Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
- Hà Minh Đức
Giữa những năm tháng cả đất nước cùng "ra trận" trong một cuộc chiến đấu cực kì anh dũng và vẻ vang, Tố Hữu lại đến với chúng ta, hùng tráng và sôi nổi, thiết tha. Ra trận là tập thơ thứ tư của Tố Hữu, tập thơ chống Mĩ cứu nước. Ra trận là lẽ sống thiêng liêng của dân tộc ta trong giờ phút lịch sử này. Ra trận là hành động đúng đắn nhất để giáng trả lại một kẻ thù tàn bạo, xảo quyệt không chỉ của nhân dân ta mà của cả loài người tiến bộ. Cuộc đọ sức đang diễn ra giữa một bên là bạo lực tàn bạo nhất trong lịch sử với một khối khổng lồ sắt thép, bom đạn và một bên là một dân tộc nghèo, đất không rộng, người không đông, nhưng rất thông minh và kiên cường, bất khuất. Trên đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, hồn thơ của Tố Hữu lại thêm cao, thêm rộng, vừa thu hút, tiếp nhận, vừa toả ra trong âm hưởng mềm mại và sâu lắng của thi ca tinh hoa và khí thế tuyệt vời của dân tộc. Tấm lòng của Tố Hữu đối với đất nước trong thơ vốn giàu yêu thương, tha thiết và tự hào. Đất nước trong niềm vui bất tuyệt của những ngày tháng Tám, đất nước sau chín năm kháng chiến thắng lợi rực rỡ chiến công, đất nước với sức xuân đang vụt lớn lên trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khuôn mặt của đất nước hôm nay lại đến trong thơ Tố Hữu với vẻ đẹp lạ lùng, vừa có nét ưu tú của một tâm hồn chất chứa bao suy nghĩ lớn, vừa có vẻ dịu hiền khổ đau của một người mẹ giàu đức hi sinh, lại vừa bừng sáng lên niềm tin vững chắc vào tương lại với tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Đối với các nhà thơ, cũng như với riêng Tố Hữu, Việt Nam là một hình tượng đẹp, lớn lao, trọn vẹn, đòi hỏi rất nhiều sức suy nghĩ, phát hiện và năng lực cảm xúc. Tố Hữu tìm đến nhiều tiếng nói, có lúc anh rất tự nhiên mà khắc sâu và đằm thắm:
Chưa bao giờ đẹp thế sắc trời xanh
Và sắc đỏ của lá cờ ra trận.
Có lúc anh hào hùng, lạc quan qua những hình ảnh thơ đầy sức mạnh thần thoại để nói lên khí thế xốc tới của cả một dân tộc:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Và cũng thiết tha, sâu lắng biết bao khi anh nói đến Tổ quốc đang vượt qua những hi sinh, những chịu đựng:
Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!
Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều
Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng
Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng…
Ra trận đã nói được tầm thời đại của cuộc chiến đấu của dân tộc. Những vấn đề của thời đại bao giờ cũng trực tiếp hay gián tiếp là vấn đề của dân tộc, nhưng không phải bao giờ vấn đề của mọi dân tộc cũng là vấn đề của thời đại. Điều vinh dự và có ý nghĩa nhất đối với một dân tộc là những sự kiện lớn lao trong đời sống dân tộc ở một giai đoạn lịch sử nào đó cũng trực tiếp là những vấn đề lớn nhất của thời đại và dân tộc đó đang thực sự góp phần thúc đẩy bước phát triển của thời đại. Sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta đang ở vào vị trí xứng đáng ấy.
Tố Hữu đã một lần nhắc đến đỉnh cao muôn tượng của mùa xuân 1961 để từ đó "Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau…". Nhưng thực sự phải đến những năm chống Mĩ cứu nước, trên đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mới có thể có được đầy đủ cái nhìn bao quát lịch sử và mang tầm thời đại. Tự hào, tự tin, hiểu người, hiểu mình, anh nói về vị trí xứng đáng của dân tộc với thái độ khiêm nhường lặng lẽ:
Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa!
