Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí

- Lê Đình Kỵ

Thế là sáu năm sau Việt Bắc, tập thơ Gió lộng ra đời. Gió lộng đến nay mới ra đời, nhưng phần lớn các bài thơ của nó đã đi vào trái tim, vào đời sống tinh thần của các tầng lớp người đọc Việt Nam. Khi Việt Bắc được in, bài thơ hay của ta còn là ít. Ngày nay, đội ngũ các nhà thơ đã đông đảo và tề chỉnh hơn, nhưng thơ Tố Hữu vẫn chiếm giữ một vị trí đặc biệt, vẫn vang lên nồng hậu, thắm thiết, say đắm như bao giờ, hơn cả bao giờ.
Gió lộng đã kết tinh được chất trữ tình sôi nổi của Từ ấy và chất hiện thực cụ thể của Việt Bắc, thêm vào đó là một ý thức sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người, một sự thành thạo, chủ động, phóng khoáng hơn về nghề nghiệp. Với Gió lộng, Tố Hữu trở lại nhiều với bút pháp tự biểu hiện vốn là chủ đạo trong Từ ấy, kết hợp với bút pháp dựng người, dựng cảnh vốn là mặt sở trường của Việt Bắc. Có thể là cái phần xông xáo, bồng bột không còn được như Từ ấy, có thể là cái chất thực tế tươi thắm so với Việt Bắc có kém phần trực tiếp, nhưng rõ ràng là sáng tác của Tố Hữu từ sau hoà bình (Các bài Ta đi tới, Việt Bắc xếp vào Gió lộng có lẽ hợp hơn.) đã đạt tới một quy mô mới, tâm tình ý tứ có cao rộng hơn, chủ nghĩa trữ tình thêm đậm đà dào dạt đã có những cố gắng đổi mới cảm hứng, đã thêm phần sáng tạo trong nhịp điệu và thể hiện.
 
Nếu đòi hỏi thơ ca phải ghi lấy những tính cách cụ thể gắn liền với những công việc cụ thể, thì Gió lộng ắt còn khiếm khuyết. Ở Gió lộng, không có bài nào chuyên viết về người công nhân trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa hay về người nông dân trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Nhưng không phải vì thế mà ngọn "gió" xã hội chủ nghĩa không được "lộng" lắm trong tập thơ. Lấy bài Tiếng chổi tre chẳng hạn. Việc quét đường thì thời nào chả có. Công cụ lao động cũng chỉ là cái chổi tre, ấy thế mà bài thơ đã động đến một vấn đề rất xã hội chủ nghĩa. Bài thơ đã trả lại cái đẹp cho những đóng góp âm thầm nhất nhưng không sao thiếu được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung bài Mẹ Tơm là chuyện bà mẹ âm thầm nuôi giấu cán bộ, âm thầm hoạt động cách mạng:

Sống trong cát, chết vùi trong cát.

Chuyện xảy ra trước Cách mạng, nhưng bài học của nó vẫn rất hiện thực đối với chúng ta là những người còn phải phấn đấu gian khổ khắc phục chủ nghĩa cá nhân dai dẳng. Không thể nói những bài thơ đấu tranh thống nhất là không mang tình cảm vô sản, cũng như không thể nói chuyện Nguyễn Du, Nguyễn Trãi xa xưa được gợi lại trong Bài ca mùa xuân 1961 là không liên quan gì đến nay.
Thơ Tố Hữu đạt tới tính hiện đại theo ý nghĩa khe khắt nhất của chữ, tức là theo ý nghĩa thời sự. Trước Krem-lin, Với Lê-nin viết khi mà tư tưởng và tác phong Lenin trở thành chói lọi hơn bao giờ hết. Không phải là điều tình cờ mà những bài Quê mẹ, Chị là người mẹ là viết vào năm 1955, và những bài Người con gái Việt Nam, Thù muôn đời muôn kiếp không tan là viết vào cuối năm 1958 đầu 1959. Ba trong số bốn bài thơ trực tiếp lấy cảm hứng trong thời sự hằng ngày, và điều này quan trọng hơn, tất cả đều mang tình điệu, âm hưởng của tình hình đấu tranh thống nhất ở vào hai giai đoạn tiến triển khác nhau. Có khi Tố Hữu chỉ làm cái việc "tả cảnh":

Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh
 
hay "tả tình":

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay
Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!
 
