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà thơ lớn, tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), hôm nay, trên quê hương Thừa Thiên Huế giàu bản sắc văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao đẹp của đồng chí Tố Hữu và tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, đại diện gia đình đồng chí Tố Hữu và các nhà khoa học về tham dự Hội thảo. Chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Thưa các đồng chí!
Đồng chí Tố Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, sinh ra trong một gia đình viên chức nhỏ tại Hội An, Quảng Nam, nguyên quán tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1935, khi mới 15 tuổi, đồng chí đã bắt đầu tham gia hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Huế; năm 1937 trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1939, đồng chí được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh vận.
Tháng 4-1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và đày ải qua các nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Quy Nhơn (Bình Định) và Đắk Glei (Kon Tum). Tháng 3-1942, đồng chí vượt ngục ra hoạt động ở Thanh Hóa. Năm 1944, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tháng 5-1945, đồng chí được phân công thực hiện nhiệm vụ mới ở Trung Bộ, tham gia lập lại Xứ ủy Trung Bộ và đến tháng 8-1945 là Phó Bí thư Xứ ủy.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Tố Hữu được cử làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế. Giữa năm 1946, đồng chí được Trung ương điều động ra Hà Nội phụ trách công tác văn hóa của Đảng. Cuối năm 1946, đồng chí được cử lại về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Tố Hữu được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Trung ương, phụ trách Hội Văn hóa cứu quốc; Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng; Giám đốc Nha Thông tin thuộc Phủ Thủ tướng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời là Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương; Trưởng Ban Thống nhất Trung ương.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng; đến năm 1955 là Ủy viên chính thức. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; đến tháng 3-1980 là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng.
Với gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, đồng chí Tố Hữu là tấm gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Để tri ân và tôn vinh những cống hiến của đồng chí Tố Hữu, tại Hội thảo khoa học hôm nay, tôi đề nghị các quý vị đại biểu, các nhà khoa học thảo luận, làm sáng rõ một số vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Đồng chí Tố Hữu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, đến năm 17 tuổi, đồng chí Tố Hữu được cử làm Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ thành phố Huế và hai năm sau đó (1939) được cử vào Thành ủy Huế. Trên cương vị công tác được giao, đồng chí vừa chú trọng tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên, vừa chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chống âm mưu lôi kéo, dụ dỗ thanh niên của chính quyền thực dân.
Bị bắt giam, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí đã tham gia thành lập chi bộ đảng, trực tiếp đảm nhiệm việc giảng dạy chính trị và văn hóa cho các chiến sĩ cách mạng; tuyên truyền, tranh thủ được cảm tình của lính canh, đồng thời tham gia lãnh đạo đấu tranh chống việc đánh đập, tra tấn tàn bạo tù nhân.
Hoạt động cách mạng trên địa bàn Thanh Hóa, chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã góp phần tuyên truyền, xây dựng và mở rộng cơ sở quần chúng trong tỉnh, tham gia xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945, đồng chí Tố Hữu đã tham gia lập lại Xứ ủy Trung Bộ và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy, trực tiếp tham gia chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Trung Bộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế - nơi đặt cơ quan đầu não của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, đã giành được thắng lợi vẻ vang.
Sau ngày chính quyền cách mạng ra đời, trong những năm được giao đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1969 - 1979)1, đồng chí Tố Hữu rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Đối với cán bộ, giảng viên Trường Đảng, đồng chí yêu cầu ngoài phẩm chất đạo đức, năng lực, nhiệt tình còn phải nhạy bén, chủ động nắm bắt, dự báo những vấn đề Trung ương sẽ thảo luận để vừa cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Trung ương, vừa chủ động trong giảng dạy, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng chí luôn nhấn mạnh, hệ thống Trường Đảng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trung, cao cấp hiện có, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung lực lượng mới, kế cận cho đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng2. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương đã đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và Nhà nước hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, được giao trọng trách là Phó Thủ tướng Chính phủ, sau đó là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực kinh tế, xây dựng cấp huyện, lĩnh vực thị trường, giá - lương - tiền...trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, đồng chí Tố Hữu đã cùng tập thể Chính phủ cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nỗ lực tìm tòi các biện pháp tháo gỡ những ách tắc, khó khăn gay gắt trong sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân trong những năm trước thời kỳ đổi mới.
2. Đồng chí Tố Hữu - nhà lãnh đạo tư tưởng, văn hóa tài năng của Đảng
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Tố Hữu được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, khoa học, giáo dục. Trên cương vị người đứng đầu cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về công tác tuyên huấn, khoa giáo, đồng chí đã có nhiều cống hiến nổi bật.
