Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
- Hà Minh Đức
Vào những tháng ngày cuối cùng của một thế kỉ sắp khép lại, Tố Hữu lại đem đến cho bạn đọc một tặng phẩm tinh thần mới: tập thơ Ta với ta (Ta với ta, NXB Văn học, 2000)
Ta với ta thâu nhận và chứng kiến một thế kỉ nhiều biến động. Những cuộc cách mạng lớn lao, xác lập quyền làm chủ của những người lao khổ, sự vùng lên của các dân tộc đấu tranh cho bình đẳng, tự do. Những phát minh khoa học kì diệu nâng cao tầm vóc và vị thế của con người trong việc chinh phục thiên nhiên và vũ trụ. Mặt khác thế kỉ XX cũng chứng kiến những cuộc chiến tranh tàn bạo, những xung đột sắc tộc kéo dài gây đau khổ, tang tóc cho hàng triệu con người. Và đau xót hơn cả là một thế giới hồng đã "Vỡ tan từng mảnh hoá thành không". Tuy nhiên, Tố Hữu không bi quan, khi nhận xét cõi người trong một trăm năm qua:
Dẫu qua bao điên đảo bão bùng
Thế kỉ hai mươi thế kỉ đẹp vô cùng!
Với một điểm nhìn sáng suốt và bình tĩnh, Tố Hữu đã chọn lọc trên dòng biến động của cuộc đời phần ổn định, trên cái bất thường lẽ vô thường, lấy bất biến ứng vạn biến:
Đảo điên thiên hạ đổi màu tên "Bất biến" là ta, vững chí bền
Tố Hữu suy nghĩ nhiều đến chân lí của cuộc đời qua những đổi thay. Có thể tìm chuẩn mực ở đâu xa hay chính là ở con đường đi của dân tộc qua những chặng đường lịch sử với những nỗi đau khổ nhọc nhằn và vinh quang tột độ, với sức sáng tạo và đổi mới ở những bước ngoặt lịch sử. Chúng ta tự tin nhưng không bảo thủ, đổi mới nhưng không đổi màu, nên sau trước ta rất khác ta, nhưng ta vẫn là ta:
Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm
Ta vẫn là ta, ta với ta!
Tố Hữu qua tập thơ đã biểu hiện một cái nhìn chủ động, sáng tỏ giữa trăm ngàn sự việc nhiều lúc như còn lẫn lộn. Vẫn còn đó những khó khăn và những tệ nạn xã hội làm cho nhà thơ luôn nhức nhối xót xa:
Xóm thợ đó lều tre che ổ chuột
Làng quê nghèo xơ xác cháo cầm hơi
Vẫn còn nhiều khoảng cách và những nghịch lí của cảnh giàu nghèo trong xã hội
Ôi thị trường cũng "chiến trường" thắng bại
Còn chỗ chăng, cho tình thương, lẽ phải?
(Du xuân)
Nhận thức về xã hội, Tố Hữu rất nhạy cảm ở khía cạnh đạo lí và bảo vệ nhân cách của con người. Dù trong hoàn cảnh nào thì con người cũng vẫn phải giữ được phẩm chất tốt đẹp của hai chữ "con người". Vẫn có một ranh giới rõ rệt giữa con người, tình người với thú tính hoang dại "Đời người không thể lại là kiếp con".
Ta với ta là tập thơ có nhiều niềm vui. Điều làm cho những trang thơ ánh lên niềm vui, niềm tin ở cuộc đời và con người chính là nhà thơ đã tìm được những sợi dây ràng buộc vững chắc với đất nước, với nhân dân. Nhân dân là bất tử, truyền thống kiên cường của nhân dân là đáng tự hào. Tố Hữu không thuyết lí chung chung mà tìm về với nguồn mạch của truyền thống dân tộc. Nhà thơ như ngỡ ngàng với câu chuyện của Hưng Đạo Vương và Bà hàng nước. Bài thơ ca ngợi trí tuệ của nhân dân, bà cụ hàng nước bình dị nhưng thật cao cả, phi thường, góp mưu kế cho Hưng Đạo Vương thắng giặc. Nhân dân suy tôn bà là "Vua bà" và năm tháng qua đi chỉ còn lại ngôi miếu Vua bà và tấm lòng thành kính của nhân dân. Tố Hữu ngưỡng mộ người xưa như một tấm gương linh thiêng đang hiển hiện:
Ôi! Người là ai, bà mẹ quê ta hay tiên Phật hỡi Bà!
