Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
- Nguyễn Phú Trọng
Thơ Tố Hữu có nhiều bài, nhiều đoạn có dáng dấp và phong vị của thơ ca dân gian. Hoặc đó là bài Voi có "vang dội tiếng hò của người kéo gỗ" (Nguyễn Đình Thi, Mấy vấn đề văn học) hay đó là bài Bầm ơi "một bài ca dao đọc thuộc lòng rất dễ dàng" (Xuân Diệu, Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ). Các bài Việt Bắc và Bà bủ "kế thừa rất sáng tạo và sâu sắc vốn cổ điển và vốn dân gian" (Chế Lan Viên, Lời nói đầu tập Thơ Tố Hữu); bài Bà mẹ Việt Bắc, Lượm đọc lên "ta phảng phất nhớ lại những bài vè kể chuyện của quần chúng" (Hoàng Trung Thông, Chặng đường mới của văn học chúng ta); bài Trên dòng Hương Giang, Phá đường, Trường tôi "kết cấu theo lối đối đáp của ca dao dân ca" (Cao Huy Đỉnh, Tạp chí Văn học, số 9 – 1966),... Nói một cách khác, trong thơ của mình, Tố Hữu đã chịu nhiều ảnh hưởng của sáng tác dân gian.
Gorky đã từng nói: "Nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi". Kalinin nói: "Những tác phẩm ưu tú của các nhà thơ vĩ đại ở tất cả các nước đều bắt nguồn từ kho tàng quý báu của các sáng tác tập thể trong dân gian. Học tập và kế thừa truyền thống văn học dân gian là một điều tối cần thiết, và là lẽ sống còn của văn học dân tộc. Bởi vì không còn nghi ngờ gì nữa, nền văn học dân gian tức là những gì mà nhân dân để lại, truyền tụng hàng bao thế kỉ, là hình thức cao nhất, hay nhất và thiên tài nhất"(1). Tại hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc hồi cuối năm 1949, Tố Hữu cũng đã nói:
(1) Kalinin, Các bài báo và diễn văn từ đại hội VII đến đại hội VIII của Xô viết toàn Liên bang, NXB Đảng, 1936.
"Việc nghiên cứu cái hay của văn nghệ cổ truyền giúp cho sự phát triển dân tộc tính của văn nghệ, giúp cho văn nghệ sĩ dễ đại chúng hoá, vì đại chúng chính là những kẻ vận tải cái hay ấy qua các thời đại, nên họ rất dễ cảm xúc với những hình thức văn nghệ cũ, và điệu cảm xúc bình dị của nhân dân đời trước rất quen thuộc với họ".
Sau đây, chúng tôi muốn tìm hiểu ảnh hưởng của ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu xem Tố Hữu đã học tập và kế thừa vốn cũ như thế nào?
Đọc bài Việt Bắc của Tố Hữu, chúng ta như được đọc một bài ca dao dài, được chứng kiến một buổi sinh hoạt dân ca trong đó có lời hát đưa tiễn nhau của một đôi trai gái. Đôi trai gái ấy yêu nhau tha thiết hơn bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau. Từ cảnh chia li đến nỗi nhớ nhung, từ điều tâm sự, nhắn nhủ đến nỗi ước mong, hò hẹn,... đều in rõ dấu vết của lối hát đối đáp nam nữ trong ca dao, dân ca. Nhưng có thật đây là một đôi trai gái nào không? Không hẳn như vậy. Tố Hữu mượn mối tình nồng nàn, thắm thiết của một đôi trai gái trong ca dao, dân ca để nói đến tình nghĩa keo sơn gắn bó của người cán bộ cách mạng đối với nhân dân, đối với kháng chiến, cụ thể là đối với chiến khu Việt Bắc. Tố Hữu đã sử dụng dân ca để nhắn nhủ những người cán bộ đừng bao giờ vì những ngày hưởng hoà bình sung sướng giữa Thủ đô mà quên "Nhớ khi giặc đến giặc lùng / Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây", quên những ngày gian khổ kháng chiến. Tố Hữu cũng muốn khẳng định tình đoàn kết khăng khít giữa đồng bào miền xuôi và nhân dân miền ngược... Bài thơ mở ra hàng loạt vấn đề thời sự, chính trị của thời đại mà không cứng nhắc, khô khan. Phong vị thơ ca dân gian đã làm cho ý thơ kín đáo, tình nghĩa đậm đà, lời thơ sinh động và bóng bẩy.