Nhưng cảnh ấy, tình ấy gắn chặt với sự tiến triển nóng hổi của thời sự, với những triển vọng mở ra cho nhân dân ta vào đầu xuân 1961, mùa xuân của kế hoạch năm năm đầu tiên, của bước ngoặt quyết định của cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam.

Có nhiều cách đạt tới tính hiện đại của văn thơ: trước hết là bằng cách lấy chủ đề trong công cuộc lao động và đấu tranh trước mắt và xung quanh; cũng có thể là lấy những chủ đề lịch sử, nhưng trong cách đặt, cách giải quyết vấn đề vẫn gắn liền với thời đại mình; cũng có thể thông qua tình yêu, thông qua thiên nhiên mà làm nổi rõ thế giới tinh thần, nội tâm phong phú, cao quý của con người thời đại,... Vấn đề không phải là giới hạn sáng tác trong những khuôn khổ cứng rắn của những chủ đề này nọ, mà "trước hết là do tấm lòng và sự suy nghĩ của thật nhiều người hay không"(Nguyễn Đình Thi), trước hết là ở nhiệt tình của người sáng tác biết sống vì những lợi ích của nhân dân mình, ở sự nhạy bén trước những vấn đề sống còn của thời đại mình. Cái tầm của các bài thơ Tố Hữu cao rộng hơn bao giờ hết:

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu!

Tố Hữu đã nói hộ cho hàng triệu con người điều cần phải nói về cái quê mẹ bị chiếm đóng, về chị Trần Thị Lý, về vụ thảm sát Phú Lợi, về người quét đường, về người mẹ nuôi, về Ba mươi năm đời ta có Đảng,... Ở bài sau này, chất diễn ca còn nhiều, nhưng chất trữ tình, chất anh hùng ca cũng không phải là hiếm.
Nhà thơ đã đứng từ đỉnh cao của những lí tưởng cách mạng mà nhìn đón cuộc sống, nhưng những điều nói ra bao giờ cũng gần gũi với lòng người; lí tưởng cao cả ấy chính đang được nhân dân ta từng giờ từng phút biến thành hiện thực, nhưng nói được nên lời những điều vốn ấp ủ tiềm tàng trong người ta, cho nó một cái hình, một sinh mệnh, một tâm hồn, đó là phần cống hiến của Tố Hữu cũng như của mọi văn nghệ sĩ chân chính. Người ta thường nói nhà văn cổ điển là người biết thể hiện tư tưởng của nhiều người trong ngôn ngữ của một đôi người. Xét về mặt này, nhiều bài thơ của Tố Hữu xứng đáng đi vào vốn cổ điển của nền văn học dân tộc.
 
Thơ ca cách mạng là cái nhạc điệu vang lên từ cá tính sáng tạo của nhà thơ và từ đáy sâu kín của tâm hồn nhân dân. Nói như Gorky: "Nghệ sĩ là người biết nghiền ngẫm ấn tượng riêng, chủ quan của mình, tìm ra trong cái ấy ý nghĩ chung, khách quan, và biết đem lại cho những tình ý của riêng mình hình thức của riêng mình". Tố Hữu trong một thời gian dài đã dẫn đầu nền thơ cách mạng Việt Nam chính là nhờ tình ý chủ quan của nhà thơ đã hoà làm một với tình ý khách quan của giai cấp, của dân tộc và đã có hình thức thể hiện thích hợp, đậm đà màu sắc dân tộc.

