"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
- Hoàng Như Mai
Từ ngót ba chục năm nay, thơ Tố Hữu đã chiếm được khối óc và trái tim hàng triệu độc giả. Cách mạng tiến thêm một bước, nhận thức của chúng ta đối với cách mạng sâu hơn, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị của thơ Tố Hữu và càng yêu thơ Tố Hữu hơn.
Trong thời gian gần đây, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III đã rọi một luồng ánh sáng mới vào nhiều lĩnh vực. Đọc lại thơ Tố Hữu dưới ánh sáng mới ấy, chúng ta càng thấy rõ thêm một số vấn đề quan trọng trong phong trào văn nghệ hiện nay, cũng ví như ánh sáng ban mai càng sáng tỏ thì màu xanh của lá, màu thắm của hoa càng hiện lên rực rỡ vậy.
I
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Hai câu thơ ấy vẫn thường được coi như tuyên ngôn của nhà thơ cách mạng. Nhưng qua hình ảnh nghệ thuật trên, ta chớ nên tưởng tới một thứ thiên khải nào đó và xem chủ nghĩa Marx - Lenin như một luồng ánh sáng thiêng liêng, chiếu vào ai lập tức người ấy nắm được toàn bộ chân lí. Con đường đi tới chân lí - nói cách khác - sự xác lập thế giới quan Marxist - Leninnist ở Tố Hữu, là cả một quá trình rèn luyện trong đấu tranh thử thách. Những bài thơ tác giả viết trong thời kì đầu, khoảng những năm 1938 - 1940 còn ghi lại rất sinh động dấu vết của cuộc đấu tranh gian khổ và thắng lợi ấy. Tố Hữu hiện ra trong thơ anh như một người đi tìm và đã thấy được chân lí. Cái đẹp trong thơ Tố Hữu lúc này không ví như ánh nắng chan hoà của mặt trời đã mọc mà như tia nắng của vầng hồng đang mọc dần dần xuyên qua tấm màn sương mù và xuất hiện rực rỡ. Tấm màn sương mù ấy là ý thức hệ tiểu tư sản. Cái ánh sáng chói loà vụt loé trong một đoạn thơ, một câu thơ, và chiếu toả ánh sáng ra khắp bài thơ, đó chính là cái điểm "bừng nắng hạ / Mặt trời chân lí chói qua tim", chính là cái mốc biện chứng kết quả của cả một quá trình biến chuyển cách mạng của Tố Hữu.
*
* *
Trong bài Đi đi em, cái mốc biện chứng ấy là ở đoạn thơ:
Thì em hỡi! Đi đi, đừng tiếc nữa!
Ngại ngùng chi? Nấn ná chỉ thêm phiền!
Đi đi em, can đảm bước chân lên
Ừ đói khổ phải đâu là tội lỗi!
Trước đó, chỉ mới là Tố Hữu của một tấm lòng hào hiệp, vị tha, trắc ẩn:
Những đêm tối, anh viết bài em học
Cho em quên bớt nỗi nhọc ban ngày
Nơi bao nhiêu âu yếm tuổi thơ ngây
Anh đã trút cho lòng em tất cả!
Em ngoái cổ nhìn anh: ta chỉ trả
Thầm cho nhau đôi mắt ướt li sầu!
Một khi đã nhận thức được quy luật đấu tranh giai cấp trong hoàn cảnh thực tiễn ấy, lập tức tư tưởng và tình cảm của nhà thơ chuyển sang một bước phát triển mới:
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
Đó là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính, một sự căm thù không bao giờ tắt đối với những thế lực phản động, áp bức như Gorky đã từng nói.
Trong bài Dửng dưng, khi người thanh niên Tố Hữu nện gót trên đường phố Huế "Dửng dưng không một cảm tình chi!" cũng là lúc anh vừa vượt qua cái mốc biện chứng nói trên.
Những nhận thức mới của anh hoàn toàn đối lập lại những nhận thức phổ biến trong xã hội đương thời mà một lúc trước hẳn anh cũng đã thừa nhận. Ở nơi người ta bảo là "vườn kín đáo / Với hương dìu dịu ý ngàn xưa", là "Lâu đài đường bệ màu kiêu hãnh / Áo gấm hài nhung cánh phượng bay", thì anh chỉ thấy "Không gian sặc sụa mùi ô uế", "Ý chết đã phơi vàng héo úa", "Rêu hèn sống gửi nhánh khô thôi", "mồ lạnh / Chôn linh hồn đắm đuối hư danh". Đó là những hình ảnh sắc như lưỡi gươm đâm thẳng vào giữa tim đen của chế độ thực dân phong kiến!
Từ cái cũ bước sang cái mới, thái độ dứt khoát triệt để ấy rất cần thiết. Bất kì một sự luyến tiếc, nhân nhượng, thoả hiệp nào đều có thể mở cửa sau cho cái cũ lộn lại. Trong văn nghệ nước ta và thế giới không thiếu những ví dụ chứng minh điều này. Thế giới quan tư sản và thế giới quan vô sản đối lập nhau như nước với lửa, không có chỗ cho một "tiếng nói chung".
Sau bài Dửng dưng, đọc tiếp bài Tiếng hát sông Hương, ta mới thấy được toàn diện tư tưởng của tác giả. "Con mắt thần chủ nghĩa" giúp Tố Hữu nhìn thấy, đã thuộc về quá khứ cái gì hiện tại dường như đang chiếm ưu thế, trái lại cái gì hiện tại đang bị chà đạp thì nhà thơ lại vạch cho nó một con đường tương lai sáng sủa. Những hình ảnh nghệ thuật đẹp đẽ nhất, nên thơ nhất, Tố Hữu không ngần ngại đem đến cho "cô gái bên sông" bị dư luận xã hội đương thời hết sức khinh bỉ:
Thơm như hương nhuỵ hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Thái độ ấy là cả một sự thách thức đối với chế độ cũ. Ở miệng một người khác, những lời đẹp đẽ ấy có lẽ chỉ là những lời an ủi của một tấm lòng ái ngại để xoa dịu một phần nào nỗi khổ tâm của cô gái giang hồ trong chốc lát mà thôi. Nhưng từ miệng một người cộng sản nói ra, mỗi một lời đều đặt một trách nhiệm. Không có một cái nhìn biện chứng đối với xu thế phát triển của xã hội, không có một niềm tin sắt thép vào sự tất thắng của cách mạng, không thể có được những lời nói ấy.
Tố Hữu vừa chớm bước sang tuổi thanh niên thì đã đặt chân vào nhà tù. Trường học đặc biệt của cách mạng này sẽ hoàn thành việc khẳng định ở anh thế giới quan Marxist - Leninnist. Là vì cuộc sống ở đây sẽ đặt ra những vấn đề hết sức gay gắt. Đứng trước những vấn đề ấy, người "sẵn có trong mình -
Đôi mắt thần: chủ nghĩa" với những người thiếu đôi mắt ấy sẽ có những nhận thức khác nhau, do đó, tư tưởng, tình cảm, hành động sẽ khác nhau.
Đối với một người - hơn nữa, một chiến sĩ cách mạng - tự do là cái quý giá nhất, xa cách nhân dân là điều đau khổ nhất. Cho nên, cũng dễ hiểu thôi cái tâm trạng cô đơn của Tố Hữu:
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực.
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Lúc khác, nghe tiếng con tu hú gọi bầy, anh nóng nảy, bồn chồn:
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Lúc khác, những buổi trưa hiu quạnh làm anh nhớ ruộng đồng quê da diết:
Như cánh chim buồn nhớ gió mây.
Cái buồn, cái giận, cái nhớ ở đây đều có lí do chính đáng. Nhưng đem ánh sáng của chủ nghĩa Marx - Lenin rọi vào sự vật, Tố Hữu nhìn xuyên qua cái vỏ ngoài lường gạt để thấy rõ cả cái xã hội ngoài nhà tù, về thực chất cũng chỉ là một thứ nhà tù lớn mà thôi, không làm gì có tự do:
Tôi chỉ một con chim non bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to.
Một khi đã vượt qua những "ảo tưởng của hồn ngây" thì cái tâm trạng cô đơn cũng nhường chỗ cho một niềm lạc quan cách mạng, vì không một tường đá lạnh của nhà lao nào có thể giam cầm được tinh thần cách mạng và ngăn cách được người chiến sĩ cách mạng với các đồng chí của anh, với quần chúng lao khổ trên toàn thế giới sôi nổi đấu tranh đòi giải phóng:
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ.
Đối với cái chết, có hai cách đặt vấn đề khác nhau: có thể là một sự huỷ diệt hoàn toàn, có thể là một sự phát triển biện chứng. Chứng kiến giờ phút cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Chí Diểu, Tố Hữu đã từng tiếc thương:
Tôi đứng ngó thuyền anh trơ xác chết
Ôi trong đó biết bao ngày oanh liệt
rồi vươn lên một tình cảm sâu sắc, thiết tha của một người chiến sĩ cộng sản:
Không! Không! Không! Anh không chết.
Trong tôi
Ý đời anh đã nảy lộc đâm chồi
Trong cân não của một loài cơ cực
Anh đương sống với bao nhiêu sinh lực
Của thân cây đương buổi nhựa lên cành!
Đến chính bản thân Tố Hữu "phút chết đã kề bên" trong những ngày tuyệt thực ở nhà lao Lao Bảo tháng 11 – 1940, thái độ của người chiến sĩ cộng sản trước vấn đề sống và chết càng rõ ràng. Nhà thơ viết hai bài thơ: bài Trăng trối, một cuộc độc thoại nội tâm và bài Con cá, chột nưa, sinh động hơn, dưới hình thức đối thoại giữa tác giả và cái bụng. Một lúc nào đó, cái bụng với những lời "nằn nì", với những câu "tha thiết van lơn", những "lí sự đủ đầy" không phải không tác động vào tư tưởng của tác giả. Một lúc nào đó, những ý nghĩ về cuộc sống không phải không day dứt người thanh niên hai mươi tuổi ấy:
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!
Nhưng một khi trong tâm trí người chiến sĩ vụt sáng lên ánh sáng của lí tưởng thì con người yếu đuối, nhỏ bé bị đánh bại hoàn toàn.
Như những vành hoa chiến thắng, hai bài thơ này kết thúc một đoạn đường sáng tác của Tố Hữu, trong giai đoạn này thơ Tố Hữu đã phản ánh trung thực cuộc đấu tranh của nhà thơ chống những tàn dư tiểu tư sản trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm để khẳng định cho mình một thế giới quan Marxist - Leninnist, ánh sáng soi đường cho anh trong đấu tranh cách mạng.
Hiện nay trong lĩnh vực xã hội cũng như văn nghệ xuất hiện những khuynh hướng muốn xoá nhoà ranh giới giai cấp giữa thế giới quan tư sản và thế giới quan vô sản, bài học nghiêm túc của Tố Hữu quý giá xiết bao.
II
Tố Hữu từ cái "tôi" đã tiến lên cái "ta" chung của dân tộc, của giai cấp. Trong thời kì trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 cũng như trong những ngày đầu cách mạng, trong cuộc kháng chiến anh dũng cũng như từ ngày hoà bình lập lại đến nay trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta luôn luôn thấy trong thơ Tố Hữu tâm tình, ý nghĩ, nguyện vọng của mình. Thơ Tố Hữu đã thành tiếng nói của nhân dân, của cách mạng.
Những năm gần đây có những quan điểm văn nghệ sai lầm miêu tả chiến tranh một cách khủng khiếp, khoét sâu vào những tổn thất trong chiến tranh với thái độ bùi ngùi, tiêu cực, gây tâm lí sợ sệt chiến tranh bất luận chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa.
Đọc lại tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, chúng ta thấy một quan điểm về miêu tả chiến tranh hoàn toàn khác. Gian khổ, hi sinh do chiến tranh xâm lược gây ra, không phải là không có trong thơ Tố Hữu. Trong thơ anh không ít những cảnh "Cỏ ngập đồng khô mờ lối cũ / Tan hoang làng cháy khói căm thù", "Tường xiêu loét đỏ / Mái gãy sườn đen",...
Người chiến sĩ ở tiền tuyến thì:
Lại những ngày đi, vắt với sương Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương Đêm mưa rình giặc, tai thao thức Mùa lại mùa qua, rét nhức xương.
Bà mẹ già ở hậu phương:
Bà bủ nằm ổ chuối khô
Bà bủ không ngủ bà lo bời bời.
Từ người phụ nữ đi phá đường cản giặc con bế con bồng, việc nhà bề bộn phơi lúa chưa khô, ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong; cho đến người dân công mòn đêm vận tải; người thợ má vàng thuốc pháo, cánh tay dày sẹo lửa gang; đến cả những em học sinh lặn lội đốt đuốc đến trường làng. Tất cả đều phải chịu đựng những nỗi gian khổ do bọn cướp nước gây nên. Nói sao cho hết những tội ác tày trời của chúng:
Bao đồng chí của ta bay đã giết
Chặt đầu cắm cọc phơi khô
Chị em ta, bay căng thịt loã lồ
Con em ta, bay quẳng chân vào lửa.
Chiến tranh xâm lược của bọn thực dân cướp nước đã gây nên cho nhân dân ta bao tàn phá, đau thương, chết chóc. Nhưng thái độ của Tố Hữu qua các bài thơ của anh, trước những tổn thất ấy là tinh thần cách mạng triệt để, là căm thù và bất khuất. Nhà thơ cũng lại cho chúng ta thấy rất nhiều cảnh tươi mát hưng phấn lòng người, những cảnh "Lúa trỗ đòng đòng... / Lúa thơm mùi sữa", "Cánh đồng quê tháng mười / Thơm nức mùi gặt hái", "Suối dài xanh mướt nương ngô",... Những tiếng nổ hung bạo của hàng tấn bom đạn do quân đội xâm lược trút xuống đầu dân ta vẫn không làm át được tiếng bà ru cháu đầu xóm tre xanh, tiếng chày giã gạo vang rừng, tiếng "Chim reo quanh mái gà mừng dưới sân", tiếng sáo ái ân, tiếng hát trong ngần những đêm trăng hò hẹn, tiếng chân bộ đội hành quân "Đêm đêm rầm rập như là đất rung".
Rõ ràng là cuộc sống vẫn không bị gián đoạn, vẫn tiếp tục, vẫn vươn lên cao hơn cái chết, đánh bại cái chết. Hơn thế nữa, những hình ảnh, những âm thanh ấy đối với nhân dân Việt Nam là những cái gì vô cùng quen thuộc và trìu mến, mang sức mạnh của truyền thống, gợi lên tình yêu nồng nàn đối với quê hương đất nước mà nhân dân ta kiên quyết bảo vệ bằng được. Thơ Tố Hữu trong kháng chiến đem lại cho người đọc sức mạnh và niềm tin là như vậy.
Con người trong thơ kháng chiến của Tố Hữu không bao giờ ngã gục hay lùi bước trước những gian khổ của chiến tranh, trái lại, luôn luôn đạp lên gian khổ mà tiến lên hùng vĩ lạ thường. Anh bộ đội và anh cán bộ gặp nhau ở lưng đèo Nhe chia nhau điếu thuốc lào và kể cho nhau nghe những chuyện chiến thắng Chợ Đồn, Chợ Rẽ, Bông Lau, Ỷ La, Sông Lô,... rồi cùng nhau cười ha hả. Đoàn quân kéo pháo vác voi đi hò reo ca hát núi dội vang lừng. Đoàn dân công đi phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ "Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát". Bà mé có con đi tòng quân bảo con: "Mày đi / Mày lo cho khoẻ / Đừng lo nghĩ gì / Ở nhà có mé". Bà già ru cháu ngủ: "Cháu ơi cháu lớn với bà / Bố mày đi đánh giặc xa chưa về...", "Bố đi đánh giặc còn lâu / Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày". Chính bản thân nhà thơ "giữa thành phố trụi" nghe tiếng hát của mỗi hòn gạch nát, mỗi cành khô: "Từ trong đổ nát hôm nay / Ngày mai đã đến từng giây từng giờ". Và Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu: "Người ngồi đó, với cây chì đỏ / Vạch đường đi, từng bước từng giờ".
Không có những bộ mặt thê thảm, tiêu cực, tối sầm của chủ nghĩa thất bại. Không có những tâm tư quằn quại, hoang mang khiếp nhược đầu hàng. Chỉ có con người bình thường mà vĩ đại, con người sắt thép, mắt sáng ngời chính nghĩa, con người lạc quan tin tưởng, con người quyết chiến, quyết thắng. Thơ kháng chiến của Tố Hữu: bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái ung dung ta bước.
Những bài thơ Tố Hữu viết khi hoà bình mới lập lại: Ta đi tới, Việt Bắc, Lại về, Xưa... Nay..., Quang vinh Tổ quốc chúng ta,... dựng lên rất đúng và rất đẹp hình ảnh của nhân dân ta trưởng thành sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong khi ấy lại có những nhà văn tỏ ra mất phương hướng trong sáng tác. Đáng lẽ nhìn hoà bình với một lòng tự hào cách mạng, là kết quả của cuộc kháng chiến anh dũng thì có tác giả lại đối lập hoà bình với kháng chiến, coi kháng chiến như là một quá khứ nặng nề. Đáng lẽ phải nhận thức rằng hoà bình chưa phải là thái bình như lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có tác phẩm đã bộc lộ những khuynh hướng mệt mỏi, cầu an, muốn nghỉ ngơi quá sớm. Ở đây, tư tưởng hoà bình chủ nghĩa đã thể hiện khá rõ.
Với Tố Hữu, con đường cách mạng không thể tạm dừng lại ở đây, "Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp". Vì vậy, nhân dân ta vui đón hoà bình nhưng không thôi rèn luyện chí khí cách mạng. Bài thơ Việt Bắc phải chăng chỉ ghi lại một buổi chia tay lưu luyến nhớ nhung, ước hẹn giữa người về xuôi và suối ngàn Việt Bắc?
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh.
Cái điều "mặn mà đinh ninh" ở đây chính là lời thề nguyền son sắt của nhân dân với cách mạng. Câu ca dao cũ "Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn" lẩy vào đây rất đắt, có một ý nghĩa cách mạng sâu sắc: con người cách mạng không vì hoàn cảnh hoà bình mà để mòn mỏi tinh thần chiến đấu cách mạng.
Vậy thì bài thơ Việt Bắc cũng là lời thề nguyền son sắt của miền Bắc bước sang giai đoạn xây dựng hoà bình đối với miền Nam đang còn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giải phóng một nửa đất nước. Khi nhà thơ nói:
Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.
thì trong cái "hôm sau mình nhé" ấy nhất định có cả một nửa mình Tổ quốc ở bên kia giới tuyến tạm thời.
*
* *
"Ồ thích thật, bài thơ Miền Bắc...". Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội quả là một nguồn thơ bất tuyệt.
Nhưng có tiếp nhận được nguồn thơ ấy hay không còn tuỳ theo chỗ đứng của nhà thơ. Nếu đứng về phía kẻ thù, sẽ không nhìn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt của chế độ đã đành. Nhưng nếu không đứng trên lập trường của giai cấp vô sản thì cũng sẽ nhìn không đúng bản chất của cuộc sống hiện nay và nhịp đập của trái tim anh không hoà được với nhịp đập của độc giả đông đảo.
Vì Tố Hữu đứng vững ở vị trí những người lao động đang xây dựng chủ nghĩa xã hội nên anh thấy tất cả quá trình gian khổ đã trải qua để có được những thành quả ngày nay:
Ngày mỗi ngày, từng chiếc lá tre xanh
Đã mọc lên quanh những làng kháng chiến
Ngày mỗi ngày, từng miếng đất cỏ gianh
Đã lật lên dưới lưỡi cày mới luyện
Vui cứ đến, ngày mỗi ngày, nhỏ nhỏ
Như từng cây cờ đỏ mọc trên đời.
Tố Hữu không tô màu loè loẹt trên những hình vẽ của anh như một người thợ vẽ tồi. Những hình vẽ của anh thường đặt trên cái nền xám của quá khứ đau thương cho nên những nét màu xám của anh rất nổi. Nhà thơ cho chúng ta sống sâu sắc cuộc đời cũ với những "nỗi đau nhân tình", những "kiếp sống lênh đênh", những cảnh ngộ "Sống ngâm da, chết ngâm xương", cho nên chúng ta mới hiểu đầy đủ giá trị của cuộc sống mới:
Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ
Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường
Khói lò bay quanh những phố phường
Sắt sáng chói, những bể dầu, xưởng máy
Và trường học đã mọc lên từng dãy...
Nhưng chế độ ta chưa phải đã hết khó khăn:
Ồ đâu phải qua đêm dài lạnh cóng
Mặt trời lên là hết bóng mù sương!
Ồ đâu phải, qua đoạn đường lửa bỏng
Cuộc đời ta bỗng chốc hoá thiên đường.
Nhà thơ hiện thực vốn là kẻ thù của chủ nghĩa tô hồng. Tố Hữu tuyên bố rất dõng dạc: "Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh", nhưng đồng thời anh "Đã nghe gió ngày mai thổi lại / Đã nghe hồn thời đại bay cao". Và cũng như bất cứ bao giờ, anh luôn luôn tin tưởng ở những con người đã và đang làm ra lịch sử, những con người Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam không phải bằng phép tiên mà bằng tinh thần tự lực cánh sinh và đôi cánh tay lao động. Tố Hữu nhiều lần nói đến hai cánh tay lao động với những hình ảnh sáng ngời kiêu hãnh:
Yêu biết mấy những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên.
Hai cánh tay đưa trước đánh đường xa
Như con thuyền quen vượt những phong ba.
Cho nên ngày nay chúng ta tự hào và tin tưởng, không phải vì số lượng sản phẩm vật chất tính theo đầu người mà chính vì chúng ta có cái "vốn" người rất quý ấy để đầu tư vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
*
* *
Đã thành một phản ứng tự nhiên ở Tố Hữu, khi thấy miền Bắc vui vẻ xây dựng anh nghĩ luôn đến miền Nam gian khổ đấu tranh:
Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy.
Có lúc nào miền Nam không ở trong lòng Tố Hữu. Những "tiếng giày đinh đạp núi đồi" ở Quê mẹ, những tiếng thét căm uất của một ngàn đồng bào bị đầu độc trong trại giam Phú Lợi, hình ảnh chị Trần Thị Lý "từ cõi chết trở về chói lọi" và tiếng mõ, tiếng súng, tiếng hò reo náo động ở miền Nam từng giờ từng phút nhức nhối tim gan nhà thơ.
Có một lúc, khoảng những năm 1956, 1957, một số nhà thơ đấu tranh thống nhất mang những khuynh hướng yếu đuối. Hoặc nhà thơ xuôi chiều theo dòng tình cảm của mình thì hơi thơ buồn và tiêu cực. Hoặc nhà thơ gắng dùng lí trí để xác định thì lời thơ khô khan thiếu sức rung động lòng người.
Tố Hữu ngay từ sau ngày hoà bình lập lại đã khẳng định:
Ta đi tới, không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau.
Cơ sở của niềm tin ấy là chân lí khách quan, chân lí của lịch sử:
Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng.
nhưng cũng là một yêu cầu của tình cảm rất chính đáng và vì thế rất mãnh liệt:
Dù ai rào giậu ngăn sân
Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.
... Gươm nào chém được dòng Bến Hải?
Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?
Trăm sông về một biển Đông
Bắc Nam lại sẽ về trong một nhà!
Không phải ngẫu nhiên mà một số câu thơ Tố Hữu đã thành những câu ca dao mới. Chính là sự cảm thông sâu sắc với "miền Nam đắng cay, chung thuỷ, miền Nam gan góc, dạn dày" đã khiến cho thơ đấu tranh thống nhất của Tố Hữu đã thành tiếng hát trái tim của mỗi người Việt Nam yêu nước. Trong thơ Tố Hữu, vấn đề miền Nam, vấn đề đấu tranh thống nhất đất nước, chống đế quốc Mĩ và tay sai chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng.
*
* *
Về những bài thơ thuộc các đề tài quốc tế, Tố Hữu cũng đứng trên dải đất của miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và miền Nam đấu tranh chống Mĩ mà nhìn nhận, suy nghĩ, cảm xúc. Anh tha thiết yêu thương bạn chính bởi anh tha thiết yêu thương mình. Mà cũng vì thế đọc thơ anh, chúng ta yêu tin nhân dân Liên Xô với chân lí sáng ngời của Lenin "Rất tự do nên rất tự hào / Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao!". Chúng ta cảm thông với nhân dân Triều Tiên anh em, đất nước đang bị ngăn đôi; chúng ta chào mừng Cu-ba anh hùng "chói ngọn cờ hồng", "đạp sóng trùng dương tiến". Chúng ta xót xa với quá khứ đau khổ của nhân dân Ba Lan "thịt da đã bao lần tan nát" và mừng cho bạn mùa xuân đã đến... Tố Hữu xuất phát từ những nỗi buồn vui, những niềm khát vọng của nhân dân ta để hiểu và cảm với nhân dân các nước anh em và mở lòng đón lấy những nhịp tim đồng điệu, những nếp nghĩ đồng tình, những bước đi chung hướng với một tinh thần quốc tế vô sản chân chính và một lập trường cách mạng triệt để.
*
* *
Nhân dân ta vừa trải qua một chặng đường vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc từ xưa tới nay. Tố Hữu được vinh dự đi trong hàng ngũ đạo quân tiên phong. Anh vừa là chiến sĩ vừa là nghệ sĩ. Ở Tố Hữu, hai con người này hoàn toàn nhất trí với nhau. Đối với anh, thơ là một vũ khí trong cuộc đời hoạt động cách mạng của anh. Chính vì vậy, quán triệt toàn bộ thơ Tố Hữu, là tinh thần toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng.
Do Tố Hữu đã đứng vững trên lập trường vô sản và trên đỉnh cao của thời đại, nên thơ Tố Hữu tràn đầy lòng yêu nước và tinh thần tự hào cách mạng. Và đọc thơ anh, chúng ta có thể nhìn lại được quá khứ, trông tới được tương lai, nhận rõ được nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mĩ giải phóng miền Nam, nhận rõ vị trí vinh quang của Đảng ta và dân tộc ta ở trên thế giới. Tính đảng và ý nghĩa giáo dục sâu sắc của thơ Tố Hữu chính là ở chỗ đó.
(Báo Văn nghệ, số 98, ngày 12 – 3 – 1965)