Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu

- Hồ Sĩ Vịnh

Trong lịch sử thơ ca hiện đại, Tố Hữu là nhà thơ viết về Bác Hồ sớm nhất, nhiều nhất và hay nhất.

Tập thơ không dày lắm, nhưng đọc nó từ đầu đến cuối, ta thấy những bài thơ của Tố Hữu viết về một chủ đề, khi đã đứng lại gần nhau thì giống như một nhóm bạn bè thân thiết ý hợp tâm đầu với nhau và dễ dàng trở thành một khối thống nhất, hài hoà. Trong Bác Hồ (NXB Văn học, H., 1970.), mỗi bài thơ là một bộ phận sinh động của một bức tranh đa dạng, gắn với nhau bằng cá tính của nhà thơ, bằng nghệ thuật xây dựng hình tượng lãnh tụ của nhà thơ.

Bài thơ Hồ Chí Minh viết vào tháng tám năm 1945, chưa hẳn là một bài thơ xuất sắc. Nhưng nó là viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng lâu đài thi ca Việt Nam ca ngợi lãnh tụ, là lời giải đáp đúng đắn và kịp thời nỗi mong chờ tha thiết của dân tộc ta muốn biết vị cứu tinh của mình là ai, người như thế nào? Và lịch sử đã trả lời:

     Hồ Chí Minh
     Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
     Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương!

Về nhược điểm của bài thơ và nguyên nhân sinh ra nhược điểm đó, nhà phê bình Hoài Thanh đã có lần nhắc đến: "... Lúc này Tố Hữu còn rất trẻ, anh lại chưa được gặp Bác một lần nào nên nét vẽ tuy đúng, tuy đẹp mà chưa phải sâu lắm. Cá biệt cũng có nét không đúng:

Tiếng Người thét:
Mau lên gươm lắp súng!

Tiếng thét ấy có lẽ chỉ có trong trí tưởng tượng của nhà thơ"(Những vần thơ dâng Bác, Tạp chí Văn học, số 5, 1965.) Cũng có thể nói thêm: những hình ảnh tiếp theo như "mắt sáng quắc", "tay xanh loè mã tấu" hoặc nhiều chữ dùng như "bước trường chinh", "năm tháng trải phong trần",... đã làm cho bài thơ phần nào chịu ảnh hưởng bút pháp tượng trưng. Ở đây, hình tượng Bác tuy đẹp và thật, song chưa đủ sức thuyết phục người đọc về mặt mĩ cảm.

Sáu năm sau, Tố Hữu viết Sáng tháng Năm. Đây là một bài thơ trữ tình hoàn chỉnh ca ngợi Bác. Thành công của Sáng tháng Năm là một bước tiến dài trong nghệ thuật về Bác, thể hiện quan điểm mác xít của nhà thơ về mối quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ, giữa lịch sử và vĩ nhân. Nhờ vậy mà hình tượng Bác trong Sáng tháng Năm mới thật sự là hình tượng một vị "lãnh tụ cách mạng kiểu Lenin"(Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại, báo Nhân Dân, số 5875, ngày 19 – 5 – 1970.). Giữa cái không khí hiền hoà của một buổi sáng tháng năm, trong khung cảnh thiên nhiên sầm uất và hùng vĩ của quê hương cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng hiện ra thân thuộc lạ thường:

Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh
Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!

...

Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

Trong khi viết về Tổ quốc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhà thơ luôn luôn nghĩ đến Bác. Trong những bài: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc, Ta đi tới, Xưa... Nay..., Qua Liễu Châu, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Cánh chim không mỏi, chúng ta bắt gặp những vần thơ ca ngợi công đức trời biển, chiêm ngưỡng trí tuệ hùng vĩ và tâm hồn rộng lớn của Bác. Trong khi miêu tả ngoại hình của Bác, Tố Hữu thường chú ý đến mái đầu "tóc bạc" ("Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ"; "Bạc phơ mái tóc người Cha"; "Bác về tóc có bạc thêm",...) và đôi mắt tinh tường của Người ("Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời"; "Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi"; "Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười",...). Có lẽ hai đặc điểm ngoại hình đó có thể khái quát được nhiều đặc điểm khác của Bác chăng? Mái tóc bạc không chỉ tượng trưng cho lòng phúc hậu, đức nhân từ của một người Ông, người Bác, người Cha, của một vị tổng chỉ huy, mà còn là tấm gương phản chiếu cuộc đời chung thuỷ trên dưới sáu mươi năm xông pha muôn tuyết nghìn sương để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Còn đôi mắt tinh tường của Bác nói gì? Đó chính là đôi mắt của "Con chim phượng hoàng của núi Trường Sơn, với tầm mắt thấu suốt từ lưu vực sông Hồng, quê hương buổi đầu của dân tộc, đến lưu vực sông Cửu Long giàu hoa quả và trí dũng, và từ nước ta nhìn ra khắp bốn biển, năm châu, tầm mắt xuyên qua thời gian đến tương lai tươi sáng của dân tộc và của cả loài người"(Phạm Văn Đồng, Sdđ.). Đó là ý nghĩa triết lí sâu sắc trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình Bác của Tố Hữu.