Trở về với Vạn Xuân, Tố Hữu tìm thấy sức mạnh cội nguồn của một thời đất nước vẻ vang thắng giặc:
Vạn Xuân này muôn thuở xanh tươi
Và hiện tại từ khi có Đảng, sức mạnh của dân tộc lại khơi dậy với bao tinh anh và hào khí. Những đồng chí lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu đã ngã xuống ở mười tám thôn Vườn Trầu để lại tiếc thương và lòng biết ơn với những người đã khuất. Tố Hữu qua tập thơ đã tiến hành một cuộc hành hương về nhiều miền đất thiêng của đất nước. Những chuyến đi như sự trở về cội nguồn. Thời gian trôi qua còn đọng lại bao kỉ niệm, mỗi kỉ niệm được tạo nên bằng nhiều chiến tích, những câu chuyện cảm động, những tấm gương. Mỗi kỉ niệm vẫn còn mang hơi ấm của cuộc đời và luôn có khả năng hồi sinh để tạo nên một sức mạnh mới trong cuộc đời hiện tại. Tố Hữu đã tiếp nhận và tạo được nhiều cảm hứng đẹp trong thơ ca. Cảm hứng xã hội của nhà thơ vẫn thiết tha, đằm thắm và mạnh mẽ. Tố Hữu còn nhận được sự tiếp sức của thế giới bạn bè. Cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ với chị An vợ Morrison và cháu Emily gợi lại nhiều xúc động. Ba mươi tư năm đã qua, câu chuyện đã đi vào lịch sử nhưng ngọn lửa năm xưa vẫn cháy sáng. Bài thơ Ê-mi-ly, con... đã được viết ra với những cảm xúc đau thương và trí tưởng tượng của nhà thơ trong vời vợi không gian xa cách. Và cuộc gặp gỡ xúc động nhiều yêu thương và nước mắt đã để lại cho Tố Hữu nhiều tình cảm đẹp:
Đời hỡi đời! Có lúc nào đẹp thế
Tình người trong như ngọc trai dưới bể
Tôi nắm tay cô gái Mĩ thân tình
Ê-mi-ly cháu hãy tin
Việt Nam cũng là một gia đình Của cháu
Ta với ta là tập thơ mang nặng tình đời, tình cảm với đất nước, nhân dân, bạn bè. Cảm hứng thơ ca lạc quan, tin cậy dù cho những cảnh đời và số phận đây đó còn nhiều khó khăn. Những tình cảm trên càng có ý nghĩa trong những năm tháng cuối của cuộc hành trình thơ. Từ Từ ấy đến Ta với ta, thơ Tố Hữu vẫn là một nguồn mạch thi ca mở và đón nhận hương sắc và bao nỗi niềm của cuộc đời.
Ta với ta cũng là tập thơ mang nhiều kỉ niệm thời gian của cá nhân. Tố Hữu sắp bước vào tuổi tám mươi. Tám mươi năm của tuổi đời và trên sáu mươi năm của tuổi thơ. Gần như nhà thơ đã chứng kiến và tham dự vào hầu hết những sự kiện quan trọng của thế kỉ hai mươi, một thế kỉ mà càng ở vào những thập kỉ cuối cùng càng có nhiều biến động rối bời, phức tạp. Tố Hữu trước sau vẫn gắn bó với cuộc đời, nhập thế với tinh thần tích cực. Tấm lòng mang nặng công ơn Bác, sự chung thuỷ sắt son với lí tưởng, tình nghĩa với quê hương và đồng chí bạn bè luôn tạo nên sức mạnh tinh thần để vượt lên tuổi tác và năm tháng:
Mẹ ơi! Sống đã bảy lăm năm
Con vẫn còn đi, chẳng chịu nằm
Không làm nên núi, thì nên đá
Lót dặm đường xa, đỡ bụi lầm.
(Huế lại huy hoàng)
Từ tấm lòng nhân hậu giàu yêu thương, nhà thơ hiểu rõ những giới hạn về thời gian với mỗi cuộc đời và những ước mong của nhà thơ cũng gần gũi mang nặng tình đời, tình người như "Cây lúa vàng thơm hạt", "Tiếng chim thanh vui hót", "Hàng gạch lát mát đường thôn". Dòng đời sôi động và dòng thời gian cho riêng mình lặng lẽ trôi xuôi. Những câu thơ của Tố Hữu trăn trở, ưu tư nhưng thanh thoát với nhiều ý tình cao đẹp. Trời đã vào cuối thu rồi nhưng trời vẫn xanh, và có thể một mùa đông đã đến nhưng giá lạnh không ngăn cản được cây cối nảy mầm. Thơ của Tố Hữu như ngày nào vẫn tạo được sự cảm thông rộng rãi. Nếu Một tiếng đờn là lời thơ tìm sự hoà đồng với trái tim của mọi người thì Ta với ta biểu thị sự thấu hiểu tình đời, lẽ đời của một tâm hồn thơ đẹp, giàu nhân bản:
Dẫu không hơi sức khơi dòng thẳng
Còn chút phù sa cũng gắng bồi
Từ Từ ấy đến Ta với ta, trên sáu mươi năm đã qua nhưng dòng thơ của Tố Hữu vẫn đi giữa cuộc đời, vẫn giữ sức lay động và niềm tin ở con người, vẫn là những giá trị tinh thần cao đẹp gắn với đất nước và nhân dân.
(Báo Văn nghệ số 13, ngày 25 - 3 - 2010)