Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
- Nguyễn Văn Hạnh
Cảm hứng xã hội, thiên hướng tổng hợp
Tố Hữu là nhà thơ cộng sản. Thơ anh là thơ chiến đấu, thơ "mang cánh lửa". Có cách mạng mới có anh. Và anh làm thơ để ca ngợi cách mạng, tuyên truyền cho cách mạng. Không phải ngay từ những bài thơ đầu, anh đã đề cập được một cách kịp thời và sâu sắc nhất đến những vấn đề nóng hổi và lớn lao của cách mạng. Có lúc "cái tình" riêng của nhà thơ chưa theo được "cái lí" chung của giai cấp, sự hiểu biết về cuộc sống thực tế còn thiếu sót so với tấm lòng say sưa lí tưởng cộng sản chủ nghĩa vĩ đại. Nhưng trước sau vẫn "tâm hồn hăng chiến đấu" ấy. "Ta bước tới chỉ một đường cách mạng". Lời dặn lòng này đã trở thành phương hướng và niềm tự hào trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Chính tính chất chiến đấu đã làm cho tập Từ ấy của Tố Hữu khác hẳn với thơ ca hợp pháp đương thời. Ngay trong những tác phẩm đầu tiên như Mồ côi, Hai đứa bé, Tương tri, Đi đi em, Hồn chiến sĩ, Vú em,… anh đã xuất hiện như một nhà thơ xã hội. Tố Hữu lắng nghe "lâu đài xã hội" đang chuyển rung, miêu tả "những bức tranh gần gũi", kéo người ta về với thực trạng bất công ngang trái của xã hội xung quanh, trong lúc cả phong trào Thơ mới loanh quanh với tình yêu, với những "chàng" và "nàng", anh và em, bay lên tiên giới, quay về quá khứ hoặc trốn cuộc đời trong những ảo tưởng, ảo giác khác. Đặc điểm nổi bật của thơ Tố Hữu là cái cảm hứng xã hội ấy về mặt đề tài, chủ đề. Từ ấy có nhiều nét gần gũi với sáng tác của nhà văn hiện thực phê phán đương thời mặc dù "tính lí tưởng" và sự sôi nổi của tình cảm lại làm cho thơ anh có màu sắc của phong cách lãng mạn. Nhưng khi miêu tả "những con người nhỏ bé", những "nạn nhân" của xã hội, Tố Hữu không bao giờ có thái độ ban ơn, cũng không lí tưởng hoá họ với một lập trường nhân đạo chung chung, mà sớm đi đến được quan điểm giai cấp. Những "con người nhỏ bé" của Tố Hữu có ý thức về số phận bị ngược đãi của mình, hi vọng một sự đổi đời. Nhà thơ đã vượt qua giới hạn của thơ trữ tình vốn thiên về biểu hiện "cái tôi" của tác giả, để miêu tả nhân vật, chú ý đến sự thức tỉnh cách mạng của quần chúng (Đi đi em, Hồn chiến sĩ, Lão đày tớ, Tiếng hát sông Hương). Đó là một phát hiện nghệ thuật hoàn toàn mới đối với thơ ca lúc bấy giờ. Nhìn chung, Tố Hữu chuyển khá nhanh từ thương cảm đến đấu tranh, từ "con người nhỏ bé" đến người chiến sĩ cách mạng. Xã hội với những con người hiện thực, những vấn đề quan trọng bức thiết của nó thông qua tâm hồn trữ tình của Tố Hữu đã tạo thành hơi thơ trữ tình xã hội riêng biệt của anh, đồng thời cũng rất tiêu biểu cho cả nền thơ ca cách mạng. Đặc điểm này xuất hiện từ đây ngày càng phát triển trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ đặc biệt quan tâm đến những vấn đề xã hội, chú ý đến ý nghĩa xã hội của hiện tượng. Thiên nhiên trong thơ anh thường không có ý nghĩa độc lập, ngòi bút của anh cũng không biến đổi thật đa dạng khi miêu tả đối tượng này. Những tu hú, chim én, sếu, giang, những cành đào, cành xoan, những mùa xuân trong thơ thường được đặt trong một khung cảnh chung, ít cụ thể và có giá trị ước lệ, tượng trưng. Con chim của tôi là một ví dụ. Trong bài Quanh quẩn, thiên nhiên cũng bị "cầm tù":
Mùa đổi áo trên những cành gội nhỏ
Một khung trời mưa nắng, bốn tường câm.
Tố Hữu rất hay nói đến mùa xuân. Bên cạnh "xuân lòng", "xuân nhân loại", mùa xuân đất trời được miêu tả với những màu sắc sáng tươi, thắm đượm tình người, tiêu biểu cho sự hồi sinh, cho hi vọng. Đi giữa "mùa xuân ấm áp", nhà thơ thấy "đồng chiêm mạ xanh rờn" và "ga mới hồng đôi má, cầu mới thơm mùi sơn", "nghe hơi thở của đồng quê mập mạp" và "vững bước tới tương lai". Trong Bài ca mùa xuân 1961, có những câu thơ rất đẹp và rất ấm:
Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh…
Rét nhiều nên ấm nắng hanh
Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?
"Quả ngọt", "long lanh", "nắng hanh", "ngọt lành" là hình ảnh, màu sắc của thiên nhiên, hay trước hết là tấm lòng và cuộc sống xã hội?
Cảm hứng xã hội dẫn Tố Hữu đến những đề tài bao quát, những hình tượng rộng lớn. Nhiều bài thơ của anh như Ta đi tới, Việt Bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca mùa xuân 1961, Trên đường thiên lí, Chào xuân 67 đã "tổng kết" những giai đoạn phát triển của cách mạng. Bà mẹ trong Bầm ơi là bà mẹ chung của các chiến sĩ. Mà hình ảnh chiến sĩ trong thơ Tố Hữu cũng là một hình ảnh tổng hợp. Mấy câu thơ rất đạt về người chiến sĩ trong bài Lên Tây Bắc đã đưa suy tưởng của người đọc đến cái thế chung của ta trong kháng chiến:
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo Núi không đè nổi vai vươn tới Lá nguỵ trang reo với gió đèo…
Cũng với một bút pháp như vậy, mười bảy năm sau anh đã dựng lên hình ảnh người giải phóng miền Nam trùm lên thời gian và không gian:
Hỡi người Anh, Giải phóng quân
Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy.
…
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí, chung câu quân hành…
Anh đi, xuôi ngược tung hoành
Bước dài như gió, lay thành chuyển non
(Tiếng hát sang xuân)
Cái riêng gắn bó với cái chung và nổi rõ trên nền cái chung. Đằng sau những "tiếng guốc" ("Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về"), "mật bộng" ("Đường thơm tho như mật bộng trưa hè"), "lửa đỏ" ("Rát mặt trông ra cửa sắt ngăn trời / Ôi đêm tối những nơi nào lửa đỏ") là những suy nghĩ da diết về cách mạng, về giải phóng. Cách mạng trên hết, không có nó là không có tất cả. Nhiều hình ảnh trong thơ Tố Hữu hầu như không nói đến tình yêu. Anh
ca ngợi tình nghĩa. Thắm thiết nhưng không hẳn là thân mật. Nhà thơ không có những bài thơ như Đợi anh về, A-liêu-sa nhớ chăng, nhưng lại có Việt Bắc, Lá thư Bến Tre, Chiếc áo xanh, trong đó cái chung là nguồn chủ yếu, là nền của cái riêng. Tố Hữu có biệt tài dựng lên những khung cảnh hùng vĩ, rộng lớn:
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Nhiều câu thơ có sức ngân vang rất xa trong cả ý, lời và nhạc điệu:
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan…
(Em ơi, Ba Lan…)
Trong tay Tố Hữu, những câu thơ vốn hiền lành như bốn chữ, bảy chữ, lục bát đều đủ sức nói lên cái đồ sộ, hùng tráng (Phá đường, Voi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Vinh quang Tổ quốc chúng ta, Ba mươi năm đời ta có Đảng,…). Nhà thơ đã khai thác khá triệt để khả năng diễn đạt của câu thơ lục bát trong truyền thống văn học dân tộc để miêu tả cuộc sống một cách linh hoạt. Câu thơ bảy chữ của Tố Hữu nhiều lúc có bề thế của câu thơ tám chữ thường dùng để truyền đạt không khí dồn dập, sôi nổi. Đọc mấy câu đầu trong bài Ta đi tới với cái đĩnh đạc của nó trong ý tưởng và nhạc điệu, ta có cảm tưởng đó không phải là thơ bảy chữ:
Trên đường cái, ung dung ta bước. Đường ta rộng thênh thang tám thước Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
Và trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông: bốn mặt, luỹ hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Đúng là nhà thơ đã mở rộng kích thước, biến đổi hình dáng của câu thơ bảy chữ. Từ câu thơ bảy chữ trói buộc trong những niêm luật khắc nghiệt của thơ Đường được biến đổi khá căn bản trong song thất lục bát mang đậm màu sắc Việt Nam, đến câu thơ bảy chữ sử thi của Tố Hữu là một bước sáng tạo rất quan trọng. Càng về sau nhà thơ càng sử dụng rộng rãi câu thơ bảy chữ sử thi này để biểu hiện những sự kiện lớn lao và khí thế hùng tráng của thời đại (Lá thư Bến Tre, Miền Nam, Trên đường thiên lí, Chào xuân 67). Thơ bảy chữ hoặc bảy chữ biến thể về phương diện này dần dần thay thế và đã thay thế xuất sắc và độc đáo thơ tám chữ vốn là thể thơ phổ biến nhất của phong trào Thơ mới và đã giữ địa vị hàng đầu trong tập Từ ấy.