Tố Hữu cũng nhắc nhiều đến "tầm thế kỉ", "tầm thời đại", "đất anh hùng", "tuyến đầu chống Mĩ" như những trách nhiệm nặng nề của dân tộc mà lịch sử giao phó và đặt nặng lên hai vai. Anh đặt câu hỏi với các thế kỉ, với bốn phương nhưng thực ra là tự hỏi mình với tình cảm xúc động thiết tha yêu quý đất nước:
Và ở đâu? Trên trái đất này
Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay
Sống chết từng giây, mưa bom bão đạn.
Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn.
Và cả cho đến khi qua một tiếng nói khác của Morrison nghĩ về đất nước Việt Nam, ta vẫn bắt gặp ở bên trong phần ngơ ngác, cảm phục của bè bạn nơi xa chính tấm lòng của Tố Hữu:
Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hoá thành những anh hùng
Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!
Tố Hữu nói đến dân tộc một cách sâu sắc và cũng chính là anh nói được thời đại. Anh không rơi vào thuyết lí trừu tượng, chỗ đứng và điểm xuất phát của anh là thực tế nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Cảm hứng lớn trong thơ anh chủ yếu vẫn thuộc về trái tim, vẫn là tiếng nói xúc động của hồn thơ dạt dào cảm xúc.
Chủ nghĩa yêu nước anh hùng trong thơ Tố Hữu đã mang những phẩm chất mới phù hợp với bước phát triển và tầm vóc mới của cuộc chiến đấu của dân tộc. Anh thấu hiểu sức mạnh của dân tộc trong hiện tại và cũng nhận thức đầy đủ hơn hình bóng của đất nước trong quá khứ. Tố Hữu đã từng nói đến bản chất đau thương của quá khứ qua tiếng nói của cha ông về một đời Kiều chìm nổi, về nỗi đau xé lòng của một số phận, một đời thơ Nguyễn Trãi. Trong thơ Tố Hữu, nỗi buồn và sự nghèo khổ của quá khứ luôn được liên tưởng như một mặt trái xót xa của cuộc đời và từ đó càng nổi lên niềm vui của hiện đại. Với Ra trận, quá khứ chủ yếu được khai thác qua truyền thống anh hùng của một dân tộc quật cường có hàng ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm. Nó không hắt hiu, ảm đạm mà sôi nổi, thúc giục:
Ôi sáng xuân nay, như lưỡi gươm trần sáng quắc Rạo rực lòng ta, trống trận Quang Trung.
Những trang sử đẹp đẽ đó luôn tiếp sức, động viên chúng ta trên bước đường đi tới. Chúng ta tìm gặp quá khứ để giành lấy tương lai. Cách mạng đã đem lại cho dân tộc hôm nay chính hình bóng của mình đã tượng hình trong quá khứ vẻ vang. Tố Hữu đã từng nói lên thấm thía sự gắn bó đó:
Bốn ngàn năm ta lại là ta.
Nhưng càng tích cực và có ý nghĩa biết bao nhiêu khi truyền thống quật cường của dân tộc không chỉ cổ võ chúng ta cũng tiến công, xung phong:
Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận.
Chiều dọc của hàng ngàn năm lịch sử vụt trở dậy dàn ngang trên tuyến đầu chống Mĩ, tạo thành một thế trận trùng điệp tiến công kẻ thù. Truyền thống và sức mạnh của bốn nghìn năm đang có mặt trong cuộc chiến đấu hôm nay, góp phần tạo nên những giá trị lớn lao cho dân tộc, cho thời đại. Tố Hữu đã chỉ ra điểm giao kết giữa quá khứ và hiện tại với một cảm hứng lịch sử sâu sắc:
"Đường mòn Hồ Chí Minh" là con đường sáng tạo
Trường Sơn cao hay địa đạo âm thầm
Cũng là linh hồn ta tự bốn ngàn năm
Ta xây đắp để ngang tầm thế kỉ.
