Bảo tàng Tố Hữu
Nhận định
Mãi xứng danh với Đảng, với nhân dân
Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
Tố Hữu - NgườI Lĩnh Xướng
Đồng Chí Tố Hữu VớI Công tác Tư tưởng, Lý luận của Đảng
Tố Hữu: Cuộc đời cách mạng, cuộc đời thơ
Tố Hữu – Một Tài Năng Dịch Thơ Lỗi Lạc
Tố Hữu, Nhà Thơ – Chiến Sĩ
Đồng chí Tố Hữu
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Máu Và Hoa – Con Đường Của Nhà Thơ Tố Hữu
Thơ Tố Hữu
Tố Hữu – Một Nhà Tư Tưởng Xuất Sắc, Một Nhà Thơ Lớn…
LờI giớI thiệu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Đọc lại Tố Hữu
Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh vớI tất cả tâm hồn mình
Ra Trận - Khúc Ca Chiến Đấu
Ta Với Ta – Đóng Góp Mới Của Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Bác Hồ Của Tố Hữu
Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
Tình Yêu Quê Hương Đất Nước Trong Tập Thơ Việt Bắc
"Con Mắt Thần Chủ Nghĩa" Trong Thơ Tố Hữu
Việt Bắc – Tập Thơ Tiêu Biểu Của Thơ Ca Kháng Chiến Chúng Ta
Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
Gió Lộng – Tiếng Nói Đồng Tình, Đồng Chí
Người Chiến Thắng Là Người Xây Dựng Mới
Phong Cách Dân Tộc Đậm Đà
Tố Hữu
Con Đường Của Nhà Thơ
Đọc Lại Thơ Tố Hữu
Phong Vị Ca Dao Dân Ca Trong Thơ Tố Hữu
Phong Cách Nghệ Thuật Của Tố Hữu (Trích)
Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi
Tố Hữu – "Người Đốt Lửa" Và "Người Gieo Hạt"
Đọc Lại Tố Hữu
Đọc Tập Thơ Gió Lộng Của Tố Hữu
Tập Thơ Việt Bắc Của Tố Hữu
Tố Hữu Với Chúng Tôi
"Từ Ấy Trong Tôi(*) Bừng Nắng Hạ" (Trích)

Nhà Thơ Tố Hữu Và Những Chuyến Đi

- Phỏng vấn nhà báo Phan Quang

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết cảm nhận của ông về con người nhà thơ Tố Hữu qua những lần ông tiếp xúc và làm việc với nhà thơ?

Phan Quang (PQ): Ở Tố Hữu có hai con người, con người Tố Hữu − chính khách, nhà cách mạng, và con người Tố Hữu − nhà thơ. Tố Hữu bắt đầu hoạt động cách mạng rất sớm, từ khi còn học trung học và đã phải chịu tù đày ngay hồi đó, ông đã cống hiến trọn cuộc đời của mình cho đến khi tuổi cao sức yếu, không làm việc được nữa. Ông là một nhà cách mạng kiên cường từng giữ nhiều trọng trách, có nhiều cống hiến cho đất nước. Cùng với Tố Hữu nhà cách mạng, có Tố Hữu nhà thơ. Chính Tố Hữu nói: "Tôi hoạt động cách mạng và làm thơ, làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng". Như vậy chúng ta có hai con người, một Tố Hữu chính khách và một Tố Hữu nhà thơ, hai nhưng là một, một mà vẫn là hai. Chúng ta muốn nhìn Tố Hữu qua góc nhìn nào cũng được, nhưng từ mặt nào cũng vẫn thấy những cống hiến của Tố Hữu cho dân tộc đã và sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Cuộc đời Tố Hữu đồng hành với dân tộc từ những năm 1935 − 1936, ở độ tuổi mười lăm, mười sáu cho đến khi ông qua đời, vượt quá mốc thượng thọ. Một hành trình dài, trải qua bao sóng gió. Tố Hữu làm thơ ngay từ những ngày khởi đầu cuộc hành trình ấy. Bất cứ lúc nào, việc gì, nhà cách mạng Tố Hữu cũng cố gắng làm tốt công việc được phân công. Còn về thơ, thì dường như khi nào đất nước có những sự kiện lớn, hay là cuộc đời của Tố Hữu có sự kiện
nào đấy thì ông đều có những câu thơ đặc sắc. Suốt cả cuộc đời ông bám sát cuộc sống, tranh thủ đi thực tế và sáng tác. Cứ sau mỗi chuyến đi là xuất hiện những vần thơ Tố Hữu.