*

*      *

Tầm cao rộng của tư tưởng tình cảm đã làm cho những bài thơ trội nhất của Tố Hữu từ sau hoà bình có thêm khí thế (Ta đi tới, Thù muôn đời muôn kiếp không tan,...), thêm chất nhựa, chất phù sa của những thắng lợi trong kháng chiến và của công cuộc kiến thiết hoà bình, có một cái gì mượt mà, phóng khoáng hơn trong tứ thơ, trong hình ảnh, trong nhịp điệu (Việt Bắc, Người con gái Việt Nam, Em ơi, Ba Lan..., Tiếng chổi tre, Mẹ Tơm).

Tiếng chổi tre là một bài thơ nhỏ mang một tư tưởng lớn. Mẹ Tơm là chuyện quá khứ, nhưng cũng trùm lên hiện tại và tương lai. Ba mươi năm đời ta có Đảng là một bài thơ dài, phải có cái tầm của tác giả mới viết nên được. Thù muôn đời muôn kiếp không tan là tiếng kêu thương, là lời tố cáo, là tiếng thét đấu tranh: khó khăn là ở chỗ tất cả đều thốt ra từ miệng của một tập thể người chết, ở chỗ lời của người chết cũng là lời của những người đang sống và đấu tranh, của tập thể dân tộc, miền Bắc cũng như miền Nam. Cái khó ấy, nhà thơ cách mạng đã khắc phục được. Bài thơ có cái gì thật vững chắc, đau thương nhưng thật rắn rỏi.

Gió lộng bao hàm một cái nhìn lớn. Nhà thơ đã thấy, đã nghe được những cái không thể chỉ nhìn, nghe bằng tai, bằng mắt:

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm dông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
 
Có những cái tai nghe mắt thấy hằng ngày, nhưng không phải ai ai cũng biết nhìn, biết nghe:

Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô
Ta nâng niu, gom góp dựng cơ đồ!

Phải đã từng sống nhiều với những vấn đề của thời đại mới thấy được Lenin:
Người không nói, nhưng trán Người tư lự, Lắng nghe nghìn câu hỏi từ xa.
Tố Hữu nghe được rất rõ tương lai:

Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao

Anh cũng nghe rất rõ quá khứ:

Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng.

Nhưng Tố Hữu trước hết là "nhà thơ của tình thương mến". Từ những bài thơ đầu tiên, niềm yêu thương của nhà thơ đã dành cho những người đáng yêu, đáng thương nhất trong xã hội cũ: những trẻ mồ côi, đi ở, chị vú em, người con gái giang hồ,... Tố Hữu đi vào thơ với bài Mồ côi mở đầu tập Từ ấy, và tạm dừng với bài Mẹ Tơm kết thúc tập Gió lộng. Trong xã hội đen bạc trước kia, Từ ấy cũng đã rung động được nhiều người, đã gieo được xót thương ám ảnh vào cả những tâm tư ngã ba đường lúc bấy giờ. Sau này Cách mạng thành công, hình ảnh những con người mới của Tổ quốc, hình ảnh quê hương đất nước và đất nước anh em, hình ảnh lãnh tụ đã kết tinh những thương mến của nhà thơ. Niềm yêu thương gắn liền với cuộc sống, với những con người của chế độ mà nhà thơ cách mạng đã "không hề dám chối một nguy nan" để góp phần xây dựng nên, là biểu hiện lôi cuốn nhất của chủ nghĩa nhân đạo mới và là nguồn gốc của chủ nghĩa trữ tình cách mạng vốn là bản sắc nổi bật của nội dung thơ Tố Hữu.

Khi Tố Hữu viết về Bác:

     Bác đi, muôn dặm đường xa
Hôm qua tuyết lạnh, nay vừa nắng lên
     Bác về, tóc có bạc thêm?
Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?