Trong tình cảm đối với đất nước, Tố Hữu dành phần tha thiết nhất cho miền Nam anh hùng. Miền Nam, hai tiếng yêu thương ấy là niềm kiêu hãnh, tự hào. Miền Nam thúc giục anh viết những "dòng thơ lửa cháy", anh dành những lời đẹp nhất, xứng đáng nhất để ca ngợi miền Nam anh hùng, và câu thơ về miền Nam cũng là câu thơ nghẹn ngào mang nhiều xót xa, nhức nhối:
Máu đọng chưa khô máu lại đầy
Hỡi miền Nam trăm đắng nghìn cay
Hăm lăm năm chẳng rời tay súng
Đi trước về sau đã dạn dày.
Ra trận có nhiều bài thơ hay về miền Nam. Tình cảm của anh với miền Nam thật thiết tha, dào dạt song dường như anh còn muốn nói nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn nữa thực tế miền Nam anh hùng để có thể viết những trang thơ nói hết được tấm lòng mình. Cảm hứng phấn khởi nhất của Tố Hữu với miền Nam là khi anh nói về người chiến sĩ giải phóng quân. Với bao nhiêu mến thương, bao nhiêu cảm phục, nhà thơ kính chào anh, con người đẹp nhất và miêu tả anh lồng lộng trong vẻ đẹp thần thoại:
Anh đi, xuôi ngược tung hoành
Bước dài như gió, lay thành chuyển non
Mái chèo một chiếc xuồng con
Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!
Cùng một tấm lòng ấy, bút pháp ấy, Tố Hữu bắt lấy vẻ đẹp của một vành mũ tai bèo vốn quen thuộc và đáng yêu để viết nên những vần thơ rất gợi cảm với những liên tưởng sáng tạo:
Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ.
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả lầu Năm Góc!
Tuy nhiên, người chiến sĩ Giải phóng quân trong thơ Tố Hữu mới chỉ mang vẻ đẹp tượng trưng. Hình ảnh của những anh hùng của thời đại chống Mĩ cứu nước trong thơ Tố Hữu với tất cả tính chất cụ thể, sinh động được anh khai thác chủ yếu từ những con người có thật trong đời sống: Nguyễn Văn Trỗi, mẹ Suốt, Morrison,… những điển hình xã hội tiêu biểu kết tụ nhiều vẻ đẹp của dân tộc, của thời đại cũng là những đối tượng mang nhiều chất thơ. Mẹ Suốt, bà mẹ Việt Nam anh hùng trong những năm chống đế quốc Mĩ cứu nước, Nguyễn Văn Trỗi mang phẩm chất tiêu biểu chung cho cả một thế hệ thanh niên của thời đại. Những lời nguyền rủa và tố cáo bọn đế quốc Mĩ của Morrison là nhân danh cho công lí, cho lương tâm của nước Mĩ tiến bộ. Tố Hữu đã từ cái riêng của những cuộc đời cụ thể khái quát lên cái chung của cả một lớp người, một thế hệ. Nhưng nói cho đầy đủ thì chính cái riêng, cái cụ thể làm cho cái chung mà tác giả vốn ấp ủ trở thành có da thịt. Rõ ràng là phải thật sống, thật cảm, thật hiểu tất cả vẻ đẹp và cái lớn lao của con người thời đại về tầm vóc, ý chí, phẩm chất, tâm hồn của họ thì mới có thể nói hay, nói kịp thời khi gặp một con người cụ thể. Tố Hữu cũng tỏ ra rất chủ động khi phát hiện và miêu tả cái hồn của sự sống nhân vật. Anh không chạy theo sự việc và câu chuyện để kể lể. Anh nắm bắt những tình huống điển hình, những đặc điểm nổi bật, những dáng dấp sinh động nhất ở mỗi con người để miêu tả. Đó là chín phút lịch sử của Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường. Một tư thế đẹp của người anh hùng khi giáp mặt với kẻ thù, với cái chết:
Anh bước lên, nhức nhói chân đau:
Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu
Quần áo trắng một màu tinh khiết
Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết.
