Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Con Đường Của Nhà Thơ (1)

- Mireille Gansel

Cái tên của nhà thơ
Ngày xuân dịu. Cửa sổ mở ra trong mùi hương ngào ngạt của cây hoàng lan với những cánh hoa ngà thanh tú. Nhà thơ Xuân Diệu ngồi sau khung cửa, theo đuổi dòng mẩu chuyện của anh:
- Chị muốn biết Tố Hữu nghĩa là gì ư?... Ấy, câu chuyện khá dài. Năm đó là 1938. Lúc ấy anh mười tám tuổi và vừa được kếp nạp vào Đảng. Anh sang Lào và gặp một nhà nho lão thành ẩn dật tại đó và sống về nghề câu cá. Và anh chàng thanh niên tân học nói chuyện với cụ về chủ nghĩa cộng sản, theo cách của anh, như anh quan niệm. Và nhà nho, ông cũng bị chinh phục một phần. Có một từ rất đẹp, tên là tình bầu bạn. Một ông cụ, với một chàng thiếu niên. Bấy giờ, chàng niên thiếu đã đọc mấy bài thơ đầu tiên của anh; cũng như mọi nhà nho, cụ ngư ông yêu thơ thích Đường thi. Và sau cùng, cụ hỏi anh: anh đã lấy tên gì? Nhưng anh không có bút danh. Không có tên nào ngoài tên cha mẹ đặt, và anh đã lúng túng:

(1)
Trong tập thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Pháp (Sang et Fleurs – Le chemin du poète Tố Hữu, Editeurs Francais Réunis, Paris, 1975) xen giữa các bài thơ, dịch giả M. Gansel đưa vào những đoạn mà bà ghi được trong những buổi trò chuyện với Tố Hữu.

- Tên tôi ư... nhưng mà... Và ông cụ đã bảo anh:
- Anh ạ, anh là một tác giả, anh là thi sĩ. Anh chắc nhớ chuyện Khổng Tử và Hạng Thác chứ? Như thế này: một hôm, Khổng Tử gặp một chú bé và hỏi chú ta:
- Cháu có biết bao nhiêu sao ở trên trời không?
Một chú bé - chú không biết những cái ấy -  và chú bé trả lời:
- Nhưng ông, ông có biết ông có bao nhiêu lông mày không? Ông có biết không?
- Hừm, ta chẳng biết, không...
- Ông mà không biết ông có bao nhiêu lông mày, làm sao ông lại muốn tôi trả lời câu hỏi có bao nhiêu sao trên trời!
Một điều rất gần mà ta chẳng biết... huống nữa là chuyện ở trên vũ trụ thì thế nào... nó nói rất đúng! - Khổng Tử nghĩ vậy nói to lên cái điều nhận xét này:
- Em bé này tự có một tâm trí lớn!
Nguyên văn chữ Hán: Tố là tự mình, trong mình. Hữu là có, sở hữu. Em bé này tự mình có những ý nghĩ lớn... trong mình có - tức là "Tố Hữu..."

*

*      *


Và Tố Hữu, khi một hôm chúng tôi nhắc lại câu chuyện trên đây, đã cười và nói thêm:
- Nhưng tôi không phải là Hạng Thác, và cụ nhà nho cũng chẳng phải là Khổng Tử! Cái ấy nó đến như vậy, đặng mà có một cái tên nào đó, để in ra, hoặc là để đăng báo. Đó là lần đầu mà tôi kể việc đó ra, tôi cũng không muốn biết việc đó, đó là một bí mật! Bởi vì, chị biết đấy, mang công khai một cái tên như thế, là khó lắm - cho nên sau đó, tôi đã cho nó một cái nghĩa mới: Tố là tự mình, nhưng Tố (chữ Nho) cũng có nghĩa là đẹp, là trắng, là trong - và Hữu cũng có nghĩa là bạn - bạn tôi... Như vậy hợp với tôi hơn là nghĩa chính, vả lại tôi cũng không nghĩ tới nữa. Ấy là một cái tên như những tên khác. Người ta có tên đó, cũng như người ta có tên gọi là Bạch là Hoàng, chị biết đấy...
 
Còn như tên khi cha mẹ đẻ ra, ôi, lại là một cái dại khác nữa: Nguyễn Kim Thành - thành bằng vàng - ấy đó, cái dại này to hơn nhiều. Cho đến bây giờ, tôi chỉ nhận có một cái tên thôi, và tên ấy do một bà mẹ đặt cho, một bà cụ nông dân ở Bắc Việt Nam, trong những ngày hoạt động bí mật. Tôi đến nhà bà cụ với một đồng chí nữa, cũng ở trong vòng bí mật như tôi. Và trong hoạt động bí mật, cần phải mỗi người tự đặt một cái tên. Bà cụ hỏi bạn tôi:
- Con tên là gì, hử?
- Ồ, con ấy à... dạ,... (anh ta tìm một cái tên) dạ, con tên là Hiền. Bà cụ quay lại tôi:
- Nó đã tên là Hiền, thì con, con tên là Lành chứ gì?
Không phải tôi nói tên ấy lên, chính bà mẹ, bà mẹ đã cho tôi cái tên ấy.
Đó là sau khi vượt ngục. Giữa đồng chí hoạt động với nhau cho đến lúc đó chưa hề ai biết tôi là thi sĩ. Khi người ta gọi là Tố Hữu, khi gọi là Lành. Nhưng tôi thích những tên đó hơn là Kim Thành, thành vàng! Tôi là... như vậy đó thôi... luôn luôn tôi là một người bạn...

