Từ Ấy – Tiếng Hát Của Một Người Thanh Niên, Một Người Cộng Sản
- Hoài Thanh
Chúng ta còn nhớ hơn hai mươi năm trước, khi thơ Tố Hữu mới ra đời, nó đã được lớp thanh niên hồi đó hoan nghênh như thế nào. Chính do sự hoan nghênh ấy mà tuy vào đầu 1939 nhà thơ bị đế quốc cầm tù nhưng đế quốc đã không cầm tù nổi lời thơ. Nhiều anh em trong tù vẫn thuộc thơ Tố Hữu nên mỗi lần đế quốc chuyển anh em từ nhà lao này qua nhà lao khác là thơ Tố Hữu cũng được chuyển đi theo. Vì vậy, có những bài thơ Tố Hữu làm trong các nhà tù miền Trung mà ở Sơn La anh em cũng thuộc. Từ nhà tù, thơ Tố Hữu được truyền ra ngoài, được lưu truyền đi bằng mọi cách. Có bài viết bằng kim găm trên lá gội, có bài được ghi bằng những dòng chữ li ti trên giấy thuốc lá:
Roi điện cùm xai toé máu tươi
Xà lim không thể khoá hồn người
Bừng bừng tiếng hát rung song sắt
Tiếng hát ta bay lộng giữa đời...
Tiếng hát ấy đã đi sâu vào trong lòng xã hội Việt Nam hồi bấy giờ, ngấm ngầm phá hoại các thứ thành trì của chế độ thực dân. Bạn Trần Đình Tuấn, trong một bài gửi đến báo Văn học, kể chuyện lúc nhỏ thường được nghe người anh ngâm hai câu:
Bâng khuâng đứng trước đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?
tức là hai câu rút trong bài Dậy lên thanh niên của Tố Hữu làm hồi tháng 5 – 1940 ở lao Thừa Thiên. Thế rồi một sáng ngủ dậy, bạn Tuấn không thấy người anh ở nhà nữa: anh đã đi theo cách mạng.
Sau khi Tố Hữu vượt ngục, đế quốc dán ảnh của nhà thơ ở các nhà ga, cổng huyện để lùng bắt. Mặc dầu vậy, giữa lúc đó thơ Tố Hữu vẫn len ngay vào nhà trường, vẫn được kín đáo trích dẫn trong các bài luận quốc văn của học sinh mà địch không thể nào kiểm soát hết được.
Cách mạng tháng Tám thành công. Thơ Tố Hữu được công khai giới thiệu với mọi người. Nó đi vào nhà trường với các em học sinh, đi ra mặt trận với các anh bộ đội, các chị dân công, đi xuống cả những hầm bí mật của người cán bộ địch hậu. Nó được in lại ở khu học xá và ở nhiều nơi. Trong lúc đó, Tố Hữu tiếp tục làm thêm nhiều bài khác, những bài sau này sẽ được in trong tập Việt Bắc đánh dấu một bước tiến mới của nhà thơ. Người ta có thể tưởng trong hoàn cảnh mới, đối với những bài thơ thời niên thiếu của Tố Hữu, thái độ của công chúng ít nhiều sẽ có nhạt đi. Nhưng mà không. Cũng những bài thơ đó lần này in lại trong tập Từ ấy đã được hoan nghênh nhiệt liệt. So với hồi 1946, nhiệt tình của công chúng lần này rõ ràng lại còn hơn. Nhà xuất bản Văn học in một lần vào đầu tháng 6 – 1959. Hơn ba vạn quyển sách chỉ phát hành trong ba tuần là hết. Riêng ở Hà Nội chỉ trong hai ngày các hiệu sách không còn một quyển. Công chúng đòi hỏi gắt quá. Phải in thêm một lần nữa vào tháng 10 – 1959. Cũng trên ba vạn quyển. Vẫn chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi của người đọc. Sở Phát hành Trung ương cho biết nếu căn cứ vào yêu cầu của các địa phương thì còn phải in thêm độ trên ba vạn nữa. Việt kiều xa Tổ quốc được tặng Từ ấy lấy làm quý báu vô cùng. Trai gái yêu nhau lấy Từ ấy làm vật lưu niệm. Nhiều người mua Từ ấy và giữ gìn cẩn thận để đến ngày thống nhất sẽ tặng người thân thích ở miền Nam. Nhiều người phàn nàn tập thơ in chưa được đẹp, hình thức chưa xứng với nội dung.