Một lời bình luận khắc sâu vào tâm trí về một cuộc đời, một tấm gương:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lí sinh ra.
Với mẹ Suốt thì cái chất dân gian đậm đà qua câu chuyện kể, qua lời tâm sự của một bà mẹ nghèo khổ, thiết tha yêu nước, luôn cuốn hút tình cảm của người đọc. Dường như ở lời nói nào của bà mẹ cũng quyện hoà đến không nhận ra hết giữa cái bình thường và vĩ đại, giữa bản năng tự nhiên và phần giác ngộ sâu xa của ý thức:|
Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...
Nhịp điệu đò đưa đi về trong câu thơ gợi lên không khí của quê hương sông nước, nhưng sâu xa hơn, cũng làm cho những hành động gan dạ anh hùng được miêu tả trở nên quen thuộc, tự nhiên như không thể làm khác đi. Tố Hữu cũng viết những lời thơ xúc động trước việc đồng chí Nguyễn Chí Thanh, người cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng qua đời. Con người Nguyễn Chí Thanh chân thành, cởi mở và luôn "say sưa" trong công tác cách mạng, tiến công vào những trận địa khó khăn nhất, hoà mình đến chỗ tận cùng gian khổ của quần chúng, được miêu tả nổi bật lên qua những câu thơ:
Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong
Lon nước, mo cơm, lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến kêu Anh đến
Vượt núi băng rừng, lại tiến công!
"Lon nước, mo cơm" là những hình ảnh mang nỗi đau của quá khứ nghèo khổ, nhưng cũng là hình ảnh đẹp biểu hiện sự cần cù, chịu đựng của quần chúng lao động của cuộc đời cũ. Nói lên được nỗi gian khổ, vất vả của cuộc đấu tranh cách mạng ở một xứ nông nghiệp lạc hậu cũng như nói lên được phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo cách mạng xốc vác, lao vào thực tiễn của phong trào, Tố Hữu đã rất sáng tạo với hình ảnh, với chữ nghĩa:
Anh vẫn là Anh những sớm trưa
Của quê hương, dãi nắng dầm mưa
Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi!
Gặt mấy mùa vui, vẫn muối dưa...
"Đẩy cày cách mạng", hình ảnh độc đáo ấy thấm thía nhiều sự sống gian khổ và thử thách dũng cảm của thực tiễn đấu tranh của dân tộc.
Bản chất giàu cảm xúc và nhiệt tình đấu tranh cho chân lí của đời sống đã tạo điều kiện cho Tố Hữu thấu hiểu và nhập được vào nhiều nhân vật trữ tình, nói được nhiều tiếng nói trong thơ ca. Tố Hữu có nhiều suy nghĩ, sáng tạo với Ê-mi-ly, con… Trong một tiếng nói chung của chân lí, Ê-mi-ly, con… mang theo nhiều tiếng nói chân tình. Đây là tiếng nói tha thiết yêu thương của tình cảm cha con, vợ chồng; tiếng nói bạn bè thông cảm của một người cùng đứng với ta trên một trận tuyến, tiếng nói căm giận của những nạn nhân xót xa dội lên từ trong lòng nước Mĩ, và hơn cả là tiếng nói của chân lí, của sự thật, của chính nước Mĩ tiến bộ được nhân danh từ tiếng nói của một con người chân chính.