Cảm hứng xã hội, thiên hướng tổng hợp đã làm cho thơ Tố Hữu càng thấm nhuần chủ nghĩa lịch sử, đã nâng Tố Hữu lên thành nhà thơ hùng tráng nhất, nhà thơ sử thi xuất sắc nhất trong nền thi ca hiện đại của chúng ta. Tiêu biểu cho giọng trữ tình xã hội, Tố Hữu cũng là nhà thơ đã khẳng định rất sớm thể loại anh hùng ca trong thơ ca cách mạng Việt Nam với Bà má Hậu Giang, nhưng thành công hơn nữa là Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, chứng minh bằng thực tế sáng tác khả năng và ý nghĩa lớn lao của thể loại này. Trong nền văn học mới của chúng ta, anh hùng ca xuyên thấm vào tất cả các thể loại: vào tiểu thuyết (Đất nước đứng lên, Sóng gầm, Vỡ bờ, Hòn Đất), truyện ngắn (Đất, Rừng xà nu, Bức thư làng Mực, Gieo mầm), kí (Sống như Anh, Người mẹ cầm súng, Họ sống và chiến đấu), thơ (Gánh, Lời thề, Anh Tài Lạc, Bài thơ cuộc đời, Người đi tìm hình của nước, Ở đâu, ở đâu, ở đất anh hùng, Sao chiến thắng, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Tiếng sóng),… Trong thơ, anh hùng ca thực chất là anh hùng ca trữ tình. Thơ chủ yếu nói về tâm trạng, miêu tả hiện thực chủ yếu cũng thông qua tâm trạng. Mà thời đại chúng ta đang sống là một thời đại thật sự anh hùng. Thơ bây giờ không thể chỉ nói cái riêng tư hoặc cái riêng tư trước hết. "Thời đại anh hùng đòi hỏi những lời lẽ anh hùng" (Gorky). Anh hùng ca trữ tình là tiếng nói lớn, tiếng nói chính diện của thời đại trong thơ. Con đường đi của Tố Hữu cũng là con đường đi của nhiều nhà thơ có tên tuổi của chúng ta như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Giang Nam,… Trữ tình xã hội là một dòng thơ lớn tiêu biểu cho thơ ca cách mạng, cho những thời đại có những biến chuyển sâu sắc lay động cả xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Những nhà thơ lớn xưa nay chịu ảnh hưởng tốt của phong trào đấu tranh của quần chúng cũng thường vươn lên khuynh hướng trữ tình xã hội trong sáng tác. Đó là trường hợp của Esin, Euripides, Byron, Hugo, Heine, Lermontov, Nekrasov, Mayakovsky và Éluard.
Nhu cầu khách quan kết hợp một cách đẹp đẽ với những điều kiện chủ quan về tư tưởng và tài năng đã biến Tố Hữu thành nhà thơ tiêu biểu của thời đại cách mạng, "thời đại Đảng dựng xây đời" và "vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ" (Chế Lan Viên).
Cũng do thiên hướng tổng hợp, cho nên trong thơ Tố Hữu ít cái "ríu rít" của cuộc sống mà ta bắt gặp ở một nhà thơ khác như Tế Hanh, Huy Cận và nhất là Xuân Diệu. Hiện thực đi vào thơ Xuân Diệu trực tiếp và nhiều vẻ. Trước cũng như sau Cách mạng, Xuân Diệu vẫn là nhà thơ "nhập thế" và ngày càng có ý mở rộng cánh cửa thơ để đón lấy hiện thực phong phú và tươi mới xung quanh. Xuân Diệu viết về mọi thứ: ngói, nhà máy xay, bia, vườn xoài, con kênh, cháu đi sơ tán, đêm hành quân, xoan Ngọc Long,..., anh khai thác đủ loại đề tài, không ngần ngại phá vỡ khuôn khổ và nhịp điệu có sẵn để cho "văn xuôi" của cuộc sống đi vào thơ. Đây cũng là một khuynh hướng chung của nhiều nhà thơ hiện đại trong nước cũng như ngoài nước nhằm đề cao khả năng nhận thức của thơ, phát triển chủ nghĩa hiện thực trong thơ. Chúng ta nên hoan nghênh khuynh hướng này, nhất là khi khá đông nhà thơ của chúng ta, trong đó không ít những nhà thơ trẻ, thường quanh quẩn với những rung động quen thuộc nặng về biểu hiện những cảm xúc chủ quan của cá nhân, mà không chú ý đúng mức đến những thay đổi nhiều mặt trong thực tế. Tất nhiên, không phải lúc nào Xuân Diệu cũng thành công trong cố gắng này. Để phản ánh cuộc sống một cách sinh động và kịp thời, có lúc nhà thơ chưa có được cái sâu sắc, lắng đọng, cảm xúc nhiều khi chưa chín kịp sự kiện. Thiên hướng tổng hợp trong thơ Tố Hữu là một đặc điểm, một ưu thế. Đã đành nếu trong thơ Tố Hữu có thêm nhiều cái "ríu rít" thì thật là đáng mừng bội phần. Nghệ thuật là đa dạng, nhưng quan trọng hơn là mãnh liệt. Nghệ sĩ muốn thi đua với "hoá công" trong sáng tạo phong phú, nhưng trước hết phải nói được sâu nhất, mạnh nhất để bồi đắp tâm hồn người đọc bằng chất lượng của tư tưởng và tình cảm. Tố Hữu "lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ", và thơ anh trước sau vẫn "với Đảng nặng duyên tơ" và "thấu nhân tình". Sức mạnh ở thơ Tố Hữu là ở trí tuệ sáng suốt và kiên định, ở lí tưởng cao, ở những tình cảm lớn và mãnh liệt. Mong sao sức mạnh ấy luôn luôn được bồi đắp thường xuyên hơn bằng những rung động tươi mới hằng ngày, bằng những quan sát và biểu hiện cụ thể về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ rộng lớn xung quanh.
Sức mạnh tình cảm, hơi thơ liền mạch
Đúng là ở Tố Hữu, "mặt trời chân lí" đã "chói qua tim" và "hồn" anh là một "vườn hoa lá". Nhà thơ không có khả năng quan sát thật sắc sảo như một số nghệ sĩ khác, nhưng anh nghe rất nhiều và nghe rất tinh. Cả bài Tâm tư trong tù là dựa vào giác quan này. Nhưng căn bản là nghe bằng tấm lòng:
Song lòng ta đã nghe đâu đó
Có một mùa xuân phảng phất hương.
(Xuân nhân loại)
Có nghe như thế mới "bâng khuâng" và "lâng lâng":
Bâng khuâng nghe năm tháng.
(Với Lê-nin)
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!
(Bài ca mùa xuân 1961)
Và cũng chỉ tấm lòng sáng suốt hơn đôi tai rất nhiều mới nghe được những biến đổi lớn lao, xa thẳm:
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao…
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Chính giác quan tinh tế này đã tạo nên nhạc tính giàu có đặc biệt trong thơ Tố Hữu. Bài Em ơi, Ba Lan… và Mẹ Tơm là những biểu hiện hùng hồn về mặt này:
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát...
Tình và nhạc quyện vào nhau, những câu thơ náo nức và xôn xao lạ! Tố Hữu rất chú ý sử dụng vần lưng. Trong nhiều câu thơ, chính vần điệu đã truyền đạt được nội dung tư tưởng và tình cảm trung thực hơn, sâu sắc hơn là từ ngữ:
Màu áo mới nâu non nắng chói
Mái trường tươi roi rói ngói son.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Niềm vui là từ màu áo mới, mái trường ngói tươi, nhưng không chỉ có thế! Do cách sử dụng rất tài tình những phụ âm m (màu, mới), n (nâu, non, nắng), những khuôn vần oi (chói, ngói, rói) và gần nó là ơi (mới), ươi (tươi) và rất nhiều từ không dấu và không sắc, chỉ trong hai câu thơ bảy chữ tác giả đã trộn lẫn cả sự vật, màu sắc, âm thanh để dựng lên một khung cảnh rất nhộn nhịp, biểu hiện một tâm trạng hết sức rộn ràng. Cái nói được nhiều nhất ở đây cũng như trong tập thơ Tố Hữu nói chung là tâm trạng, là cái tình. Những hình ảnh lung linh nắng ấm của một miền ven biển trong bài Mẹ Tơm như tan vào cảm xúc. Nhà thơ đã về lại rừng sa mộc, khóm dừa xanh, với một tấm lòng bạn bè, đồng chí:
Tôi lại về đây, hỡi các anh:
Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh
Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng
Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành!