Về cảnh sắc của nước Ba Lan đổi mới:

Em đi cùng anh lên thành xưa

Vác-sa-va ấm nắng ban trưa
Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa.

hay về sinh hoạt cần cù, vừa cố hữu, vừa rất mới của làng mạc Việt Nam:

Hòn Nẹ ta ơi! Mảng về chưa đó
Có nhiều không con nục, con thu?
Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố!
Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?

thì đằng sau tình cảm chung của nhân dân ta đối với lãnh tụ, đối với các dân tộc bạn hay đối với quê hương đất nước, ta thấy rung lên những thương mến rất là Tố Hữu. Cái giản dị, thân mật mà sâu sắc của những câu thơ trên, không thể viết ra được nếu không đạt tới sự chín muồi của tư tưởng tình cảm.

Thơ Tố Hữu đặc biệt mến thương là khi nói đến những người đàn bà Việt Nam, những người con, người vợ, người chị từ ngàn xưa đau thương của dân tộc, đã tạo nên nguồn cảm hứng cho ca dao, cho Truyện Kiều, đó là Đoàn Thị Điểm, là Xuân Hương,... và sau này trong kháng chiến, trong đấu tranh thống nhất, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã có phần đóng góp xứng đáng cho cách mạng thành công và tiến lên. Từ Việt Bắc, tâm tình của người "con gái Bắc Giang", của các "bầm", "bà bủ nằm ổ chuối khô" đã trở thành gần gũi với không biết mấy lần chục vạn người đọc Việt Nam. Trong Gió lộng, những vần thơ xót xa, rung động, hào hứng nhất cũng là dành cho các chị Diệu, chị Lý, cho các bà mẹ ruột, mẹ nuôi, mỗi người một vẻ, đều là điển hình cho người phụ nữ Việt Nam.
Hồi kháng chiến, Tố Hữu quả đã nói đúng tâm can người mẹ có con chiến đấu ngoài mặt trận:

     Nó đi đánh giặc đêm nay
Bước run, bước ngã, bước lầy, bước trơn
     Nhà còn ổ chuối lửa rơm
Nó đi đánh giặc đêm hôm sưởi gì?

Cái nhìn của anh đối với người chiến sĩ không phải là như thế, nhưng chắc chắn tấm lòng của người mẹ cũng là tấm lòng của người viết. Bài Người con gái Việt Nam trong Gió lộng cũng tràn ngập thương mến, nhưng ở đây chất trí tuệ của bài thơ được nâng lên rất nhiều, cái thương mến của người mẹ, người công dân, người cán bộ lãnh đạo đã chan hoà với nhau, tạo thành một chủ nghĩa nhân đạo cách mạng thật là thắm thiết trong thơ ca ta:

Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...
Cả Nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần

Bài Quê mẹ và Mẹ Tơm nói về những bà mẹ trước Cách mạng, một người mẹ có lẽ chưa biết cách mạng là gì, và một người mẹ nuôi giấu cán bộ của Đảng, có con làm cách mạng và bản thân tham gia canh gác, rải truyền đơn vì con, vì cách mạng. Những bà mẹ như trong Quê mẹ là hằng hà sa số. Số những bà mẹ Tơm không nhiều, nhưng cũng khó mà phân biệt giữa họ. Mẹ Tơm ấp ủ cán bộ, tham gia hoạt động cách mạng cũng là để cho trọn vẹn lòng mẹ và người mẹ tần tảo nuôi con, điêu đứng vì trăm lo nghìn sợ, cũng chỉ chờ đợi có dịp là trở thành người mẹ cách mạng. Cách mạng và kháng chiến đã hoàn toàn xác nhận điều đó. Cuộc sống sẽ biến bà mẹ của một gia đình:

Ôi những đêm xưa, tối mịt mùng
Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng
Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn
Mẹ bấm con im: Chúng nó lùng
thành bà mẹ của tất cả mọi người:
Thương người cộng sản, căm Tây – Nhật
Buồng Mẹ – buồng tim – giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa... Làng bên động?
Bóng mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn...
 
Nhà thơ đã làm rất nhiều để trả lại cho cuộc sống, cho thơ ca, những bà mẹ vừa cách mạng nhưng cũng vừa rất ngàn xưa, và vì thế, hai lần thân thiết, hai lần đáng quý.