Những câu thơ nổi tiếng đầu tiên của ông, như "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ / Mặt trời chân lí chói qua tim" đăng báo công khai năm 1938, ông làm trong bối cảnh và thời điểm nào? Thời Anh Lưu, anh Diểu dẫn tôi đi. Hồi ấy ông được dự khoá học do đồng chí Phan Đăng Lưu và đồng chí Nguyễn Chí Diểu tổ chức bí mật, hướng dẫn một số thanh niên yêu nước trong đó có Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Côn, Nguyễn Hữu Mai, Phan Giá..., nhiều người là học sinh Trường Quốc học và Trường Kĩ nghệ thực hành Huế về đường lối cách mạng của Đảng và chủ nghĩa Marx – Lenin.
Thời kì chống Pháp, Tố Hữu làm nhiều thơ, nổi tiếng bài Đợi anh về dịch của nhà thơ Nga Simonov:

Em ơi, đợi anh về
Đợi anh hoài, em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi!

Một bài thơ dịch mà có sức lan toả rộng. Chính Simonov khi sang thăm Việt Nam, gặp Tố Hữu ông nói: Anh đã sáng tạo lại bài thơ của tôi.
Đến thắng lợi Điện Biên Phủ thì chúng ta đều biết, nhiều người đều thuộc: "Chín năm làm một Điện Biên / Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".  Nhờ có vành hoa đỏ ấy mới mở ra được "Đường sang nước bạn" và "Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan / Đường bạch dương sương trắng nắng tràn"...

Đầu năm 1961 ông viết: "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng". Có người băn khoăn sao gọi thời bao cấp là đỉnh cao muôn trượng? Năm 1961 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên xây dựng và phát triển kinh tế, và cũng nhằm góp phần làm cho miền Bắc hậu phương lớn có thêm tiềm lực để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", chi viện cho miền Nam tiền tuyến lớn.

Bác Hồ qua đời, Tố Hữu có những vần thơ xúc động lòng mọi người Việt Nam: "Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa"...
Còn cảm nhận về Tố Hữu nhà thơ, tôi thấy hầu như sau mỗi chuyến đi anh đều có làm thơ. Sau ngày vừa giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi theo anh về thăm đồng bằng Sông Cửu Long, ban đêm hai anh em lần mò vào làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho tìm đến căn nhà nhỏ của Anh hùng diệt Mĩ Lê Thị Hồng Gấm rồi dùng bữa tối với thân sinh nữ liệt sĩ. Một bữa cơm gia đình, thân sinh liệt sĩ tiếp chúng tôi tại cái bàn nhỏ ngay trước bàn thờ, trên đó cạnh những bát hương thờ cúng tổ tiên vừa mới đặt thêm bức ảnh chân dung của chị. Giữa bữa, ông đứng lên cầm bức ảnh con gái đưa chúng tôi xem. Mấy câu thơ nảy ra luôn trong lòng Tố Hữu:

Đêm Vĩnh Kim, anh tìm em, Hồng Gấm
Đường vào thôn, cỏ lấp bom mìn
Người cha kể chuyện con, bữa cơm đèn đầm ấm
Tấm ảnh em đây, hai con mắt đang nhìn...

Những chuyến đi, những dòng thơ, đó là một phong cách thơ Tố Hữu, đó là tính cách con người Tố Hữu.
PV: Ông có thể cho biết ảnh hưởng của thơ Tố Hữu đối với bản thân ông và lớp thế hệ trẻ ở Quảng Trị, Thừa Thiên những năm 1936 −1945, những người từng góp mặt vào mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa những năm 1946 − 1954?
PQ: Đối với các vùng khác, tôi không biết, riêng ở Quảng Trị − Thừa Thiên, tác động của thơ Tố Hữu ngay từ thời 1936 − 1939 đã khá mạnh. Đó là thời kì tại Pháp, Mặt trận Bình dân giành đa số ở Nghị viện, và nhờ vậy ở Việt Nam, thực dân Pháp buộc phải tạm cho ra khỏi nhà tù một số nhà cách mạng. Các vị chỉ đạo và cho xuất bản nhiều sách báo công khai, khơi gợi lòng yêu nước của nhân dân. Thời kì này nở rộ nhiều vần thơ hay của Tố Hữu.
Sau khi Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, lớp thanh niên mới lớn chúng tôi tham gia công tác, đêm nào cũng diễn kịch, ngâm thơ, trong đó có thơ Tố Hữu. Những câu thơ của anh cứ lưu lại mãi trong lòng người. Năm 1973 tỉnh Quảng Trị giải phóng, tôi vào chiến trường vừa tạm lắng viết loạt phóng sự tại chỗ đăng báo Nhân Dân, trong đó có "Từ Cửa Việt đến Khe Sanh". Từ đồng bằng ngược lên đến Khe Sanh, huyện Hương Hoá, tôi tìm đường vào Lao Bảo thăm cho được cái nhà đày nức tiếng tàn bạo − đây không phải là nhà tù thông thường mà là nơi thực dân Pháp đày tù chính trị lên chốn ma thiêng nước độc, cách quốc lộ 9 khá xa. Cái nhà đày ấy đã đổ sập vì bom đạn Mĩ, chỉ còn lại một cái tảng mái đúc bằng bê tông hình như có sơn màu trắng cho nên nổi bật lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Tôi ngồi lên cái mảng bê tông trắng ấy chụp tấm ảnh kỉ niệm, và tự dưng lòng dội lên bài Trăng trối Tố Hữu viết khi những người tù chính trị đấu tranh bằng tuyệt thực, nhiều người kiệt sức, ốm đau cận kề cái chết. Tôi đọc to cho anh em cùng nghe: "Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi / Đến hôm nay cái chết đã kề bên / Đến hôm nay kiệt sức tôi nằm rên / Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu / Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu / Dấn thân vô là phải chịu tù đày / Là gươm kề tận cổ súng kề tai / Là thân sống chỉ coi bằng một chết"(1). Những câu thơ ấy lớp trẻ chúng tôi từng mang đi ngâm đọc tại nhiều nơi. Ngay cả tại vùng địch hậu, đêm đêm chúng tôi vẫn đốt sáng đèn diễn kịch, ngâm thơ cho đồng bào nghe, một số người dân chưa biết đọc biết viết được nghe nhiều lần quá đâm ra thuộc lòng một số đoạn.
(1) Câu này hình như về sau mới được nhà thơ sửa lại: "Là thân sống chỉ coi còn một nửa".

Có thể nói, thơ Tố Hữu đã góp phần động viên cả một thế hệ thanh niên "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu".

PV: Xin ông cho biết một vài ý kiến về tính nhân văn trong thơ và trong con người Tố Hữu?