Tất cả đều sống dậy, nhất là cát: "nắng dài bãi cát", "cát bỏng lưng đồi", "cát trắng rung rinh nắng", "bãi cát vàng thau in bóng mẹ", "máu con đỏ cát đường thôn lạnh". Cái tiêu biểu cho quê hương nghèo khổ, trong trắng, thuỷ chung, vô cùng, vô tận, ấp ủ "Những trái tim như ngọc sáng ngời". Cũng như nhiều nhà thơ dân tộc, Tố Hữu hay miêu tả thiên nhiên. Chủ yếu miêu tả thiên nhiên để nói nỗi lòng.
Từng ngọn cỏ, cành cây Miền Bắc
Vẫn rung rinh theo gió tự Miền Nam
(Có thể nào yên?)
Chỉ có trong lòng mới có "miền sâu thẳm" và "ngày xanh thắm" và cảnh "nắng quê hương rười rượi đường dừa". Kêu gọi, giục giã và tràn đầy niềm tin, dạt dào tình cảm, nên hơi thơ của Tố Hữu là hơi thơ liền mạch. Bài thơ cuốn người đọc không phải bằng những ý hay, chi tiết độc đáo nào đó, mà bằng cả cái tứ thơ chung, cái hơi thơ toàn bài. Có khi một ý, có khi một vài hình ảnh, một màu sắc, thậm chí một từ được láy đi láy lại nhiều lần trong một bài thơ. Để nhấn mạnh thân phận đáng thương của em bé mồ côi (Mồ côi), tác giả trở đi trở lại nhiều lần hình tượng con chim: con chim non rũ cánh, con chim non chiu chít, con chim non không tổ. Hai bài thơ Những người không chết và Giờ quyết định đều xây dựng trên một sự so sánh xuyên suốt từ đầu đến cuối: làm cách mạng là lái thuyền vượt sóng lớn gió to. Trong bài Miền Nam, hai tiếng "Miền Nam" cứ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong từng đoạn thơ, có lúc hai lần trong một đoạn xoáy sâu vào tâm hồn trí nhớ như một nỗi niềm da diết, một tiếng kêu thương, một quyết tâm, một lời thề. Trong bài Chiếc áo xanh, đoạn nào cũng có nói đến màu xanh: chiếc áo màu xanh (đoạn 1), màu xanh chiến thắng của miền Nam yêu thương (đoạn 2), màu xanh quê hương (đoạn 3), màu xanh của tình yêu đằm thắm (đoạn 4). Bài Những ngọn đèn cũng xây dựng theo một thủ pháp nghệ thuật tương tự: từ ngọn đèn phòng không trong khung cảnh chung, ngọn đèn "trên đường đêm canh trời thăm thẳm", tác giả đi đến những ngọn đèn cụ thể hơn, gần gũi hơn, "những ngọn đèn treo đỏ ấm lòng". Rồi ý nghĩa ngọn đèn mở rộng ra theo suy tưởng và tình cảm của tác giả thành những ngọn đèn "soi bước ta đi rực lửa hồng" và "ngọn đèn đồng chí giữa cơn dông". Có khi một ý, một hình ảnh đi từ bài thơ này sang bài thơ khác: "Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh" (Huế tháng Tám), "Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử" (Vui bất tuyệt), "Bốn nghìn năm ta lại là ta" (Xưa… Nay…), "Bốn nghìn năm chan chứa ân tình" (Chào xuân 67). Nhiều đề tài trở thành thường xuyên trong thơ Tố Hữu: bà mẹ, quê hương, mùa xuân, Bác, miền Nam,…
Do tính chất của hơi thơ liền mạch, Tố Hữu thiên về sử dụng vần liền trong một đoạn cũng như là giữa đoạn trước và đoạn sau. Cách gieo vần trong bài Trên đường thiên lí rất tiêu biểu:
Có những lúc trên đường thiên lí
Ta đang đi, bỗng thấy, lạ lùng
Trên đầu ta, trời rộng vô cùng
Và trước mặt, đất dài vô tận
Đồng lúa làng tre nắng vàng rắc phấn.
Cách gieo vần này được tôn trọng suốt cả bài thơ 84 câu, 21 đoạn, không hề có ngoại lệ. Ngay trong Từ ấy, nguyên tắc này cũng đã bộc lộ rõ. Khác với những nhà "thơ mới" thường chia thơ tám chữ thành những đoạn bốn câu đều đặn suốt cả bài, mỗi đoạn là một kiến trúc tương đối hoàn chỉnh, "kín", theo vần ôm hay vần chéo, Tố Hữu phân đoạn khá tự do tuỳ theo nội dung và sử dụng chủ yếu vần liền suốt cả bài hoặc là giữa đoạn trên và đoạn dưới. Chẳng hạn như:
Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi
Đến hôm nay phút chết đã kề bên
Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên
Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu.
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Vần liền biến dạng một cách độc đáo trong bài Người con gái Việt Nam. Trừ đoạn đầu, cả bài thơ ở đây đều chia thành đoạn bốn câu, vần liền nhau từng đôi một:
Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả Nước ôm em, khúc ruột của mình.
Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa…
Cái chết và sự sống, căm giận và yêu thương, đau xót và hi vọng đan chéo nhau trong tính cách và nhân vật, trong cảm xúc thơ và trong cả vần điệu. Hình thức nghệ thuật, ngay đến chi tiết của nó, đã phục vụ tuyệt đối cho nội dung là như thế.
Trong bài Xuân 69, vần liền lại được sử dụng sáng tạo, tình nghĩa vang vọng trong cả vần điệu, đúng là giọng thơ của Tố Hữu:
Tưng bừng năm 68 chuyển nhanh
Như một chuyến tốc hành chở đầy hoa chiến thắng
Hoa Việt Nam. Hoa bốn mùa mưa nắng
Kì diệu thay. Nơi cháy lửa na-pan
Trụi lá cây rừng, hạt lúa thành tha
Lại là đất xanh tươi cuộc sống
Và xanh nhất màu xanh hi vọng.
Thơ là thơ cách mạng, thơ kêu gọi đấu tranh, thơ tình nghĩa, nội dung quyết định hình thức một cách cao độ, ý tình liền một mạch, cách khai triển, cấu tạo bài thơ, cũng như cách gieo vần này, là từ nhu cầu ấy mà ra.
Tố Hữu gần Xuân Diệu ở hơi thơ liền mạch, lại gần Chế Lan Viên ở thiên hướng tổng hợp. Nhưng giữa ba nhà thơ này có những điểm khác biệt rất lớn. Ví dụ nói về quê mẹ, nhưng mỗi người nói theo một cách riêng, đặc điểm này
có thể thấy ngay trong từng đoạn thơ.
Tố Hữu:
Huế ơi, quê mẹ của ta ơi!
Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…
(Quê mẹ)
Xuân Diệu:
Ôi bao giờ, bao giờ
Ta tắm vào da thịt
Con sông nhỏ Gò Bồi
Quy Nhơn về ngụp biển
Muối đọng ở vành tai
Ôi bao giờ, bao giờ
Từ trước ngực sau vai
Cũng ngập đầy quê má?
(Nhớ quê Nam)
Chế Lan Viên:
Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?
Từ buổi dạy con lòng thương, ghét ban đầu
Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ
Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ
Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng
Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan…
(Kết nạp Đảng trên quê mẹ)
Xuân Diệu đặc biệt quan tâm đến cảm thụ trực tiếp. Hiện thực trong thơ anh tươi rói chất sống. Ưu thế ở đấy mà nhược điểm một phần cũng ở đấy. Nhà thơ chú ý đến tiếng nói của cảm giác, đến giá trị hoạ của hình tượng (Một vườn xoài, Lệ, Gánh, Mã Pí Lèng, Biển). Những bài thơ xuất sắc về tình yêu là một biểu hiện rõ về mặt này. Trong bài Lời thề, Hỡi mình, những bài khá thành công về đề tài đấu tranh thống nhất, rất tiêu biểu là tình cảm Bắc Nam, lại được lồng vào ngôn ngữ quen thuộc của nhà thơ: tình yêu. Chế Lan Viên kết hợp được khá nhuần nhuyễn, khéo léo hình ảnh, cảm xúc và suy nghĩ.
Sức mạnh rất lớn ở đây là trí tuệ. Thiên hướng khái quát, tính chất chính luận, triết luận của Chế Lan Viên là dựa trên cơ sở này. Nhà thơ nhấn mạnh sự đối lập của hiện tượng:
Viết – câu – thơ – sáng – trời,
Giữa nhà lao bóng phủ
Tìm đường cho lịch sử
Qua hai hàng cùm sai.
(Ngoảnh lại mười lăm năm)
Anh trân trọng cả Hoa ngày thường và Chim báo bão, đối lập bên trong của Ánh sáng và phù sa là Điêu tàn. Trong thơ Chế Lan Viên, rất nhiều liên tưởng đột ngột và mới mẻ:
Đêm nay sao chín vàng như thóc giống
Phải đêm nay trời cũng được mùa?
Trời sao cao như là chiến trận
Sao sáng ngời vũ khí lòng ta!