Tác giả và các toà báo nhận được hàng trăm bức thư nói lên nhiệt tình của bạn đọc đối với tập thơ. Các trường học, các cơ quan, các hội nghị ở đâu cũng muốn được nghe nói chuyện về Từ ấy và hễ có tổ chức nói chuyện là không đủ chỗ cho người nghe. Đọc thơ chưa đủ, đọc đến thuộc lòng, người ta vẫn thấy chưa đủ, người ta muốn hiểu cho hết cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của các bài thơ. Báo chí liên tiếp đăng những bài phê bình và trao đổi ý kiến. Giới nghiên cứu văn học có những cuộc họp thảo luận sôi nổi về tập thơ Từ ấy.
Trong những ý kiến phát biểu trên báo và trong các cuộc họp cũng có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng về giá trị to lớn của tập thơ thì mọi người đều nhất trí.
Do đâu mà có một sự hoan nghênh nhiệt liệt như vậy? Do đâu mà những vần thơ ra đời trước kia phần lớn là trong hoàn cảnh mất nước, đến nay còn có sức lôi cuốn người ta như vậy giữa lúc chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội? Có người nói người ta hoan nghênh tập thơ Từ ấy cũng như người ta hoan nghênh những hồi kí của các đồng chí chiến sĩ cách mạng trong dịp kỉ niệm ba mươi năm thành lập Đảng đều là do người ta khao khát muốn hiểu chủ nghĩa cộng sản, muốn hiểu người cộng sản, muốn sống như người cộng sản. Tôi cũng nghĩ như vậy mặc dầu hoan nghênh những câu chuyện và hoan nghênh những bài thơ vẫn có chỗ khác nhau. Dầu sao, vấn đề chủ yếu ở đây không phải là vấn đề nghệ thuật mà là vấn đề nhân sinh quan, vấn đề lẽ sống. Cái sức hấp dẫn của Từ ấy trước hết là cái sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản, của nhân sinh quan cộng sản. Điều ấy, một bạn công nhân Hải Phòng, bạn Hoài Ngọc, đã nói lên rất đúng. Cũng trong một bức thư gửi báo Văn học, bạn Hoài Ngọc viết: "Từ ấy đến với tôi như một người bạn thủ thỉ bên tai trong lao động và cả trong giấc mơ nữa vì Từ ấy là bó đuốc soi đường cho đời tôi mãi mãi".
Tiếng nói ấy đã thủ thỉ bên tai biết bao nhiêu người từ hơn hai mươi năm nay. Tiếng nói ấy giờ đây chúng ta vẫn còn muốn nghe mãi. Chẳng những ở miền Nam là nơi Mĩ – Diệm đang dùng bạo lực và gian trá để làm cho mơ hồ phải trái, lẫn lộn trắng đen; ngay ở miền Bắc, con đường chúng ta đi cũng không phải đã luôn luôn bình yên vô sự. Chúng ta đang sống giữa những biến chuyển lớn. Với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, cuộc đời ở thành thị cũng như ở nông thôn đang thay đổi đến tận gốc. Thay đổi từ trong hành động, trong suy nghĩ, cả trong những ước mơ. Trước đây, mấy ai không mơ ước cho mình hay mơ ước để lại cho con một cửa hàng, một ngôi nhà, một con trâu, mấy đám ruộng, không nữa cũng một mảnh bằng, tóm lại là một cuộc sống riêng no đủ, yên vui trong một thế giới mà người ta cũng dư biết là không lấy gì làm yên vui cho lắm. Các thứ mơ ước ấy đang càng ngày càng mất hết gốc rễ trong thực tế và đang được thay thế dần bằng cái mơ ước lớn nhất của loài người từ xưa đến nay là mơ ước xây dựng một cuộc sống công bằng và tràn đầy hạnh phúc cho tất cả mọi người. Các thứ mơ ước cũ không những rất bé nhỏ mà thường lại cũng chỉ là những mơ ước hão huyền trong hoàn cảnh tàn khốc trước đây. Tuy vậy, nó đã thành nếp từ lâu và không phải dễ dàng mà gạt bỏ. Cho nên vẫn có một sự dằn vặt trong từng con người.
