Thơ Tố Hữu
- Thời Nhân
Trên những tờ báo khác đã có và chắc sẽ còn có nữa những bài phê bình thơ Tố Hữu một cách đầy đủ hơn . Ở đây tôi chỉ muốn đứng về một phương diện riêng: tinh thần cố gắng.
Ngày xưa Mạnh Tử khen vua Thuấn có nói nhà vua do nhân nghĩa mà làm chứ không làm ra nhân nghĩa (do nhân nghĩa hành, phi hành nhân nghĩa) ý nói nguồn nhân nghĩa đã sẵn ở trong lòng, nhà cua cứ tự nhiên là hợp đạo, không cần cố gắng.
Tôi không rõ trong những người cách mạng Việt Nam, có những ai cứ tự nhiên là hợp đạo – đạo cách mạng – như vua Thuấn, có những ai làm cách mạng cũng như chim thì bay, cá thì lội. Duy có một điều chắc chắn là Tố Hữu không phải trong hạng người ấy. Cứ đọc thơ thi sĩ sẽ rõ. Đọc thơ Tố Hữu, ta định tìm một người cách mạng, thì ta gặp một người, hay đúng hơn, một người luôn luôn cố gắng, luôn luôn mình chiến đấu với mình để trở nên một người cách mạng.
Xuất thân trong một gia đình trung sản, lớn lên theo học trường Pháp Việt đến bậc trung học, Tố Hữu rất có thể sống cuộc sống bình yên và vô vị của bao nhiêu thanh niên khác cùng một lớp. Nhất là Tố Hữu lại nặng mang trong mình tâm lí của lớp người ấy trong gian đoạn vừa qua. Người cũng từng nghe:
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều,
Lúc đông về, người cũng từng cảm thấy:
Non quanh chừng đã lạnh rồi
Rừng sâu run rẩy, xa vời tiếng rung.
Nhưng điểm cốt yếu trong tâm lí lớp thanh niên đó là cô đơn. Cuộc sống xã hội và chính trị bị bế tắc trong những ngày Pháp thuộc và ảnh hưởng văn hoá phương Tây đã khiến họ thu mình trong biên giới cái tôi. Sống trong cái tôi chật hẹp, họ thấy lẻ loi và bơ vơ. Một niềm cô đơn đau đớn, bàng bạc trong thi ca hồi bấy giờ và đây đó vẫn còn rớt lại trong thơ Tố Hữu. Cô đơn trong những ngày tù, điều ấy đã đành:
Chim trên mái kêu nhau về tổ ở
Chừ đây một mình ta sau cánh cửa
Đi vẩn vơ theo bốn vách xà lim
Ôi cô đơn thấm lạnh cả tâm tình
Nghe bên cạnh tiếng ngáp dài ngao ngán...
Nhưng ngay hồi còn tự do, ngay những lúc bên mình có người khác, Tố Hữu vẫn thấy cô đơn:
Nhìn anh không chớp mắt
Em chẳng nói năng gì
Hai đứa con phiêu bạt
Bữa ni thành tương tri.
Lời thơ vẫn có giọng năn nỉ tuy không năn nỉ ai, và vẫn có chút gì cô quạnh. Thương người, tội nghiệp cho người, nhà thơ cũng đã tự mình thương mình, tự mình tội nghiệp cho mình. Con người ta một khi không cảm thông được với cả khối người đông đảo, một khi thiếu sự nâng đỡ của đoàn thể thì dầu có xúm xít hai ba người hay năm bảy người vẫn không thoát khỏi cô đơn.
Lúc buồn đã thế, đến lúc Tố Hữu vui, thì cũng vẫn là cái vui của thanh niên lớp trước. Một cái vui hoặc hiền lành, nhè nhẹ:
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng!
hoặc thấm thía hơn, sâu sắc hơn nhưng vẫn là cái vui không thời gian, không biên giới, cái vui rất thẳng tự trong cuộc sống bao la, cái vui của con người hơn là cái vui của người cách mạng:
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...
Ôi! Hôm nay sao nhựa sống tràn trề
Trong những tiếng nghe chừng quen thuộc quá!