(Sao chiến thắng)
Trí tuệ đã giúp nhà thơ phát hiện một cách sâu sắc và kịp thời những vấn đề lớn lao của thời đại. Sự có mặt của trí tuệ trong thơ hiện đại là một điều tất nhiên, một ưu thế nữa. Thời đại này không chỉ dựa vào trực cảm, dù là trong nghệ thuật. Nhà hoạ sĩ lớn của nước Pháp, Picasso, nói: tôi hình dung thế giới không như tôi thấy mà như tôi suy nghĩ. Mỗi một hiện tượng trong thế giới ngày nay nằm trong những tương quan chằng chịt rất phức tạp. Không có trí tuệ sáng suốt không thể nào hiểu được nó một cách chính xác và toàn diện. Thơ bây giờ không thể đối lập với khoa học, không thể không khai thác chỗ mạnh của văn xuôi để tự bồi dưỡng, miễn là giữ vững được khả năng biểu hiện lớn lao của bản thân nó và không biến thành văn xuôi. Nhất là nếu trí tuệ đó được sự hỗ trợ của cảm xúc và hình ảnh thì lại càng đáng được hoan nghênh. Đó là trường hợp của Chế Lan Viên. Cảm tình và hi vọng của người đọc đối với thơ anh cũng dựa vào đấy.
Tố Hữu chín cả trong tư tưởng và tình cảm. Anh nói chân lí lớn của đất nước và thời đại với sức nặng của tình cảm và nghĩa tình. Ở anh, cách mạng và cuộc đời hoà làm một, "quá khứ tương lai soi mình trong hiện tại". Tuổi nhỏ và quê mẹ cũng chỉ ánh lên ý nghĩa trọn vẹn trong cách mạng, trong sự hồi sinh của Tổ quốc hôm nay. Trong nghệ thuật, Tố Hữu không ngần ngại nói những điều quen thuộc. Trái lại, anh thường từ những ý nghĩ quen thuộc của quần chúng thổi bùng lên sức sống sáng tạo. Khám phá trong thơ anh giống như đôi mắt của người mẹ: gần gũi, thân quen, nhưng lại lạ lùng, sâu thẳm và bao giờ cũng ấm. Thơ anh ít gây nên những ấn tượng đột ngột. Nó tự nhiên, hiền lành đi vào lòng người rồi cứ ngân vang mãi.
Hình ảnh thơ Tố Hữu, như Chế Lan Viên đã nhận xét, là một hình ảnh động. Tố Hữu có biệt tài biểu hiện sự chuyển động trong không gian và thời gian. Đọc bài Lượm, ta thấy cái thái độ vui tươi, cả hình dáng, cả bước nhún nhảy của em bé:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Nhạc điệu trong bài Ta đi tới cũng dồn dập như bước chân của những người chiến thắng:
Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,
Rắn như thép, vững như đồng
Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp
Cao như núi, dài như sông
Trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, bỗng vút lên lời thơ sảng khoái, hùng tráng chưa từng thấy ở Tố Hữu trước đây. Bằng những câu thơ tự do, dài ngắn không đều, tác giả đã gợi lên cả cái khí thế sục sôi của chiến dịch Điện Biên và diễn biến ồ ạt của nó:
Chiến sĩ anh hùng Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm,
mưa dầm, cơm vắt.
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những câu thơ cuồn cuộn như một dòng thác. Người đọc bị cuốn đi trong hơi thơ ấy. Nghệ thuật truyền đạt sự chuyển động ấy càng thể hiện rõ trong bài Quang vinh Tổ quốc chúng ta:
Cả đất nước: chiến khu vĩ đại
Bước chân ta khắp bãi chiến trường.
Quét Cao – Lạng, mở biên cương
Mênh mông gió lớn bốn phương thổi vào.
Cả không gian và thời gian chuyển động.
Thơ Tố Hữu tràn đi, tha thiết, mênh mang. Câu thơ của anh nặng tình hơn là chất suy nghĩ. Toàn bài thơ tạo nên một ngân vang chung, không có những khoảng cách đáng kể giữa những thành phần của một câu thơ, giữa những câu thơ trong một đoạn, giữa những đoạn thơ trong một bài. Nguyễn Đình Thi viết:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
(Đất nước)
Đoạn thơ có sức mạnh riêng của nó đối với toàn bài thơ, mà từng câu thơ lại súc tích, giữa những ý và hình ảnh cũng có những "dấu ngắt" ngưng đọng. Cũng sử dụng khá rộng rãi những đoạn thơ bốn câu, bảy chữ, nhưng âm hưởng của những đoạn thơ này của Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi cũng rất khác nhau.
Về vần, Tố Hữu thường dùng vần Đường luật (chữ cuối câu thứ nhất, câu thứ hai và câu thứ tư, thanh bằng và vần với nhau). Trong số chín mươi tám đoạn thơ bảy chữ trong tập Thơ Tố Hữu (tuyển) thì đã có bảy mươi mốt đoạn viết theo vần này. Chỉ có hai mươi ba đoạn dùng vần chéo (chữ cuối câu thứ nhất và câu thứ ba, thanh trắc và vần với nhau, chữ cuối câu thứ hai và thứ tư, thanh bằng và vần với nhau), vần này ở Tố Hữu chỉ chiếm 25%, nhưng trong tập thơ Người chiến sĩ của Nguyễn Đình Thi, tỉ lệ lại lên đến 60%.
Vần Đường luật mềm mại, có nhiều khả năng biểu hiện cái liên tục thích ứng với hơi thơ liền mạch của Tố Hữu hơn. Vần chéo bắt đầu bằng thanh trắc đường đột hơn, đồng thời lại hoàn chỉnh hơn trong kiến trúc của nó, nên có nhiều khả năng diễn đạt cái sắc sảo, gián đoạn, lắng đọng, do đó thích hợp với hơi thơ của Nguyễn Đình Thi hơn.
Về tiết tấu: Tố Hữu thường ngắt câu theo nhịp điệu thông thường 4/ 3 hoặc 2/ 2/ 3. Nguyễn Đình Thi lại thường theo nhịp 3/ 4 hoặc 3/ 2/ 2. Theo cách ngắt đầu, câu thơ uyển chuyển; theo cách ngắt sau, câu thơ sắc cạnh hơn.
Về niêm luật, nói chung Tố Hữu tôn trọng lệ "nhị, tứ, lục phân minh" và trong đoạn thơ 4 câu thì câu 1 đi với câu 4, câu 2 đi với câu 3. Nguyễn Đình Thi theo một niêm luật khác, thích ứng với cách ngắt câu mới và trong đoạn thơ 4 câu của anh, câu 1 đi với câu 3, câu 2 đi với câu 4. Có thể cụ thể hoá những nhận xét trên đây trong hai đoạn thơ:
Ở Nguyễn Đình Thi:
Ngày nắng đốt (tr) theo đêm (b) mưa dội (tr)
Mỗi bước đường (b) mỗi bước (tr) hi sinh (b)
Trán cháy rực (tr) nghĩ trời (b) đất mới (tr)
Lòng ta (b) bát ngát (tr) ánh bình minh (b)
Ở Tố Hữu, kiểu 1:
Phải chi (b) em đến (tr) được cùng (b) anh (b)
Chỉ một (tr) ngày thôi (b) kể ngọn ngành (b)
Thư viết (tr) đôi trang (b) lòng cuộn (tr) cuộn (tr)
Như dòng (b) sông cuốn (tr) lá tre (b) xanh (b)
Kiểu 2:
Trống cờ (b) giải phóng (tr) vui đêm (b) hội (tr)
Ngói đỏ (tr) dòng kênh (b) những mái (tr) trường (b)
Vẫn đậm (tr) như xưa (b) tình kháng (tr) chiến (tr)
Lại về (b) những tiếng (tr) hát yêu (b) thương (b)
Tất nhiên, ở Tố Hữu cũng có những cách ngắt câu khác, sử dụng niêm luật theo cách khác (Quê mẹ; Em ơi, Ba Lan…). Nguyễn Đình Thi cũng thế. Nhưng kiểu trên đây vẫn rất tiêu biểu cho phong cách của hai người. Chính vì thơ Tố Hữu liền mạch, cho nên thành công hay thất bại của thơ anh thường là thành công hay thất bại của toàn bài. Tố Hữu có nhiều bài thơ hay một cách hoàn chỉnh. Giá trị của bài thơ trong cái hơi thơ toàn bài và gần như có thể thấy rõ từ câu thơ đầu tiên. Nói chung trong thơ, câu đầu tiên bao giờ cũng có một vị trí đặc biệt đối với toàn bài, nó quy định cả mạch thơ, cả âm hưởng chung. Đối với Tố Hữu, điều này càng rõ. Thơ anh thường xây dựng theo diễn biến của tình cảm, theo lối "các câu thơ gọi nhau", nên "tiếng gọi" của câu đầu có ý nghĩa rất lớn. Sau những câu mở đầu:
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước.
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Các bài thơ cứ thế cuốn đi. Và đó là những bài thành công nhất. Trái lại, ở một số bài khác có sự "tìm giọng" khó khăn. Huế tháng Tám bắt đầu:
Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác
Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau
Bài thơ chưa đi vào cảm hứng chủ đạo. Vẫn còn xa cảm hứng ấy, mấy câu thơ duyên dáng và thi vị:
Trên Hương Giang mênh mang đò lạnh ngắt Tiếng đàn im. Ca kĩ nép phương nào?