Trường học chủ nghĩa Marx đầu tiên
Cha tôi chưa hề một chút nào nghĩ đến việc một ngày kia tôi làm cái gì đó ở trong thơ. Ông mong muốn tôi trở thành một công chức nhỏ, một chấm, hết. Và trong làng tôi, chị có biết không, chẳng có một học sinh trung học nào. Đến một trường sơ học sáu lớp, cũng chẳng có. Đến nỗi thành ra tôi là người đầu tiên theo học đến bậc cao đẳng tiểu học. Vậy là tôi đã trở thành một trí thức rồi...
Cha tôi tin ở thần phật, ông là thầy địa lí, nhưng không phải nghề của ông. Ông nghĩ rằng tôi đi học như vậy, tôi sẽ có thể thành một chức gì. Nhưng một năm sau, tôi thành một người tù. Ông muốn rằng tôi thi tú tài và sau đó học trường cao đẳng,... nhưng trong thời gian ấy, tôi đã thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trường trung học đối với tôi chỉ còn là một lá chắn. Tôi lợi dụng nó để hoạt động cách mạng.
Hễ tôi có một lúc, là tôi dùng để mà đọc sách, cả đến rất khuya, và ngay cả trong lớp học. Tất cả sách gì rơi vào tay tôi. Lúc đó là thời kì Mặt trận
 
Bình dân ở Pháp, và tại đây, ở Huế, chúng tôi có một cửa hàng sách của Đảng, hay đúng hơn, hai cửa hàng sách tư nhân, không hẳn là bí mật. Một hiệu sách chủ trương do đồng chí Bí thư thứ nhất của Đảng hiện nay, Lê Duẩn. Ở đó bán báo và sách của Đảng, sách báo tiến bộ, cộng sản, ở trong nước và từ Pháp sang. Ấy là trụ sở nửa hợp pháp của Đảng, và đồng chí Lê Duẩn ở đó, làm người bán sách, là ông chủ nhỏ của cái cửa hàng sách hoạt động với tiền của Đảng. Tôi đến cửa hàng của anh. Đó là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi đối với Đảng, với một đảng viên, nhưng tôi không hay điều đó, tôi không biết anh là ai, anh lúc ấy đã là thư kí của miền, Uỷ viên Trung ương, nhưng tôi, một học sinh trơn, tôi không biết tất cả những điều đó. Và tôi cứ đến như thế, hãy còn là học sinh, đoàn viên Thanh niên Cộng sản. Và anh, lúc đó anh từ Côn Đảo trở về, tù chính trị được tha, anh sống hợp pháp, vừa tổ chức hoạt động bí mật. Tôi thì coi anh cũng là một người thường như mọi người khác, một người bán sách bình thường như mọi người khác, một người bán sách bình thường, chỉ ở mức phần tử tiến bộ. Còn anh, anh đọc sách, nhưng có thể chuyện trò chút ít, nói chuyện chính trị,... Cứ thế tôi đều đặn đến nhà anh, đọc báo, tạp chí, sách. Một hôm, tôi nói với anh:
- Anh ạ, tôi không có tiền, tôi chỉ có thể đến và đọc, nhưng không có tiền trả...
- Đồng ý, được, cứ tiếp tục, cứ đọc đi, theo ý muốn của anh.
Đó là trường học chủ nghĩa Marx đầu tiên của tôi. Một ngôi nhà nhỏ, phố Hàng Bè. Tôi đọc tất, những quyển lí luận, cả văn học nữa. Có một cái bàn bày các loại sách riêng cho thanh niên, những quyển sách, giá nhiều nhất là vài phơrăng. Tôi đọc mọi thứ rơi vào tay tôi: Tuyên ngôn Cộng sản, Cách mạng tháng Mười, Ngày 18 tháng Brumaire(2), Gia đình thần thánh, Nguyên lý chủ nghĩa Lenin, v.v. những sách nhập môn.
Có lúc anh thảo luận. Nếu người ta hỏi anh điều gì, đôi lúc anh trả lời, đôi lúc anh không trả lời. Bởi vì anh không thể để cho người ta thấy sự uyên bác của anh, bởi anh chỉ là người bán sách...

(2)
Tức ngày 9 – 11 – 1799, Napoléon làm cuộc đảo chính phế bỏ chế độ cộng hoà Pháp. Ở đây nói đến tên một sách của M. Marx.
 