Nghe gió xối trên cành cây ngọn lá
Nghe mênh mang sức khoẻ của trăm loài.
Vẫn biết tiếp theo mấy câu đó, Tố Hữu có nói mình đã lầm vì cái vui kia người cho là bắt nguồn trong ảo tưởng, nhưng dầu sao đó cũng là cảm giác đầu tiên của con người trước khi sực nhớ mình là người cách mạng.
Con người Tố Hữu là như thế. Nhưng con người ấy đã đi vào con đường cách mạng và trên con đường cách mạng người không ngừng tranh đấu. Tranh đấu ngoài tù, tranh đấu trong tù, đời Tố Hữu cứ nhìn bên ngoài tưởng không một lần nào đuối sức. Được thế ắt phải có một sự cố gắng phi thường. Sự cố gắng ấy có thể tìm thấy được trong thơ. Bởi vì làm thơ với Tố Hữu chính là một phương châm cố gắng. Thơ là một cách tự mình huấn luyện mình, tự mình thôi thúc mình. Khi Tố Hữu dặn Phước, người bạn nhỏ:
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm này anh đã nhóm trong lòng!
hay khi người giục các bạn thanh niên:
Đứng lên đi hỡi tuổi trẻ xung phong
Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới!
Dễ thường trước hết cũng là người tự dặn mình, tự giục mình.
Hồi tháng một năm 1940, trong những ngày tuyệt thực ở Lao Bảo, người đã làm hai bài thơ đi liền, có lẽ cũng không ngoài dụng ý ấy. Đặc sắc hơn cả là Trăng trối. Lúc bấy giờ cái chết đã đến tận nơi. Cái phút “thung dung tựu nghĩa” ấy thực thiên nan, vạn nan. Nhà thơ cảm thấy mình cơ hồ đuối sức, cần phải bám víu vào một cái gì. Cái gì đó là một bài thơ.
Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da,
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!
Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé
Dù phải chết, chết một đời trai trẻ
Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con
Rồi chôn xương rục thối dưới chân cồn
Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa?
Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trông mai mỉa.
Đọc mấy câu này ta thấy Tố Hữu vẫn tự nhủ mình vững lòng trước cái chết, nhưng người không khỏi thương mình, tiếc đời. Tố Hữu đi vào cõi chết và có cảm giác rõ ràng mình đương đi vào cõi chết. Tôi sực nhớ khi Kiều sắp gieo mình xuống sông Tiền Đường, nàng cũng có cảm giác rõ ràng như thế. Lời thơ Nguyễn Du trong đoạn này như có chút gì rợn ngợp. Cái cảnh trời nước bao la ba lần hiện ra trong lời thơ, tượng trưng cho cái cõi chết mênh mông đương ám ảnh người trong truyện:
Cửa bồng vội mở rèm châu
Trời cao, sông rộng một màu bao la.
… Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang.
Thực khác xa cái chết bình dị đến vô nghĩa của Nguyệt Nga, một nhân vật trong Lục Vân Tiên:
Than rồi lấy tượng vai mang
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.
Nguyệt Nga nhảy xuống sông không khác gì người ta nhảy chơi trong sân thể dục.
Trở lại thơ Tố Hữu, ta thấy Tố Hữu luôn luôn thúc giục mình tiến bước. Hoặc, để nuôi lòng uất hận, người vẽ ra những hình ảnh rùng rợn về cuộc đời hiện đại mà người gọi là cái hầm người:
Hồn tôi − ôi đã, theo đèn bạn
Trông thấy xương khô trắng đất hầm!
Và bên hài cốt khô vàng ấy
Nhô nhúc – trời ơi! Một khối người
Đang mải cuốc, cày, cưa, kéo, đẩy
Như nhau, không biết một ngày vui!
Đây một thân rơi thành xác chết,
Hàng ngàn thây khác nối nhau rơi…
Ngổn ngang sương lạnh đầy ao huyết
Giữa lúc tầng cao, dội tiếng cười!
Hoặc người tưởng tượng ra cái cảnh ngày mai rạng rỡ để thêm lòng phấn khởi:
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được những đoàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng?