Trăng thì thầm chi với sóng lao xao…
của "thơ mới" nhiều hơn của Tố Hữu. Nhưng bỗng tác giả chuyển sang:
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Đúng là anh "nhập giọng": giản dị, chân tình, mênh mang. Dễ hiểu là sau đó tiếp theo những câu thơ vừa tha thiết, vừa hùng tráng, rất Tố Hữu:
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời
...
Gió gió ơi! Hãy làm dông làm tố Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Đó là những câu thơ vào loại đẹp nhất trong Từ ấy. Đó cũng là những mầm mống đầu tiên đưa đến thể loại anh hùng ca trữ tình rất điển hình cho thơ Tố Hữu sau này.
Có lúc ta thấy nhà thơ "lạc giọng", ngay từ đầu. Chẳng hạn như trong bài Đêm xanh, Lạnh lạt, Bắn. Bài Giữa thành phố trụi bắt đầu hơi kiểu cách và hiu hắt:
Đến làm chi đây? Ta đã biết Phố thành ta phá hết, lâu rồi!
Và bài thơ cứ loạng choạng, thiếu tính nhất quán. Tố Hữu sử dụng rất linh hoạt những câu thơ dài ngắn khác nhau để diễn đạt những nội dung tư tưởng, tình cảm biến đổi, để truyền đạt sự chuyển động hoặc là sự dồn dập (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Với Lê-nin, Ê-mi-ly, con...). Nhưng anh vẫn thiên về những bài thơ ổn định trong một thể loại hoặc là theo lối hợp thể, ít khi thay đổi đột ngột. Đêm xanh, Lạnh lạt, Giữa thành phố trụi hơi kiểu cách, như vượt ra ngoài phong cách của Tố Hữu, nên không thành công. Bài Tiếng chổi tre tuy cũng viết theo lối tự do, nhưng không giống trường hợp ba bài trên. Bởi vì ở đây hơi thơ vẫn liền mạch trong ý, lời, nhạc điệu. Có thể nói rằng đằng sau những câu thơ tự do này có cái vững chắc của kiến trúc câu thơ bảy chữ biến thể quen thuộc của Tố Hữu. Ta tạm thời xếp đặt lại một đoạn thơ:
Những đêm hè / khi ve ve/ đã ngủ
Tôi lắng nghe / trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre / xao xác / hàng me
Tiếng chổi tre / đêm hè / quét rác
Tất nhiên, ý nghĩa của bài thơ có đổi khác. Nhưng âm hưởng nội tại vững chắc trong ấy lại rất cần thiết. Và ở đây ta lại thấy dấu ấn những đặc điểm chung trong phong cách của Tố Hữu.
Tính cách và tâm hồn dân tộc
Trong tập Từ ấy, do những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể, tính chất dân tộc có bị hạn chế hơn so với những tập thơ sau. Ở đây, tính chất dân tộc biểu hiện chủ yếu ở chỗ nhà thơ đã bám sát những mặt cơ bản nhất của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là đấu tranh giải phóng dân tộc và lao động, ở chỗ miêu tả người chiến sĩ cách mạng thành trung tâm của thời đại. Tố Hữu đã lưu ý đến những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn của người Việt Nam. Những em bé mồ côi, những người nghèo, những chiến sĩ cách mạng trong thơ anh im lặng một cách dũng cảm (Tương tri, Hồn chiến sĩ, Những người không chết,...). Nhà thơ nhìn thấy rõ trong thái độ im lặng ấy sức sống bền bỉ, tinh thần bình tĩnh trước khó khăn, bản chất khiêm tốn, hồn nhiên của quần chúng. Đó là sự im lặng của những người tự tin và vững lòng tin ở lí tưởng, dũng cảm trong đau khổ, biết hi sinh một cách giản dị và thật sự anh hùng. Trong bài Chào xuân 67 sau này, tác giả đã ngợi ca đức tính dũng cảm im lặng ấy của đất nước và dân tộc:
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu! Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng... Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời
Nhà thơ đề cao sự thanh khiết trong tâm hồn (Tâm tư trong tù, Con cá, chột nưa), lòng thuỷ chung đối với cách mạng (Trăng trối, Những người không chết,...), tình yêu đất nước, quê hương.
Tập thơ đầu tay này chứng tỏ những cố gắng liên tục của tác giả tìm tòi thể loại và ngôn ngữ thích hợp để đạt đến tính chất dân tộc sâu sắc hơn. Trong Từ ấy, thể loại chủ yếu vẫn là thơ tám chữ (45%). Nhưng khá nhiều bài thơ thành công của anh như Tiếng hát sông Hương, Dửng dưng, Nhớ đồng, Bà má Hậu Giang, Tiếng chuông nhà thờ, Con cá, chột nưa lại viết theo thể loại khác. Trong những thể loại thích hợp hơn với phong cách này của mình, Tố Hữu sớm tránh được cái ồn ào bất lực thường thấy trong một số bài thơ tám chữ lúc ấy.
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, tính cách dân tộc ngày càng bộc lộ rõ nét, và tâm hồn nhà thơ bắt mạch sâu hơn vào hiện thực cách mạng của dân tộc. Đặc điểm dân tộc trong thơ anh do đó ngày càng sâu sắc hơn. Trên con đường tìm tòi để khẳng định tính dân tộc trong thơ, bài Phá đường là một cái mốc quan trọng về nhiều mặt. Anh đã đến được với quần chúng một cách thoải mái và nói được về họ bằng thứ ngôn ngữ giản dị trực tiếp của chính bản thân họ. Mặc dầu từ lâu anh đã nói "Tôi buộc lòng tôi với mọi người" và tự xem mình là "con của vạn nhà", ngay trong bài Cá nước, vẫn còn có sự cách bức giữa tác giả và người lính. Anh bộ đội dũng cảm, đáng yêu ở đây còn thụ động quá, anh cứ ngồi yên cho tác giả ngắm nghía, gửi gắm tình cảm. Có một cái gì chưa chan hoà trong câu:
Anh Vệ quốc quân ơi Sao mà yêu anh thế!
"Tôi nhích lại gần anh": quả là hai đứa chưa gắn bó, thông cảm với nhau một cách tự nhiên. Cho nên khi tác giả viết: "Hai đứa cười ha hả", ta vẫn nghe chút ít gượng gạo. Phá đường đã vượt qua được sự ngỡ ngàng ấy. Người con gái Bắc Giang đảm đang, giỏi giang, yêu chồng, yêu nước, rất Việt Nam, có lần ta đã gặp "thay chồng đi đắp đê công" trước đấy (Tiếng hát trên đê, 1944). Nhưng hoàn cảnh khác, tâm trạng khác. Phá đường cũng biểu lộ khá rõ biệt tài của Tố Hữu trong việc phối hợp các thể thơ, trong việc xây dựng những hình ảnh động, làm cho bài thơ giàu nhạc tính, nhất là bằng vần lưng đặc sắc của câu thơ Việt Nam, mà cũng là sở trường của Tố Hữu. Thành công của Phá đường được củng cố bằng hàng loạt bài thơ tiếp sau trong Việt Bắc, Gió lộng: lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của đấu tranh liên tục để giành độc lập và quyền sống.
Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam rất anh hùng. Từ lâu, Tố Hữu đã nói đến con người kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, dũng cảm vượt mọi khó khăn, nhưng đến chiến thắng Điện Biên, lòng tự hào dân tộc mới vút lên: "Dân tộc ta dân tộc anh hùng". Nhưng có lẽ lúc ấy ta mới nghĩ một cách khiêm tốn đến mục đích tự giải phóng. Về sau ta nhận thức rõ hơn ý nghĩa quốc tế của cách mạng Việt Nam:
Việt Nam anh dũng sáng ngời
Ánh gươm độc lập giữa trời soi chung.
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Trong bài Có thể nào yên?, tư tưởng này đã được diễn đạt nghệ thuật hơn:
Miền Nam đó, ngọn đèn mặt biển
Giữa đêm dông, đỏ lửa đưa đường
Hãy nhằm hướng phương Đông mà tiến
Hỡi những tàu trên các đại dương!
Khác nhau thật ra không chỉ ở hình thức. Cuộc đấu tranh anh dũng tuyệt vời của dân tộc ta ngày càng làm cho chúng ta "sáng mắt sáng lòng". Chúng ta không chỉ hiểu mà đã thấy, đã cảm được hết sức rõ ràng, thấm thía bằng tất cả sức mạnh của trí tuệ và tâm hồn, thể nghiệm trực tiếp ý nghĩa vĩ đại của cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tiến hành đối với vận mệnh của dân tộc mình và của toàn thể nhân loại:
Khi ta đứng lên cầm khẩu súng
Ta vì ta, ba chục triệu người
Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!
(Miền Nam)
Chúng ta ca ngợi giang sơn hùng vĩ, "đất anh hùng của thế kỉ hai mươi", muôn ngàn lần quý yêu trân trọng con đường cách mạng đã đi qua. Bài ca mùa xuân 1961 đã nói lên một chân lí lớn lao:
Việt Nam dân tộc anh hùng
Tay không mà đã thành công nên Người.