Những người anh hùng có thật ngoài đời đi vào trong thơ Tố Hữu vừa được giữ lại tính xác định cụ thể để vẫn sinh động và riêng tư như nó vốn có, nhưng đồng thời cũng biến hoá linh hoạt với nhiều vẻ đẹp kì diệu. Phát hiện và làm nổi lên cái đẹp vốn chìm sâu, ẩn kín trong nhân vật, anh không tô vẽ, lí tưởng hoá, nhưng biết rọi vào nhân vật ánh sáng của lí tưởng và cả nhưng tia hào quang rực rỡ khiến cho nhân vật có một chút gì đó thiêng liêng từ bên trong. Nhân vật anh hùng trong thơ Tố Hữu thật gần gũi, giản dị như mọi người, những luôn nhắc nhở ta phải biết nâng mình lên để có sự hoà hợp gắn bó… Và nhân vật anh hùng lớn nhất, cao đẹp nhất trong Ra trận là Bác Hồ vĩ đại.
Trong những năm vừa qua, nhân dân ta phải chịu đựng một tổn thất vô cùng lớn lao: Bác Hồ không còn nữa. Bác ra đi giữa lúc sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của dân tộc đang giành được những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, song cũng còn phải trải qua nhiều khó khăn. Lời Di chúc của Bác là lẽ sống, niềm tin,… luôn thúc giục chúng ta biết nén đau thương, nâng cao hơn nhiệt tình cách mạng và ý chí chiến đấu để giành thắng lợi cuối cùng. Tố Hữu đã có nhiều thơ hay viết về Bác Hồ. Bác ơi!, Theo chân Bác là những bài thơ lớn về Bác. Bác ơi! là tiếng khóc tột cùng đau thương, tiếng khóc đang được nén lại vì ân nghĩa, vì trách nhiệm trước anh linh của Bác. Theo chân Bác là một trường ca mà Tố Hữu với những xúc động mạnh mẽ, với cảm hứng lịch sử sâu sắc, bước đầu có những suy nghĩ khái quát về lãnh tụ của dân tộc. Hơn nửa thế kỉ qua, cuộc đời của Người đã gắn liền với từng bước đi của dân tộc, với sự trưởng thành của phong trào cách mạng. Nói về Bác Hồ cũng chính là nói về Đảng, về dân tộc, cũng như khi nói đến dân tộc, đến Đảng cũng chính là nói về Người. Mối quan hệ ấy được nhận thức quán triệt trong cảm hứng chủ đạo của sáng tác. Tác giả dựa vào những sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc để qua đó nói về Bác. Tố Hữu không chạy theo sự kiện một cách dàn đều. Anh nhấn mạnh đến thiên tài trí tuệ của Bác trong những năm tháng tìm đường cứu nước và đã sớm đi vào con đường cách mạng vô sản.
Tố Hữu giỏi tạo không khí lịch sử, cũng như cách đánh giá của anh về những nhân vật lịch sử vừa chính xác vừa có hình ảnh sinh động. Cảm hứng thơ ca thật nồng nàn, phấn khởi khi Bác trở về đất nước sau bao nhiêu năm xa cách:
Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!
Những vần thơ của Tố Hữu viết về những năm kháng chiến thật ấm áp và nặng ân tình:
Ôi những chiều mưa đầm lá cọ
Bác vào, tươi mỗi lán lều con...
Bữa cơm muối, măng non bí đỏ
Tháng ngày vui có Bác mà ngon!
Và mạnh mẽ, hào hùng, tha thiết, là khúc ca về những năm chống Mĩ cứu nước…
Qua nội dung sáng tác, Tố Hữu muốn nói về Bác, một nhân vật vĩ đại của lịch sử dân tộc, nhưng anh cũng muốn nói về Bác trong phẩm chất riêng của một con người. Bác Hồ "vị Chủ tịch không có huân chương", Bác Hồ "người đi dép cao su", "đức thánh nhân của mọi người", "người bạn lớn của quần chúng lao khổ", Bác Hồ "nhân vật thần thoại",… Những phẩm chất lớn lao của Bác bộc lộ trên nhiều phương diện và Tố Hữu đặc biệt nhấn mạnh đến Bác Hồ, con người cao thượng và nhân ái.