Đọc hai câu:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Ta không khỏi nhớ tới câu ca dao:
Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Trong ca dao có rất nhiều "ta" và "mình":
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.
hay là:
Mình về ta chẳng cho về...
Mình ơi ta hỏi thực mình...
Trong bài Việt Bắc, Tố Hữu cũng sử dụng nhiều ta và mình. Có thể nói, nhân vật chính của bài thơ là ta và mình. Ta – mình, mình – ta cứ xoắn xuýt với nhau, quyện lẫn vào nhau như không nỡ rời, như tình không bao giờ dứt:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình và ta trong ca dao thường là cách xưng hô của những chàng trai cô gái, những đôi lứa yêu thương. Mà đã là tình yêu trai gái thì hẳn là tha thiết, sôi nổi, nồng nàn mà sắt đá. Người ta đã bảo:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Tố Hữu dùng ta và mình của ca dao để tượng trưng cho mối tình của người cán bộ kháng chiến với chiến khu Việt Bắc, của đồng bào miền xuôi đối với đồng bào miền ngược, thì ta hiểu mối tình ấy khăng khít và sâu sắc đến mức nào. Mình và ta trong thơ Tố Hữu cũng có một tình cảm sâu sắc, mãnh liệt như mình và ta trong ca dao truyền thống, nhưng mình và ta trong thơ Tố Hữu mang tính chất thời đại mới, có ý nghĩa xã hội cao hơn. Rõ ràng nhân vật của bài thơ có mang nhiều nét của nhân vật trong ca dao, dân ca(2) .
Đó là những kiểu xưng hô bóng gió. Tố Hữu còn thành công cả trong việc xây dựng từng nhân vật cụ thể, cách miêu tả từng con người riêng biệt. Tố Hữu đã học tập ca dao để nói về những nhân vật trong đời sống hiện đại. Ở bài Phá đường, chúng ta thấy tính cách của người phụ nữ Bắc Giang có
(2) Đôi khi chữ "mình" trong thơ Tố Hữu còn có ý nghĩa khác, chẳng hạn như trong câu :
Mình đi, mình có nhớ mình
Mình đi, mình lại nhớ mình
"Mình" ở đây không chỉ là "mình" đại từ ở ngôi thứ hai mà "mình" cũng có nghĩa là "ta" ở ngôi thứ nhất (như chữ "mình" ở cuối câu thứ nhất và hai chữ "mình" ở đầu câu thứ hai). Cũng trong bài Việt Bắc, với cách dùng tương tự, Tố Hữu còn dựng lên hai nhân vật tượng trưng non và nước (Nước trôi nước có về nguồn...). Đây là lối nói tượng trưng, kín đáo của các tác giả dân gian. Trong ca dao ta thấy có rất nhiều nhân vật kiểu như thế : trúc – mai, mận – đào, thuyền – bến, rồng – mây, loan – phượng, nước – non,... dáng dấp người phụ nữ trong ca dao. Đó là người phụ nữ vất vả, đảm đang, tần tảo nuôi chồng, nuôi con:
Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Trong rất nhiều bài, Tố Hữu đều chú ý đến cách xây dựng nhân vật như thế. Đó là những nhân vật vừa kế thừa được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa mang những đặc điểm của thời đại. Một em Lượm, một chị phụ nữ phá đường, một anh Vệ quốc quân, một bà mẹ Suốt,... là sự khái quát những đức tính tốt đẹp xưa nay của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Nỗi đau khổ của một bà mẹ Việt Bắc, sự vất vả, cực nhọc của một bà bầm, những đêm trằn trọc nhớ thương con của một bà bủ, tính tình dịu ngọt của một bà mẹ xứ Huế, cái gan góc, dạn dày của một bà mẹ Suốt, sự hi sinh âm thầm vĩ đại của một bà má Hậu Giang hay một bà mẹ Tơm,... tất cả đều là "Những trái tim như ngọc sáng ngời", tất cả đều là sự phát triển đến hoàn hảo những nét tốt đẹp nhất của các bà mẹ Việt Nam, bà mẹ nghèo khổ, hiền từ, yêu chồng, thương con rất mực, nhưng cũng yêu nước hết lòng, sẵn sàng hi sinh, hi sinh tất cả những gì quý giá nhất vì cách mạng.