Dân tộc ta chính là "anh hùng áo vải". Cái vĩ đại, cái đặc sắc của người Việt Nam không chỉ là ở tinh thần anh dũng tuyệt vời, mà còn ở đây nữa. Hình ảnh "người anh hùng áo vải" là một trong những hình ảnh thân thiết nhất, thường trực trong thơ Tố Hữu. Nó bắt nguồn từ một quan niệm giai cấp sâu sắc và từ sự thật lịch sử lớn lao của dân tộc. Làm cách mạng, trước hết Đảng ta kêu gọi: "Đứng lên thân cỏ thân rơm" và họ đã vùng dậy:
Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước tới dưới mặt trời cách mạng.
Đảng ta cũng từ trong nghèo khổ mà sinh ra, và lớn lên:
Đảng ta, con của phong trào
Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm,
Như đứa trẻ sinh nằm trong cỏ
Không quê hương, sương gió tơi bời
Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay.
Cả hôm nay nữa: hạnh phúc còn "đơn sơ", cuộc sống "chưa giàu chi" và vẫn "năm hai mùa chua mặn gian nan". Đó là thực tế. Nửa giang san cũng là thực tế. Nhưng sự thật còn sâu sắc hơn, lớn hơn:
Hai tay trắng với giang san một nửa Giữa đống tro tàn tay ta nhóm lửa Bão dập mưa chan, gan sắt dạ vàng.
Đây không chỉ là một lời nhắc nhở. Dân tộc Việt Nam đã lớn lên như thế. Cách mạng Việt Nam là như thế. Đó cũng là con đường trưởng thành của cách mạng miền Nam, của người Giải phóng quân miền Nam hiện nay:
Mái chèo một chiếc xuồng con
Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương.
(Tiếng hát sang xuân)
Cách mạng Cu-ba cũng gợi lên trong trí tưởng tượng của nhà thơ một hình ảnh tương tự:
Nghĩa quân, một chiếc thuyền xưa ấy
Há chẳng tung hoành, dậy nước non?
(Từ Cu-ba)
Đường chúng ta đi cũng là đường đi chung của quần chúng lao khổ, của những dân tộc nhỏ yếu. Chỉ có "người anh hùng áo vải" mới có thể hiểu hết tiềm lực của nhân dân trong cuộc đấu tranh "châu chấu đá xe", mới thấy cần thiết và đủ trí thông minh để huy động vào trận đánh những "tên lửa, tên tre, lưỡi lê, lưỡi mác", biến thành vũ khí tất cả những phương tiện "hiện đại, thô sơ, của ngày xưa và của bây giờ".
Người "anh hùng áo vải" cũng là người anh hùng rất mực giản dị, hồn nhiên, do đó lại càng cao đẹp, hấp dẫn. Bà má Hậu Giang, Lượm, chị Lý, mẹ Tơm, mẹ Suốt, là những con người như thế. Họ giống nhau như những vì sao "càng nhìn lâu càng thấy sáng, càng nhìn lâu càng thấy đẹp". Hành động anh hùng nằm trong bản chất lao động, bắt nguồn từ cuộc vật lộn hằng ngày chống lại nghèo đói, khó khăn, từ bé đến lớn, từ đời này sang đời khác. Quần chúng vừa làm việc vừa sáng tạo ra lịch sử, tự nhiên như ánh nắng mùa xuân làm nảy sinh vạn vật. Đức tính giản dị của dân tộc đã kết tinh rực rỡ vào lãnh tụ của chúng ta. Lãnh tụ của chúng ta hết sức sáng suốt và vĩ đại, nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết. Người là "Hồ Chí Minh vĩ đại", là "mặt trời cách mạng", nhưng cũng "là Cha, là Bác, là Anh". Ở Bác, nhà thơ đặc biệt nhấn mạnh đức tính giản dị:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà.
Tấm lòng nhân hậu:
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!
Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước.
Phong cách ung dung, thanh thản:
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Hình ảnh ấy của Bác sau này ta còn gặp lại trong bài Việt Bắc: Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Giản dị, thanh thản là những nét riêng của Bác, nhưng cũng rất tiêu biểu cho tâm hồn Việt Nam.
Con người Việt Nam đang chống Mĩ cứu nước đã phát huy đến cao độ những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc từ nghìn xưa, họ là những "Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi", anh dũng tuyệt vời, nhưng lại rất mực hồn hậu, yêu thương, tế nhị:
Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc.
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả lầu Năm Góc!
Trong Xuân 69, Tố Hữu trở lại đức tính anh hùng, khiêm tốn, rất hấp dẫn của người Việt Nam:
Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái
tên người: dũng sĩ
Vang tự hào giữa thế kỉ hai mươi Thước vàng đo mọi giá trị trên đời.
Miền Nam, Miền Nam! Sáng ngời chói lọi Trong lòng ta, như mặt trời, không nói.
Dân tộc ta rất giàu tình cảm. Tình cảm đã làm cho con người qua cay đắng vẫn ngọt ngào, "Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn". Tố Hữu ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung. Đặc điểm này có cội rễ sâu xa trong truyền thống dân tộc, lại được bồi bổ, phát huy thêm trong đấu tranh cách mạng. Người dân Việt Nam mang nặng tình nghĩa đối với Đảng đã hồi sinh đất nước, đem lại cuộc đời mới cho riêng mỗi người. Chính vì "ngọt bùi nhớ lúc đắng cay" mà "Lòng ta ơn Đảng đời đời", "Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng", Đảng đã trả lại cho ta "Những đồng xanh bốn mùa hoa lá", "Những dòng sông của thơ ca nhạc hoạ", cả "mũi tên đồng xưa trong lòng đất Cổ Loa". Từng đổi thay trong cuộc đời riêng của cá nhân, từng nét "thanh tân" trên khuôn mặt đất nước, đều gắn với cách mạng, với Đảng. Đúng là "mỗi giọt sương sa, mỗi tia nắng rọi cũng là tình chung". Chưa bao giờ chúng ta sống đầy đủ, khẩn trương như trong những ngày chống Mĩ cứu nước, và cũng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy gần gũi với cha ông, thấy quá khứ anh hùng của dân tộc viện trợ cho chúng ta nhiều như bây giờ. Ta có Tổ quốc từ nghìn năm cũ ("Nghìn năm cũ đang hồi xuân thắm lại"). Tổ quốc ta còn với nghìn muôn năm sau:
Ôi Tổ quốc, vinh quang Tổ quốc
Ngàn muôn năm dân tộc ta ơi!
Gia tài của cách mạng không phải chỉ gồm những thành quả hôm nay. Cách mạng có cội nguồn trong lịch sử lâu đời của dân tộc. Điều đó không phải ngay một lúc chúng ta có thể nhìn thấy một cách đầy đủ. Phải chờ hơn ba mươi năm sau ngày Đảng ta ra đời và hơn mười lăm năm sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta mới có được cái tư thế:
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
(Bài ca mùa xuân 1961)
Người Việt Nam yêu quý đất nước mình, tự hào về dân tộc mình, cũng giàu tình quốc tế. Trong cái "tình chung" của "mỗi hạt mưa sa", "mỗi tia nắng rọi" có phần đóng góp của bạn bè đồng chí năm châu bốn biển:
Ta nhớ nghĩa nhớ tình bốn biển
Anh em ta yêu mến gần xa
Nghĩa tình, thuỷ chung là đặc tính của dân tộc ta từ nghìn xưa. Trong đấu tranh gian khổ, tình cảm ấy lại càng ngời sáng. Một thử thách lớn hiện nay là quan hệ Nam – Bắc. Ngay từ năm 1941, Tố Hữu đã có một bài thơ thành công về bà mẹ Nam Bộ anh hùng. Nhưng đề tài về nửa Việt Nam "đi trước về sau" chỉ trở thành nỗi niềm da diết không nguôi ở nhà thơ là từ Ta đi tới. Trong cuộc đời thơ của anh, chưa bao giờ có đề tài nào thường trực, lâu bền và tạo nên cảm hứng nghệ thuật liên tục, phong phú như đề tài miền Nam. Có những bài thơ viết trọn về miền Nam, trong đó có những bài thuộc vào loại hay nhất trong thơ Tố Hữu như Quê mẹ, Người con gái Việt Nam, Có thể nào yên?, Lá thư Bến Tre, Miền Nam. Trong lòng chúng ta không bao giờ có cách chia Nam – Bắc. Miền Nam xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc". Tâm hồn của con người miền Nam không chỉ "anh dũng tuyệt vời" và "trong lửa đạn sáng ngời", mà còn ngọt ngào yêu thương, thuỷ chung. Người con gái Bến Tre rất mực kiên cường rực rỡ với tình yêu chung thuỷ:
Như con sông nhỏ ngày đêm ấy
Cứ chảy, trăm năm chẳng đổi dòng.
Nhà thơ hùng tráng mà câu thơ rung chuyển những nhịp đi của cách mạng cũng là người hết sức trân trọng sự "chẳng đổi dòng" ấy trong lòng người. Con người uy vũ không khuất phục được, cũng là người trong sáng trong nghèo khổ, qua thời gian cách trở, thử thách, gian nan không thay đổi lòng dạ. Trong bài khóc đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ lại làm hiện ra trước mắt ta một con người rất Việt Nam, với khí thế tiến công liên tục, tinh thần lạc quan cách mạng, đức tính giản dị cần cù, trọn đời sáng trong như ngọc:
Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong
Lon nước, mo cơm, lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến kêu Anh đến
Vượt núi băng rừng, lại tiến công!