Nghệ thuật vị nhân sinh
Người chủ của hiệu sách thứ hai, cũng là một người cộng sản. Hải Triều, nhà văn, nhà phê bình văn học. Với anh ấy, có thể thảo luận về văn học. Anh vừa cho xuất bản một quyển sách nhỏ về Romain Rolland, Henri Barbusse, Gorky  ba nhà văn lớn. Romain Rolland lúc ấy còn sống, ở nước tôi, ông được biết như là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn đã chống chiến tranh, chống bọn phát xít; và Barbusse cũng thế, với quyển Lửa,... Cũng cùng là cái phong trào vĩ đại chống phát xít mà người ta lại thấy ở nước tôi, như ở nước chị, như ở khắp mọi nơi.
Tôi đã đọc quyển sách của Hải Triều, và một hôm tôi đến nhà anh. Thời đó, anh đang làm một cuộc bút chiến lớn với những người đại diện cho nghệ thuật vị nghệ thuật. Anh thì chủ trương nghệ thuật vì đời sống. Anh đưa tôi lên phòng anh trên gác, nhỏ và đầy sách. Anh đã nói với tôi một lúc lâu về cái Đẹp với một chữ Đ viết hoa.
- Thế cậu có biết cái đẹp là cái gì không? Từ đâu nó đến? Cái đẹp phản ánh của đời sống.
Và anh đã cho tôi một bài giảng thật sự về mĩ học.
Anh đã làm tôi mê phục với bài diễn thuyết của anh trong gian phòng nhỏ bé của anh. Như vậy, về chính trị, tôi đã tự hình thành ở nhà đồng chí Lê Duẩn, và về văn học, ở nhà đồng chí Hải Triều.
Quan niệm của anh là mácxít: tất cả đều dính với cuộc đời. Luân lí và thẩm mĩ đi sánh đôi. Không có thẩm mĩ mà chẳng luân lí, cũng không có luân lí mà chẳng thẩm mĩ. Lúc ấy, thật là một ngôn ngữ rất mới. Bởi vì trước đó, cái được lưu hành một cách công khai, chính thức, hợp pháp, đó là văn học lãng mạn. Người ta hát ca về lá mùa thu, người ta hát ca về mây, người ta hát ca về hoa,... nhưng trong thực tế, không nói lấy một lời về đời sống của quần chúng, của nhân dân. Đối với tôi khi ấy, đây là một vấn đề lớn có tính cách tiến bộ. Tôi đọc mọi cái gì in ra của các tác giả lớn nhất trong những văn hữu hiện nay. Xuân Diệu lúc ấy đã được biết trong tất cả thanh niên. Và Thế Lữ là ông hoàng của phái lãng mạn. Huy Cận đến sau một chút ít. Đó là một bộ phận thanh niên nguồn gốc tiểu tư sản ở các đô thị. Họ đưa tới trong thơ Việt Nam một luồng hơi thở, một hơi thở hiện đại, Âu Tây, một thể hiện mới,
 
và nhất là, nhất là cái ngôn ngữ trực tiếp kia, nó nói về những chuyện của trái tim. Đó là lúc ngự trị của chủ nghĩa lãng mạn. Và song song, còn có một trào lưu văn học khác: chủ nghĩa hiện thực phê phán, được những người tiến bộ hăng hái bênh vực, dù là đồng chí hay không, theo chủ nghĩa hay là chưa, cộng sản hay chưa - nói chung: những người tiến bộ.
Chế Lan Viên thì gợi lên nỗi hoài vọng của dân tộc Chàm ngày xưa - theo cách của anh, đó cũng là một lời ca yêu nước, bởi anh khóc số phận của những dân tộc bị đô hộ.
Ở họ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, tôi đã học những sinh lực mới, những hình thức mới để biểu hiện, những hình thức diễn đạt mới, một ngôn ngữ trực tiếp hơn, thơ hơn, nhân tình hơn, uyển chuyển hơn. Nhiều tính thơ hơn, bởi vì trước đó, từ lâu rồi, ở nước chúng tôi, nhìn một cách nào đó thì thơ không tồn tại nữa, chỉ có những châm ngôn, những chữ có sẵn, những hình tượng có sẵn, mượn ở Hán văn: không có tuyết ở nước chúng tôi, mà nơi đây người ta cứ nói đến tuyết. Và cũng có những con hạc nữa, hay là những con chim tương tự, một loại hạc gì đó nó sống đâu ở phương Bắc, ở Trung Quốc, ở châu Âu. Thế mà bên chúng tôi người ta cứ nói đến, mặc dầu chẳng có lấy một con nào. Đó là những hình ảnh có sẵn, nó tương đương với tâm tình của một hạng nhà nho nào đó hơn là với thực tế của xứ sở. Dĩ nhiên cũng có những nhà nho họ là những nhà ái quốc và muốn nói một cái gì, nhưng họ nói cái ấy dưới một hình thức non nớt, rất kinh viện và hàn lâm viện. Vả lại, nói thật ra, chỉ là những điển cố, những vay mượn ở văn học Trung Quốc, nhất là các nhà nho nhiều tuổi. Còn những nhà nho mới, thì họ thấm nhuần văn hoá Âu châu, và họ là vào loại những người đầu tiên đem văn hoá ấy vào nước chúng tôi. Với Hugo, Voltaire, Rimbaud, nền văn học ấy dần thâm nhập vào các trường. Những trí thức trẻ ấy tiêu hoá tất cả những cái đó theo cách của họ, vừa đưa đến một dòng máu mới. Với một cách diễn đạt mới, uyển chuyển hơn, họ nói một nhu cầu lớn về tự do và về phát huy bản ngã. Nhưng họ bị cắt đứt, họ cứ ở trong tình trạng bị cắt đứt với quần chúng, nhất là với những quần chúng nông dân. Ở nơi họ, không có cái tính chất kia nó không phải chỉ là sự giản dị, mà còn là sự tinh tế, sự nên thơ của ngôn ngữ dân gian. Ở nơi họ, có một trật tự kinh viện, đó là kinh viện Âu Tây, chủ nghĩa cá nhân Âu Tây. Nó đến từ chủ nghĩa lãng mạn Âu Tây, nhất là Pháp - nội dung là một nội dung cá nhân - đó là chủ nghĩa cá nhân tiểu tư sản và thực chất, là tư sản. Với những người ấy, không có cái tính chất hiện thực xã hội kia, cũng chẳng có, xét cho cùng, cái tính cách trữ tình công dân. Như vậy, có hai trào lưu: một dòng lãng mạn và một dòng hiện thực phê phán. Chủ nghĩa hiện thực phê phán đã làm cho nhiều người chú ý. Nhưng do vì quần chúng lúc ấy mù chữ và không có tiền... nên họ rất ít đọc những sách mà chúng tôi đã xuất bản, những sách ấy lưu hành chút ít vào nông dân và nhất là vào công nhân, sinh viên, công chức nhỏ. Thời ấy có phong trào chống nạn mù chữ, do Đảng phát động, với những tổ chức dân chủ, lúc ấy, dưới thời kì Mặt trận Bình dân, là hợp pháp. Đó là phong trào truyền bá quốc ngữ. Trong các cuộc họp, có đọc chút ít những tác phẩm hiện thực xã hội - nhưng chưa có được nhiều.