Những con người đó rất quen thân, gần gũi mà cũng rất mới, rất riêng mà cũng rất chung. Tố Hữu đã tiếp thu ca dao, dân ca, sử dụng những yếu tố truyền thống của ca dao, dân ca, để khắc hoạ sâu hơn, đúng hơn tính cách của những người hiện đại. Nhân vật trong thơ Tố Hữu đã kế tục và phát triển được tính cách của nhân vật trong ca dao, dân ca theo tinh thần mới của thời đại. Nhà thơ đã luôn luôn gắn nhân vật với thời đại, tình cảm cá nhân với tình cảm tập thể, làm tăng thêm ý nghĩa xã hội trong bản chất con người truyền thống.
Năm 1939, Nguyễn Bính sáng tác bài thơ Lỡ bước sang ngang. Tác giả cũng vận dụng lối nói giản dị, mộc mạc mà êm ái, ngọt ngào của ca dao. Nhưng tính cách phụ nữ trong bài thơ thì đã bị pha tạp, bị tiểu tư sản hoá, xa lạ với tính cách truyền thống của dân tộc và không đúng với bản chất người phụ nữ nông dân trong những năm 1938 - 1939.
Mở đầu bài thơ, ta nghe lời dặn dò của một người con gái biết trồng dâu nuôi tằm, biết thương em, kính mẹ:
Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Người con gái "Tuổi son sông nước đò giang chưa từng" ấy lúc nào cũng cảm thấy:
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
nhưng lại là một thiếu nữ tiểu tư sản phong tình, lãng mạn:
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
Tim ai khắc một chữ Nàng
Mà tim chị một chữ Chàng khắc theo
...
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về
Những nét hồn nhiên, mộc mạc, khoẻ khoắn trong tâm hồn người phụ nữ nông thôn biến đâu mất cả. Ta chỉ còn nghe thấy tiếng kêu thương thảm thiết, tuyệt vọng:
Chị giờ sống cũng bằng không Coi như chị đã ngang sông đắm đò.
Rõ ràng hai thế giới quan khác nhau thì có hai cách tiếp thu thơ ca dân gian khác nhau. Nguyễn Bính trong bài Lỡ bước sang ngang chỉ thiên về hình thức diễn đạt, chứ không hề làm sáng tỏ tính cách của người phụ nữ nông dân trong ca dao truyền thống.
Trong thơ Tố Hữu, ta còn bắt gặp hàng loạt câu theo kiểu của ca dao dân ca truyền thống.
Như lối mở đầu:
Em là con gái Bắc Giang...
Chém cha ba đứa đánh phu...
Kiểu câu so sánh ví von:
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân...
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu...
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Lối nói của thành ngữ tục ngữ:
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay.
Đời ta gương vỡ lại lành.
Càng tức nước càng xui bờ vỡ.
Lòng dân ta như lửa thêm dầu.
Đã leo đằng cẳng, lại lân đằng đầu.
Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao.
Rồi ngôn ngữ, thể thơ, kết cấu, nhịp điệu, các biện pháp trùng điệp, cách kể tên các địa phương hay sản phẩm địa phương,... Tố Hữu đều cố gắng nói theo cách nói của các tác giả dân gian. Và ở đây cũng có sự sáng tạo của nhà thơ. Tính chất cổ truyền đã nhập vào tính chất hiện đại, bổ sung cho tính chất hiện đại.
Ta hãy trở lại với đoạn đầu của bài thơ Phá đường. "Em là con gái Bắc Giang" mới chỉ là câu xưng danh, câu tự giới thiệu thường thấy trong ca dao xưa:
Em là con gái đồng trinh...
Em là con gái Phủ Từ...
Em là con gái Phụng Thiên...
Em là...