Đồng chí là người định hướng những quan điểm đúng đắn, giáo dục tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hóa - văn nghệ. Đồng chí vừa quan tâm tập hợp, đoàn kết, khuyến khích đông đảo giới văn nghệ sĩ, trí thức phát huy tài năng để thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, vừa kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Là một nhà hoạt động chính trị, đồng chí Tố Hữu đồng thời là một nhà thơ lớn, tiêu biểu, “con chim đầu đàn của nền thi ca cách mạng” Việt Nam, “có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam”[3]. Đối với đồng chí Tố Hữu: Thơ với Đảng và cách mạng là một “Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ” và Đảng dẫn dắt sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp sáng tác của đồng chí: Thuyền bơi có lái qua mưa gió/ Không lái thuyền trôi lạc, lạc bến bờ”. Những tập thơ nổi tiếng của Tố Hữu như: Từ ấy (1946), Việt Bắc (1954), Gió lộng (1961), Ra trận (1972), Máu và hoa (1977),... là những bản hùng ca cách mạng đặc sắc, mang đậm tính chiến đấu, chất trữ tình, tinh thần lạc quan cách mạng, kết tinh và lan tỏa mạnh mẽ tâm huyết và tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, dễ đi vào lòng người, có sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Sức cuốn hút của thơ Tố Hữu mạnh mẽ tới mức nhiều thế hệ người Việt Nam coi đó là tuyên ngôn, là hành trang trong suốt cuộc đời cách mạng của mình.
3. Đồng chí Tố Hữu - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng
Từ lúc giác ngộ lý tưởng, được ánh sáng “mặt trời chân lý chói qua tim” và dấn thân vào con đường cách mạng, đồng chí Tố Hữu luôn hết mực tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng, sắt son một lòng vì Đảng, vì dân. Những năm tháng bị giam cầm, đày ải trong lao tù đế quốc, đồng chí luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, để cùng các chiến sĩ cách mạng biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, được sống và làm việc gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tố Hữu đã không ngừng noi gương, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thực hiện: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng.... Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”4.
Đồng chí Tố Hữu đã dành một không gian rộng lớn trong tâm hồn thi ca của mình cho Tổ quốc, cho dân tộc và lòng kính yêu vô hạn đối với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã có những kiệt tác hết sức ý nghĩa và xúc động về Người, góp phần khắc họa hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại, đạo đức sáng trong, lối sống thanh cao mà giản dị, vĩ đại mà hết mực gần gũi, thân thương, mãi trường tồn với đất nước, dân tộc và thời đại, với sức cảm hóa kỳ diệu: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”; “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”5; “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”6.
Được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều trọng trách, đồng chí đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc, không quản gian khổ, hy sinh, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Đảng ta đã khẳng định: “Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, ở mọi cương vị công tác, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí Tố Hữu cũng hoàn thành xuất sắc, một lòng một dạ tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, anh dũng, vẻ vang của Đảng và nhân dân ta”7.
4. Đồng chí Tố Hữu - người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế
Không gian văn hóa giàu bản sắc và truyền thống yêu nước của xứ Huế đã góp phần hết sức quan trọng hình thành nhân cách, nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn, lý tưởng, nhiệt huyết cách mạng, mạch nguồn thi ca của đồng chí Tố Hữu. Huế cũng là nơi ghi dấu những bước đi đầu tiên của đồng chí đến với lý tưởng cách mạng và được trui rèn, trưởng thành trong phong trào thanh niên, trong chốn lao tù đế quốc.
Trong những ngày cả nước quật khởi giành chính quyền, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, đồng chí Tố Hữu đã trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa thắng lợi ở nơi đầu não của chính quyền phong kiến, mở ra trang sử mới của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế. Những năm tháng hoạt động ở Trung ương, đồng chí luôn dành tình cảm sâu nặng, nghĩa tình với Thừa Thiên Huế và đặc biệt quan tâm, theo dõi sâu sát những bước phát triển của phong trào cách mạng ở quê hương.
Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn tự hào và biết ơn sâu sắc những đóng góp to lớn của đồng chí Tố Hữu với quê hương, đất nước. Học tập và noi theo tấm gương của đồng chí và bao người con ưu tú khác của quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mang lại diện mạo, thế và lực mới của quê hương trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Những thành quả đó là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019, của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trước mắt nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép: vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết tâm ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; hoàn thành ở mức cao nhất những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra; lập thành tích chào mừng và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bản sắc giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Xin chúc Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục đạt nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chúc quý vị đại biểu và các nhà khoa học dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
1 Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 70 năm truyền thống vẻ vang, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội 2019, tr.71.
2 Phát biểu của đồng chí Tố Hữu tại Hội nghị Tổng kết giáo dục lần thứ hai của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tháng 4-1974. Xem: Tố Hữu nhà thơ lớn của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.17-19.
3 Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Phan Văn Khải đọc tại lễ tang đồng chí Tố Hữu. (In trong sách: Tố Hữu, người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.23).
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.603.
5 Những câu thơ trong bài: “Sáng tháng năm” của đồng chí Tố Hữu.
6 Những câu thơ trong bài: “Bác ơi” của đồng chí Tố Hữu.
7 Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Phan Văn Khải đọc tại lễ tang đồng chí Tố Hữu. (In trong sách: Tố Hữu, người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.22).