Anh vẫn là Anh những sớm trưa Của quê hương, dãi nắng dầm mưa Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi! Gặt mấy mùa vui, vẫn muối dưa...
Đúng là đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nhưng đây cũng là biểu hiện riêng của người "anh hùng áo vải", là hình ảnh thu gọn, độc đáo của tính cách Việt Nam.
Đọc thơ của Tố Hữu ta thường gặp một số từ trở đi trở lại như đã, vẫn, xưa, ấy, lại về, trở về, sớm tối, sớm trưa, nắng mưa, ngọt bùi,... Biết bao nhiêu ân tình trong đó! Hôm nay không tách rời hôm qua. Nhà thơ cảm thấy hết sức sâu sắc điều đó và không muốn ai quên điều đó. Tố Hữu có cái may mắn hơn là sớm đến được với Đảng, và cuộc đời thơ của anh cũng là cuộc đời cách mạng. Anh lăn lộn với phong trào từ những ngày đen tối, thấy rõ cảnh lầm than của quê hương đất nước dưới chế độ cũ, cho nên càng hiểu, càng trân trọng con đường cách mạng đã đi qua. Trong lòng anh, quá khứ gắn liền với hiện tại, cái riêng với cái chung là một, anh có bao nhiêu điều để nói với chúng ta về quá khứ:
Một ngày nhớ bao ngày xưa ấy
Ba mươi năm, biết mấy buồn vui!
Đắng cay nay mới ngọt bùi
Đường đi muôn dặm, đã ngời mai sau...
Câu thơ của Tố Hữu có lúc mềm đi trong thương nhớ. Anh không có tâm trạng dằn vặt hoặc căm giận quá khứ như Chế Lan Viên:
Dĩ vãng buồn thương mang lá cờ đen
Đến làm giặc giữa lòng ta: ta bắn chết
(Vàng của lòng tin)
Thái độ dửng dưng của nhà thơ đối với Huế cũng chỉ là sự giận dỗi một lúc. Đây mới là tấm lòng thật, thường xuyên, sâu kín của anh đối với quê hương:
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
Có thể nào quên?
Hỡi miền sâu thẳm Của lòng ta!
Những ngày xanh thắm
Nắng quê hương rười rượi đường dừa Ngọt tiếng hò đưa những chuyến đò xưa...
Tố Hữu nói đến chuyện xưa cũ vì nhiều lẽ: vì đặc điểm cuộc đời cách mạng của anh, vì "điệu tâm hồn" riêng nặng tình nặng nghĩa của anh, vì quá khứ của dân tộc, của cách mạng, của chúng ta có bao nhiêu điều đáng nói, và có nói quá khứ ấy mới hiểu được, mới quý yêu sâu sắc hiện tại. Những con người mà tác giả quý trọng là những con người gắn bó với đất nước quê hương, nghĩa tình chung thuỷ (mẹ Suốt, mẹ Tơm), những con người hầu hết đã lớn lên với cách mạng, với kháng chiến và có cái gì để nói về ngày hôm qua:
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
(Người con gái Việt Nam)
Vẫn đậm, như xưa, tình kháng chiến
Lại về, những tiếng hát yêu thương...
(Lá thư Bến Tre)
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy
(Tiếng hát sang xuân)
Bài thơ Chào xuân 67 đã nêu lên một cách cô đọng và đầy sức hấp dẫn nghệ thuật những đặc điểm của dân tộc Việt Nam, của tính cách Việt Nam:
Ở đâu? Mỗi ngọn núi dòng sông
Cũng hiển hách chiến công
Lừng danh dũng sĩ.
Ở đâu? Một mũi chông, một ngọn tầm vông
Cũng hiên ngang như trường thành, chiến luỹ
Và ở đâu? Trên trái đất này
Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
Sống chết từng giây, mưa bom bão đạn
Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn.
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng...
Tình nghĩa, tâm sự
Tố Hữu là "ca sĩ" của cách mạng, của thời đại Hồ Chí Minh. Không có hơi thơ anh hùng ca không thể nào truyền đạt được đối trọng ấy một cách chân thực và tương xứng. Nhưng lại phải nói đến cái hùng tráng ấy một cách thích hợp nhất với tâm hồn Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn cái tự hào, hùng tráng với cái đằm thắm, thiết tha trong thơ anh. Ở Tố Hữu, cái hùng tráng là do yêu cầu khách quan nhiều hơn. Đối tượng phải thật sự hùng vĩ, tác phẩm của anh mới vươn lên hơi thơ ấy. Chiến dịch Điện Biên Phủ chẳng hạn. Còn cái đằm thắm tha thiết vốn thường trực hơn trong thơ anh chủ yếu lại bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương, tình nghĩa, từ cách cảm nghĩ rất quen thuộc của dân tộc. Thật là có ý nghĩa khi một dân tộc đã đấu tranh liên tục, vô cùng anh dũng chống thù trong giặc ngoài để tồn tại và phát triển, đã có những chiến công hiển hách lại sáng tạo nên nền văn học mà phần trữ tình lại tiêu biểu nhất, có giá trị lớn nhất. Có phải quy định ấy đã phản ánh vào Tố Hữu chăng? Chính nhà thơ đã viết:
Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy.
Tình nghĩa là gốc của thơ Tố Hữu, nó làm cho cái hùng tráng trong thơ anh cũng trở thành tha thiết.
Giọng thơ quen thuộc của Tố Hữu là giọng thơ tâm tình. Anh hỏi han, nhắn nhe, tâm sự. Trong Từ ấy, anh trò chuyện với những em bé nghèo khổ, với những "bạn đời", "bạn lòng", "bạn đường". Sau này, anh tâm sự với cô em gái, những "em nhỏ đang lớn", với mùa xuân, với thiên nhiên. Nhà thơ xem mình như người trong cuộc với mọi người, cùng mọi người bàn bạc,
nhỏ to điều hơn lẽ thiệt. Giữa tác giả và độc giả như có một sự thông cảm của những người cùng chung lí tưởng, đã cùng đi một đoạn đường:
Đã cùng hai chữ tử sinh
Nào ai có nghĩa có tình, lại đây!
(Đường vào)
Đã rằng vì Nước vì Dân
Nước Dân còn khổ thì thân sướng gì?
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Với những từ "đã cùng", "đã rằng", những câu hỏi tu từ, tác giả có làm tăng thêm sự thân mật giữa người nói và người nghe, đồng thời giảm bớt tính chất đường đột của một lời khẳng định dứt khoát đối với một khuyết điểm, nhược điểm nào đó:
Đã rằng chia đắng sẻ bùi
Đường chung há dễ tiến lui ngập ngừng
Vì sao nhỉ, anh em ơi, có lúc
Ta vẩn vơ mơ tưởng trên đường
Mà bỗng quên đang giữa chiến trường
Rất dữ dội, chưa ngừng trận đánh.
(Trên đường thiên lí)
Tôi muốn hỏi, như một chàng thi sĩ
Ngẩn ngơ nhìn bát ngát dải phù sa
Rằng: Đất trời, sông nước bao la
Và xuân đó, người đây, tự bao giờ đẹp vậy?
(Giữa ngày xuân)
Dường như tác giả cũng ngạc nhiên, băn khoăn, phân vân. Vấn đề nêu ra vì thế có sức thuyết phục hơn, thấm sâu hơn vào lòng người. Cái nhỏ nhẹ, thân tình ấy là giọng riêng của Tố Hữu, xuất phát từ tấm lòng cưu mang, độ lượng đối với người khác. Nhưng đó cũng là cách nói của người Việt Nam chúng ta đối với bạn bè, đồng chí. Ở đây, "cái tôi" hoà vào "cái ta", ta hoà vào người, lời khuyên răn, thậm chí trách móc cũng phải chăng, đúng mực. Hoàn toàn không phải "dĩ hoà vi quý". Chúng ta sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chính nghĩa, kiên trì chân lí, nhưng chúng ta không thích "đao to búa lớn", chúng ta muốn vừa thấu lí, vừa đạt tình.
Ước lệ và cách tân
Tính chất ước lệ trong thơ Tố Hữu khá đậm nét. Đọc thơ anh thoáng qua dễ không thấy hết được những phát hiện mới mẻ, độc đáo. Ít thấy kĩ thuật. Thậm chí có những cái quen thuộc, "chung chung", gần như "mòn", "cũ":
Ba mươi năm bước đường qua
Đời ta có Bác xông pha dẫn đường Người đi trước nghìn sương muôn tuyết
Những từ "xông pha dẫn đường", "nghìn sương muôn tuyết" khá ước lệ. Cách sử dụng từ ngữ như thế ta hầu như không thấy ở các nhà thơ hiện đại. Nhưng cách biểu hiện này không phải bao giờ cũng là nhược điểm. Nó có chỗ mạnh của nó. Đó cũng là một trong những chỗ mạnh của văn học dân gian. Tố Hữu rất chú ý khai thác sức mạnh ước lệ này. Trong bài Với Lê-nin, nhà thơ dùng những từ ngữ "chung chung" như "sống giữa loài người", "đôi mắt yêu đời". Chế Lan Viên đề nghị nên viết cụ thể hơn kiểu "giữa công nông ngồi chật", "đôi mắt nheo cười"(Xem bài giới thiệu Thơ Tố Hữu (tuyển), NXB Văn học, H., 1963, tr. 26.).
