Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Đọc Lại Thơ Tố Hữu

- Nguyễn Khoa Điềm

Mới đó mà sắp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu. Trong thâm tâm, tôi có nhu cầu đọc lại thơ Tố Hữu, một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam đương đại.
Nhớ lại ngày ông ra đi, tôi có viết mấy dòng tiễn biệt:
... Nhưng tôi biết còn bao người đến với ông suốt thời thơ ấu.

Trên những trang sách học trò. 
Tình yêu ông hồi sinh
Đánh vần trong trẻo
Mãi mãi ngọt ngào giọng Huế
Trong tâm hồn chúng ta

Tôi tin ở sự có mặt của thơ Tố Hữu. Tôi tin ở tình yêu mà nhân dân dành cho ông. Xúc cảm đó gắn với bao kỉ niệm thời đến trường, những tiếp xúc đầu tiên với thơ Tố Hữu, cũng là những vui buồn của thế hệ chúng tôi.
Đó là những năm hoà bình đầu tiên trên miền Bắc. Tôi từ Huế ra, được nuôi ăn học trong một ngôi trường làng vùng Hà Đông. Cái lạnh năm đó thật khủng khiếp, tôi bị ốm, sốt cao. Khi cơn sốt lui dần, tình cờ tôi bắt gặp trên giường tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã mất bìa không rõ ai để lại. Cả tên người, tên sách đều xa lạ với đứa trẻ mười hai tuổi, lớn lên ở miền Nam lúc đó. Trong cái vắng lặng của ngôi trạm xá nhỏ, tôi lần đọc từng trang tập thơ mỏng để giải khuây.
 
Tôi vốn thích đọc truyện chứ không đọc thơ. Có lẽ đứa trẻ nào cũng vậy. Truyện có câu chuyện, có tuồng tích, rất tỏ tường sự thể, trực tiếp trao cho chúng ta tri thức về cuộc đời. Còn thơ hình như là những cảm xúc bột phát, có khi rất khó hiểu, nhưng nó nuôi dưỡng trong ta những ám ảnh, những liên hệ tương tri của đời sống, giúp ta gìn giữ tâm hồn. Ấy là tôi chiêm nghiệm khi đã lớn, kể từ ngày cầm trên tay tập Việt Bắc.
Thú thực một đứa trẻ chỉ biết đến thơ qua các bài ca dao ngắn

     Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ...

Hay là

     Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...

trong những bài tập đọc thời tiểu học thì khi nhẩm đọc những câu:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
                            (Lượm)

hay đọc đến câu:

Anh ở Vĩnh Yên lên
Tôi trên Sơn Cốt xuống
Gặp nhau lưng đèo
Nhe Bóng tre trùm mát rượi
                            (Cá nước)

thì cảm thấy cả người lâng lâng, choáng váng lạ lùng. Cái đẹp của câu thơ thấm vào lòng, dậy lên những xúc cảm khó tả trong tâm hồn đứa trẻ những năm đầu bước vào cuộc đời rộng lớn và xa lạ.
 
Cả tập thơ dẫn ta đi vào mối ân tình sâu nặng của một thời kháng chiến. Đó là những bà bủ, bà bầm trong những xóm nghèo, anh bộ đội cơm vắt ngủ hầm đánh trận Điện Biên, vầng trăng trong trên cánh rừng Việt Bắc, hình ảnh cụ Hồ hiền hoà khó quên trong một sáng tháng năm, tiếng nói giòn giã của một cô gái dân công trong đêm tiêu thổ kháng chiến... Tất cả thật bình dị mà thật lớn lao. Cái chất giọng của Tố Hữu thật khó lẫn lộn. Chân thành, mạnh mẽ, trìu mến. Ngay từ "Việt Bắc" chúng ta dễ nhận ra Tố Hữu là nghệ sĩ ngôn từ xứng đáng của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Từ đó, đất nước không ngừng thay đổi, trong xây dựng mới, trong gian khổ của chiến tranh, trong đau thương và bất khuất của mỗi gia đình, con người Việt thêm một tầm giá trị mới. Tố Hữu cũng không ngừng thay đổi, ông nhận thêm nhiều nhiệm vụ nặng nề của tổ chức, nhưng vẫn không ngừng vươn lên trên tư cách một nhà sáng tạo nghệ thuật thi ca. Đã có sáu tập thơ liên tiếp ra đời trong sự chờ đợi và đón nhận của công chúng (trong đó Từ ấy là tập tái bản từ những bài viết trước Cách mạng tháng Tám).

Sức nặng trong thơ ông giai đoạn này là những khái quát xã hội rộng rãi gắn liền với con người và thời cuộc đòi hỏi sự thức tỉnh và phấn đấu to lớn. Miền Bắc đi vào xây dựng lớn và chuẩn bị chiến tranh. Rồi miền Nam và cả nước đứng lên chống quân xâm lược thống nhất Tổ quốc. Những chiến công và gương mặt anh hùng của dân tộc bừng lên trong thơ Tố Hữu: người con gái Quảng Nam anh dũng Trần Thị Lý, người thợ Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi, mẹ Suốt chèo đò trong bom đạn ở sông Nhật Lệ, những nữ công nhân quét rác trên đường phố Thủ đô vào đêm đông... Tất cả hiện lên đầy xúc cảm và tự hào, khẳng định lẽ phải của dân tộc. Cả một dân tộc đang làm nên sự nghiệp lớn của mình. Tố Hữu là một tác giả đã kiên trì giữ cho mình một giọng thơ chính luận mạnh mẽ nằm trong truyền thống lâu dài của thơ ca yêu nước và cách mạng Việt Nam. Sự khác biệt của ông là những tư tưởng mới mẻ được thể hiện trong một ngôn ngữ nhuần nhị, giàu hình ảnh, nhờ đó nhiều bài thơ chính trị của ông cũng dễ dàng đi vào lòng người, tạo ra một xúc cảm chính trị lây lan rất nhanh trong đông đảo người đọc, người nghe. Người ta nói không ngoa rằng thơ Tố Hữu là nguồn động viên, cổ vũ đồng bào chiến sĩ ra trận, các cháu chăm chỉ học hành. Ông là chiến sĩ yêu nước, nhà thơ của nhân dân theo đúng nghĩa của từ này. Tôi cứ nghĩ, trong những năm gian khó ấy, nếu không có tiếng thơ mạnh mẽ mà giàu nhạc điệu của Tố Hữu, chắc cuộc sống của chúng ta sẽ nghèo đi rất nhiều, trái tim chúng ta không giàu xúc cảm như vậy. Quả là khả năng dẫn dắt, cuốn hút các nghệ sĩ đồng nghiệp và công chúng cùng thời, tạo nên âm hưởng dồi dào cho cả một nền thơ là khả năng chỉ có ở một nghệ sĩ lớn. Tố Hữu là một tài năng như vậy. Nhiều nhà thơ có tên tuổi của chúng ta như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Chế Lan Viên,... từng có mặt trên thi đàn trước Cách mạng tháng Tám đều quý trọng thơ Tố Hữu vì lẽ đó.

Tôi nhớ vào năm 1971, từ trên chiến khu Thừa Thiên, tôi được xem những bức ảnh ghi lại quang cảnh xuống đường của học sinh, sinh viên giữa lòng thành phố Huế để tang cho một bạn học sinh bị xe Mĩ cán chết. Câu khẩu hiệu ghi trên chiếc hòm đen được các bạn sinh viên khênh trên vai là "Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu" - một câu thơ của Tố Hữu. Bài thơ Dậy mà đi, Tố Hữu viết trước Cách mạng tháng Tám cũng khơi nguồn cho bài hát Dậy mà đi của Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe ở các đô thị miền Nam trước năm 1975.

Có thể nói nếu cái ta trong chính luận của Tố Hữu có sức hấp dẫn lớn, thì không ít khi cái tôi trẻ trung, sôi nổi, yêu đời và chân thành của ông cũng đã làm người đọc khó quên. Đó là cái tôi của nhà thơ lao mình vào dòng người chào mừng Ngày Cách mạng tháng Tám thành công:

Chừ đây Huế, Huế ơi!
Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
 
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
                            (Huế tháng Tám)

Cái tôi của nhà thơ thấy mình côi cút khi nghe tin Bác Hồ mất:

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay
                            (Bác ơi!)

Cái tôi tác giả hóm hỉnh khi hỏi chuyện mẹ Suốt anh hùng:

      Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
      Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
     Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
    "Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!"
                            (Mẹ Suốt)

Cái tôi bịn rịn nhớ thương khi rời xa chiến khu Việt Bắc từng nuôi nấng, chở che mình:

      Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
     Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
     Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thìa, sông Đáy, suối Lê vơi đầy
     Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
                            (Việt Bắc)
 
Những trích dẫn trên muốn thổ lộ cho ta thấy một hồn thơ Tố Hữu giàu xúc động, đầy cá tính và dễ bị tổn thương như mọi nghệ sĩ khác, nhưng luôn luôn làm ta quý trọng.

*

*     *


Ngắm một dòng sông lớn, tâm trí chúng ta không khỏi vọng tưởng về ngọn nguồn của nó. Thơ Tố Hữu trong khi bắt mạch vào ngôn ngữ hiện đại của đất nước, vẫn giữ nét riêng về cách diễn đạt và chất giọng Huế, nhiều khi ẩn kín, làm thơ ông có cái duyên và nét quyến rũ riêng khó bắt gặp ở người khác. Thử đọc vài dòng ông viết:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!

Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi
                            (Quê mẹ)
Hay là:

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh,
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
                            (Nhớ đồng)

Cái không gian của những cánh đồng, của mưa nguồn gió biển là không gian bao đời của quê hương ông. Tố Hữu thấm sâu chất nước ngọt ngào của dòng sông Hương, sông Bồ, tiếng thưa gửi nhẹ nhàng của những gánh chè đêm, điệu mái nhì, mái đẩy lẫn trong lời ru của mẹ, những câu vè được kể dưới chân thành Huế... Làng Phù Lai của ông cách hai thủ phủ chúa Nguyễn ở Bác Vọng, Phước Yên không xa, mà đi về thành Hoá Châu từng được Trương Hán Siêu nhắc đến trong Hoá Thành thần chung (Chuông sớm ô Hoá Thành) cũng chỉ cách mấy làng. Ta biết Trương Hán Siêu là bậc danh sĩ đời Trần từng được biệt phái trấn nhậm ở Hoá Châu, toà thành biên ải của Đại Việt lúc đó. Con sông qua làng Tố Hữu mang tên sông Kẻ Lừ, gợi ta nhớ đến những từ "Kẻ" ở các làng xã miền Bắc. Kẻ Lừ là tên cổ của làng Niêm Phò, đối mặt làng ông qua hai bến nước. Tên sông lấy theo tên làng, ở đó, Tố Hữu có người
 
bạn là Nguyễn Vịnh, sau gọi là Nguyễn Chí Thanh, đi cùng với ông qua các phong trào Dân chủ, Việt Minh,...
Tố Hữu lớn lên trên vùng đất cổ của miền Trung, với bao sự tích, bao tình nghĩa nhân sinh. Làm nên hồn thơ phong phú của ông là đất đai sông núi trải dài về Nam, là lịch sử thăng trầm sâu nặng mà ông chứng kiến hoặc nghe kể, là những khao khát hạnh phúc của mỗi người lao động bình thường mà ông từng chia sẻ. Người thanh niên trẻ trung Nguyễn Kim Thành đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản và cho thi ca chính là từ mảnh đất chất chứa sức sống mãnh liệt bao đời của quê hương ông. Ông là người được chọn.
Thời gian nuôi lớn lẽ phải, ủ men nồng cho thi ca. Đọc thơ Tố Hữu, chúng ta như được cùng tác giả sống mãi một thời phấn đấu gian lao mà tự hào của đất nước không bao giờ quên.


Huế, 10 - 3 - 2019
(Tạp chí Thơ, số 334 - 2019)