PQ: Muốn hiểu tính nhân văn ở một nhà thơ, phải dựa vào tác phẩm của nhà thơ đó chứ không thể nói theo cảm tính − việc mà hôm nay chúng ta không có điều kiện làm. Riêng về con người Tố Hữu, theo cảm nhận của tôi, ông là một nhà lãnh đạo kiên cường, cứng rắn, không khoan nhượng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá. Có nhiều câu chuyện đã đi vào lịch sử, ta không bàn. Nhưng trong phong cách hành xử ngày thường, Tố Hữu là một con người nhân hậu, dễ mến, giao du rộng. Với giọng nói đậm chất người xứ Huế nhỏ nhẹ dịu dàng, đôi khi hóm hỉnh nữa, anh thích vui chuyện và chuyện trò hấp dẫn. Tôi là cấp dưới của anh, anh là Trưởng Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), tôi làm ở báo Nhân Dân, tức là anh trực tiếp chỉ đạo chúng tôi, cần đi đâu làm gì anh ra chỉ thị đương nhiên là chúng tôi chấp hành, thế nhưng lần nào thư kí của anh gọi điện sang cũng bảo anh Lành muốn rủ anh đi một chuyến đến chỗ này về chỗ nọ.
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, đích thân anh gọi điện thoại: "Phan Quang ơi − nói tiếng Huế − chúng mình làm một chuyến thăm quê đi hè, hay lắm đó, vui lắm đó, về Huế trước rồi cứ túc tắc mà đi tiếp"... Đó là chuyến đi tôi từng kể lại qua bài viết Quê mẹ đã đăng trên tạp chí Hồn Việt. Máy bay đáp xuống sân bay Phú Bài, anh Tố Hữu đi thẳng luôn ra huyện Quảng Điền ở phía Bắc tỉnh Thừa Thiên thăm quê nội, quê ngoại anh. 
Đến quê ngoại ở làng Thanh Lương, anh dẫn tôi vào một ngôi nhà rường gần như bị bỏ hoang, cột gỗ còn đứng vững nhưng mái lợp bằng loại ngói cổ truyền (ngói liệt) thì hầu hết đã vỡ rơi xuống đất, bước lên vẫn nghe lạo xạo tiếng ngói dưới chân. Anh nói: "Hồi còn nhỏ, mình học với một chú em họ ở chỗ ni". Ra vườn, anh buồn buồn nhìn cái bể cạn không có nước, nhìn khóm hoa hải đường đang nở hoa, mấy cây măng cụt vẫn ra quả, rồi một cây trầu không già cỗi vẫn bám vào thân cây tầm vông mà leo tít lên trên cao để ra lá non. Sau đó sang thăm nhà bà dì. Bà dẫn anh vào một gian nhà bếp thấp, rất thấp, trong gian này chỉ có mỗi một đống tro tàn trên cái bếp lạnh tanh hình như đã lâu không dùng tới. Bà giơ chân gạt đống tro ấy sang một bên rồi cúi xuống kéo bật một cái khay hình chữ nhật, bên trong cũng đựng tro than, thấy hiện ra một lỗ đen ngòm. Đấy là cửa xuống cái hầm bí mật bà giấu và nuôi cán bộ ta đó.
Sau Thanh Lương anh sang tiếp làng Phù Lai thăm quê rồi mới về Huế. Gặp một người đàn bà, chị trách: "Sao Huế giải phóng đã lâu, đến hôm nay anh mới về?" − chị nói với một nhà lãnh đạo cấp cao mà giọng thật thân tình. Sau chuyến đi, Tố Hữu làm Bài ca quê hương:

Ôi, cơ chi anh được về với Huế
Không đợi hôm nay phượng nở với cờ...
Có hai khúc về quê nội và quê ngoại:
Cơ chi anh sớm được về bên nội
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn, Niêm Phò trơ trụi(2)
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai!

(2)  Quê bạn, làng Niêm Phò, là quê Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Cơ chi anh sớm được về bên ngoại Giữ bờ tre bến nước Thanh Lương
Thương các cậu các dì chịu khảo tra không nói Đào hầm nuôi cán bộ tháng năm trường!
PV: Gắn bó với Tố Hữu, chắc chắn ông có nhiều kỉ niệm với nhà thơ, ông có thể kể một vài kỉ niệm?
PQ: Trên đây đều là những kỉ niệm. Tôi đi công tác cùng với anh Lành nhiều lần, đến nhiều nơi, kể làm sao xiết.

Mùa đông năm 1962, một chiều thứ bảy (hồi ấy cán bộ, viên chức làm việc tuần sáu ngày, chỉ nghỉ ngày chủ nhật), anh Lành rủ tôi về Hưng Yên, thăm và làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ. Bữa cơm tối hôm ấy chỉ có ba người, anh Lành, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quý Quỳnh và tôi, vừa dùng bữa vừa bàn công việc. Cuối bữa, anh Tố Hữu mở cặp, lấy ra một bức thư, nói với anh Lê Quý Quỳnh: "Các anh đều biết, Bác Hồ năm nay tuổi đã ngoài bảy mươi, Bác vẫn làm việc rất nhiều. Đêm nào Bác cũng thức khuya, đọc thư của đồng bào gửi đến Bác, mỗi đêm đọc cả mấy chục bức của bà con trong Nam, ngoài Bắc. Thông thường, Bác ghi ý kiến vào từng bức thư, Văn phòng Phủ Chủ tịch sẽ chuyển đến các cấp, các ngành hữu quan xử lí. Đầu tuần này, Bác cho gọi tôi sang, Bác bảo Bác vừa nhận được bức thư này, Bác giao cho chú, chú phải giải quyết cho có lí có tình, tình trước lí sau − Bác nhấn mạnh."