Như vậy tôi đã học ở hai hiệu sách ấy. Thời kì đó, tôi còn được biết một người cộng sản khác: Phan Đăng Lưu. Anh cho xuất bản một tờ báo hợp pháp: Dân. Tôi đã gửi cho anh những bài thơ đầu của tôi, và anh đã đăng báo. Tôi đã thành nhà thơ như thế đó. Những bài thơ đầu tiên mà tôi đã gửi cho anh là Mồ côi và Hai đứa bé - hai trẻ mồ côi. Bởi vì tôi mồ côi mẹ từ lúc mười hai tuổi. Mẹ tôi mất, cha tôi đi làm việc rất xa, ở miền Nam, và lúc mười ba tuổi, tôi xa nhà, xa gia đình, bởi vì anh tôi không thể nuôi tôi với số lương công chức ít ỏi. Anh ấy làm bưu điện. Tôi được nhận vào Trường Cao đẳng Tiểu học làm học sinh có học bổng và ở kí túc xá. Tôi đã lớn lên trong trường. Cho đến năm 1936, khi đón ông Godart, đại diện cho Mặt trận Bình dân, tôi thành một trong những người chỉ huy Đoàn Thanh niên Cộng sản - bí mật. Công khai, là Đoàn Thanh niên Dân chủ.

Không có sự đồng tình của những ông giáo người Pháp đâu: đó là những công chức. Chị biết chứ, những người từ Pháp mới sang, một khi đã ở đây rồi, họ không thể, họ không muốn chống đối, như vậy họ có thể bị sa thải. Thế là tôi đăng những bài thơ nhỏ trên tờ báo anh Lưu là giám đốc. Anh là Uỷ viên Trung ương Đảng và vừa được thả ra từ nhà lao Ban Mê Thuột(3). Nhà anh có bộ Tư bản luận và anh là người truyền cho tôi những điều vỡ lòng về kinh tế chính trị học, với quyển Tư bản luận của anh. Anh đã thử cho tôi đọc quyển ấy. Tôi đã đọc những trang đầu và tôi chẳng hiểu gì hết. Anh cũng tìm cách dạy cho tôi những nhập môn về triết học chính trị. Chính anh, một hôm bảo tôi: - Thế thì cậu cứ dấn lên! Chỉ có điều là phải chú ý: hãy ở gần với đời sống, với quần chúng lao động, với công nhân, với nông dân. Cậu phải lấy

(3)
Nay là Buôn Mê Thuột.
 
ngôn ngữ của quần chúng, cậu phải viết dễ đọc, dễ hiểu, và đừng dài quá, chớ có khó và đừng có dài, đừng dài quá.
Đó là ba điều mà anh đã nói với tôi: đời sống của nhân dân - chớ viết khó quá - và đừng dài quá.
Đó là những điều căn dặn đầu tiên tôi nhận được đối với một thi sĩ mới nhú mầm...

Một nhành thơ
Những cô gái nhà chài lưới, nhà nông dân, biết nói cuộc đời, cuộc tranh đấu của họ giỏi hơn tôi nhiều. Tôi đã đọc mấy bài trong những thơ ấy, những bài thơ rất nhỏ do những cô du kích hiện nay làm, nhất là nữ du kích Ngư Thuỷ. Vâng, giữa họ có những nhà thơ, một người trong bọn họ, còn rất trẻ, kể lại chuyện họ, tên cô là Kha và cô viết khá hay. Tôi thì không thể làm như vậy, vì tôi không phải nữ pháo binh. Chỉ có họ mới có thể nói được tất cả việc ấy, cuộc đời họ và cả cuộc chiến đấu của họ, một cách, theo tôi nghĩ, khá là độc đáo. Họ ngâm những câu thơ theo lối Quảng Bình, và ở đó người ta gọi là nói vè. Đó là một trong những hình thức dân gian nhất. Cái điệu vè trong đó họ kể lại câu chuyện của mẹ Suốt. Những câu thơ đó nói về một bà mẹ già của xứ sở và chắc vì vậy mà thơ gặp được tiếng vang dội như thế. Tôi gắn bó với những yêu cầu của đất nước, với những vấn đề của nhân dân. Nói về những anh hùng, những người bình thường trong nhân dân, đó là điều xúc động họ trước nhất. Cho dẫu tôi có diễn đạt kém, khi mà tôi nói tới họ, tới những điều của xứ họ, thì tôi được hoan nghênh, và hoan nghênh ngàn lần hơn những ông hoàng và bà chúa, những tuyết và tất cả những thứ không tìm thấy ở nơi này. Và một yếu tố nữa ở hàng phía sau: đó là ngôn ngữ dân gian, những từ ngữ dân gian, những hình tượng của đời sống nhân dân và đất nước. Đến như những hình thức cổ truyền gốc từ Trung Quốc cũng dễ được quần chúng tiếp nhận hơn là những hình thức đến từ Âu Tây. Ví dụ, trong câu thơ thất ngôn, có cả một nhạc điệu. Nhưng mà cần phải có thay đổi, nhất là với những người trẻ hiện nay. Không nên đưa những thứ câu đối, những thứ đối câu kia... Người ta ưa những cái gì dễ vào hơn, gần gũi hơn. Cái khuôn của thơ là nằm trong lỗ tai dân gian truyền thống. Tôi tìm hơn hết là đời sống của nhân dân, những con người và sự vật của nhân dân và xứ sở. Khi người ta không nói cái đó, thì người ta có thể nói cái gì? Người ta sẽ không làm xúc động được nhân dân.
 
Muốn thế, tôi nghĩ cần phải: chính cuộc đời của nhà thơ cũng là cuộc đời của nhân dân, dân chúng. Nếu không, thì không đạt được điều ấy. Khi mà không đối với người ta bằng tất cả tấm lòng, thì mọi kiểu cách, mọi tìm tòi đều vô bổ. Và ngay tất cả những ý đồ cách tân về hình thức cũng vậy. Nhưng tất nhiên cần công sức cho mọi việc ấy. Và những hình tượng nó tự đến cũng là một hình thái lao động, vì như người ta nói, sáng tạo tức là tái tạo. Làm cách nào tôi tìm được thì giờ cho các thứ ấy. Tôi là một người làm việc ban đêm. Có cả đôi khi tôi lợi dụng những ngày ở bệnh viện. Ví dụ bài Theo chân Bác là viết trong một bệnh viện.
À, vâng, trong nhà tù nữa, có thì giờ; người ta chẳng có việc làm gì khác. Vậy thì, cũng là chuyện tự động viên mình, người ta làm thơ, trong tâm trí, nghĩ trong đầu, rồi thì người ta nhẩm học, người ta thuộc lòng. Những đồng chí của tôi đã thu lượm như vậy nhiều bài thơ. Về sau, khi Cách mạng tháng Tám đến, có vài đồng chí hỏi tôi:
- Thơ của cậu đâu rồi?
- Tớ đã quên tất.
- Cậu cứ gắng nhớ lại xem!
Nhưng tôi không nhớ lại được. Hầu như chẳng còn lại gì trong đầu tôi, cũng chẳng còn lại gì trên những bức tường. Là vì đôi khi tôi dùng một cái kim găm viết lên tường nhà tù, rất gọn nhỏ, trên mặt vôi, nhưng sau đó bọn chúng đã quét vôi lại và tất cả đã bị xoá. Và nếu có thể nói như vậy, tôi đã mất nhiều bài thơ ở trong các nhà tù. Khi tôi ở trong các xà lim ấy, chẳng có bạn bè, chẳng có láng giềng, chẳng có độc giả. Thế thì là... nghệ thuật vị nghệ thuật (tác giả cười) - hoàn toàn cá nhân, để quên ngày giờ... Và rồi một hôm, tôi đã đọc vài bài thơ cho những bạn trong tù. Một số trong bọn họ làm cỏ vê ở bên ngoài. Nhưng tôi không được phép ra bên ngoài làm việc, rời khỏi xà lim. Tôi phải bị giam suốt, vì chúng tôi không ngớt làm những cuộc tranh đấu ở trong nhà tù. Bọn chúng bèn giam biệt tôi ra. Có những nhà tù ở trong nhà tù, và đó là những xà lim chúng nó nhốt những người mà chúng sợ, những kẻ cứng đầu, những kẻ đầu têu.

Và do tôi không ra ngoài được, người ta đưa vào cho tôi những lá xanh, những tàu lá chuối và lá cây khác có thể kiếm được ở đó, như lá bàng, và các thứ khác nữa. Những lá trơn, dày, rồi thì với những kim găm, tôi đã viết lên trên. Có thể đọc được, rất có thể đọc được. Không cần chất hoá học, không, những lá thật tươi, thật dày là đủ. Và chữ viết hoá ra một màu tím, màu đen đẹp, rất xinh. Và những người tù ra làm ở bên ngoài đem những lá ấy ra cho những đồng chí đang đợi chờ ở ngoài đó. Đó là những ấn phẩm đầu tiên, những bản sách đầu của tôi: những cành, cả một cành, nhỏ, nhưng có nhiều lá. Như vậy, là công khai! Một cành... một cành với những lá xanh!... Thật là vô tội, là hiền hậu, một cành thơ và... cành chính trị... Không gửi thẳng cho các báo mà trước hết cho các tổ chức quần chúng. Và tôi không hiểu tại sao, có những người đem gửi cái ấy cho các báo và họ đăng lên, giữa bạch nhật, những bài thơ tù, và kí tên: Tố Hữu! Ở Sài Gòn, ở Hà Nội – và tôi chưa hề hiểu tại sao bọn chúng không tát tai tôi! Cũng không hỏi tại sao, bằng cách nào, thơ ấy từ đâu mà có? Tôi thì chẳng biết gì cả, tôi ở trong tù và không biết việc gì xảy ra ở bên ngoài. Vậy thì có ai đó đã đăng ra, ở bên ngoài, rồi thì người ta lưu hành trong đồng chí, trong các tổ chức quần chúng. Một số người đã học thuộc lòng - do đó vớt được không ít bài thơ - và khi cách mạng tới, bạn bè đã góp được như vậy cả một mùa gặt.

Tôi bị bắt cuối tháng 4 năm 1939. Mặt trận Bình dân đã kết liễu. Lúc đó đúng trước ngày 1 tháng 5. Tôi đi nông thôn tổ chức ngày ấy, và tôi trở về khoảng hai, ba giờ sáng. Đến nỗi ngày hôm sau tôi ngủ kéo dài, tôi thức dậy muộn. Bọn mật thám đã đến nhà tôi và đã bắt tôi ở tại giường. Bọn chúng đã bắt chúng tôi trước ngày 1 tháng 5 để ngăn chặn cuộc mít tinh, cuộc mít tinh lớn sửa soạn tổ chức cho ngày ấy. Đó là một cuộc bắt bớ đề phòng.
Giám đốc Sở Mật thám là một tên thực dân. Hắn thuộc lòng những bài thơ, những trường thi. Hắn đọc thuộc bằng tiếng Việt Nam. Hắn có thể ngâm cả Kiều. Một thi sĩ, theo cách của hắn... Đó là một kẻ nghiện thuốc phiện và một nhà nghiên cứu say mê nghệ thuật.