Mùa thu năm ngoái, cả dân tộc ta đã trải qua một niềm đau đớn lớn: Bác Hồ không còn nữa. Ba ngày sau khi Bác mất, Tố Hữu gửi gắm tâm sự ngổn ngang, vò xé của mình trong Bác ơi!. Bác ơi! chủ yếu là tiếng khóc nức nở không kiềm chế được trước cái chết đột ngột của người anh hùng vĩ đại của dân tộc:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

Bác ơi! là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác trong những ngày tang Bác.

Trách nhiệm lớn lao đối với các thế hệ, sự thôi thúc bên trong trước chủ đề ca ngợi Bác, lòng thương yêu mênh mông, da diết đối với Bác làm Tố Hữu không yên lòng. Vì vậy chỉ năm tháng sau, nhà thơ lớn của chúng ta đã giải đáp được yêu cầu tình cảm của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Trường ca Theo chân Bác ra đời.

Những vần thơ trang trọng, uy nghi trong Sáng tháng Năm, những câu thơ hào hùng đầy nhiệt huyết trong Ta đi tới, tiếng nói tâm tình, tha thiết trong Việt Bắc, những tri thức lịch sử cần thiết và âm hưởng hùng tráng trong Ba mươi năm đời ta có Đảng, những mảnh kí ức tha thiết, bâng khuâng trong Qua Liễu Châu,... bây giờ như những con sông lớn, nhỏ chảy đan vào nhau và đổ vào biển cả: Theo chân Bác.

Viết về toàn bộ "cuộc đời trong như ánh sáng" và sự nghiệp cao sâu của Bác Hồ, Tố Hữu không bắt đầu từ thời thơ ấu của Người. Mở đầu trường ca Theo chân Bác, nhà thơ trả chúng ta về với những ngày đau thương mà toàn dân tộc phải vĩnh biệt Bác, buộc chúng ta phải chứng kiến một sự thật nghiệt ngã:

Tháng năm ơi, có thể nào quên
Hàng bóng cờ tang thắt dải đen
Rủ giữa lòng đau. Ta nhớ mãi
Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên.

Đó là một sự thật lịch sử. Và để nói với những thế hệ sau lòng biết ơn vô hạn đối với lãnh tụ anh minh của mình, nhà thơ viết tiếp:

Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác
Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn

...

Tôi viết bài thơ cho các con
Mai sau được thấy Bác như còn

Viết Theo chân Bác, Tố Hữu đã phải vượt qua một quãng đường khá dài và gay go trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Khá dài, bởi vì lần đầu tiên anh viết một công trình hoàn chỉnh về toàn bộ cuộc đời Bác. Khá gay go, bởi vì trường ca rất dễ biến thành một bài diễn ca về lịch sử cách mạng, nếu như nhà thơ chỉ làm nhiệm vụ thuật lại lịch sử với một giọng khách quan, lạnh lùng; hoặc một phía khác, trường ca chỉ là tổng số những đoạn thơ tâm tình, ca ngợi lãnh tụ, làm cho trường ca thiếu tính chất hùng tráng, vắng hẳn cả cái sườn lịch sử cách mạng.

Trong Theo chân Bác, Tố Hữu đã tránh được hai khuynh hướng thiên lệch nói trên. Anh đã đến thẳng với thể trường ca, nơi có toạ độ là hai chiều anh hùng ca và trữ tình giao nhau, nơi có giọng thơ vừa hùng tráng, trang nghiêm, vừa thiết tha trìu mến. Đến với thể loại này, nhà thơ đã sẵn có nhiều kinh nghiệm quý báu trên mấy mươi năm viết về Bác, về Tổ quốc ta và Đảng ta, toàn bộ kinh nghiệm đó vun đắp cho nhà thơ có một sức dự trữ lớn, một "tiềm lực" phong phú để bắt tay vào công trình nghệ thuật này. Trừ một số ít đoạn thơ còn dễ dãi, khô khan, chất tự sự còn trần trụi, nói chung, trong Theo chân Bác, tính trữ tình tích cực, năng động của bài thơ đã làm cho những câu thơ tự sự mang sức rung cảm mãnh liệt, thiết tha, những đoạn thơ trữ tình ngoại đề cũng có sức mạnh đưa đẩy, bảo vệ thơ chính trị. Những bức tranh tự sự được hoà vào cảm xúc dạt dào như sóng dậy:

Nhớ những năm nao... Máu Cửa Rào
Thân yêu hai tiếng gọi "đồng bào"
Phận nghèo, nước mất, dân nô lệ
Đêm tối, trời mây, chẳng ánh sao.

Miêu tả hình tượng Bác Hồ, Tố Hữu đã đứng vững trên cơ sở tự sự, coi tự sự là xương sống của trường ca, mà cảm xúc trữ tình là máu thịt của nó, nên khi nói đến hình tượng lãnh tụ thì cũng nói được nhiều sự thật lịch sử, những biến cố của thời đại.

Một trong những băn khoăn lớn của Bác là miền Nam chưa được giải phóng. Tố Hữu đã hiểu được nỗi trầm tư tha thiết, nỗi nhớ mong khôn cùng của Bác đối với miền Nam, mảnh đất thiêng liêng, núm ruột thân yêu của Người:

Ai nói giùm ta hết tấm lòng
Bác Hồ thương nhớ mỗi dòng sông
Mỗi hòn núi ở Miền Nam đó
Như thịt da ta rỏ máu hồng!

Trong thơ ca cách mạng, việc xây dựng hình tượng lãnh tụ thường đặt ra trước nhà thơ những nhiệm vụ khó khăn. Nếu người nghệ sĩ không có một quan điểm duy vật lịch sử đúng đắn về mối quan hệ giữa vĩ nhân và lịch sử, giữa cái vĩ đại và cái bình thường trong con người lãnh tụ, thì thường dễ rơi vào một trong hai trường hợp sau: hoặc là vì quá say sưa khai thác cái bình thường của lãnh tụ, muốn đặt lãnh tụ gần quần chúng mà thu hẹp phạm vi hoạt động lớn lao của lãnh tụ, kết quả là tầm thước của hình tượng bị giảm đi. Hoặc là vì muốn phức tạp hoá, cường điệu hoá thiên tài và công lao to lớn của lãnh tụ, nên đã biến lãnh tụ thành con người thượng đẳng, siêu nhân. Khi viết về Bác, Tố Hữu đã giải quyết đúng mức mối quan hệ nói trên. Trong trường ca Theo chân Bác, Bác chúng ta không phải là một đức vua hay một thánh nhân nào đó. Bác là con người làm ra lịch sử, Bác xuất hiện đúng lúc, đúng với yêu cầu lịch sử, với những tư tưởng và ý kiến đúng ("Về phương Đông, ta về phương Đông / Cùng phương Tây, giương ngọn cờ hồng"), vừa là con người Việt Nam chân chất, thân thuộc với đồng quê ("Bạn xưa, còn nhớ khi câu cá / Nhớ quả cà ngon, nhớ gốc chè",...). Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta ("Bác về kia! Đảng đã ra đời!") nhưng Người sống giản dị với núi rừng, tháng ngày với: "cháo bẹ rau măng". Bác là vị nguyên thủ vĩ đại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng sao Bác thân thiết và hiểu rõ tấm lòng của mỗi người dân đến thế! ("Người đọc Tuyên ngôn... Rồi chợt hỏi: - "Đồng bào nghe tôi nói rõ không?") và trong những điều kiện sống thuận tiện nhất, Bác vẫn gắn bó với "nhà gác đơn sơ, một góc vườn", với "giường mây chiếu cói", với "đôi dép cũ" và "mấy áo sờn".

Cái vĩ đại và cái bình thường của Bác trong thơ Tố Hữu cứ quyện vào nhau, bổ sung cho nhau làm cho hình tượng Bác vừa đồ sộ và chói lọi, vừa thân thuộc và bình dị lạ thường!

Lần này viết về Bác, lịch sử thơ ca còn đặt cho Tố Hữu một nhiệm vụ khó khăn khác. Đó là viết về cái chết của lãnh tụ. Chủ đề tình yêu và cái chết là chủ đề vĩnh cửu của nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thơ ca nói riêng. Nhưng nếu viết về cái chết mà để cho tâm trạng con người trĩu xuống, để cho người ta nghĩ đến điều không thể tránh khỏi là một việc làm vô ích, hơn nữa, một việc làm có hại. Các nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa thường đã giải quyết được khó khăn này. Khi viết về cái chết của Lenin, Mayakovsky đã ý thức được sâu sắc nỗi đau buồn khôn xiết của nhân dân Liên Xô và nhân dân lao động thế giới trước cái chết đột ngột của người lãnh tụ vĩ đại của mình. Vậy mà giữa bao nhiêu điều ngổn ngang, thổn thức của tâm trạng, nhà thơ vẫn làm nổi bật được sức sống vĩnh cửu của vị lãnh tụ nhân dân. Trong trường ca V.I. Lenin, điều đó đã rõ. Ở nhiều bài thơ khác viết sau khi Lenin mất, nhà thơ càng làm sáng rõ hơn. Trong bài thơ Cômxômônxkaia, Mayakovsky viết:

Lê-nin và cái chết
đó là những danh từ thù địch Lê-nin và sự sống
là đồng chí chúng ta

Trong Theo chân Bác, Tố Hữu đã làm nổi bật điều này: Bác vẫn sống mãi với non sông đất nước ta, với sự nghiệp vĩ đại và lí tưởng chói ngời của chúng ta. Sức sống vĩnh cửu của Bác hiện đang toả ra trong mọi mặt đời sống của chúng ta, trong hôm nay và trong cả ngày mai ("Bác vẫn đi kia... giữa cánh đồng"; "Bác vẫn về kia... những sớm trưa"; "Bên ta Bác vẫn thức đêm ngày"; "Bác vẫn đưa tay đón lại gần",...)

Tố Hữu cũng không muốn trực tiếp nói đến cái chết. Nói như vậy, sợ không thật với tình cảm, khi toàn bộ sự nghiệp và lí tưởng chói ngời của Bác vẫn còn đây. Các đồng chí lãnh đạo Cu-ba gọi "cái chết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mầm mống của sự sống". Bà François Corrèzo , một nữ kí giả người Pháp, trong những vần thơ dâng Người đã định nghĩa cái chết của Người "là mặt trời xác định lí tưởng Người, là chân trời của các dân tộc". Cái chết là một quy luật tất yếu của tự nhiên. Nhưng với Tố Hữu nhà thơ khi nói đến cái chết của Bác, anh đã có ý thức về cách diễn đạt. Vì vậy nghệ thuật thể hiện đối tượng miêu tả này hết sức đa dạng. Trong Bác ơi!, ba ngày sau khi Bác mất, Tố Hữu thổn thức: "Bác đã đi rồi sao Bác ơi?". Trong Theo chân Bác, cũng ý đó nhưng tâm trạng thảnh thơi hơn:

Như thế, Người đi... Phút cuối cùng
Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung

Và tiếp theo là nhiều cách nói khác: "Người bận chuyến đi xa",... "Người yên giấc mộng say". Bác không chết, Bác không đi vào cõi hư vô, và Người ra đi là bước vào "Cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay...". Và như vậy, Tố Hữu vẫn chưa bằng lòng với mình. Để cho hình tượng Bác rực rỡ hơn, chói ngời hơn, nhà thơ đã làm cho hình tượng mang tính chất tượng trưng:

Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh
Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh...

Xác định cho mình sức sống vĩnh cửu của Bác, nhà thơ còn tâm tình với những người thân về nơi ở hôm qua của Bác, và như để nói rằng bóng Bác vẫn sớm hôm thấp thoáng cùng ta:

Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa
Có hồ nước lặng sôi tăm cá
Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.

Những đoạn thơ kế tiếp là những lời giải đáp nỗi niềm ngổn ngang đã phơi bày trong Bác ơi!. Tưởng đó cũng là những lời nhắn nhủ khuyên bảo của nhà thơ đối với mọi sinh vật, cỏ cây và thiên nhiên quanh Bác:

Con cá rô ơi, chớ có buồn
Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn.
Dừa ơi, cứ nở hoa đơm trái
Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn.

Lần đầu tiên trong lịch sử thơ ca hiện đại ở nước ta, xuất hiện thể loại anh hùng ca trữ tình viết về lãnh tụ nhân dân. Có người cho rằng Theo chân Bác chỉ có nhiều đoạn hay, chứ nhìn chung nghệ thuật của trường ca không cao hơn, chưa điêu luyện bằng Sáng tháng Năm hay Bác ơi!. Điều đó cần được bàn thêm. Sáng tháng Năm đánh dấu một mốc thành công quan trọng về nghệ thuật viết về Bác. Bác ơi! là một lời thổn thức trước cái chết của người Cha và người Thầy cách mạng Việt Nam. Nhưng cả hai bài thơ đều không có một quy mô, bố cục đồ sộ bao gồm gần năm trăm câu thơ của thể trường ca như Theo chân Bác. Nếu không có sự say mê theo đuổi lí tưởng của Bác, nếu không có tình cảm chân thật và trong suốt như thuỷ tinh và sự thiêu đốt bên trong của con tim thì Tố Hữu không thể nào khái quát nổi tiểu sử của một con người vĩ đại, hay đúng hơn là lịch sử vĩ đại của một dân tộc anh hùng bằng hình tượng nghệ thuật. Theo chân Bác đúng là kết quả của một quá trình tu dưỡng nghệ thuật lâu dài ở một nhà thơ lớn. Điều đó càng giúp cho ta nhận thức sâu sắc chân lí này: Những nhà thơ lớn là những bậc thầy về tư tưởng.

1970
(Báo Văn nghệ, số 360, 4 - 9 - 1970)