Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ

- Nguyễn Bao

Cách đây hơn ba mươi năm, giữa thời chiến tranh, đã có một câu thơ được xếp bằng những tảng đá dọc triền núi lớn sừng sững bên đường vào Nam đánh giặc.

Câu thơ Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy vừa thể hiện ý chí vừa là nguồn tăng lực cho hàng vạn chiến sĩ trên đường ra trận. Câu thơ cô đọng, giản dị mà nói thay được tấm lòng một thế hệ tuổi trẻ, vẽ lên được cả quyết tâm của một dân tộc. Nó cũng có ích như “cây gậy Trường Sơn” trên nẻo đường “nước non ngàn dặm”. Một đời thơ, dẫu chỉ góp được một câu như thế cũng đã sung sướng biết bao!

Nhưng Tố Hữu không chỉ có một câu thơ ấy. Hàng triệu người đã bao lần tự đáy lòng reo lên “ Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!” và phấn khích tột cùng trước một câu thơ về chiến công “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu!”.

Tố Hữu có biệt tài chỉ bằng một câu đã đủ sức làm sống dậy thần thái một sự kiện lịch sử, một biến động của hiện tượng xã hội và tâm trạng một lớp người.

Nguồn gốc của những câu thơ kì diệu ấy ở đâu? Làm sao mà khái quát được nội dung lớn trong hình thức giản dị, làm sao chứa được nỗi niềm và cảm xúc sâu nặng trong dáng vẻ tự nhiên như hơi thở, như lời nói hằng ngày?

Do đâu mà cùng một lúc, nhà thơ có thể khơi dậy và thoả mãn cảm xúc thẩm mĩ của nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau?

Phép màu nào khiến ngôn ngữ nghìn đời lại chuyển tải được những ý tưởng mới mẻ mang đậm tính thời đại?

Trả lời những câu hỏi không đơn giản ấy có lẽ phải lần tìm về chính cuộc đời người – thơ ấy, lắng nghe mạch đập của trái tim và dõi theo bước chân người ấy trên từng chặng đường đời…

Sáu mươi năm trước, chàng trai mười tám, đã may mắn và dũng cảm tiếp nhận chân lí tiên tiến nhất của thời đại. Chính từ đấy người trai xứ Huế tìm ra sức mạnh cho  chính mình trong “khối đời” chung bằng một “biện pháp” có vẻ đơn giản nhưng tối ưu:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Có lẽ sáu mươi năm làm cộng sản, sáu mươi năm cầm bút – trong cái “duyên kiếp Đảng và Thơ” – phương cách ấy đã giúp nhà thơ tiếp cận đời sống, hút được cái nhuỵ tinh túy và tái hiện những vẻ đẹp hồn người trên trang thơ của mình. Nhà thơ của tình người, của những nguồn thương mến đã tìm ra lẽ sống và tài năng trong mối dây liên hệ chặt chẽ với mọi người. Lí tưởng chung đã là lẽ sống riêng lớn nhất của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Chàng trai ấy là một chiến sĩ trước khi là một nhà thơ và bao giờ cũng là một nhà thơ – chiến sĩ.

Có lần ông đã nói: “Suốt đời tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lí tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ, cũng vì sự nghiệp cách mạng…”. Tố Hữu yêu thơ nhưng không “cố tình làm thơ”. Ta nhận ra rằng vì say lí tưởng, ông muốn hiến dâng hết sức mình. Ông góp thêm thứ vũ khí riêng của nhà thơ vào trận đánh chung. Và trận tuyến cách mạng đã có thêm một vũ khí sắc bén. Ta cũng hiểu vì sao cảm hứng chủ đạo của đời thơ ấy bắt nguồn từ vận mệnh chung của cộng đồng, từ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, đất nước, từ niềm tin không bao giờ lay chuyển đối với Đảng Cộng sản và Bác Hồ kính yêu.

Với Tố Hữu, chuyện thơ là chuyện đời – thơ không phải chỉ là văn chương mà chính là gan ruột. Như vậy thơ là người, không thể cố tình mà có thơ.

Thơ chỉ trào ra khi trong ta cuộc sống đã tràn đầy, trước mọi người nó cất tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn.

Có lẽ do thấm nhuần nguyên lí ấy, Tố Hữu đã đạt được nhiều thành công trong cả quá trình làm thơ. Những bài trung bình, những bài “đưa ra bãi thải” – theo cách nói của Xuân Diệu – thường là ít.

Sáu mươi năm qua, Tố Hữu là nhà thơ có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng – nhà thơ chinh phục được trái tim nhân dân bằng tình cảm cao đẹp và đã nói hộ quần chúng khát vọng sâu xa của họ. Những điều ấy chỉ có ý nghĩa khi nhà thơ có bản lĩnh nghệ thuật. Phải có một hình thức đẹp mới đủ sức truyền cảm và gần gũi với công chúng rộng rãi.

Có lẽ từ ấu thơ, cùng với sữa mẹ và dòng nước Hương Giang, giọng hò mái nhì và những khúc hát ru, những bài ca dân gian,… đã bồi đắp nên một hồn thơ tương lai. Cội nguồn dân tộc và sau này, các thành tựu của thi ca phương Đông, phương Tây,… đã giúp Tố Hữu khẳng định bản sắc của mình.

Sự hài hoà giữa nội dung và hình thức, độ chín của cảm xúc, sự hiểu biết cặn kẽ đời sống đến mức nhập tâm cộng với khả năng biểu đạt thanh thoát tinh tế đã khiến mạch tuôn trào tự nhiên, đằm thắm và ngọt ngào.

Trong thơ Tố Hữu có những hình ảnh khái quát nhưng nhuần nhị, gợi cảm; chắt lọc và cô đọng như một biểu tượng nhưng không khô khan, luôn mở ra những liên tưởng sâu xa, đầy sức rung động. Câu thơ như tan đi tưởng chỉ là một dòng cảm xúc cứ bồi đắp, lan toả và tiếp nối trong lòng người. Đấy chính là đặc trưng của thơ, nó nói nhiều hơn những gì nằm trên mặt giấy, nó ngân vang xa hơn độ dài câu chữ.

Đó chính là sức mạnh của thơ.

Với hiệu quả nghệ thuật, thơ Tố Hữu có khả năng lưu giữ lâu dài những khắc hoạ về một bà má Hậu Giang, một mẹ Tơm, mẹ Suốt anh hùng, những anh lính Vệ quốc áo nâu của thuở kháng chiến chín năm, đến những chiến sĩ Giải phóng quân mũ tai bèo,… Bóng dáng quần chúng cách mạng với tấm lòng “sáng trong như ngọc” luôn luôn hiện lên trên trang thơ và trong tâm tưởng nhiều thế hệ bạn đọc.

Hơn bốn mươi năm sau chiến thắng Điện Biên, bài thơ Việt Bắc vẫn in đậm trong lòng ta hình ảnh tươi đẹp và tình cảm sâu nặng của núi rừng và đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ địa cách mạng và kháng chiến “Thủ đô gió ngàn”. Bài ca dài Nước non ngàn dặm viết năm 1973, lại là tấm gương soi cả đất nước và dân tộc hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Và đó cũng là một sự hồi tưởng biết bao xúc động của chính nhà thơ: “Nửa vòng thế kỉ, hôm nay đường về”.

Trên cái nền rộng lớn của bức tranh lịch sử ấy là hình tượng Hồ Chí Minh “Mong manh áo vải, hồn muôn trượng”, nhân vật điển hình mà Tố Hữu dành nhiều tâm lực sáng tạo trong suốt nửa thế kỉ nay. Giữa hàng trăm tác phẩm của nhiều người viết khác, nổi bật bài Bác ơi! vừa là tiếng khóc thống thiết, vừa là một bài ca tuyệt vời về một con người vĩ đại. Theo chân Bác lại là một trường ca rộng lớn về thời gian và không gian, một thành tựu văn học tiêu biểu về Bác Hồ, vị anh hùng dân tộc.

Một mảng đề tài được nhà thơ lưu tâm ngay từ những năm đầu cầm bút là tình cảm quốc tế. Trong bài Lão đày tớ năm 1938, một cụ già Việt Nam nghèo khổ đã biết “mơ nước Nga”. Người ta cũng không thể nào quên được chú bé Hồng quân Trung Hoa trong Tiếng sáo Ly Quê trên đường vạn lí trường chinh. Và hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản năm 1938 dũng cảm hi sinh trong Đông Kinh nhuộm máu.

Từ năm 1954, nước ta được “nối liền” với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Thế là một loạt bài thơ nồng nàn tình yêu quốc tế ra đời: Đường sang nước bạn, Với Lê-nin, Em ơi… Ba Lan…, Từ Cu-ba,… Bên cạnh niềm vui lớn là nỗi trăn trở về con đường đi tới của cả nhân loại. Đó cũng là cảm hứng của những bài thơ như Rôm, hoàng hôn; Đường của ta đi,…

Có lẽ nhiều năm sau, người ta còn rung cảm sâu xa với một giọng thơ dịu dàng như một tiếng đàn đằm thắm:

Em ơi, Ba Lan, mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn…

Trong nửa đầu thế kỉ của văn học hiện đại, Tố Hữu là người mở đường và là cánh chim đầu đàn vạch hướng cho nền thơ cách mạng. Trước những yêu cầu bức thiết của mỗi chặng đường, trước mỗi bước đi của thời đại,… thơ Tố Hữu đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tăng nguồn sinh lực cho quần chúng trước những thử thách của cuộc chiến đấu.

Chính vì thế, Tố Hữu đã là nhà thơ thời sự thành công nhất trong nền thơ hiện đại. Chuyện đời vào thơ với tất cả vẻ tươi tắn, vừa đượm tính dân tộc vừa hiện đại nên đã truyền cảm trực tiếp vào hàng triệu trái tim.

Thời gian và nhu cầu cảm thụ đa dạng của nhiều thế hệ bạn đọc đã chứng tỏ độ bền của những bài thơ “thời sự” ấy.

Mười năm trở lại đây, đất nước chuyển vào vận hội mới và cũng đón nhận thách thức mới. Trái đất nóng thêm và đang quay những vòng gấp gáp hơn. Chân trời tưởng như lùi xa hơn và cơn gió lớn đã lay tận gốc những cổ thụ. Là nhà thơ nhạy bén với mọi lẽ đời, ông lắng sâu vào những suy ngẫm gần, xa. Tố Hữu không chỉ là nhà thơ có bản sắc mà còn có bản lĩnh. Trước sau, ông luôn luôn là nhà thơ – chiến sĩ:

Mặc quanh ta sóng gió
Dù đâu đó chiều tà
Bình minh đang dậy đỏ 
Tim ta cùng chim ca.

Nghị lực và niềm tin khiến nhà thơ vượt qua những khúc quanh lịch sử, những ghềnh thác dòng đời, tự mình sưởi ấm:

Nắng tự lòng ta, cứ ấm dần

Sức mạnh của lí tưởng, tình yêu nhân dân giúp ông từng bước đi qua khúc mắc đời thường, tỉnh táo suy ngẫm trước mọi biến động thế sự với thời đại, từ xa đến gần, không buông mình trước nỗi buồn, không để thác lũ và xoáy ngầm cuốn trôi. Nhà thơ kiên định con đường đã chọn:

Mây dày không thấy đâu trời đất
Mà trái tim ta chẳng lạc đường

Ông vẫn vững tay “chống chèo, mặc nước ngược xuôi”.

Tuổi cao nhưng tâm trong sáng và trí tinh tường nên dẫu năm tháng đời người đã vào tuổi “ cuối thu rồi…”, dẫu gặp cơn “sớm nắng, chiều mưa” và nhận ra cỏ dại cùng hoa thơm xen cài trên mảnh đất đời thường… với Tố Hữu “trời vẫn xanh” thanh thản và “lòng vẫn hát ca” trong “thanh bạch hồn thơ”.

Hình như khi vượt qua được mớ dây ràng buộc thông thường của kiếp người, ông lại ung dung làm người hát rong của nhân dân như Từ ấy đã từng ước nguyện: “Tôi buộc lòng tôi với mọi người”. Có lẽ đó là nguồn gốc sâu xa để ông đủ sức đi thẳng vào lòng người, tăng thêm chất nhân văn và bền bỉ tạo nên giá trị mới cho những tháng năm còn lại.

“Long lanh đáy nước in trời”, tự nhiên tôi lại nhớ câu thơ Nguyễn Du khi nghĩ về bóng dáng đời sống trong thơ Tố Hữu. Trời, nước soi vào nhau. Sự khúc xạ ánh sáng tùy thuộc vào độ trong trẻo của nước, vào chiều sâu, chiều cao của nước và trời.

Tâm hồn trong trẻo sẽ phản chiếu được vẻ đẹp cao cả. Tình cảm sâu sắc và tinh tế cũng là cơ sở cho hình tượng nghệ thuật sinh động nảy nở, toả sáng.

Sự lắng trong và chiều sâu nhân bản đã khiến những bài thơ mới nhất của Tố Hữu vẫn giữ được niềm tin yêu cuộc sống, dù còn sương giá nhưng đã ấm tình đời. Và tôi tâm đắc với hai câu thơ in đậm bản lĩnh và tâm huyết của ông:

Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm
Ta vẫn là ta, ta với ta.

Cát Linh, mùa xuân 1998
(Thơ Tố Hữu, NXB Văn học, H., 1998)