Hai kẻ thù
Dĩ nhiên, tình yêu, lòng trìu mến, sự thân thương, đó là một nhu cầu để sống, không có thì không sống được. Người ta còn tởm những cái này: sự chuyên quyền - sự thờ ơ - người ta kinh những cái đó. Hai kẻ thù, chị thấy không, là sự ích kỉ và sự quan liêu.
 
Cái im lặng ở giữa các từ
Chị thấy đó: những thi sĩ, đôi khi, cũng không tự hiểu mình nữa. Mọi sự vật không phải là luôn luôn được khái niệm một cách sáng sủa. Có những cái hãy còn thuộc về mộng mơ...
Chị biết không, trong những khái niệm triết lí của mình, dân tộc chúng tôi không có giới hạn thật sự, không có những nét giới hạn gãy gọn. Hãy còn phần nào mờ mờ; nhưng không phải vì thế mà thành ra khó hiểu. Đôi khi người ta cảm thấy cái mà người ta không cắt nghĩa được, từ xa hoặc từ gần. Không phải dễ mà nhận thức. Nhưng nếu mà tìm cách vạch những hàng, những bờ, những giới hạn quá chính xác, thì hỏng. Cái cần tính đến, là cái khoảng ở giữa các từ, ở giữa các dòng thì đúng hơn. Thơ, là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội rất đa dạng và rất tinh tế. Không có sự trống không, chẳng hề có sự trống rỗng trong cuộc đời, chẳng hề có chỗ bỏ trắng. Và người ta chỉ có thể cảm nghe cái đó, không phải là cái lý trí (rationnel) theo như người ta hiểu - mà hình dạng của nó có thể như là hình dạng của cái không lí trí (irrationnel). Thơ phải chăng là điều ấy: mơ ở trong thực, cái vô hình trong cái hữu hình. Những sắc màu ở trong màu trắng. Đó là điều mà người ta gọi là sự tinh diệu của ngôn ngữ và của tâm hồn. Những màu trong thâu: không sáng, cũng không tối, là mờ nhưng lại rõ, cái chính xác của sự mơ hồ, cái bảng lảng - có thể nói như vậy, khi người ta là thi sĩ...
Mẹ Tơm
Tố Hữu nói:
- Đó là một bà mẹ già, bà cụ đã cho tôi ở sau khi tôi vượt ngục, năm 1942. Mẹ có hai người con là thợ cắt tóc. Một buổi chiều, người con cả đã đưa tôi về nhà mẹ, và mẹ đã hỏi:
- Nó là ai thế?
Và khi được trả lời: - "Đây là một người bạn, chú ấy mồ côi, mồ côi mẹ", thế là đủ! Không cần gì hơn nữa. Các bà mẹ luôn luôn đã dành cho tôi một chỗ trong nhà họ, một nơi tá túc, một góc trong cái gian nhà nhỏ của họ. Miễn là yêu thương các mẹ, còn thì các mẹ không đòi hỏi gì khác hơn. Mỗi đêm, có đọc thơ đọc vè, và cũng như là một điệu ru vậy. Những phụ nữ dễ xúc cảm hơn - cho nên, khi tiếp xúc, thì bắt đầu với các mẹ, sau đó các bà thuyết phục các ông.

Những bà mẹ, những đảo cây xanh ấy...
Cách mạng tháng Tám 1945 và chiến thắng 1954
Tháng 8 – 1945: Mọi người lấy lại tự do, cũng như là rạng đông mọc. Không phải như cái hôm chiến thắng 1954, mà là khác. Từ nô lệ trở thành công dân tự do, từ súc vật trở lại người. Trước đó, là con vật. Người ta hầu như là những xác chết, và bỗng chốc người ta nhìn thấy mình là công dân tự do! Chúng tôi thấy lại chữ Tổ quốc. Với cách mạng, là sự tái sinh của Tổ quốc - Tổ quốc tự thấy lại mình.
Trong cuộc kháng chiến, Tổ quốc tự khẳng định. Và với Cách mạng tháng Tám, chúng tôi tự khẳng định là những người tồn tại, là những người Việt Nam. Với Điện Biên Phủ, là một dân tộc vững chãi tin ở mình. Tìm thấy lại sự hùng mạnh của mình, sức sống của mình, hiểu thấy rằng mình tồn tại.
Một chiến sĩ tháng 8 – 1945 có thể nói về cái thời mà người ta không biết cái tình cảm đó, người ta có một thứ tự ti. Trước kia, người ta không có cái nhìn như thế đâu, mắt nhìn thẳng vào mắt, nhất là những phụ nữ. Bây giờ chị hãy nhìn mắt của thanh niên, nhất là mắt các thiếu nữ. Không phải những con mắt như trước kia, quá e dè. Mà là những con mắt với một cảm nghĩ bình đẳng và một sự tự tin biết bao! Không phải những con mắt hi vọng mà những con mắt tự tin, và ở các trẻ con cũng thế.
Cái kết quả kì diệu của cách mạng, là sự bình đẳng, sự tự tin của con người vào chính mình, con người không ai khuất phục nổi. Với Điện Biên Phủ, là con người không chịu khuất phục - và hiện giờ, là con người không ai khuất phục nổi. Đó là con người trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng. Con người "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" - đó là một nguyên tắc sống, một châm ngôn: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Rất ngắn gọn, rất rõ ràng, mọi người đều hiểu cả. Chủ nghĩa Marx, ở nước chúng tôi, diễn đạt ra như thế. Độc lập, tự do, đó là cả cuộc đời.
 
Một tấm lòng vàng
Tôi vượt ngục năm 1942, sau hôm 8 tháng 3, ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi lợi dụng ngày lễ. Tôi đang ở Đắk Glei, một trại tập trung trên miền núi. Cứ tưởng một tuần lễ là đủ để về đồng bằng, hoá ra phải mất hai mươi tám ngày! Chúng tôi hai người: một người bạn, là công nhân, và tôi. Ba ngày đầu, chúng tôi có bánh tổ, các gia đình gửi đến cho bạn trong tù, và bạn tù đã dành lại cho chúng tôi. Nhưng chỉ được có ba ngày. Tiếp theo, kiếm được gì thì ăn nấy, nuốt tất cả những thứ gì kiếm được. Những bài học đầu tiên ở trong rừng, là thế đó: ăn. Bọn này ăn cây lau, cọng và đọt. Cứ mười ki-lô-mét lại nghỉ, và bọn này ăn thế. Bọn này cũng tìm được một thứ lá non chua chua, bỏ rau má vào giữa, rồi cuốn rau má vào, như là bánh cuốn, có mang theo một ít muối. Mình ở trần, giả làm người Thượng, chỉ quấn vẻn vẹn một cái khố, đi đầu trần. Nắng và bùn đã cho chúng tôi một sắc da ngăm đen. Chúng tôi đã dùng quần làm bao, buộc túm hai ống quần như những cái bao dài đựng muối. Mưa rào ghê gớm của rừng núi đã dội cho muối của chúng tôi chảy nước cả và chỉ còn những cái quần mặn. Dọc đường có những trái vả, một thứ sung, một trái nhỏ ăn chát cả cổ họng, nhưng với cái quần mặn, thì cũng nuốt được. Bọn này đi dọc dài theo một con sông có thác, và mãi sau đó khá lâu, tôi mới biết tên nó gọi là sông My. Đi lang thang như thế trong hai mươi tám ngày. Một buổi chiều, vào giữa một phong cảnh rất mơ hồ, có những cây đu đủ với những trái đu đủ thật lớn. Hái tới một tá quả, và xâu thành một vòng đeo cổ và một vòng thắt lưng, cứ vậy đi trong rừng, hai anh người. Đến chập tối thì tới một làng người Cà Dong. Làng có một cụ lão làng, và cụ đã cho chúng tôi tá túc. Mỗi nhà đem tới cho chúng tôi một mâm: có hai nắm cơm nắm, hai đĩa cá nướng, hơi mặn. Có mười hai mâm như vậy. Suốt đêm, bọn này ăn. Bọn này ngủ, rồi thức dậy, bọn này ăn, rồi bọn này lại ngủ lại, lại thức lại ăn, như vậy cả đêm. Và sáng ra, cụ lão làng hỏi chúng tôi:
- Các anh ở đâu tới?
- Chúng tôi là dân cu li... hết công việc rồi, trở về nhà.
- Các anh ở lại đây.
Tôi nghĩ rằng đồng bào không biết chúng tôi là ai. Đồng bào đã cho chúng tôi hút thuốc lá. Ngay hôm đó, thấy có ba người đến. Họ muốn mua ớt và cũng mua trâu và thuốc phiện, thứ này có thể đến từ bên Lào, bởi đây là một vùng giáp biên giới. Họ đã mua được cá trong làng, những con cá lớn thật tươi. Họ nấu lên một nồi canh to, nhưng mà họ chẳng mời chúng tôi. Họ chẳng nói chuyện với chúng tôi. Ấy thế mà, đó là những đồng hương của chúng tôi, bởi họ đến từ dưới xuôi.
- Các anh ở đâu tới?
- Chúng tôi là dân cu li.
Lúc này chúng tôi bảo nhau: - "Cho khéo! Phải rời khỏi làng mau mau". Chúng tôi đã nghĩ có thể ở lại đây một tuần. Nhưng nếu đây là mật thám? Đi khỏi đây là tốt hơn. Chúng tôi đã nói với cụ lão làng rằng chúng tôi muốn ra đi, cụ chẳng trả lời gì. Đêm, người con gái của cụ đã thức dậy: Cô đã gói cơm nếp, cá nướng, cô đã đánh thức chúng tôi dậy thật sớm. Cụ lão làng bảo chúng tôi:
- Các anh đi theo nó!
Cô gái đi trước, tránh con đường cái, vì cách năm ki-lô-mét, có một bốt canh; cô đã dẫn chúng tôi đi, theo những đường tắt. Sau bao nhiêu năm, khi tôi trở lại, thì chẳng còn làng nữa. Ở chỗ cũ, chỉ còn cỏ mọc, làng đã bị san bằng, nhưng còn lại độ trăm dân. Đồng bào đã tới, các ông cụ, các bà cụ, và họ đã nhận ra tôi. Bà con kể lại với một trí nhớ rành mạch một chi tiết mà tôi đã kể với họ. Tôi đã kể với họ rằng chúng tôi đã ăn một con rùa sống trong khi đi qua rừng, và họ đã nhắc với tôi chuyện ấy. Bà con cũng cho tôi biết rằng, ông cụ, trước khi mất đã dặn lại di chúc này:
- Khi những người ấy trở lại, thì đưa biếu họ hai chiếc ngà voi này.