Thật cũng rất khó để nói lên được đầy đủ phẩm chất cao thượng của Bác. "Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong như ánh sáng". Lẽ sống và niềm vui của Người suốt đời là ở nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích của dân tộc. Người thoát khỏi mọi ràng buộc tầm thường của cuộc sống danh vị, hình thức. Tố Hữu đã nói lên thật sâu sắc phẩm chất cao thượng của Người trong những câu thơ tuyệt đẹp:
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Tấm lòng nhân ái của Bác Hồ cũng thật rộng lớn, thấu hiểu, bao dung đến mọi cuộc đời, mọi số phận. Cho đến khi Bác ra đi, lời Di chúc của Bác để lại cũng biểu thị muôn vàn tình thương yêu với những thế hệ mai sau. Chủ nghĩa nhân ái của Bác Hồ không phải là tấm lòng thương người của nhà Phật hoặc của một đức thánh nhân nào mà xuất phát từ cuộc đời, gần gũi với cuộc đời và luôn có ranh giới và nội dung giai cấp. Người là "người cùng khổ" đầu tiên ở thế kỉ này phẫn nộ lên án thế giới đầy đau thương và ngang trái. Và chính Bác Hồ cũng là niềm vinh dự lớn lao cho những người cùng khổ đã và đang đấu tranh để giành lấy sự sống. Bởi lẽ đó nên tấm lòng của Bác chính là ở mọi tấm lòng, nỗi đau của Bác thấm thía và xót xa đến cùng nỗi đau của quần chúng lao khổ. Làm sao để nói được tấm lòng của Bác. Tố Hữu đã cố gắng trong một giây phút nhập vào làm một mảnh nhỏ trong trái tim yêu thương của Bác để nói được tấm lòng nhân ái của Bác:
Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Với Tố Hữu cũng như với nhiều người khác, Bác Hồ vẫn là một đề tài lớn, một nguồn cảm hứng vô tận đòi hỏi rất nhiều sức suy nghĩ, sáng tạo.
Ra trận đánh đấu một bước phát triển mới trong thơ Tố Hữu. Những suy nghĩ và cảm xúc của anh về đất nước, về Bác Hồ bộc lộ sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong những năm chống Mĩ cứu nước. Anh vẫn thiết tha đằm thắm như xưa nhưng anh trầm tư, rắn chắc hơn. Thơ anh không mất đi phần tươi trẻ, non tơ mà lại có thêm chiều cao của tầm vóc mới. Trên dòng thác của lịch sử đang trôi rất nhanh… anh chủ động, sáng suốt để nói về dân tộc và thời đại. Anh bắt vào những chủ đề lớn, những vấn đề cốt lõi của thời đại, những chất liệu còn cháy bỏng hơi lửa thời sự và vẫn giữ được cách suy nghĩ tự nhiên và lối nói tâm tình. Thơ anh trong mức độ cần thiết cũng tăng thêm về chất chính luận, suy tưởng. Những suy tưởng và thành phần chính luận chứa đựng nhiều mũi nhọn sắc bén về tư tưởng, hình thành một sức tiến công mới khoẻ khoắn, vững mạnh. Những ưu điểm trên thường biểu hiện rõ rệt trong những bài thơ xuân. Ra trận có tám bài thơ xuân. Như một lệ thường, hằng năm người đọc chờ đón và tìm đến thơ xuân của Tố Hữu, những bài thơ dạt dào cảm hứng ca ngợi thắng lợi của năm tháng hiện tại và dự đoán bước đi của tương lai. Bài ca mùa xuân 1961, Chào xuân 67 là những bài thơ xuân giá trị. Giàu suy nghĩ, tươi thắm trong những cảm xúc phấn khởi, tự hào, những sáng tác trên nói lên được hướng đi và cảm hứng lớn trong từng