Người ta hăm hở tiến bước, người ta muốn dốc toàn lực để cùng nhau làm chủ tương lai nhưng thỉnh thoảng lại như tiếc nuối một cái gì, tiếc một sự ngẫu nhiên không thể có, tiếc một chút huyền bí nào đó trong cuộc đời – hoặc trắng trợn hơn, ít nên thơ hơn – tiếc không còn có thể mơ những chuyện đặc quyền, đặc lợi. Ngay những người nghèo khổ trên con đường đi tới có khi cũng nẩy ra chút mơ ước vẩn vơ. Còn nói chi những người phải cắn răng lại mới gỡ mình ra khỏi những thói quen giả dối và bất công của cuộc đời cũ.
Có thể nói trong mỗi chúng ta, tương lai và quá khứ, cái mới và cái cũ đấu tranh gay go và tuy nói chung cái mới đang ở trên đà tất thắng nhưng rõ ràng không phải lúc nào cũng thắng, và nhất là không phải lúc nào cũng thắng được dễ dàng. Giữa lúc đó thì những bài thơ đầu của Tố Hữu trở về với chúng ta như những người lính xung trận đã dạn dày chiến đấu, đã dẫn dắt bao nhiêu người xông pha lửa đạn, vượt thử thách gian nguy. Chúng ta quý vô cùng sức viện trợ ấy.
Vậy Từ ấy nói những gì, ca hát những gì?
TIẾNG HÁT YÊU THƯƠNG
Trước hết là một tiếng hát yêu thương, một niềm yêu thương vô hạn đối với những con người bị cuộc đời hắt hủi, đày đoạ: một ông lão đày tớ, một chị vú em, một cô gái giang hồ, một người Thượng già và cả anh lính canh tù. Nhưng thương nhất là những em bé, những em mồ côi, lưu lạc, đi ở, đi đàn dạo, đi bán rong. Nói đến các em, lời thơ Tố Hữu có khi nghẹn ngào như muốn khóc:
Con chim non không đợi chờ cánh mọc
Cơ khổ em mới ngần ấy tuổi đầu!
Ai mà quên được hình ảnh tội nghiệp của em Phước hôm bị chủ nhà đuổi:
Em len lét, cúi đầu, tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi, lời đay nghiến(1) nặng nề
Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ.
(1) Đay nghiến: Trước đây là day dứt, sau tác giả sửa lại.
Cũng không ai quên được câu chuyện Một tiếng rao đêm. Ở các thành phố của ta ngày xưa có rất nhiều tiếng rao. Có những tiếng rao đêm, nghe thê thiết, xót xa như những tiếng kêu cứu, những tiếng kêu thương vút lên từ trong lòng cuộc đời cơ cực. Chính một tiếng rao như thế đã vọng đến tai nhà thơ, một đêm mùa đông 1941, lúc anh bị nhốt ở xà lim Quy Nhơn. Tiếng rao của một em gái bé giọng ngân "còn vương vấn dại khờ" và non yếu quá đi. Tiếng rao nhói vào tim gan người trong ngục. Anh nói như trong một giấc mê:
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi...
Tường xà lim không ngăn nổi tình thương. Anh nghe cả tiếng chân bước, anh thấy cả dáng người:
Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Lạnh làm sao trên ngực em bé và trong lòng nhà thơ!
Những cảnh đói rét của trẻ em và người lớn ở miền Bắc càng ngày càng ít chẳng mấy chốc nữa sẽ thuộc hẳn về dĩ vãng. Nhưng ở miền Nam và nhiều nơi trên thế giới thì còn đầy rẫy. Và cũng không phải chỉ có đói rét mà thôi. Cảm ơn nhà thơ đã giúp ta càng thấm sâu mối tình đồng bào, mối tình nhân đạo. Bởi vì nếu trước những cảnh như cảnh em bé Quy Nhơn này mà một lúc nào đó chúng ta không thấy nhói trong lòng, không lấy làm băn khoăn suy nghĩ, không tính liệu làm sao đây để thay đổi tình trạng ấy đi thì có thể nói đó là một tình hình đáng ngại.
Trong văn học, chúng ta vẫn lưu truyền từ đời này qua đời nọ những tiếng nói yêu thương:
Thương người tất tả ngược xuôi
Thương người lỡ bước thương người bơ vơ.
- Khuyết danh
Đau xót nhất là tiếng nói của Nguyễn Du, cũng nói về những em bé:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Tố Hữu đã kế tục những tiếng nói ấy theo phong cách riêng của quê anh: Tôi nhớ lại mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thư, một nhà thơ khác cũng người Huế sau này bị Pháp giết trong kháng chiến:
Mấy bữa trông trời bớt nhớ thương
Chim say nắng mới hót inh vườn.
Và:
Gió xao trăng động hương cành,
Trông ra mấy dặm liễu thành thương thương.
Một chữ "thương" trở đi trở lại trong lời thơ. Trong câu chuyện của người Huế, chữ "thương" với cái nghĩa là yêu thương cũng thường trở đi trở lại như vậy. Cố nhiên không phải chỉ nói mà thôi, trong quan hệ đối với người và cả với cảnh, với vật nữa cũng rất đậm đà cái tình yêu thương ấy. Cho nên tiếng nói yêu thương của thơ Tố Hữu là một tiếng nói rất Việt Nam mà cũng rất Huế.
Nhưng chủ yếu vẫn là tiếng nói của thời đại, một thời đại ngày càng rực sáng chân lí của chủ nghĩa Marx – Lenin. Tố Hữu không bao giờ có cái nhìn từ trên nhìn xuống. Tình yêu thương của anh là tình cưu mang lẫn nhau giữa những người cùng bị cuộc đời hắt hủi:
Nhìn anh không chớp mắt
Em chẳng nói năng gì
Hai đứa con phiêu bạt
Bữa ni thành tương tri...
Tình yêu thương ấy ngay trong những bài thơ đầu đã rõ ràng là tình hữu ái giai cấp. Đành rằng lúc này chưa phải Tố Hữu đã đi được sâu vào công nông lắm. Nhưng dứt khoát không phải là một thứ yêu thương chung chung. Yêu thương những người này có nghĩa là không yêu thương những người khác. Ví dụ: dứt khoát là không yêu thương cái đám "áo gấm hài nhung cánh phượng bay".
Hơn nữa, yêu thương ở đây gắn liền với uất hận:
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy, trong lồng xương ống máu
Lại cũng bởi là tình giai cấp nên nó không tự giới hạn mình trong một nước. Tinh thần quốc tế chưa đến độ chín như sau này trong bài Em bé Triều Tiên, trong Bài ca tháng Mười; nhưng Tố Hữu cũng đã lắng nghe cả tiếng nức nở của những người đàn bà Nhật, Đức, Ý, và những người đàn bà khác trên thế giới, đã theo dõi bước đi của họ ra nơi chiến địa, tưởng như đang cùng họ cời gạch ngói lên tìm những con người:
Ngày xưa trong tay mẹ
Nằm ngủ giấc mơ êm
Ngày xưa còn thơ bé
Ríu rít như đàn chim.
mà bây giờ chỉ còn là những xác chết. Anh không nệ họ là người nước nào:
Sông núi có biên cương
Biển trời dầu giới hạn
Đâu cản được tình thương.
Tình yêu thương mở rộng ra như vậy không những không trở nên viển vông mà lại càng thêm tích cực. Nó không phải là một thứ tình suông. Nó đã là nhiệt tình cách mạng. Nếu chúng ta nhớ lại hồi bấy giờ trong công tác tư tưởng Đảng nhấn mạnh như thế nào về quan điểm giai cấp, quan điểm quốc tế, chúng ta sẽ thấy rõ thơ Tố Hữu ngay từ hồi đầu đã mang dấu son của phong trào cộng sản ở Đông Dương và cả trên thế giới.
Cho nên một hình thức chủ yếu của tình yêu thương ấy là tình yêu thương đối với đồng chí, với quần chúng, đối với những người gọi là "bạn đời", theo một danh từ riêng của Tố Hữu. Tình đồng chí trong thơ Tố Hữu thật đậm đà. Chính mối tình ấy đã sưởi ấm cả bầu trời của anh lúc anh mới bước chân vào cách mạng:
Ồ vui quá! Rộn ràng trên vạn nẻo
Bốn phương trời và sau dấu muôn chân
Cũng như tôi, tất cả tuổi đương xuân
Chen bước nhẹ trong gió đầy ánh sáng
Đời đẹp quá:
Không gian hồng như giấc mộng đê mê
Tim bồng bột hát những niềm hi vọng(1)...
(1) Trước đây là Tim bồng bột hát những lời âu yếm, tác giả sửa lại vào tháng 1 – 2001.
Nhưng đời đẹp chính vì đời thắm tình đồng chí. Tố Hữu bước vào cách mạng như bước vào một mối tình đầu và chắc chắn anh cũng đã cảm thấy như trong hai câu thơ của Thế Lữ:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.
Dầu sao bước chân vào tù anh nhớ quá đi:
Nhớ bạn đời trai trẻ dậy xuân tươi
Trong nét rắn của thân hình vạm vỡ
Nhớ những mắt thơ ngây nhìn bỡ ngỡ
Dưới hàng mi mở rộng chân trời hồng...
Trong một thời thơ văn không biết nhớ ai khác ngoài nhớ em và chữ em cũng không có nghĩa nào khác ngoài cái nghĩa người yêu, người ta có thể hơi ngạc nhiên vì nhớ ở đây lại không phải là nhớ người yêu. Nhưng lời thơ vẫn chứa chan một mối tình thiết tha sâu sắc:
Cháy lòng ta nỗi nhớ bạn đời ơi!
Chim trên mái kêu nhau về tổ ở
Chừ đây một mình ta sau cánh cửa
Đi vẩn vơ theo bốn vách xà linh
Ôi cô đơn thấm lạnh cả tâm tình.
Anh nhớ đồng chí, anh nhớ đồng bào. Trong tình yêu thương nồng nàn ấy, anh đã sáng tạo ra một hình ảnh tuyệt vời của cuộc khởi nghĩa Nam Kì, hình ảnh bà má Hậu Giang. Lúc đó anh ở trong ngục, trước đó anh cũng chưa hề đi vào Nam Bộ bao giờ, thế mà hình ảnh bà má mới cụ thể, sinh động và hùng vĩ làm sao!