Bức thư ấy tôi có đọc, câu chuyện đơn giản thế này thôi: Có một chị cán bộ cơ sở, thời kháng chiến từng tham gia "Đội du kích Đường 5" nổi tiếng giỏi đánh giặc Tây, chị làm tiểu đội phó. Trong tiểu đội chị, có một đội viên người cùng làng, hai anh chị có cảm tình với nhau. Hoà bình lập lại, hai họ tổ chức lễ cưới, và gia đình cho anh chị ra ở riêng. Thời gian đầu, gia đình nhỏ êm ấm nhưng ít lâu sau anh muốn chị thôi không tham gia công tác nữa mà ở nhà lo việc gia đình, nuôi gà nuôi lợn, phát triển kinh tế phụ... Nhiều lần hai anh chị cãi nhau về chuyện ấy, có lần anh đánh đập chị. Chị viết thư thưa với Bác Hồ: "Việc này cháu đã báo cáo với chi bộ, báo cáo uỷ ban. Chi bộ họp nói, bất kì lí do gì đàn ông đánh vợ là không được. Đảng viên đánh vợ: kỉ luật phê bình. Đánh vợ lần thứ hai: kỉ luật khiển trách. Còn chuyện riêng trong gia đình, hai anh chị về trao đổi và tự giải quyết với nhau. Bây giờ cháu đau khổ lắm, cháu không biết kêu ai, cháu đành viết thư lên Bác...".
Anh Tố Hữu giao bức thư tận tay anh Lê Quý Quỳnh: "Đây, bây giờ là trách nhiệm của anh, anh phải giải quyết cho có lí có tình rồi báo cáo với Bác nhé". Và cười cười anh nói tiếp: "Cả tuần nay tôi cứ lo vì công việc bận bịu quá chưa đi được, chỉ lo gặp Bác nhỡ Bác hỏi việc ấy đến đâu rồi thì không biết thưa với Bác thế nào. Vì vậy tôi rủ anh Quang tranh thủ ngày nghỉ về thăm và làm việc với anh".
Sáng hôm sau, chủ nhật, anh Lành lại tìm đến nhà Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách nổi tiếng về làm thuỷ lợi. Sau chuyến đi cuối tuần ngắn ngủi ấy, anh làm một bài thơ khá dài đăng báo Nhân Dân, có mấy câu hào hứng làm tôi ngạc nhiên, nhà thơ viết như thuở thanh xuân:

Tôi muốn hỏi như một chàng thi sĩ
Ngẩn ngơ nhìn bát ngát dải phù sa,
Rằng: Đất trời sông nước bao la
Và xuân đó, người đây tự bao giờ đẹp vậy?

Tự bao giờ? Từ khi tỉnh Hưng Yên làm tốt việc thuỷ lợi, nhờ vậy mới có nguồn nước bơm lên tưới cả bãi phù sa, biến dải cát ven sông thành bãi ngô xanh rờn bát ngát trước mắt chúng tôi kia.
Một kỉ niệm nữa. Năm 1973, sau ngày kí Hiệp định Paris lập lại hoà bình ở Việt Nam, tôi đã túc trực bên bờ sông Hiền Lương, chuẩn bị vượt qua cầu sang bờ Nam, không ngờ đến chiều 30 Tết gặp anh Lành từ Hà Nội vừa vào. Anh đang náo nức:

Sông Bến Hải bên bồi bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương
Cách ngăn mười tám năm trường
Khi mô mới được nối đường vô ra?
Bây giờ cầu lại bắc qua
Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình

Trong bữa cơm tất niên, anh nói nhỏ với tôi: "Đêm nay ba mươi Tết, mình định sang đón giao thừa ở bờ Nam sông Bến Hải để được gần quê hương hơn một chút. Phan Quang có muốn cùng đi?". Hai anh em nháy mắt nhau. Cơm xong, chiếc xe hơi anh đi trước, xe tôi bám sát theo sau trong đêm trừ tịch tối đen như mực. Thật tình tôi không biết mình sẽ tới nơi đâu. Hoá ra đến một đồng trảng cỏ tranh rậm rịt, tranh đồi đất đỏ cao lút đầu người thì xe dừng lại, ở đấy có hai cái hầm nửa nổi nửa chìm, nghe nói vốn là nơi cơ quan của Tỉnh uỷ Quảng Trị làm việc. Anh Tố Hữu vào một hầm, tôi vào một hầm khác. Và cả đêm không sao chợp mắt được tôi cứ nôn nao chờ đón giao thừa. (Hồi ấy miền Nam dùng múi giờ quốc tế GMT+8, ở miền Bắc ta dùng GMT+7, giao thừa ở miền Nam đến sớm hơn miền Bắc một tiếng). Tôi mở đài phát thanh Sài Gòn ra nghe hát cải lương, tiếp đó mở Đài Tiếng nói Việt Nam thưởng thức chương trình đặc biệt đón giao thừa, nghe nghệ sĩ Nguyễn Thị Tuyết ngâm bài thơ Tố Hữu:

Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi...
Tái hợp, huy hoàng cả Nước non!

Tảng sáng hôm sau tôi ra khỏi hầm, thấy cô Hoa con gái nhà thơ cùng đi với bố đang chải đầu. Hoa nói: "Ối trời, chú Quang! Chú ở gần đây thế mà đêm qua không sang với ba cháu. Ba cháu cứ lục sục không sao ngủ được, chỉ mong có người đến trò chuyện". Đấy là đêm hoà bình đầu tiên, nhà thơ Tố Hữu và Phan Quang, hai anh em đón giao thừa ở bờ Nam sông Bến Hải. Anh Lành người quê Thừa Thiên, tôi là dân Quảng Trị, tiếng là hai tỉnh nhưng chỉ cách nhau có mỗi một dòng sông, nước từ thượng nguồn sông Ô Lâu chảy về làm ranh giới giữa huyện Phong Điền, Thừa Thiên và huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Quê tôi ở bờ Bắc, quê anh ở bờ Nam, cách dòng ấy chẳng bao xa...

PV: Ông có nhớ một vài kỉ niệm gắn với cuốn sách này không ạ?(3)

(3)    Tập "Nước non ngàn dặm", bản in lần đầu, có bút tích của tác giả.

PQ: Nước non ngàn dặm! Sau đêm cùng đón giao thừa ở phía Nam sông Bến Hải, sáng hôm sau, anh Tố Hữu bảo tôi: "Mình phải về Hà Nội ngay, có việc cần xin ý kiến Ban Bí thư và Bộ Chính trị, nhưng đã có quyết định mình sẽ làm một chuyến vào Nam, từ đây đi dọc Trường Sơn qua Tây Nguyên vào tận Đông Nam Bộ. Phan Quang ở lại đây đợi mình nhé, sau chừng một tuần mình lại vào, và chúng mình cùng đi."
Anh Lành nói vậy nhưng hồi ấy đường sá xấu lắm, chiếc xe dã chiến tôi đi lại hỏng, phải đưa ra tận Quảng Bình mới tìm được xưởng sửa chữa. Vừa quay trở lại Quảng Trị, tôi sững sờ nghe nói anh Tố Hữu vừa vào đây sáng hôm ấy và cũng vừa đi tiếp vào Nam. Các anh ở Quảng Trị cười: "Cả ngày hôm nay anh Lành cứ giục chúng tôi tìm cho bằng được ông Phan Quang, nhưng nhà báo các anh đi biền biệt, biết nơi mô mà tìm!"
Thế là tôi hụt mất chuyến đi! Mấy tháng sau, khi Nhà xuất bản Giải phóng in xong cuốn Nước non ngàn dặm, sách khổ nhỏ cho tiện bỏ vào túi áo, bên trong có nhiều minh hoạ đẹp. Anh cho tôi một bản: "Tặng anh Phan Quang, bạn đường yêu mến − Tố Hữu, 1973". Tôi nói: "Bạn đường đâu anh, bạn hụt!" Anh cười: "Hụt chuyến này ta làm chuyến khác, chuyến sau ông với tôi, chúng mình về thăm quê đi, Phan Quang hè!".


Kim Thư thực hiện, tháng 6–2020