*

*      *


Thơ Tố Hữu vui đậm đà, ngọt ngào. Cũng có những bài thơ, những đoạn thơ buồn. Nhưng vui hay buồn bao giờ nó cũng là mối đồng cảm sâu xa với những vui buồn của dân tộc từ Cách mạng tháng Tám đã vùng dậy viết nên thiên anh hùng ca của mình, trong những điều kiện kháng chiến hết sức gian khổ, bằng những chiến thắng oanh liệt, nhưng cũng là bằng nước mắt, máu xương của mình. Hoà bình lập lại, đất nước bị chia cắt. Miền Nam lại rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Cả dân tộc lại bị xúc phạm. Thơ còn phải xót xa:
Mẹ ơi, dưới đất còn chua xót Những tiếng giày đinh đạp núi đồi!
Nếu Ta đi tới là bài thơ vui trọn, thì Quê mẹ, Chị là người mẹ là những bài thơ buồn. Cái anh dũng của nhân dân ta thể hiện trong những vần thơ khi vang vang, sảng khoái:

Gươm nào chém được dòng Bến Hải?
Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!

khi dằn xuống, chịu đựng, trầm tĩnh:

Làng ta giặc đốt mấy lần qua
Mà đất Phù Lai vẫn tốt cà
Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt
Nhớ anh du kích trấn Dương Hoà.

Cuộc sống ngày càng ấm no, thật đáng cho ta yên tâm:

Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng
Thơm phức mùi tôm nặng mấy nong
Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng
Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?
 
Nhưng cái vươn lên của ngày nay là xây dựng trên nhiều mất mát của ngày qua. Câu thơ vì thế mà có chút xôn xao, thăm thẳm, như chính cuộc đời:

Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi?

Xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện ước mơ từ bao đời là một niềm phấn khởi mênh mông. Gió lộng có cái vui nhộn nhịp bôn ba của hành động:

Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?

Cũng có cái vui lắng xuống, băn khoăn,... Hằn lên cái suy nghĩ gân guốc của bài Tiếng chổi tre là hình ảnh:

Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông Quét rác.

Nhưng trong âm thanh sắc ngọt, rắn rỏi của bài thơ vẫn có một cái gì "xao xác":

Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...

Bài thơ nhờ thế mà thêm chút xao xuyến, thêm sức ám ảnh cho vấn đề đặt ra, nó vẫn phức tạp, không thể nhìn một cách đơn giản, xuê xoa được.
Có khi cái vui, cái buồn xen kẽ hay quyện vào nhau, làm bài thơ Mẹ Tơm chẳng hạn – thêm âm vang. Hình ảnh mẹ Tơm khi canh gác bảo vệ cán bộ, khi rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh, khi sững sờ đau thương vì hai đứa con vừa bị bắt:

Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn...
...
Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
...
Bóng Mẹ ngồi trông, vọng nước non!

Hình ảnh ấy bị hút vào thiên nhiên, khi hoà vào đất trời, khi lớn, khi bé nhỏ, nhưng bao giờ cũng gần gũi. Dân tộc ta phải hi sinh như thế nào để có được cái hạnh phúc hiện nay và mai sau. Thơ Tố Hữu cũng góp phần cho người ta không quên điểm đó.