Câu thơ đưa ta về với phong cách dân gian, gợi cho ta những nét cổ truyền của dân tộc. Nhưng đến câu sau:
Rét thì mặc rét nước làng em lo
tứ thơ mở hẳn ra, nói lên tinh thần hăng hái, lòng yêu nước nồng nàn của người phụ nữ Việt Nam mới, người phụ nữ hiện đại.
Lại đến:
Nhà em phơi lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Đây là lối phô diễn của ca dao cổ:
Nhà em công việc bề bề...
Nhà em lắm ruộng nhiều trâu...
"Nhà em" rất vất vả, neo đơn, việc làm bề bộn. Nhưng vụt một cái:
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.
Thế là chỉ với mấy câu thơ mà ta đã thấy tính chất truyền thống – hiện đại, hiện đại – truyền thống cứ xen kẽ lẫn nhau, đan dệt vào nhau, gắn bó chặt chẽ. Thơ là một thể thống nhất và hoàn chỉnh. Tính chất truyền thống – hiện đại nằm ngay trong từng câu, từng vế nhỏ. Ngôn ngữ của đoạn thơ là ngôn ngữ bình dị mà không tầm thường. Kết cấu của đoạn thơ là lối kết cấu trùng điệp, sự việc nối tiếp sự việc, dồn dập, căng thẳng, kiểu như:
Ngày ngày em đứng em trông,
Trông non, non ngất, trông sông, sông dài.
Trông mây, mây kéo ngang trời,
Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa.
Hay như mấy câu sau đây trong bài Việt Bắc thì không chỉ là thơ, mà còn là những câu ca dao mới, những câu ca dao hiện đại:
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh.
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông.
Tố Hữu học tập và vận dụng lối kể địa phương, sản phẩm địa phương của ca dao để miêu tả cuộc sống mới, để tiên đoán ra cái cảnh đổi thay tưng bừng, tấp nập, rộn rã của đất nước sau ngày được giải phóng và sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng là những câu thơ hiện đại với cảnh sống hiện đại mà vẫn có giọng của những câu ca dao truyền thống:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương...
Chàng đi nhớ cháo làng Ghề
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên.
Rất nhiều yếu tố trong thơ ca dân gian đã được Tố Hữu sử dụng như những biện pháp nghệ thuật. Chẳng hạn như tiếng hát ru.
Trong cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam(3), Vũ Ngọc Phan có viết: "Hát ru em là một loại dân ca phổ biến khắp trong nước, mỗi miền hát một cách khác nhau, nhưng các điệu hát đều ngân nga êm ái". Hát ru thường gây cho chúng ta lúc còn thơ ấu những cảm xúc đầu tiên và thường là những cảm xúc mạnh nhất. Tố Hữu vốn đã được lớn lên trong tiếng hát ru ngọt êm của người mẹ hiền xứ Huế, hồn thơ Tố Hữu là một hồn thơ trữ tình. Tố Hữu thường hay nhắc đến tiếng hát ru, tiếng hát "nhớ thương", "nhè nhẹ":
Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương!
Mái nhì man mác nước sông Hương
Hà ơi tiếng mẹ ru nhè nhẹ
Hát cho con nghe như tiếng mẹ ngày xưa...
Sông vòng quanh như đôi cánh tay tròn
Ôm con nhỏ ru trong lòng mát rượi.
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Và nhà thơ đã trở đi, trở lại nhiều lần với thể hát ru. Ta nghe tiếng à ơi của người bà ru cháu trong bài Cá nước, hay tiếng mẹ ru con trong bài Phá đường, Đời đời nhớ Ông, Tiếng ru. Tố Hữu đã bằng lối hát ru mà trở về với sinh hoạt quen thuộc của quần chúng đồng thời đem đến cho họ một tình cảm mới mẻ, lành mạnh. Tình quân dân và tinh thần kháng chiến trong Cá nước, Phá đường; tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, chống chủ nghĩa cá nhân trong Tiếng ru; lòng yêu kính lãnh tụ, tinh thần quốc tế vô sản trong Đời đời nhớ Ông,... tất cả đều không xa lạ đối với họ. Chính vì thế mà tiếng ru ở đây lại vui vui, hồ hởi, không còn cái giọng ngậm ngùi của những con người phải sống cảnh "mèo già ăn trộm, mèo ốm phải đòn, mèo con phải vạ..." hờn hờn tủi tủi như ngày xưa nữa, và không phải là:
Tiếng mẹ ru xưa chồng chất đắng cay Trong đôi mắt thức đêm dài thăm thẳm(4)
(3) Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H., 1978.
