Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

LỜI GIỚI THIỆU

Giới thiệu tập Thơ1 của Tố Hữu, tôi thấy là cả một việc làm. Vì anh bạn trẻ của tôi không chỉ là một thi sĩ, mà là một chiến sĩ. Đọc thơ của anh chúng ta không phải chỉ là thưởng thức thi tài của anh mà còn phải tìm tòi và phân tích thân thế của anh để cho biết những tâm huyết kia, những dòng tư tưởng kia đã đẻ ra từ trong hoàn cảnh nào, trên một lịch trình tiến hoá nào.

Sinh trưởng trong một gia đình trung sản gặp hồi sa sút, anh đã được nếm cái phong vị nghèo khổ từ hồi còn nhỏ. Chịu ảnh hưởng của cha, một nhà nho thích thơ và hay ngâm thơ cho con nghe, anh đã tập làm thơ tứ tuyệt từ hồi mười tuổi, mặc dầu lối thơ ngày đó còn đầy những ngây ngô. Chính cái khung cảnh ấy đã tạo ra một thi sĩ, một thi sĩ của quần chúng cần lao.

Khoảng năm 1936, làn sóng bình dân tràn ngập khắp nước. Lúc ấy, anh đương học trường Quốc học (Huế), được tiếp xúc với phong trào và sống chung với một số đồng chí nên tư tưởng và tinh thần của anh đã tiến tới rất mạnh, rất gấp, không từ từ im lặng như dòng nước sông Hương mà sôi nổi vọt lên thét lên như làn sóng Cửa Thuận. Hai đồng chí tiên giác bấy giờ đã gieo cho anh một ảnh hưởng trực tiếp là Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu. Phan là một chiến sĩ kiêm học giả đã rọi cho anh cái ánh sáng của chủ nghĩa Các Mác. Nguyễn là một chiến sĩ với phong độ hiên ngang đã gây cho anh một ấn tượng mạnh mẽ. Sau này, Nguyễn Chí Diểu đã bị chết vì bệnh lao sau khi ở Côn Đảo về cũng như Phan Đăng Lưu đã bị thực dân Pháp bắn chết trong cuộc khởi nghĩa Nam Kì, nhưng hai tiên liệt ấy vẫn còn mãi ở trong người anh.

Sau cuộc biểu tình đón lao công đại sứ Gôđa (Godard) ở Huế năm 1937, anh phải rời khỏi ghế nhà trường để sống cái đời đầy lao khổ nhưng đầy hoạt động. Mấy bài thơ đầu cũng sản ra từ đó. Lúc đấy anh đã là một đoàn viên thanh niên cộng sản rồi. Đồng thời với cuộc hoạt động cách mạng của anh, người ta thấy những bài thơ anh đăng lác đác trên các báo Thế giới ở Bắc Kì, Mới ở Nam Kì và Dân ở Trung Kì bấy giờ. Bằng những bài thơ này nếu chúng ta chịu khó phân tích thì thấy tác giả đương sôi nổi tình cảm, thứ tình cảm của một thanh niên tiểu tư sản mới giác ngộ, mê say một lí tưởng cao quý như một gã tín đồ tin đạo, nhưng thực ra vẫn chưa nhận rõ được bước đường đi của lịch sử và sứ mạng của vô sản trong giai đoạn lịch sử.

Thế rồi từ tháng tư năm 1939, dưới chế độ thực dân, nhà tù đã mở rộng để đón người thanh niên cách mạng, cũng như đã từng đón bao nhiêu người khác. Nhưng trong hoàn cảnh chật hẹp ấy, nhà thi sĩ nhiều tình cảm của chúng ta đã được rèn luyện hơn. Những cái buồn thấm thía pha với những uất hận vô biên đã phát ra những vần thơ lâm li, nhưng vẫn kém về tả chân chủ nghĩa.

Rồi đó, từ án này chồng thêm án khác, từ cuộc tranh đấu này đến cuộc tranh đấu khác, Tố Hữu đã làm một cuộc “du lịch trong thế giới nhà tù” từ Thuận Hoá đến Lao Bảo, Buôn Ma Thuột rồi Đắk Glei, Quy Nhơn rồi trở lại Đắc Glei một lần nữa. Trong những ngày thử thách với bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu nguy hiểm này, thi nhân đã trở nên một chiến sĩ mạnh dạn nhìn rõ thực tế, tin vào lực lượng của đoàn thể, của dân tộc bị áp bức, của giai cấp vô sản, nhưng tâm hồn vẫn mãi mãi là tâm hồn của thi nhân.

Năm 1942, mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật và đế quốc Pháp là Việt Minh đã thành lập, ảnh hưởng của nó không những càng ngày càng đi sâu rộng vào trong dân chúng mà còn vang dội vào các nhà tù. Tháng ba năm ấy, Tố Hữu vượt ngục Đắk Glei ra ngoài cùng với các đồng chí hoạt động. Lúc này thi sĩ không còn phải nghiến răng nuốt hận để nhả vào lời thơ ở trong cửa sắt nữa mà là vùng dậy dọc ngang trên vũ đài dân tộc. Trên tờ báo Đuổi giặc nước xuất bản tại Thanh Hoá, người ta thấy thi sĩ đã không phải chỉ dùng thơ để tả nỗi lòng mà chính dùng thơ để tuyên truyền cổ động. Với lời lẽ mộc mạc, nó có kém thi vị, nhưng gần quần chúng hơn và có một công hiệu trực tiếp hơn.

Cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ, nhà thi sĩ đầy tình cảm ấy đã trở nên Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa tại Huế với tất cả cái dũng khí của nó. Đã từng “nửa đêm truyền hịch”, đã từng sống với sắt với máu, Tố Hữu lúc này nghiễm nhiên là một chiến sĩ, nhưng bản sắc Tố Hữu vẫn là bản sắc thi nhân.

Như vậy, đọc thơ Tố Hữu, nhìn vào đời Tố Hữu, tôi nhận thấy mấy chỗ:

1. Lịch trình tiến triển về thơ Tố Hữu đi song song với lịch trình tiến triển về tư tưởng và trình độ giác ngộ, về sức hoạt động cách mạng của Tố Hữu.

2. Thơ Tố Hữu không phải một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng.

3. Người Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ, nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là một thi sĩ.

Nước Việt Nam ta đã trở nên nước dân chủ cộng hoà và Tố Hữu còn trẻ lắm. Tôi tin chúng ta sẽ còn được đọc nhiều thơ của Tố Hữu cũng như được đếm nhiều bước tiến triển của Tố Hữu.

Viết tại thành Hoàng Diệu ngày 23-6-1946,
sau 9 tháng kháng chiến ở Nam Bộ

 



1 Đây là Lời giới thiệu, in ở đầu tập Thơ, quyển sách đầu tay của Tố Hữu, do Hội văn hoá cứu quốc Việt Nam xuất bản, H., 1946.