Đó là một con voi đồng bào đã ngả sau lúc đó ít lâu. Và đồng bào đã giữ lại những ngà voi ấy... nhưng tại sao lại giữ? Họ chờ đợi chúng tôi - không thể tưởng tượng được - họ chắc chắn rằng chúng tôi sẽ trở lại.
- Bà con lúc ấy biết rằng chúng tôi là cộng sản?
- Vâng, chính vì chúng tôi biết điều đó cho nên chúng tôi không nói ra. Thì ra trước khi chúng tôi tới trong làng, tên sếp bốt đã đòi cụ lão làng tới.
Hắn đã nói với ông cụ:
- Cẩn thận đấy! Có hai tên cộng sản. Chúng đến khoảng quanh đây. Đây là ảnh của chúng. Các người sẽ được cho muối, cho nồi đồng: hãy chặt đầu chúng đi. Các người sẽ được tiền, muốn thứ gì cũng có. Sẽ xoá thuế cho các người trong ba năm.
Cụ lão làng về trong làng, và cụ đã bảo với mọi người:
- Nếu họ tới, thì ta cho họ tá túc.
Phong tục lúc đó muốn rằng cả một làng đều quây quần đoàn kết xung quanh cụ lão làng. Xung quanh ông cụ. Thế là họ đã đoàn kết. Cho những người cộng sản.
- Tại sao bà con thương người cộng sản? Bà con có biết họ thế nào không?
- Họ chống lại bọn cướp da trắng. Vậy thì phải thương yêu họ.

Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên của họ với người cộng sản. Là tình yêu mến đầu tiên... Có lẽ tất cả những tình yêu đầu tiên đều là như vậy... Lâu lắm rồi... Lúc đó tôi hai mươi tuổi.
Và ba người đi buôn kia? Họ có phải đáng nghi không? Có phải đê tiện không? - Thì ra họ không đê tiện đến thế. Sau đó trên đường về của chúng tôi, cách chừng ba mươi ki-lô-mét, một trong ba người đã gặp lại chúng tôi, bên cạnh đường mòn:
- Các anh trở về à? Các anh có giấy căn cước không?
- Không... Mưa đã...
- Được! Các anh đi theo tôi! Sắp đi qua một bốt nhà đoan đấy. Người sếp bốt sẽ hỏi các anh, thì chỉ để một mình tôi nói thôi, các anh cứ lặng thinh nhé. Đến bốt.
- Hai người kia là ai?
- Hai đứa cháu tôi.
Hắn mà tôi cho là một mật thám... một buôn lậu thuốc phiện... ông ta đã dẫn chúng tôi về nhà: một túp nhà tranh. Ông để chúng tôi lại đó, trong nhà chẳng có người nào. Lúc ông trở về, thì có một chồng bánh tráng, một rổ thịt xào với tỏi, với mắm, với ớt, với rau sống. Sau những năm tháng trải qua của chúng tôi, thì đó là một bữa tiệc.
- Các anh ăn đi, rồi ngủ đi!
 
Làm sao chúng tôi ngủ được? Ông lại đi một lúc lâu nữa.
Trong gian nhà trống, chúng tôi nằm thức và hút những điếu thuốc to.
Đến khuya, ông trở về.
Ông dẫn chúng tôi ra bờ sông, đến một bà lái đò. Và bà cụ lái đò đã chở chúng tôi về đến vùng xuôi. Ông thì đã chẳng hỏi chúng tôi gì cả, chẳng hỏi chúng tôi là ai, chúng tôi sắp làm gì. Chúng tôi chỉ có việc ăn mà thôi. Chúng tôi cảm kích biết bao!... Bọn này đã biết ông, mà cũng chẳng nói cảm ơn, cũng chẳng hỏi ông tên là gì, ông vẫn là vô danh, trong đời, có như thế đấy. Kẻ mà ta cho là mật thám thì lại là... Không phải tất cả ba người, không, nhưng mà trong ba người, có một trái tim vàng: một tấm lòng vàng... tôi thì không nói được với ông ấy một lời nào cả: chị thấy không, cuộc đời đẹp đến thế... nó là không cưỡng nổi, cái cuộc đời.
Làng ấy là một tổ diều. Họ chưa bao giờ đầu hàng, trong suốt cả dọc dài của cuộc đô hộ. Trong cuộc kháng chiến thứ nhất (1945 - 1954), họ đã chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến thứ hai (từ 1954 trở về sau), họ đã chiến đấu. Họ có một đội du kích. Làng đã bị san bằng mấy chục lần. Trên bờ sông, chỉ còn lại một đống tro tàn. Đồng bào đã ẩn vào rừng sâu. Và chính từ trong rừng ra, họ đã đến tiếp tôi trong những túp nhà của một đại đội công binh, một trong những sư đoàn làm đường. Trên đường trở lại, tôi đã tìm thấy những dấu tích của quá khứ, của quá khứ bản thân tôi, sau bao nhiêu năm... Và tôi khám phá ra xứ sở của tôi: cái mái nhà của nước tôi. Trước kia, tôi không biết rằng nước tôi có một mái nhà cao đến thế. Từ Trường Sơn nhìn thấy nước tôi lớn hơn, đẹp hơn. Những trận mưa rào dấn nước cả trời, và đất thì toàn là nước. Bây giờ là mưa vui. Trước đây, mỗi giọt rơi với cả sức nặng của nó - sức nặng đắng cay của nó - hầu như là những giọt thất vọng, trước kia...


Xuân Diệu dịch
(Tạp chí Tác phẩm mới, số 57, tháng 1 - 1976)