*

*      *


Tôi đã nói khá dài về những thành công của Gió lộng. Dĩ nhiên, tập thơ có những bài cảm hứng còn yếu, có những bài thơ, những điệu thơ chưa đạt ý, ý đi trước tình. Đó cũng là điều khó tránh được trong sáng tác. Nhưng nhược điểm chính của tập thơ có lẽ là ở chỗ này: cái phong phú, cái toàn diện, phức tạp của cuộc sống hiện nay đi vào tác phẩm Tố Hữu còn ít. Và cái đó cũng là chuyện không tránh được. Cuộc sống là vô hạn, có thể nào thâu tóm hết được trong tác phẩm hữu hạn? Có điều là sáng tác của đồng chí Tố Hữu còn có thể tiến tới đạt những quy mô lớn rộng hơn nữa. Tôi chỉ xin dừng lại ở một trong những khả năng phát triển nên có của thơ anh.
Nhà thơ quan niệm thơ phải "làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người". Gió lộng chan chứa tình người. Nhưng hình như trong cái tình của những con người hiện nay, anh chỉ chú trọng nhiều nhất là cái phần cốt tuỷ của nó. Thơ Tố Hữu vốn gần gũi, nhưng vẫn cần có hơn nữa những cái lấy thẳng từ cuộc sống hằng ngày: chiếc gậy, cái răng rụng, một nước cờ hay tiếng oa oa chào đời của đứa trẻ mới sinh,... trong thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào loại những chi tiết đã có nhiều trong Từ ấy:

Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

trong Việt Bắc:

Gặp nhau lưng đèo
Nhe Bóng tre trùm mát rượi
 
trong Gió lộng:

- Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt
Nắng soi sương giọt long lanh...

- Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước

Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi.

Những nét sinh hoạt bình thường, những cảnh sống hằng ngày, cái muôn màu muôn vẻ trong suốt cũng như còn ẩn kín của cuộc đời, những vấn đề sống chết, công tác, tình yêu, hạnh phúc, cái đẹp,... âm vang vào thơ ca ta còn ít. Trong một bức thư, Phadeev đã viết: "Anh là một nghệ sĩ chân chính, anh biết rút ra những sự việc bình thường cái ý nghĩ thi vị khác thường". Thơ ca nên thể hiện người cộng sản trong mối tương quan muôn màu muôn vẻ với thế giới bên ngoài, với quê hương đất nước, với đồng chí, với vợ con, bè bạn, với kho tàng văn hoá dân tộc và thế giới,... Nhiều khi bài thơ không có gì là "chính trị" hiểu theo lối thô thiển, nhưng vẫn soi sáng được một cạnh khía của tâm hồn rất nhân đạo cách mạng của người cộng sản.
Khuynh hướng càng ẩn kín, tác dụng giáo dục của văn thơ càng dễ lọt vào lòng người. Yêu cầu đó đề ra trước hết cho tiểu thuyết, kịch. Thơ ca có khác, thơ ca giáo dục trực tiếp hơn, nhưng dầu sao, hình tượng vẫn rộng hơn tư tưởng. Cuộc sống của chúng ta có tính tư tưởng nghiêm khắc của nó, nhưng không thể đơn thuần rút gọn vào bất kì một tư tưởng nào. Thơ ca giáo dục không phải bằng một thứ chữ nghĩa giáo huấn khô cằn, mà chính là thông qua cái đa dạng, phong phú của cuộc đời. Thơ "là tiếng nói của tâm hồn con người trước con người và trời đất". Khi Tố Hữu viết:

Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
- Hai mươi.
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!
 
hay:
 
Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi.
 Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời!

thì những câu thơ vừa nói lên được chuyện cuộc sống, chuyện hi sinh mất mát, vừa mang được cái bát ngát của chuyện trời đất, sống chết. Chút rùng mình trong thơ không trực tiếp giáo dục, nhưng không phải là thừa; thiếu nó, bài thơ sẽ như bớt máu thịt, bớt một phần hồn. Tôi nghĩ là những rung động như trên, nếu được nhiều hơn nữa, sẽ làm cho sáng tác của nhà thơ cách mạng được nhịp nhàng hơn...
Gió lộng ra đời là một sự kiện văn học quan trọng trong những năm gần đây. Anh hiểu "thơ là chuyện đồng điệu... Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí... Phải ở trong lòng đồng chí thì mới có tiếng vang đến lòng đồng chí". Cũng như những tập thơ trước, Gió lộng chắc chắn sẽ được sự đón tiếp nồng hậu của những tấm lòng đồng chí, của tất cả những người đọc, nghĩa là của hàng triệu người.


1962
(Đường vào thơ, NXB Văn học, H., 1969)