giai đoạn cách mạng. Song cũng qua một số bài thơ mừng xuân, Tố Hữu bộc lộ một cách dễ thấy hơn những nhược điểm của mình. Khi anh viết về một con người cụ thể, một đối tượng xác định thì năng lực nắm bắt giỏi những nét điển hình của thực tế đã bồi đắp cho thơ anh một sự hài hoà giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cảm xúc và suy nghĩ. Những con người cụ thể và đối tượng xác định đó khá nhiều trong thơ anh. Khi anh xuất phát từ suy nghĩ khái quát để viết những bài thơ có dạng tổng hợp thì trong một số trường hợp đã thiếu sự cân đối, hoà hợp giữa những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc với phần cụ thể, trực tiếp của đời sống hiện thực. Anh luôn mới mẻ trong nhận thức, trong suy tưởng nhưng không khỏi lặp lại mình qua một số cảm xúc, hình ảnh và biểu tượng. Nhiều hình ảnh của đời sống thực tế được nhắc đến trong thơ anh để minh hoạ cho một nhận định, một suy nghĩ, tự nó ít có sức sống riêng. Tính chất ước lệ có thể bắt đầu nảy sinh từ đó và trong thơ Tố Hữu không tránh khỏi có những câu thơ chung chung, ước lệ.
Ra trận nói nhiều đến những chủ đề lớn. Thơ anh mang theo rất rõ hướng đi, sức sống của thời đại. Song dấu vết của thời đại cũng in lại đậm nét trên vẻ đẹp bình thường và những cảnh ngộ gần gũi, quen thuộc của đời sống. Thơ Tố Hữu nói được cái lớn và cũng cần nói thêm về sự sống bình thường thân thuộc. Một ngọn đèn đứng gác và hình ảnh người đồng chí trong đêm, mùa táo rụng và nỗi nhớ bầy em, cái tươi mát của một đám cỏ trong vườn và tàu lá rau xanh,… những cái tưởng như nhỏ bé và thầm lặng ấy làm cho câu thơ thêm ấm áp, sinh động và bớt đi vẻ trang trọng, nặng nề.
Với Ra trận, thơ Tố Hữu cũng có ít nhiều dấu hiệu đổi thay về hình thức. Nhịp điệu trong thơ anh vốn uyển chuyển, ngân vang, lôi cuốn trong một hơi thơ giàu cảm xúc trữ tình. Qua một số bài thơ trong Ra trận, Tố Hữu sử dụng lối ngắt nhịp ngắn, khoẻ, chú trọng hiệp vần ở cả hai thanh bằng trắc, hoặc để cho câu giãn ra theo ý thơ được mở rộng và một số câu thơ có xu hướng tiếp cận với câu văn xuôi. Những đổi thay ấy là cần thiết và không thể khác đi khi trong thơ được tăng thêm những yếu tố tự sự, chính luận, suy tưởng,…
Ra trận là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu cũng như của thơ ca trong những năm chống Mĩ cứu nước. Qua sáng tác này, Tố Hữu đã thành công trên nhiều chủ đề lớn, sáng tạo được nhiều bài thơ có giá trị nghệ thuật cao và ý nghĩa lịch sử bền vững. Thực tế lớn lao của dân tộc trong những năm chống Mĩ cứu nước vừa bồi đắp, cổ võ nhưng đồng thời cũng thử thách rất gay gắt với nhiều tài năng thi ca. Ra trận khẳng định thành công quan trọng của anh, nhưng đồng thời cũng tiếp tục đặt cho thơ anh một số vấn đề (như mối quan hệ giữa lí tưởng và hiện thực, giữa truyền thống và hiện đại,…), đòi hỏi phải được giải quyết triệt để hơn. Từ đó, hình tượng thơ trong bước phát triển mới sẽ tạo được sự hài hoà mới cao hơn giữa những phẩm chất đẹp vốn rất quen thuộc trong thơ anh.