Quả là có trường hợp Tố Hữu hơi dễ dãi, chẳng hạn khi viết "Đầu rơi máu chảy biết là mấy thân". Nhưng phải thấy ước lệ là một đặc điểm, hơn nữa, một chỗ mạnh trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. Và cần phải chú ý đến văn cảnh cụ thể nữa. Tố Hữu viết:
Ôi Lê-nin
Có thể nào tin Thời đại ta đã mất
Một Con Người đẹp nhất?
Vĩnh viễn Lê-nin sống giữa loài người
Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời
Như trái đất vui mùa xuân mới dậy.
Bên cạnh những khái niệm thời đại, con người, vĩnh viễn, mênh mông, trái đất, mùa xuân, những từ ngữ "giữa loài người", "yêu đời" bỗng có vị trí "hợp pháp". Sức mạnh nghệ thuật cả ở sự đối lập và hài hoà, sự "lủng củng" và cân đối. Nhà nghệ sĩ chân chính đã tìm được biện pháp phối hợp thích ứng, nhưng bao giờ cũng nên chú ý đến tương quan giữa bộ phận và toàn thể, giữa yếu tố và kết cấu. Trên đây Tố Hữu đã có lí. Lẽ phải cũng thuộc về anh ngay ở đoạn dưới:
Như những ngày xưa
Người là đồng chí
Hồn nhiên giản dị
Giữa công nông ngồi chật quanh
Người Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười.
Ở trên là một Lenin vĩ đại với những khung cảnh và từ ngữ lớn lao. Ở dưới là một Lenin gần gũi, giản dị, với những khung cảnh và từ ngữ thân thuộc.
Ở Tố Hữu, nhiều câu thơ không chứa đựng một ý tưởng gì thật sâu, thật mới, nhưng vẫn có sức rung động riêng:
Đường đi vào đó, miền trong Đường về Nam ấy, ai mong cũng là
Đường về xứ Huế quê ta
Mấy sông cũng lội, mấy xa cũng gần...
Không phải lúc nào cách biểu hiện cụ thể cũng hơn cách biểu hiện ước lệ "chung chung" ấy. Trong bài Đời đời nhớ Ông lúc đăng báo lần đầu có hai câu thơ:
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao Ông đã... làm sao... mất rồi!
Sau, câu này in thành sách, nhà thơ chữa lại:
Làng trên xóm dưới xôn xao
Ông sao sáng nhất trời cao băng rồi.
Câu thơ sau có hình ảnh hơn, mới hơn, nhưng kĩ thuật sắp xếp cũng rõ hơn: hai câu đầu "mòn" hơn nhưng lại thật hơn, có tình hơn. Tố Hữu sử dụng rộng rãi trong thơ mình những thành ngữ, những cách so sánh quen thuộc. Nhiều câu thơ của anh biến thành tục ngữ hay có dáng dấp thơ ca dân gian:
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
(Bầm ơi)
Đường đi mấy núi mấy đèo
Núi bao nhiêu ngọn, bấy nhiêu anh hùng!
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Nhiều phát hiện nghệ thuật nấp đằng sau cái ước lệ nghệ thuật ấy. Phần sáng tạo gắn liền với truyền thống. Cái mới mẻ tân kì thường kín đáo. Cũng giống như những công trình kiến trúc xưa của chúng ta hoà lẫn vào trong cảnh sắc thiên nhiên xung quanh. Có khi ngay trong một đoạn thơ mà cái mới cũng đan vào cái cũ rất khéo:
Mùa xuân đó, con chim én mới
Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh
Đời ta gương vỡ lại lành
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa
(Ba mươi năm đời ta có Đảng)
Đặc điểm này cũng thể hiện rõ khi tác giả nói về mùa xuân. Mùa xuân trong thơ Tố Hữu tượng trưng cho niềm vui, cho hi vọng với những "sứ giả" quen thuộc là cành đào và chim én:
Đào xuân thắm dâng hương vào cửa sổ
Bạc xuân trong rắc trắng mái hành lang.
(Li rượu thọ)
Mà con én đã gọi người sang xuân!
Phải chăng vui đã đến tuần
(Tiếng hát sang xuân)
Những mùa xuân ở anh cũng có những nét mới mẻ khi anh không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tượng trưng mà gắn mùa xuân với cảnh đất trời thực:
Mía lên mật, thân tím màu áo cưới
(Giữa ngày xuân)
Và đây là một mùa xuân không ước lệ chút nào:
Ong kêu ong dậy đường hoa vải
Rực lúa chiêm trăng, bướm bướm vàng.
Ơi con cò trắng bay ngang
Có nom thấy lúa thẳng hàng xanh xanh?
(Xuân sớm)
Quan hệ giữa tác giả và mùa xuân cũng rất "hiện đại". Mùa xuân đối với anh là người bạn gái thân thiết, biết bao lần "cầm tay", "hò hẹn":
Mở tờ lịch mới hôm nay
Biết là xuân đến cầm tay lên đường
...
Cùng em xin hãy cầm tay
Quanh Hồ Gươm lại Hồ Tây... xuất hành Hỏi xuân có biết hơn anh
Đất trời ta lại thêm xanh mấy lần?
(Tiếng hát sang xuân)
Rồi thì có sự "lẫn lộn" thật sự giữa mùa xuân và người yêu:
Chào xuân đẹp!
Có gì vui đấy Hỡi em yêu?
Mà má em đỏ dậy
Như buổi đầu hò hẹn, say mê
Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về.
(Bài ca mùa xuân 1961)
Đúng là nhân vật đã "hoá thân". Trong bài Chào xuân 67, tác giả lại mời mùa xuân chứng kiến cuộc diễu binh hùng vĩ của ba mươi mốt triệu nhân dân. Cuối cùng lại đi đến một so sánh mới mẻ:
Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc
Rạo rực lòng ta, trống trận Quang Trung
Lời kêu gọi cũng thật là mới mẻ:
Tổ quốc giục cả hai miền Nam Bắc
Hãy xung phong!
Hỡi mùa xuân 67 anh hùng!
Đối với hình ảnh mặt trời cũng vậy, rất ước lệ: mặt trời chân lí ("Mặt trời chân lí chói qua tim"), mặt trời Đảng ("Mặt trời kia cờ Đảng giương cao"). Bác là mặt trời ("Người rực rỡ một mặt trời cách mạng"). Lenin cũng là mặt trời ("Như mặt trời chói lọi giữa biển bao la"). Nhưng cũng ở Tố Hữu có một cuộc trò chuyện rất hiện đại với mặt trời:
Mặt trời đỏ dậy Có vui không?
Nhìn nam bắc tây đông Hỏi cả hai mươi thế kỉ
(Chào xuân 67)
Tố Hữu không ngần ngại sử dụng những hình ảnh quen thuộc. Để soi đường thì là ngọn hải đăng:
Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển
(Bài ca tháng Mười)
Chúng ta đứng thẳng hiên ngang
Sáng ngời một ngọn hải đăng hoà bình
(Xưa... Nay...)
Miền Nam đó, ngọn đèn mặt biển
Giữa đêm dông, đỏ lửa con đường.
(Có thể nào yên?)
Quan hệ khăng khít là quan hệ mẹ con, Dân và Đảng:
Đảng ta, con của phong trào
Mẹ nghèo mang nặng khổ đau khôn cầm,
cán bộ và đất nước:
Nước non đau xót như lòng mẹ
Mất một người con Nguyễn Chí Thanh!
Cách cảm nghĩ "ước lệ" ấy có cơ sở trong truyền thống dân tộc và gần gũi với cách cảm nghĩ của quần chúng. Cho nên có ý nghĩa tích cực của nó. Tất nhiên không bao giờ chỉ nên bằng lòng với truyền thống, không bao giờ chỉ nên khai thác sức mạnh ước lệ của nghệ thuật. Trong đặc điểm đó có cả ưu thế và nhược điểm, có phần phát triển và đứng yên. Nghệ thuật luôn tìm tòi sáng tạo: truyền thống kết hợp với hiện đại sẽ làm cho nghệ thuật vừa thấm sâu vừa đi xa.
Chúng ta đã nêu lên một số đặc điểm lớn trong phong cách nghệ thuật của Tố Hữu. Thật ra phong cách của Tố Hữu rất đa dạng, bút pháp của anh linh hoạt và luôn luôn phát triển. Thơ Tố Hữu vừa hùng tráng vừa tha thiết, vừa sảng khoái vừa xót xa, vừa yêu thương vừa căm giận. Hiện tượng bao giờ cũng phong phú hơn quy luật. Đây mới chỉ là những nét tương đối ổn định và dễ nhận thấy trong phong cách nghệ thuật của anh.
1967 – 1969
(Nội san Nghiên cứu văn học, số 3 – 1970, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội)