Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

- Xuân Diệu

(...) Tập Từ ấy in lại đúng vào lúc miền Bắc nước ta ở trên đà tiến lên chủ nghĩa xã hội, khí thế của tư tưởng vô sản ngày càng chiến thắng; quần chúng nhân dân trong cuộc phấn đấu mới của họ, đang đòi hỏi thiết tha một tập thơ như Từ ấy, cái tập thơ cuồn cuộn thác nước mới phát nguyên, chưa yên lắng, còn sùng sục phá lấy đất, tạc lấy bờ. Nhất là thanh niên công nông binh và học sinh, họ đang cần cái chất phóng tới như Từ ấy. Vì vậy mà nơi nơi, phong trào tìm, phong trào đọc Từ ấy như lửa gặp dầu.

(*) Đọc tập thơ Từ ấy của Tố Hữu.

I - NHỮNG BÀI HỌC TRONG MỘT TẬP THƠ LỊCH SỬ
Từ ấy là một tập thơ lịch sử. Mười năm thơ Tố Hữu (1937 – 1946) gắn liền với mười năm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân. Bảy mươi mốt bài thơ dắt ta đi từ phong trào Mặt trận Bình dân (1937) đến những năm chính quyền thực dân Pháp nhân chiến tranh đế quốc 1939 bắt giam hàng loạt chiến sĩ cộng sản, đến thời kì tiền khởi nghĩa, đánh đuổi Tây, Nhật (1944), đến Cách mạng tháng Tám ở Huế, đến kỉ niệm một năm quốc khánh (2 – 9 – 1946). Trang trang, bài bài làm hiển hiện trước mắt ta con đường mười năm Máu lửa, Xiềng xích của nhân dân ta, đi đến Giải phóng. Người chiến sĩ cộng sản, nhà thơ cách mạng gắn nhau; nếu Tố Hữu không làm cách mạng, thì cũng không có thơ Tố Hữu như ta đã đọc.
 
Ở đây, những tiếng hát của tâm hồn cũng là hành động, hành động cách mạng. Tố Hữu đã thực hiện đến cao độ, một cách tập trung chưa từng thấy, cái phương hướng "văn học là vũ khí đấu tranh"; bảy mươi mốt bài thơ, bài nào cũng nói đấu tranh cách mạng. Trong thơ này, ở giai đoạn này, mỗi một hơi thở của Tố Hữu rõ thật là:

Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà
Càng ngày càng đi sâu vào quần chúng

Những bài thơ đầu của Tố Hữu làm năm 1937, khi Tố Hữu còn là một tiểu tư sản học sinh mới giác ngộ cách mạng vô sản. Trong hoàn cảnh một học sinh giữa một đất đế đô như thành phố Huế, chưa có điều kiện tiếp xúc với công nhân, nông dân, nhà thơ trẻ tuổi đã chọn những nhân vật đầu tiên của mình là những người dân nghèo thành thị. Tố Hữu đã tỏ tình nhân đạo cách mạng của mình với những em bé mồ côi, những em lưu lạc, em nhỏ đi ở, em nhỏ ôm đàn đi gảy dạo, chị vú em, lão đày tớ già vẫn phải "làm việc quá trâu cày", cụ già nghèo "còng lưng đan chiếc rổ", cô gái buôn hương bán phấn trên sông Hương,...

Đó là bước đầu của cái mới, khác với loại thơ "đôi hàng tôn nữ cười trong nón" ca ngợi những cô gái son trẻ của những tầng lớp bên trên. Nhân vật trong thơ Tố Hữu mở rộng dần ra đến những người đàn bà Nhật nằm lăn trên đường sắt Đông Kinh để cản tàu chở chồng con họ đi lính cướp nước, đến những phụ nữ Nhật, Đức, Ý, đến tướng Mã Chiếm Sơn đang đuổi quân Nhật, đến em nhỏ Ly Quê thổi sáo đi theo Hồng quân Trung Hoa,...

Đến khi ở tù, nhà thơ đã dựng lên "tiếng nói của Châu Ro": người Thượng già, đôi mắt sâu như hang đá, đứng tức tối nhớ buôn rẫy, cửa nhà; nhà thơ đã dựng lên hình ảnh người lính giữa đêm tối gió lạnh, mang cái tơi gà, lén đến thăm người tù chính trị tuyệt thực đã năm ngày, và khóc:
Cái bàn tay lính riết cái tay tù Đôi cơ thể ôi tưởng hoà trộn máu.
Anh lính gác, anh lính gác đêm, hai lần nữa còn hiện trong thơ Tố Hữu; người bị giam lại đem lòng thương mến, thấu hiểu, che chở, an ủi người cầm súng đứng canh mình, gọi là anh em, là bạn! Và năm 1941, với Khởi nghĩa Nam Kì, đã nổi lên Bà má Hậu Giang, một hình ảnh dũng cảm, thắm thiết
 
của quần chúng nhân dân. Từ tháng 3 năm 1942, Tố Hữu vượt ngục, ra với nhân dân, vào giữa quần chúng:
Tôi gặp bà con mới một lần
Mà sao lòng đã thấy quen thân,
trong giọng thơ đã chuyển vào một hơi ấm nóng, hoà thuộc, ruột thịt. Và trong khi chiến sĩ Tố Hữu đang nhập vào với đông đảo nông dân để vận động cho Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, thì thơ Tố Hữu cũng chuyển mạnh. Từ lúc ban đầu khi nói đến những dân nghèo thành thị, dáng dấp thơ hãy còn chưa khớp, đôi khi còn lạc điệu, như nói về chị vú em: "Nàng gửi con về nương xóm cũ / Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi", thì đến nay, hơi thơ Tố Hữu đã là lời nói rất nhuần nhuyễn, rất tự nhiên của quần chúng:

     Chém cha ba đứa đánh phu
Choa đói choa rét, bay thù gì choa?
     Bay coi Tây, Nhật là cha
Sướng chi bay hại nước nhà, bà con?
     Liệu hồn bỏ thói du côn
Bằng không đòn lại trả đòn cho coi!
                         (Tiếng hát trên đê)

Từ lời của người ở thành thị lúc đầu, chuyển được thành công sang lời của những người ở thôn quê, đó là một bước tiến của thơ, của con người trên đường đại chúng hoá. Năm 1944, thơ Tố Hữu đã thành ca dao (ca dao từ trong bản chất, trong quyền lợi sát xương của quần chúng, chứ không phải chỉ mặc áo ca dao), đó là việc nảy nở rất mới trong đường tiến của thơ Việt Nam nói chung. Có thể nói rằng những bài ca dao như Tiếng hát trên đê báo hiệu, chuẩn bị cho cái hơi thơ nhuần nhuyễn, giản dị, hàm súc, mang nhiều quần chúng tính của tập Việt Bắc với những thành công rất mới như Phá đường, Bầm ơi,... mà cái điểm cao nhất của dòng thơ này là bài Việt Bắc.

Tinh thần liên tục, quyết liệt đấu tranh
Tập thơ Từ ấy là một trường nghị lực cho người đọc. Từ một người học sinh tiểu tư sản, cách mạng đã rèn luyện thành một chiến sĩ cộng sản cương kiên; Đảng rèn luyện, Tố Hữu tự rèn luyện. Người chiến sĩ đồng thời là thi sĩ, tự ghi chép được cái nội tâm của mình, và ghi chép hay, nên nhờ vậy mà ta được đọc người chiến sĩ từ bên trong; trong lò lửa cách mạng tôi luyện người bao nhiêu khí nóng đến độ ghê gớm, mà thép người của chiến sĩ vẫn không tan chảy, lại còn cứng rắn thêm lên.
 
Cứng rắn thêm lên, không phải một cách dễ dàng, mà bằng một cố gắng thường xuyên, tự cổ võ mình và cổ võ người khác. Khi còn đi học, làm gia sư cho một nhà chủ, Tố Hữu đã bảo Phước, em nhỏ đi ở bị nhà chủ mắng đuổi:

Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu
Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!

Chính Tố Hữu đã nuôi cái mầm hận ấy trong bản thân, nó phát triển thành lớn lao, đến nỗi mọi gian khổ, mọi tù đày trước nó cũng hoá nhỏ (...). Ở tù! Không còn một chút tự do, còn khổ hơn chim lồng cá chậu!

     Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
     Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Trong cái ngột ngạt đè chặt lên ngực đó, Tố Hữu luôn luôn giữ gìn chiến tuyến của tâm hồn mình, chiến tuyến chung của các đồng chí mình. Đấu tranh trong nhà ngục thật là quyết liệt! Đấu tranh cách mạng thật là khốc liệt! (...)
Khi đồng chí Lê Chưởng bị bắt, bị tra tấn dữ dội (6 – 1940) và tuyệt thực, Tố Hữu cùng các đồng chí khác mở một cuộc đấu tranh chống tra tấn để ủng hộ: họ lấy hết hơi sức ra mà la thét, gào ré, dùng tiếng hô làm vũ khí. Cả bài thơ Tranh đấu phừng phừng "như ngọn núi lửa hơi đầy":

Đoàn quân nhỏ, một tinh thần thống nhất
Hai mươi lăm người, chỉ một đầu thôi
Nghiến chặt răng và sủi bọt quanh môi
Rít lên những tiếng kêu dài ghê rợn:
"Đả đảo tra tấn! Đả đảo tra tấn!"
Cái núi lửa vọt lên từng thác lưu huỳnh sôi bỏng:
Tôi cố thét, sao vẫn còn nhỏ quá!
Những tức tối, trời ơi! Không thể hả.
Như một con chó dại bỗng lên cơn
Tôi lồng lên, tôi cố thét to hơn
Để căm giận trút ào trong tiếng phổi!
Tôi chẳng biết cũng không cần tự hỏi
Bao lâu rồi. Cho đến lúc tàn hơi.
Cho đến khi cuống họng vỡ toang rồi
Và huyết quản đứt dòng, tim hộc máu.
Ít khi cái căm thù được diễn tả đến tột độ như vậy!

Tố Hữu tìm sức mạnh trong đoàn thể, trong tập thể, trong sự tiếp tục của những người đồng chí; người này ngã, người khác thay; thuyền này trở về mạn ván tan tành, thì những thuyền kia đã lướt tới. Tố Hữu chống với sự đuối sức, không cho phép mình chùng bước. Luôn luôn dặn nhủ mình, mình thuyết phục mình, mình vượt mình. Và, còn ít tuổi thôi, Tố Hữu đã đạt tới được một sự trong sáng hi sinh. Trong những ngày tuyệt thực ở nhà lao Lao Bảo, tháng 11 – 1940, Tố Hữu đã làm ba bài thơ liền nhau. Người chiến sĩ nhịn đói đã năm ngày, sự sống chỉ còn mỏng manh một sợi dây; trong lúc đó thì một người lính lén đến thăm anh, lo anh chết. Anh lựa lời an ủi:

"Bác đừng nên khóc nữa, đã chi đâu,
Đói chỉ mới dăm ngày, chưa đến liệt..."
                                                  (Đôi bạn)

Trong bài Trăng trối, Tố Hữu cảm thấy mình phút chết đã kề bên; người chiến sĩ "thung dung tựu nghĩa", rất bình tĩnh sáng suốt, mỉm một nụ cười:

Dù phải chết, chết một đời trai trẻ
Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con
Rồi chôn xương rục thối dưới chân cồn
Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa?
Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trông mai mỉa

(...) Cái nụ mỉm cười của chiến sĩ không phải là "lên gân", mà thật là chí tình; có chân thành, nó mới toát ra được trong lời thơ ở cuối:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh Vui nhẹ đến trên môi cười hi vọng.
Giữa hơi tàn, sức kiệt, mà lại làm nên những câu thơ tươi tắn thật thà như vậy, đầy vẻ hồng vui, chẳng phải là có một nghị lực khác thường hay sao?
 
Bài thứ ba, Con cá, chột nưa, lại mỉm cười trào phúng cái bụng cứ đòi ăn, ăn để khỏi chết, ăn vì tham sống, bất kể thức ăn đó là của địch đem tới để trêu những người tuyệt thực, để cám dỗ, khiêu khích người đói một cách cáo già, quái ác. Cái bụng khuyên người chiến sĩ ăn vụng, ăn trộm giấu các đồng chí (...)
Ăn vụng và lau mồm! Nhưng chiến sĩ mắng cho nó một trận, anh đã dẹp yên được cơn nổi loạn của bản năng tham sống sợ chết, anh đã khuất phục, anh đã đắc thắng:

Từ khi chân dấn bước
Trên con đường đấu tranh
Tôi sẵn có trong mình
Đôi mắt thần: chủ nghĩa.
...
Không thể gì quyến rũ
Mua bán được lương tâm
Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí

Con cá, chột nưa! Bài thơ chẳng phải là ghê gớm sao? Bởi nó đặt ta trước đôi mắt của lương tâm ta, không trốn được, không dối được. Mỗi khi tâm thần ta cần đấu tranh để giữ vững liêm chính, mỗi khi ta có nguy cơ sa ngã, mấy cái chột nưa kho cá của Tố Hữu là một viện trợ quý báu cho ta!

Thơ Tố Hữu đã mở trần ra cho chúng ta thấy những tranh đấu gay go, thấy cái lò luyện thép bên trong một chiến sĩ cộng sản. Tập thơ hừng hừng đưa ta từ lửa này sang lửa khác, đốt mãi chủ nghĩa cá nhân.

Một niềm say thơ

Qua bảy mươi mốt bài thơ Từ ấy, chúng ta nhận thấy Tố Hữu quả là có một sự say sưa làm thơ; vào thơ, vào cách mạng, Tố Hữu đều hăng say thường trực. Những đề tài chính trị, những đề tài tư tưởng không phải là khó khăn; Tố Hữu đã làm, với rất đầy tình cảm. Vì lòng mang sẵn sức nồng nhiệt của một thanh niên, một thi nhân, một người cộng sản nên Tố Hữu tìm ra thơ rất nhạy. Hơn nữa, làm thơ là một chỗ dựa của tâm hồn Tố Hữu những lúc gian khổ, nghiêng nghèo, những lúc bị tù đày, hầu như đã bị cắt lìa với đời sống. Tập Xiềng xích, gồm thơ làm trong tù, đặc biệt chứng tỏ cái phong phú của tâm hồn thơ Tố Hữu. Còn gì nhạt nhẽo, buồn tẻ bằng bốn tường vôi lạnh, ngày này sang tháng khác, mình bị giam vào! Nhưng Tố Hữu vẫn làm nảy thơ ra từ "manh ván ghép sầm u", làm bật thơ ra từ cuộc sống nhà tù.
Thời tiết qua, Tố Hữu theo đó hái ít nhiều vần thơ. Đây là một buổi

Trưa tù:
Buồn không gió, hai hàng cây đứng ngủ
Đàn vịt nhỏ nằm ngây trên liếp cỏ
Đôi bồ câu trốn nắng dưới bờ mương
Đằng xa kia, nắng gắt dọc chân tường
Người lính đứng, gục đầu trên vọng gác.

Nghe chim tu hú kêu, Tố Hữu đoán những cảnh mùa hè bên ngoài; mùa lạnh đến, Tố Hữu ghi những cây đứng giữa sân lao, gió đêm lọt vào khe cửa.

Gian khám hẹp, Tố Hữu thấy là một toa tàu im lặng vượt thời gian, với "khách chen chúc trên hai hàng sập gỗ". Như một con hổ rừng bị giam vào cũi, Tố Hữu tha thiết Nhớ người, cháy lòng lắng nghe "chim trên mái kêu nhau về tổ ở", và tiếng ngáp dài ngao ngán ở bên cạnh đưa sang. Một con chim sẻ sẻ nuôi để nó làm bạn với mình, chỉ qua một hôm là chết, người chiến sĩ bật lên như một tiếng khóc:

Tôi đã tù, sao bắt nó tù?

Nằm trong xà lim Quy Nhơn (1941), Tố Hữu khẽ buồn cười về Ba tiếng đưa vào: Tiếng của nhà máy điện là bóc lột thặng dư tư bản chủ nghĩa; tiếng chuông nhà thờ là dụ dỗ của tôn giáo; tiếng kiểng canh tù của nhà lao là pháp luật đế quốc. Tố Hữu còn làm một bài thơ riêng về Tiếng chuông nhà thờ ngân nga kia, nó không an ủi gì được cho người lao khổ. Lại vẫn "nằm nghe qua cửa khám" tiếng một em bé ở ngoài rao "Ai ăn bánh bột lọc không?" đưa Tố Hữu trở lại với lòng cảm thương những người dân nghèo thành thị lúc anh còn là học sinh...

Phải có một niềm say thơ sẵn sàng trong lòng, mới bắt được bất cứ một nét, một việc nào lọt vào nhà tù, để mà sáng tác.

Và qua tập thơ này, Tố Hữu đã chẳng nhiều lần say lên, bốc lên như bay lên đó sao?

Tung ngục tù ra, tung ngục tù ra!
Ai đâu giam cấm được hồn ta
                                   (14 tháng 7)
 
Cái say sưa những ngày Huế tháng Tám sảng khoái lạ thường; nhà thơ đã mượn một thoáng siêu thực để nói cái hiện thực thần thánh:

Chừ đây Huế, Huế ơi!
Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh?

Và cũng thế, đêm mùng 2 tháng 9 – 1946, người thi sĩ:

Lòng ta múa lồng lên theo đám rước
Ta xông lên trời với pháo thăng thiên
Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên

II – THƠ TỪ ẤY VỚI PHONG TRÀO THƠ MỚI

Chúng ta thử tìm hiểu cho sâu hơn nữa sự cấu tạo, sự kết thành của thơ Tố Hữu trước Cách mạng.
Đây là một quy luật đã được chứng minh trong lịch sử các nền văn học, nghệ thuật: các nhà văn nghệ thường chịu ảnh hưởng của cái trào lưu văn nghệ đang thịnh hành mạnh mẽ trong lúc mình sáng tác; dù nhà văn nghệ đó là một kẻ mở đường độc đáo, người ấy vẫn có những yếu tố lấy trực tiếp hay gián tiếp trong cái trào lưu đương thời. Cái hiện tượng thơ trước Cách mạng của Tố Hữu thật là quý giá; nó mở đường cho cả một nền thơ mới mẻ, cách mạng, một nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa về sau. Nó là công trình sáng tạo của Tố Hữu. Tuy nhiên, nó không thể từ đâu đâu mà đến, mà nó phải lấy những vật liệu của phong trào thơ đương thời; nhưng nó lấy một số vật liệu xung quanh, mà đem nhào nặn hẳn đi; cái quyết định vẫn là luồng tư tưởng cách mạng của giai cấp vô sản và cái tâm hồn đặc biệt của thi sĩ.

Thơ cách mạng có nhiều, nhưng cái luồng thơ cách mạng 1937 – 1946 của Tố Hữu đứng ra một lối khác biệt, đến nỗi trong cái giai đoạn mười năm trước Cách mạng tháng Tám, thơ Tố Hữu là tiêu biểu nhất của thơ cách mạng, hầu như nó là duy nhất của thời kì ấy.
 
Chúng ta thử đọc lại mà xem.
Những bài thơ cách mạng rất ưu tú của một chí sĩ tiền bối như Phan Bội Châu, và nói chung, thơ cách mạng, thơ của các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,... có một phong cách riêng, phong cách trượng phu, anh hùng tạo thời thế; lối diễn tả theo cổ điển, không cần nói đến chữ tôi:

Dang tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
     (Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông)

Đến phong trào cộng sản do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo các chiến sĩ cộng sản làm rất nhiều thơ ca; tư tưởng, nội dung là cách mạng vô sản, nhưng phong cách, hình thể của thơ, nói chung, vẫn dựa theo lối "thơ cũ". Ví dụ bài "Đồng chí Hồng Lam tiễn đồng chí Võ Đức Bình":

Thôi chúc bạn đá mềm chân cứng
Gương Lê-nin, Các Mác phải noi theo,
Cùng năm châu bốn bể hò reo,
Ta tiến tới đại đồng thế giới.(1)

Hoặc bài của đồng chí Lê Tất Đắc lúc ra tù, tặng các đồng chí còn ở lao Ban Mê Thuột:

Bàn gì kẻ ở với người ra,
Đâu đó cùng chung một cảnh mà.
Mặt đất hãy còn tay bóc lột,
Gầm trời đâu khỏi tiếng rên la.
Tuy rằng ngục thất đà ra khỏi,
Nhưng nạn cơ hàn khó lánh xa.
Cách mạng một đường ta tiến thẳng,
Đi đâu vô sản cũng là nhà.(2)
(1), (2) Trích trong quyển Thơ ca cách mạng (tập I) do Ti Văn hoá Hà Tĩnh xuất bản.
 
Bài trên còn giữ phong cách điệu ca trù (hát nói), bài dưới là thơ thất ngôn bát cú; nói chung, những loại thơ như trên đây, tư tưởng, nhận thức tuy đã vô sản, mà điệu cảm xúc, cách diễn đạt chưa xa với những lối thơ truyền thống của các "nhà nho".

Trong những thơ ca của phong trào cộng sản đó, thỉnh thoảng có một ít bài phong cách khác hơn, điệu cảm xúc, cách diễn đạt khác đi, ví dụ như bài Cảnh đi đày của Bùi Công Trừng:

Đèo quanh co ôi rừng rậm non cao,
Đường hiu quạnh cô đơn riêng một cõi,
Cám cảnh thân người tay còng xiết trói
Lẳng lặng đi, dìu dắt nắm tay nhau

Tìm đọc lại nhiều bài thơ ca cách mạng trước khi có Đảng lãnh đạo, và những thơ ca của phong trào cộng sản sau khi có Đảng, ta sẽ thấy cái tính cách mới mẻ của thơ cách mạng của Tố Hữu (loạt thơ trước tháng 8 – 1945). Trong loạt thơ này của Tố Hữu, chúng ta thấy Tố Hữu đã dùng những yếu tố của phong trào Thơ mới đang thịnh hành đương thời, đem vào thơ của mình, và diễn đạt cái tinh thần cách mạng lối mới, cách mạng vô sản... Cái phong cách của thơ mới kia, tức là cảm xúc đầy rẫy, đồng thời với việc cá thể hoá. Trước khi làm thơ cách mạng, người học sinh Tố Hữu đã có một bài thơ Cảm đề quyển tiểu thuyết Khói lam chiều của Lưu Trọng Lư. Tố Hữu đã đứng trước hai con đường làm thơ: thơ lãng mạn không cách mạng và thơ lãng mạn cách mạng; từ khi được Đảng giác ngộ, "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / Mặt trời chân lí chói qua tim", Tố Hữu đã sớm bước vào con đường làm cách mạng và con đường làm thơ cách mạng.

Thơ Tố Hữu lãng mạn, vì nó tràn đầy cảm xúc, tràn đầy tình cảm; nó có một điệu cảm xúc say mê. Người thi sĩ mở đôi mắt tươi trẻ của mình, thấy như lần đầu khám phá ra thiên nhiên và cuộc sống đầy hương sắc, âm thanh:
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng!

Hết lạnh rồi, gió bắc với mưa đông
Đây nắng tới với chim ca lanh lảnh

(...) Lãng mạn trong cái tư thế suy nghĩ, trầm mặc, cái đau thương lớn rộng của nhà thơ:

Đèo cao vút vươn mình trong lau xám
Đá uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro
Gió nói gì với rừng sâu u ám
Đường sao run, tê tái cả hồn thơ!
                                             (Lao Bảo)

Lãng mạn trong một cái thoáng quạnh hiu, nhớ thương, xa xăm, u buồn, mà cái thế hệ lớn lên trong khoảng 1935 – 1937 không thể nào không cảm thấy:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
...
Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!
                                        (Nhớ đồng)

     Đêm nay gió biển Đông về
Mùa thu chừng đã tái tê đất trời
     Non quanh chừng đã lạnh rồi
Rừng sâu run rẩy, xa vời tiếng rung
                                        (Đông)

Khía cạnh thứ hai: lãng mạn trong việc cá thể hoá các cảm nghĩ, không nói chung chung, như thơ của rất nhiều chiến sĩ khác, mà nói xuyên qua trường hợp cá thể của mình, của "tôi". Cái "tôi" đây bao hàm hàng trăm nghìn chiến sĩ cộng sản chứ không cá nhân cô đơn; nhưng đồng thời nó là "tôi" cảm xúc rất sâu, rất sắc, nhà thơ cách mạng tự biểu hiện mình, tâm hồn nhà thơ cách mạng tự ca hát:

Tôi đã sống những ngày điên phẫn uất
Nhưng chưa hề một bữa như hôm nay.
Tôi đã nghe ran nóng máu hăng say
Rung cơ thể khắp đầu tay ngọn tóc
Nhưng chưa biết có bao giờ lại mọc
Ở trong tôi, một núi lửa hơi đầy
Thét vang trời ghê gớm như hôm nay.
                                        (Tranh đấu)

Nhưng cái lãng mạn trong thơ Tố Hữu là gắn chặt với cách mạng. Cái phong cách lãng mạn được cái tinh thần, cái tư tưởng cách mạng của giai cấp vô sản chuyển hoá thành cái lãng mạn tích cực, phấn đấu, lạc quan. Một bài thơ như Tâm tư trong tù dào dạt, tràn trề cảm xúc; tai nghe, mắt không nhìn thấy, mà người chiến sĩ trong ngục thông cảm, yêu mến cả trăm loài:

Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

Cái cảm xúc tràn trề, "lãng mạn" đó mang một tình nhân đạo rất cao cả; vì thương yêu cuộc sống đến tận xương tuỷ mình như vậy, mà người chiến sĩ đứng dậy như thép, đương đầu với tất cả những tù ngục:

Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!
Có một tiếng còi xa trong gió rúc...

Cái Hầm người, Tố Hữu đã vẽ lại với một phong cách lãng mạn, mang những màu sắc bi tráng, tối tăm, nhưng là để bao hàm một tính cách căm hờn cách mạng:

Đây một thân rơi thành xác chết,
Hàng ngàn thân khác nối nhau rơi...
Ngổn ngang xương lạnh đầy ao huyết
Giữa lúc tầng cao, dội tiếng cười!

Ngày 14 tháng 7, thân nằm trong tù ngục, Tố Hữu mượn cái ảo tưởng của lãng mạn, thấy mình dự cuộc phá ngục Basti với dân chúng Pháp năm 1789:

Ta nhắm mắt để thời gian trên mí
Chở thuyền hồn lên những bến bờ qua
Bữa nay ta lại tới cắm thuyền ta
Giữa những tiếng reo hò dân nước Pháp.

Và bài thơ kết thúc trong một say mê rất cách mạng:

Ta muốn nhảy lên ngọn cờ dân chủ
Để ta trộn hồn ta trong sắc đỏ
 
Để đôi màu xanh trắng quấn làn da(1)
Ta muốn bay ra ánh sáng bao la
Mà thịt vẫn nằm lì trong ngục tối!
(1) Xanh, trắng, đỏ là ba sắc của cờ nước Pháp, xuất hiện trong Cách mạng 1789.

Như một việc Đi, bỏ nhà, bỏ chốn cũ mà đi là một tình cảm lãng mạn; ra đi, tìm đến một chân trời mới, vẫn có một thứ "thi vị" xưa nay; nhưng Tố Hữu, năm 1944, kêu gọi các bạn trẻ ra đi, là không phải đi phiêu lưu, mà đi "ra giữa chiến đài", "nghiến răng giương thẳng nghĩa kì", cái lãng mạn ở đây là trong phạm trù cách mạng.

Toàn tập bảy mươi mốt bài thơ, thấm nhuần tinh thần, tư tưởng cách mạng. Tư tưởng, tình cảm cách mạng là chính, là căn bản. Nhưng ở đây, tâm hồn, ý chí của một chiến sĩ cộng sản không diễn đạt theo lối chung chung, thiếu hình ảnh, thiếu cá tính như nhiều thơ ca cách mạng về trước, cũng không mặc một cái dáng dấp theo lối cũ, điệu cũ của truyền thống thơ các nhà nho. Mà trong hoàn cảnh cụ thể của việc sáng tác thơ những năm 1937 - 1940, theo ý tôi, chính do Tố Hữu đã dùng những yếu tố của thơ lãng mạn đương thời mà thơ Tố Hữu có một dáng điệu rất trẻ trung, một phong cách tràn đầy hấp dẫn, đưa đến một cái gì mới mẻ trong phong trào thơ ca cộng sản so với những thơ làm trước Tố Hữu. (Với tập Việt Bắc, hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh sáng tác lại khác rồi, và tập Việt Bắc lại có một phong cách khác).

Và khi ở đây, tôi tìm hiểu cái phong cách lãng mạn của thơ Từ ấy, tôi vẫn thấy thơ Từ ấy là xuất phát từ hiện thực, hiện thực của dân nghèo thành thị, của nhà tù, của khi vượt ngục về vận động nông dân; và tôi vẫn ghi nhớ những bài như Đói! Đói!, Vỡ bờ về cảnh khổ của dân năm 1944 – 1945. Sự cắt nghĩa của tôi là trên nét lớn, nghĩa là bao hàm những trừ bì. (Để rõ vào những khía cạnh của ý tôi, tôi lấy thêm ví dụ những bài thơ của Tố Hữu về quần chúng lao khổ ở thành thị. Tố Hữu là người mở đường đem cái hiện thực này vào trong thơ. Khi nói cái hiện thực của xã hội ấy, Tố Hữu, ở nhiều bài, có một phong cách lãng mạn trong cảm xúc: những em bé mồ côi, em nhỏ lưu lạc, em gảy đàn, chị vú em,... được biểu hiện trong một không khí tình cảm xa xăm, với một chân trời sương gió, như hứa hẹn bão chớp. Cái nền mây nặng đó, cái điệu lãng mạn ấy chỉ càng tăng sự truyền cảm của bài thơ).
 
Mặt khác, không phải tất cả thơ Từ ấy là đều có liên quan với phong trào Thơ mới. Loạt bài như Tiếng hát trên đê tiếp nhận cái hơi thơ cổ động, tuyên truyền cộng sản trước Tố Hữu, và đi gần với ca dao của quần chúng. Tố Hữu lại có những bài như Con cá, chột nưa, Ba tiếng với một giọng trào phúng riêng, dùng thể thơ năm chữ bắt vần như là điệu hát dặm Nghệ Tĩnh, với một hơi thơ bình dân, điều mà không thấy trong thơ mới. Những bài thơ thất ngôn như Xuân nhân loại có một vẻ trong sáng, mềm mại, một thứ tươi của Tố Hữu.

Tóm lại, có cái hiện tượng thơ Từ ấy trước Cách mạng tháng Tám, là do:
–    Trước tiên phải có Tố Hữu. Nếu có một thi sĩ cộng sản khác, thì dĩ nhiên sẽ không phải là thơ Từ ấy.
–    Phải có phong trào cộng sản ở Việt Nam và trên thế giới, phong trào cộng sản đó, khi vào chiến sĩ – thi sĩ Tố Hữu thì ra cái thơ cộng sản dưới hình dạng thơ Từ ấy.
–    Thứ ba, có ấn dấu của phong trào Thơ mới trong thơ Từ ấy. Những người làm thơ cộng sản trước Tố Hữu, trước khi có phong trào Thơ mới, đã nói những tư tưởng, tình cảm cộng sản của mình một cách khác, gần với phong cách "thơ nhà nho" từ trước truyền lại. Tố Hữu làm thơ cộng sản khi phong trào Thơ mới đã thịnh hành, đã thành "hiện tượng của dân tộc" (phénomène national); trong điều kiện lịch sử của văn học Việt Nam lúc đó, tất yếu là thơ Từ ấy có ấn dấu của phong trào Thơ mới; nếu giả thuyết rằng Tố Hữu làm thơ trong hoàn cảnh không có phong trào Thơ mới, thì chắc là rất nhiều bài của thơ Từ ấy sẽ có một hình dạng khác, chứ không phải cái hình dạng như ta đọc trong tập thơ Từ ấy.

Còn sự khác nhau giữa tư tưởng, tình cảm của thơ Từ ấy, là thơ nằm trong hệ thống văn học có chủ nghĩa Marx – Lenin, với tư tưởng tình cảm của thơ mới, là thơ nằm trong hệ thống văn học chưa có chủ nghĩa Marx – Lenin soi đường, sự khác nhau đó đã rõ quá. Và sự sáng tạo của Tố Hữu, thì ai cũng phải nhận thấy. Điều này tôi trình bày tiếp sau đây.

III – NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH HÌNH THỨC

Từ ấy là tập thơ đầu của một nhà thơ. Những tập thơ đầu tay, ngay của những nhà thơ lớn, thường cũng chịu nhiều ảnh hưởng, mang những vay mượn của xung quanh, mà một thi sĩ thanh niên không tránh khỏi. Tập Việt Bắc của Tố Hữu đã đạt tới một mùa thơ chín, có một sự trong sáng, nhuần nhị và hàm súc; "khen rằng bút pháp đã tinh", với tập này, Tố Hữu đã có một bút pháp của riêng mình, không bắt chước ai, mà dễ thu hút người khác bắt chước. Đứng về nghề mà nói, tập Từ ấy chưa có một bút pháp thật là riêng biệt; đứng về câu thơ, lời thơ, chưa có cái mức kết đọng của những câu thơ Việt Bắc. Nhưng nhìn một cách khác, những bài ưu tú trong tập Từ ấy chính là thơ của Tố Hữu, mang dấu hiệu của Tố Hữu chứ không ai khác, rất độc đáo. Cái độc đáo ấy là do tâm hồn của Tố Hữu quyết định; chất tình cảm, chất tư tưởng của Tố Hữu là nội dung đã quyết định cho hình thức những bài thơ, đoạn thơ thành xuất sắc, ưu tú. Tố Hữu ở đây có một sức lửa, sức tin, sức cách mạng ào ào ra thành thác nóng hổi; Tố Hữu cứ diễn đạt cho được cái thác cuồn cuộn ấy; diễn tả cho ra cái cảm nghĩ cuồn cuộn của mình, và do đó thơ Từ ấy có cá tính, có sâu sắc.

Năm 1947, đọc và nghe ngâm Tiếng hát sông Hương, tôi chỉ mới yêu thích cái nhạc điệu trong trẻo, thương mến của bài thơ. Gần đây, đọc lại, tôi rất ngạc nhiên về cái hay sâu sắc của bài ấy. Vào năm 1938, giữa chế độ Pháp thuộc đen tối, trong khi cô gái giang hồ bị xã hội khinh rẻ, bị coi và dùng làm đồ chơi, nếu có những người nhân đạo không tưởng nào đó, thì họ cũng chỉ đến xót thương cám cảnh là cùng, hoặc mong mỏi rằng cô gái giang hồ sẽ hoàn lương, có chồng có con được; nhưng Tố Hữu, ngay thời đó, đã đảm bảo cho cô gái sông Hương là cô sẽ được chiêu tuyết, sẽ trở lại "gương trong chẳng chút bụi trần", thành một con người tuyệt vời thơm sạch:

Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhuỵ hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng

Tố Hữu phải có một cái suối trong sạch ở trong tâm hồn, thì mới rửa được cho người ta băng tuyết hoàn toàn như vậy. Cái điểm kì lạ là sức tin tưởng, sự hồn nhiên đó ở giữa một xã hội cũ bẩn thỉu. Tư tưởng vô sản nhân đạo đến ngần nào! Cái hay của bài thơ là như vậy.

Trong bài Châu Ro: một đồng bào Thượng (Tây Nguyên) già bị Pháp bắt rời xa buôn rẫy, đứng ở giữa nhà tù Lao Bảo, quay nhớ về quê hương cũ Châu Ro.
 
Cái nhớ, cái căm hờn trong người đồng bào Thượng thật là ghê gớm, như rừng núi hãy còn hoang sơ cất tiếng lên đứt ruột gầm:

Châu Ro ơi, xa rừng quê núi cũ
Từ nơi đây buồn lắm phải không anh?
...
Tôi bỗng thấy chớp loè lên dữ dội
Lửa thù trong đôi mắt tối chiều đông

Đôi vành môi thành một lưỡi dao cong Anh nghiến chặt hai hàm răng lẩm bẩm: "Đau cái bụng, úi chui cha, tức lắm!"
Bài Tâm tư trong tù có một hình ảnh rất sáng tạo, một sáng tạo vô hạn đau khổ, rất đúng:

Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim non bé nhỏ
Vứt trong lồng con, giữa một lồng to

Người chiến sĩ còn rất trẻ bị bỏ trong lồng là cái nhà lao, nhưng bản thân cái lồng nhà lao lại bị bỏ trong cái lồng to hơn vô vàn: là Tổ quốc Việt Nam đang còn bị giam nô lệ! Chính những chiến sĩ cộng sản muốn phá cái lồng to ấy, nên họ mới bị vứt vào trong cái lồng con!

Trong cả tập thơ, tôi nhận thấy bài Tiếng hát đi đày có một vị trí riêng, có phần không giống với bảy mươi bài kia. Nó không phóng tới, không lấy lời thơ trực tiếp diễn tả những ý nghĩ; nó không mang tính cách động viên, hô hào trực tiếp. Nó đi thật sát với sự việc, nói cái hiện thực tình cảm của một người đi đày. Nhà thơ đã diễn tả sự vật cùng với lòng mình, chưa vội uốn nắn nó, mà cứ thể hiện nó theo lối chân; nhờ vậy, bài thơ nói được rất mực sâu sắc cái đau buồn của một con người phải đứt ruột đứt gan bỏ phố xá thân yêu, lìa đồng bào thân thuộc, từng bước, từng bước một đi dần vào cõi hoang vắng tịch liêu, cõi đi đày, dưới thời Pháp thuộc, nó là cõi chết:

Nhưng nhà đã rải lơ thơ
Người đi mấy bóng vẩn vơ trên đường
Đồng xanh gợn nhớ quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều
 
Xa rồi bóng dáng yêu thương cũ
Nhạt nhạt ngàn xa buồn cô liêu...

Buồn, bài thơ rất buồn, nhưng nó không "sái", không bi quan. Nó rất thực; vì nó rất thực, nên qua nó, người ta sống lại cả thời Pháp thuộc chúng ta mất nước, mất nhà... Một câu thơ hay quá, tả cao độ buổi chiều rừng, chim chiều rừng gọi kêu:

Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai?
Chim chiều chiu chít, những âm ch quyến luyến lạ thường!
Chim ơi chim, ta luyến nhà, luyến nước!

Và bao nhiêu căm hận khi đi qua một chiếc cầu, "Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết - Một khúc cầu đây mấy khúc thây!" Và đường đi đày vẫn cứ tiếp tục đi, càng đi càng lên rừng núi cao; Đắk Sút, Đắk Pao rồi, giờ lên đỉnh núi Đắk Glei, càng lên càng chon von, cheo leo; nhưng lên ở trên cao này rồi, tác giả chỉ dùng bốn câu thơ cuối bài, đứng trên đỉnh núi phóng thẳng một mũi lao xuống, nói ý chí vượt ngục:

Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm
Trong mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường?

Và thực tế, Tố Hữu đã vượt ngục. (Bài thơ làm tháng 1 – 1942; tháng 3 – 1942, Tố Hữu vượt ngục Đắk Glei).
Trường hợp bài Tiếng hát đi đày cũng đặt ra một vấn đề trong sáng tác. Sáng tác cần có nhiều loại, nhiều dạng, nhiều sắc. Thơ làm mãi theo một loại, dù tốt, cũng hoá ra tẻ, hạn chế sức sáng tạo của tác giả, không thoả được yêu cầu của bạn đọc đổi thay tuỳ lúc, tuỳ người. Trong một tập thơ Từ ấy, những bài thơ đều mài nhọn mũi dùi chiến đấu, nặng về nói cái phấn chấn, có ý thức động viên, cổ võ người đọc cũng như bản thân người làm thơ. Những bài khác đã làm cái nhiệm vụ như trên đây rồi, thì có một số ít bài thơ buồn như Tiếng hát đi đày, vẫn là được. Huống chi cái buồn đây rất hiện thực và ngụ hàm sự căm uất; hơn nữa, cái ý vượt ngục diễn tả rất ngắn và chắc ở cuối bài đã mai phục trong toàn bài. Vậy nên tôi xin nói ý kiến riêng của tôi, khi sách in lại lần thứ hai, Tố Hữu chữa những câu thơ cũ:

Đường lên đỉnh núi Đắk Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng.
Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm

thay bằng mấy câu mới:

Mênh mông một cõi im lìm
Biết đâu nẻo lối mà tìm nhau đây
Chung quanh những núi cùng mây
Thép gai lớp lớp, rừng vây tầng tầng.

Những câu thay vào nói chung chung, không sống, không bằng những câu cũ rất hiện thực: gà gáy xa, xóm tranh mờ, cờ đồn bay nhạt nhẽo, chặng cuối cụ thể của cái cảnh đi đày. Tôi rất tiếc những chữ điệp: im lìm, mơ mơ, lạt lạt, hiu hiu, vây vây thêm vào những chữ điệp đã dùng ở trên, tạo cho bài thơ một nhạc điệu độc đáo! Ta không sợ "buồn vây vây lòng" là nhiều quá, vì ngay những câu cuối bài "Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó" mạnh khoẻ, phóng vút, đã xé tan cả cái buồn, cái sương mờ bên trên.

Cũng như vậy, tôi tiếc câu thơ cũ ở giữa bài, rất hiện thực:

Đìu hiu mấy ải đồn canh
Ngẩn ngơ bạn lính vàng xanh khô gầy,
thay bằng một câu chung chung:
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày.

Theo tôi nghĩ, chúng ta nên sáng tác cả hai loại văn: loại văn nói toát rõ ra cái tư tưởng của bài là rất cần; đồng thời, loại văn mà xu hướng tư tưởng, xu hướng chính trị phải toát ngầm ra từ toàn bài, càng kín đáo càng hay, theo lời Engels, cũng nên sáng tác. Bài Tiếng hát đi đày cảm động lòng người một cách đặc biệt, có lẽ vì nó vừa nói nỗi niềm của bất cứ một người đi đày nào trong xã hội cũ, dù là một người thường phạm, nó lại vừa nói một chiến sĩ
 cộng sản bị đi đày. Nó rất hiện thực, tư tưởng của nó toát ra, hiểu lấy ngoài bài; nó rất sâu sắc.
Mấy ví dụ lấy trên đây để nói, mặc dù nhìn chung, nghề thơ của Tố Hữu với tập Từ ấy hãy còn là đầu tay, nhưng do sức tâm hồn, sức tư tưởng, sức thơ của mình, Tố Hữu đã đạt những bài thơ hay, độc đáo, đầy sáng tạo, và Tố Hữu giương cao lá cờ thơ cách mạng từ 1937 về sau.

*

*      *

Từ ấy và Việt Bắc, hai tập thơ bao gồm gần hai mươi năm thơ của Tố Hữu, mỗi tập một vẻ, đã đóng góp vào thơ Việt Nam hiện đại một cống hiến hàng đầu, đại diện ưu tú nhất cho luồng thơ ca cách mạng dưới sự lãnh đạo của tư tưởng Marx – Lenin, của Đảng ta. Từ ấy là cái tình đầu của luồng thơ ca cách mạng ấy; nó ham mê, hăng say; nó là một thanh niên. Việt Bắc chín hơn, đi dần vào cái trong sáng, cái hàm súc cổ điển. Lời thơ Việt Bắc dùng ít, vững tay, đã có thơ ở ngoài lời. Lời thơ Từ ấy "thừa huyết khí thanh niên", còn đang thừa ra ngoài ý.
Từ ấy là thác, suối, mở đường cho Việt Bắc là con sông chững, rộng. Ta yêu thích, quý trọng cả hai. Mỗi tập thoả mãn một phương diện của tâm hồn ta, thoả mãn những lúc khác nhau của tâm hồn ta biến diễn. Riêng thanh niên, như tôi đã nói, có lẽ họ là những người tiếp nhận tập Từ ấy một cách tri âm nhất, khoái trá nhất (...)

Tháng 8 – 1959
(Phê bình giới thiệu thơ, NXB Văn học, H., 1960)