Hoặc người nghĩ đến những đồng chí ở khắp bốn phương đương cùng người tiến bước:
Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng.
Có khi người kêu cầu đến cả những người đã khuất:
Hỡi chiến sĩ rữa tan trong mả loạn
Hãy về đây trong đáy giếng hồn tôi!
Hãy về đây những ảnh hình li tán
Nấu sôi niềm oán hận của muôn đời
Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu
Cho da tôi dày dạn với ngày mai
Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu
Để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai!
Con đường cách mạng đầy gian nan nguy hiểm, điều đó ai cũng biết. Mà người cách mạng thì cũng chỉ là người – điều đó có lúc hình như ta quên bẵng đi. Họ đâu có phải xương đồng da sắt và nhất là lòng họ cũng có thể bận bịu với bao nhiêu mối tình riêng. Ai không cha mẹ, anh em? Mà mối tình gia đình trong hoàn cảnh nước ta lại là mối tình khó dứt hơn cả. Có lần, Tố Hữu đã làm lời một người thợ sắp hết hạn tù:
Chừ sao đây? Kéo cờ trắng đầu hàng
Hay chuyển sức trăm cân đầu búa sắt
Đập tan hết những tình riêng nhỏ nhặt
…
Không, phải hi sinh, phải nhất thiết hi sinh
Lòng vô sản phải mang tình nhân loại.
Thiết tưởng đó cũng không phải là những lời nhắn bạn.
Một sự cố gắng siêng năng như vậy tất phải đưa đến thành công. Tố Hữu đã thành công – người đã không một lần nào lùi bước. Hơn nữa, đôi khi một người đã đạt đến chỗ bình dị và bình yên trong tư tưởng như trong bài Trăng trối đã trích dẫn trên kia. Tuy thương mình và tiếc đời, nghĩ đến cái chết sắp tới nơi, người vẫn thấy mình như một anh dân quê sau khi cày xong thửa ruộng:
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơ ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hi vọng.
Cầu nguyện, người đã được như nguyện: Trong bài Hồ Chí Minh, người có viết:
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối, khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến.
Mấy câu thơ này cố nhiên là để tả vị Cha già của dân tộc nhưng đồng thời có lẽ cũng tả cái hình dung nhà thơ vẫn hằng mơ ước cho mình. Và một khi đã tả được như vậy nghĩa là giấc mơ kia không còn là một giấc mơ, nó cũng đã có một phần hiện thực.
Nhưng nói thế tức là nhận rằng sự cố gắng của Tố Hữu vẫn chưa thành công hẳn. Vẫn có những khi trí muốn một đường mà lòng đi một nẻo, tình và lí chưa hoàn toàn ăn nhập với nhau. Do đó có những bài trong thơ Tố Hữu nó chỉ là văn xuôi và ngay trong những bài thực đáng gọi là thơ thỉnh thoảng vẫn có những lời lạc điệu. Ví dụ như đoạn này trong bài thơ Hồ Chí Minh:
Tiếng Người thét
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu nǎm tháng trải phong trần
Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu
Vụt ào lên quyết hi sinh chiến đấu
Diệt cường quyền!
Ôi sức mạnh vô biên!
Mấy chữ cuối cùng quả thực tả được một niềm vui không bờ bến. Nhưng sao lại bắt ta phải nghe “tiếng thét” của Cụ Hồ và nhất là sao lại bắt ta phải thấy đoàn chiến sĩ Việt Nam “Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu”? Sự cố gắng đã đưa nhà thơ đi quá trớn.
Sự cố gắng chỉ thành công hoàn toàn một khi con người lí tưởng trong lòng ta và ta đi hoà với nhau làm một, nghĩa là một khi ta không phải cố gắng nữa. Công phu tự xây dựng, tự sáng tạo lấy mình đến đó mới thực là hết. Tố Hữu còn xa cái đích ấy, người còn phải cố gắng nhiều. Nhưng chính vì thế mà người rất gần ta và sự cố gắng cần mẫn của người, với ta, có thể là một tấm gương rất quý.
(Tạp chí Tiên phong, số 23, 15-11-1946)