Chất Trữ Tình Trong Thơ Tố Hữu
- Phỏng vấn Nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang − Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết
Phóng viên (PV): Nhà thơ Tố Hữu rất ít làm thơ tình, trong sự nghiệp thơ ca của ông chỉ có một số bài hiếm hoi được coi là thơ tình, đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến bài “Mưa rơi”. Từ cái nhìn của một nhà thơ tình hiện đại, anh cảm nhận như thế nào về chất trữ tình và sự lãng mạn trong bài “Mưa rơi”?
Hồng Thanh Quang (HTQ): Đã là nhà thơ thì ai cũng lãng mạn. Bản chất của việc sáng tạo thi ca là lãng mạn. Và nhà thơ Tố Hữu ngay từ những dòng thơ đầu tiên của mình thời trẻ cũng đã hết sức lãng mạn như rất nhiều nhà thơ, có điều sự lãng mạn của nhà thơ Tố Hữu đã được tập trung vào cuộc đấu tranh cách mạng mà ông lựa chọn làm lẽ sống của đời mình. Trong cuộc đấu tranh cách mạng ấy, Tố Hữu luôn xác định dùng hồn thơ lãng mạn của mình để phục vụ các mục tiêu chiến đấu, giải phóng dân tộc, giải phóng người nghèo, hướng tới những lý tưởng nhân văn chung của con người. Nhưng dù rất say mê, nhiệt huyết với cuộc chiến đấu cách mạng của mình, Tố Hữu vẫn không thể không viết những dòng thơ thuần túy của tình yêu đôi lứa như bài “Mưa rơi”. Đọc hồi ký của nhà thơ Tố Hữu chúng ta thực sự rất cảm động với tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa nam và nữ của nhà thơ Tố Hữu với cô Thanh. Có điều đấy là những con người có tinh thần giác ngộ cách mạng rất cao. Họ biết quên đi những chuyện cá nhân, nhưng dù quên chuyện cá nhân họ vẫn không thể nào giấu được cái tình cảm cá nhân trong những câu thơ lãng mạn như bất cứ một nhà thơ lãng mạn nào ở thời đó:
Mưa rơi đầm lá cọ
Mái tóc em ướt rồi,
Đôi má em bừng đỏ
Muốn hôn quá... mà thôi
Tố Hữu ở cương vị công tác của ông, đã không công bố ngay rộng rãi bài thơ đó và ông coi đấy như một sự riêng tư. Mãi sau này, tôi nhớ hình như đến cuối những năm 80, đầu những năm 90, bài thơ này mới được truyền bá qua phổ nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn, cũng là người của Bình Trị Thiên và khi được công bố rất rộng rãi, nhiều người cảm thấy bất ngờ. Riêng tôi không thấy bất ngờ. Tôi thấy đó là một dòng chảy hết sức logic của hồn thơ Tố Hữu. Sở dĩ ông không công bố nhiều, không viết nhiều thơ lãng mạn không phải vì không viết được mà vì ông biết kìm nén trái tim, kìm nén “tình riêng” để làm những việc lớn hơn cho Đảng, cho cách mạng. Điều này về mặt nhân sinh tôi thấy rất cao cả. Làm nhà thơ hôm nay, khi đọc lại những bài thơ như “Mưa rơi” của nhà thơ Tố Hữu tôi càng khâm phục hơn và càng thông cảm hơn, càng thấy trong sáng tạo thi ca thực sự có những nhân cách lớn. Họ biết hy sinh, biết quên cá nhân mình cho những việc chung, cho những việc lớn hơn. Đó là điều khiến chúng ta, buộc chúng ta, những người đi sau phải có một cái nhìn công bằng, khách quan, thấu đáo hơn về các bậc tiền bối. Với tôi thì hồi bé tôi đã được học thơ Tố Hữu, hồi trẻ tôi đọc rất nhiều thơ Tố Hữu, nhớ nhiều thơ Tố Hữu, nhưng càng đứng tuổi tôi càng cảm thấy mình càng gần gũi với ông hơn, càng cảm thấy trong thơ của Tố Hữu có nhiều điều tâm huyết với mình hơn. Và tôi nghĩ đấy cũng là một nguồn năng lượng tinh thần tích cực rất tốt, rất thú vị đối với cá nhân tôi, với tư cách là một người đọc, với tư cách là một người Việt Nam bình thường và với tư cách là một người cũng làm thơ.
PV: Với anh thì câu thơ hay bài thơ nào của nhà thơ Tố Hữu đã gắn bó, ảnh hưởng sâu sắc mà anh tâm huyết nhất?
HTQ: Nếu gọi là câu thơ tôi ấn tượng nhất vẫn là câu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Câu thơ ấy nói rằng, đất nước này tồn tại được, đất nước này được bảo vệ như hiện nay bao giờ cũng do có một lớp trẻ luôn hướng tới cái tinh thần mà nhà thơ Tố Hữu đã viết. Tức là con người ta khi đất nước lâm nguy sẵn sàng chết không lo lắng, chết mà vẫn “phơi phới dậy tương lai” chứ không phải chết vì bi quan, chết vì cùng đường. Tôi nghĩ những câu thơ ấy của Tố Hữu sẽ còn soi sáng đất nước này, sẽ còn soi sáng những trái tim yêu nước của các thế hệ trẻ. Và tôi nghĩ rằng không nên và cũng không cần phải bình luận kỹ, sâu về những giá trị ngôn từ, chỉ cần riêng ngọn lửa tinh thần ấy thôi, thì câu ấy đã có thể khắc vào lịch sử đất nước Việt Nam. Câu ấy có thể sánh với những câu “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư”, câu ấy thua gì những câu trong Bình Ngô đại cáo, câu ấy thua gì những câu của Nguyễn Đình Chiểu: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ hơn là có mắt ông cha không thờ”… Câu ấy không thua bất cứ một câu thơ khêu gợi tinh thần ái quốc nào. Câu ấy cũng đầy cảm xúc như câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ “Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Câu thơ ấy vượt trội lên bởi vì nó thực sự rất rõ ràng và nó có lửa trong đấy. Tôi là một nhà thơ chủ yếu viết thơ tình. Tôi đọc rất nhiều thơ của tiền chiến, tôi thuộc nhiều thơ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Nhưng hôm nay ở cái tuổi gần 60 này thì câu thơ tôi nghĩ đến, câu thơ hằn trong trái tim tôi nhất vẫn là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
PV: Tôi nghĩ rằng những câu thơ ấy không chỉ gắn với thời cuộc. Ngay cả bây giờ có những vần thơ của Tố Hữu đọc lại vẫn nguyên giá trị như trong bài “Ta đi tới”: “Lòng ta chung một Thủ đô/ lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”
HTQ: Tôi nghĩ những bài như “Ta đi tới” hay trường ca Việt Bắc chẳng hạn có quá nhiều câu thơ đã trở thành kinh điển. Ngay cả trong thơ lục bát thuần túy về thiên nhiên đất nước thì Tố Hữu cũng có những câu thơ thuộc loại hàng đầu của kho tàng thi ca Việt Nam. Thí dụ như thế, những câu thơ nó mang tính khải huyền vẫn có. Ngay cả trong những bài thơ cuối đời của nhà thơ Tố Hữu cũng đầy sự tha thiết và vẫn là một sự nhói lòng đối với những thế hệ mai sau. Đó cũng là một sự trải nghiệm mà những thế hệ trẻ bây giờ rồi sẽ có lúc phải trải nghiệm như thế trên con đường đi tìm chân lý. Trên con đường cách mạng thì ngay cả sự xót xa đôi lúc gần như cay đắng của một nhà thơ lớn Tố Hữu cũng có ích cho chúng ta hiểu rằng: Những danh nhân người ta phải chịu như vậy thì những khó khăn, những khúc mắc, thậm chí đôi khi những cái tuyệt vọng của chúng ta có nghĩa lý gì? Và chúng ta, dựa vào những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ngay cả ở giai đoạn tưởng chừng như ông đang có nhiều nỗi niềm nhất vẫn có thể nạp lại năng lượng tinh thần cho mình để vượt qua những khó khăn, những khúc mắc, những điều mà đôi khi chúng ta cũng phân vân chưa hiểu. Đây cũng là một giá trị của thơ Tố Hữu. Tôi nghĩ thơ Tố Hữu ở bất cứ giai đoạn nào, ở bất cứ góc độ nào, ở bất cứ cung bậc cảm xúc nào cũng đều có tác động tích cực đối với người đọc. Bời vì ông là một nhà thơ lớn, nhà thơ lớn là nằm ngoài mọi sự đánh giá khác nhau của nhân quần. Nhà thơ lớn là người chịu đựng tất cả mọi thứ, kể cả bi kịch lớn để cho mọi người soi vào và trên cơ sở soi vào đấy để mọi người tự điều chỉnh mình, để vượt qua những khó khăn đang phải trải qua và sẽ phải trải qua.
PV: Theo anh, đâu là di sản lớn nhất mà Tố Hữu đã để lại cho hậu thế hôm nay?
HTQ: Với tư cách nhà thơ, Tố Hữu đã để lại một di sản văn học rất lớn. Đó là tấm gương phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng, đầy lãng mạn và hoàn toàn không đơn giản của đất nước trong cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất Tổ quốc. Đó là một giai đoạn của sự gieo mầm và phát triển những tư tưởng cách mạng tích cực, có ích cho chúng ta không chỉ trong thời chiến mà cho cả giai đoạn hiện nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tất cả những tác phẩm văn học của Tố Hữu nếu được nghiên cứu thấu đáo và được đánh giá từ góc độ tích cực, đúng đắn thì vẫn có tác dụng rất lớn cho cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. Đó vẫn là chỗ dựa tinh thần, đó vẫn là cái điều mà chúng ta cần tựa vào, cùng song hành để thực hiện những nhiệm vụ nhân sinh, những nhiệm vụ kiến tạo mới cho đất nước và cho chính cuộc đời của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời mình thì mỗi người Việt Nam, mỗi một độc giả, mỗi một người biết tiếng Việt đều có thể tìm thấy trong thơ Tố Hữu những câu trả lời, những năng lượng tích cực, những ý tưởng, những sự gợi ý để chúng ta cùng giải quyết những phức tạp, vượt qua những khó khăn thử thách mà chúng ta có thể vấp phải. Và tôi nghĩ nhân dịp 100 năm kỉ niệm ngày sinh của nhà thơ lớn Tố Hữu, một lần nữa để dân tộc ta cùng nhau, trên cơ sở những tác phẩm văn học bất hủ của ông, xốc lại đời sống tinh thần của mình, loại bỏ bớt đi những cảm xúc tiêu cực, những sự phân vân vì một thực tại còn rất nhiều bề bộn để chúng ta nhìn thấy rõ hơn con đường chúng ta cần đi, để chúng ta nhìn rõ hơn những di sản quý báu mà các thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta trên con đường phát triển đất nước, phát triển dân tộc, tiến tới những mục tiêu vĩnh cửu của bất cứ một dân tộc, của bất cứ một đất nước văn minh nào; xây dựng Việt Nam xứng đáng là một nơi cư trú tốt nhất cho những người Việt.