(4) Xuân Quỳnh, Tơ tằm chồi biếc, NXB Văn học, H., 1963.
Hình thức hát ru làm cho nội dung mới trở thành tất yếu phải có gắn bó mật thiết với đời sống tình cảm của nhân dân. Nó như những chuyện thường tình – chuyện "cày cấy", "ra chợ bán chè, bán rau", chuyện "thương cha, thương mẹ, thương chồng" – từ đời nảo đời nào trong đời sống và tình cảm của cha ông chúng ta. Nó như đã thành máu thành thịt trong con người ta. Cái cao xa đang trở thành quen thuộc. Tình cảm gia đình quyện với tình cảm xã hội, cái riêng hoà vào cái chung, tư tưởng cách mạng dễ hoá ra một nếp nghĩ hồn nhiên:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con, yêu nước, yêu nòi
Yêu bao nhiêu, lại yêu người bấy nhiêu.
Nghe tiếng ru của Tố Hữu dường như ta không phân biệt được đâu là chính trị, đâu là tình cảm, đâu là cổ truyền, đâu là hiện đại,... Tư tưởng của bài thơ cứ ngấm dần, ngấm dần vào trong tâm hồn ta như chất men say, như tiếng mẹ ru ta tha thiết từ những năm nào:
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Tố Hữu đã có ý thức rõ rệt trong việc sử dụng hình thức hát ru. Và nhà thơ chăm chút soi đi soát lại từng chữ, từng câu sao cho không xa lạ mà cũng không sáo mòn. Ngôn ngữ của những bài hát ru là thứ ngôn ngữ bình dị, trong sáng của quần chúng.
Ta gặp lại ở đây những lời khuyên răn, nhắn nhủ kín đáo nhẹ nhàng:
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao, chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người – đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!
Vì vậy mà thơ Tố Hữu rất gần gũi với quần chúng. "Có nhiều bài in ra trăm miệng một lời đều yêu thích. Chưa bao lâu nhiều người đã thuộc, và ở các xã, các mẹ, các chị đã hát ru con"(5).
Thơ ca dân gian hay tả nỗi nhớ nhung, thì Tố Hữu cũng vậy. Trong bài Việt Bắc, nhà thơ "nhớ" rất nhiều:
Nhớ từng bản khói cùng sương
(...) Nhớ từng rừng nứa bờ tre
(...) Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
(...) Nhớ cô em gái hái măng một mình.
"nhớ chiến khu", "nhớ những nhà", "nhớ những hoa cùng người". Và nhớ cả "Những khi giặc đến giặc lùng / Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây". Nhớ từ những đội "Quân đi điệp điệp trùng trùng", "Dân quân đỏ đuốc từng đoàn" đến những "Tin vui chiến thắng trăm miền". Nhớ một buổi họp Trung ương, một "lớp học i tờ", "một vầng trăng" thu, một tiếng hát ân tình. Nhớ "ngòi Thia, sông Đáy", "Phủ Thông, đèo Giàng", "Nhớ sông Lô nhớ phố Ràng / Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhị Hà",... Tóm lại là nhớ tất cả những cái gì đáng nhớ trong kháng chiến.
Những nỗi nhớ trong ca dao da diết đến cháy ruột cháy lòng. Những là:
Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn.
Nhớ ai cơm chẳng buồn ăn
Đã bưng đến bát lại dằn xuống mâm.
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ...
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi...
Nhớ ai như nhớ thuốc lào...
Nhớ nhung là một trạng thái tình cảm thường xảy ra mà ai cũng có. Xa nhau người ta thường nhớ. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ bạn bè,... Nhà thơ nào mà chẳng nói về những nỗi nhớ ấy, nhớ một cách thiết tha, chân thành. Nhưng có lẽ không ai nhớ được như Tố Hữu. Trong bài Việt Bắc của
(5) Xuân Diệu, Phê bình giới thiệu thơ, NXB Văn học, 1960.
Tố Hữu, cái nhớ đa dạng, bát ngát mênh mông. Nó cụ thể mà bao quát, gần gũi mà thiêng liêng, tha thiết mà không bi luỵ; nó rất khoẻ khoắn, vui tươi. Nó là tình cảm cổ truyền của dân tộc. Tố Hữu đã làm cho nó mới lên.
Nhiều chi tiết có tính chất kí ức trong bài thơ đã làm cho nỗi nhớ không đơn điệu, khô khan, nên bài thơ đi vào lòng ta rất ngọt ngào thấm thía.
*
* *
Tố Hữu tiếp thu yếu tố truyền thống của ca dao, dân ca theo cách nói trên. Nhà thơ đã triệt để khai thác, sử dụng và phát triển một cách sáng tạo những tinh hoa của thơ ca dân gian cả về mặt nội dung tư tưởng lẫn hình thức biểu hiện. Tiếp thu văn học cổ truyền là để góp phần diễn tả một cách sinh động những tư tưởng, tình cảm mới của thời đại, làm tăng tính chất dân tộc của các bài thơ, để cho thơ gần với quần chúng. Tiếp thu văn học dân gian không phải là nhắc lại, rập khuôn hoặc quá lạm dụng nó, mà phải biết chắt lọc, tinh chế, loại bỏ cái xấu cái dở, mở rộng và nâng cao cái đẹp, cái tốt theo quan niệm của chúng ta ngày nay, theo tinh thần mới của thời đại. Tính chất hiện đại trong thơ Tố Hữu vẫn là linh hồn, là bản chất. Đọc thơ Tố Hữu ta cảm thấy "mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da" (Kalinin). Việc tiếp thu ca dao, dân ca không hề làm cho Tố Hữu đi vào những lối mòn, vết cũ, tự mình xoá mờ cá tính của mình đi, mà trái lại càng tạo ra cho nhà thơ một phong cách độc đáo. Thơ Tố Hữu vừa là của riêng Tố Hữu, của một con tim chan chứa yêu thương, vừa là tiếng nói của thời đại, là lời ca của quần chúng nhân dân.
Và cũng không nên nghĩ rằng, muốn sáng tác tốt chỉ cần học tập và kế thừa vốn cũ đã là xong. Muốn sáng tác tốt, điều cơ bản hơn cả là phải có lập trường giai cấp vững vàng, có thế giới quan đúng đắn, và phải luôn luôn tắm mình trong dòng cuộc sống của nhân dân. Thơ Tố Hữu là kết quả của cả một quá trình tu dưỡng và rèn luyện gian khổ. Từ chỗ còn "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời", sau khi được Đảng giác ngộ, được "Mặt trời chân lí chói qua tim", Tố Hữu đã mau chóng trở thành người con của Đảng, tự nguyện làm "con của vạn nhà", làm "em của vạn kiếp phôi pha". Nhà thơ đã đứng hẳn về phía nhân dân, về phía cách mạng, nguyện suốt đời đem lời thơ, đem "tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí" của mình phục vụ nhân dân, phục vụ những con người "trong sáng nhất, minh mẫn nhất, cao đẹp nhất". Ba chục năm qua là ba chục năm Tố Hữu đã lăn lộn nhiều, phục vụ những con người ấy. Và càng ngày tư tưởng, tình cảm của Tố Hữu càng chan hoà với tư tưởng tình cảm của thời đại. Tố Hữu đã có lần tâm sự: "Nói cho cùng, thơ là kết quả của sự nhập tâm đời sống, trí tuệ, tài năng của nhân dân. Nhập tâm được bao nhiêu là nhờ ở cuộc đời mình gắn bó được bao nhiêu với nhân dân mình. Nhập tâm từ tâm hồn, tình cảm, đến dáng đi, giọng nói, tiếng khóc, tiếng cười. Nhập tâm đến một mức nào đó thì thơ ấy thành hình. Có thể nói thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy". Nhân dân, thời đại đã cho Tố Hữu một hồn thơ, một "đôi mắt thần chủ nghĩa". Chính vì vậy mà phong vị ca dao, dân ca không thể không sống dậy trong thơ Tố Hữu và thơ Tố Hữu tất yếu trở thành tài sản của nhân dân ngày nay.
(Tạp chí Văn học, số 11 – 1968)