Tình yêu thương ở đây đã tập trung đến cao độ. Nhưng không đợi phải gặp được người anh dũng như bà má Hậu Giang mới yêu thương. Anh yêu thương cả đến người lính coi tù. Anh muốn yêu thương tất cả. Trên con đường đi đày từ Quy Nhơn lên chốn núi rừng heo hút, anh muốn nhìn mãi những con đường, những ngôi nhà, những người qua lại. Người nào anh cũng thấy như quen thân tự bao giờ. Thực ra nào anh có quen biết ai. Nhưng không quen biết cũng vẫn yêu thương. Xe đi xa, anh thấy buồn vô hạn:
Xa rồi bóng dáng yêu thương cũ
Nhạt nhạt ngàn xa buồn cô liêu.
Tiếng hát đi đày là tiếng hát phấn đấu, tiếng hát căm thù nhưng cũng là tiếng hát yêu thương, tiếng hát khao khát tình người của Tố Hữu.
Yêu người thì đã vậy, còn yêu nước? Nhưng yêu nước chủ yếu cũng là yêu người. Mà yêu người có nội dung giai cấp, khác với quan niệm của các sĩ phu lớp trước. Duy có điều trong thời kì đầu Tố Hữu tuy yêu nước mà ít nói đến yêu nước. Phải chăng vì mục tiêu đấu tranh trước mắt lúc bấy giờ chưa phải là giành độc lập mà là giành tự do, cơm áo, hoà bình? Đến khi mục tiêu đấu tranh trước mắt thay đổi thì trong ý thơ, lời thơ cũng có sự thay đổi. Từ sau khi đại chiến thế giới bùng nổ, nhất là sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh, chủ đề yêu nước thường được nhắc đi nhắc lại trong thơ Tố Hữu. Và cũng đã có những lời thơ thắm thiết như khi một mình lủi thủi trong đêm ba mươi Tết đầu năm 1943 trên cánh đồng Thanh Hoá, anh bỗng thấy:
Xóm làng phảng phất quê hương
Nước non man mác tình thương mặn nồng.
Nhưng trời mưa rét mà đây đó có tiếng pháo giao thừa, anh dừng chân lại:
Nép lưng vào miếu tranh nghèo,
Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng.
Cũng năm ấy, trong một nhà tù ở Quảng Tây, đồng chí Hồ Chí Minh đêm khuya không ngủ được:
Một canh... hai canh... lại ba canh...,
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành.
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh(1).
(1) Thuỵ bất trước, trích Ngục trung nhật kí, thơ của Hồ Chí Minh, bản dịch của Viện Văn học.
Hai người ở hai phương trời khác nhau, trong hai hoàn cảnh khác nhau, mà đều mơ theo lá cờ của cách mạng và đều ghi được giấc mơ của mình trong hai bài thơ. Nếu gọi là ngẫu nhiên thì quả là một sự ngẫu nhiên kì diệu. Nó báo hiệu những ngày vinh quang sắp đến.
Tình yêu nước trong tập thơ Từ ấy càng về cuối càng nồng thắm. Tuy vậy vẫn chưa đạt được cái mức sâu sắc như trong những bài thơ làm từ kháng chiến về sau:
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt.
Trong những câu ấy tựa hồ như không nói gì đến kháng chiến, nhưng thực ra, phải trải qua kháng chiến, trải qua cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của toàn dân mới có được những lời thơ say sưa như thế. Sau này, có khi Tố Hữu chỉ ném ra những chữ rút trong khẩu hiệu, những chữ có sẵn, những chữ tưởng như đã mòn hết phần tình cảm, thế mà câu thơ sâu sắc lạ thường:
Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám mùa thu xanh thắm
Mây nhởn nhơ bay Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!
Chưa bao giờ trong thơ văn được nghe cái tên của Tổ quốc chúng ta ấm áp và ngọt ngào như vậy. Cũng chưa bao giờ cái khẩu hiệu đấu tranh hiện giờ của chúng ta trở nên tha thiết và thiêng liêng như khi Tố Hữu làm lời những người đã hi sinh ở Phú Lợi:
Đồng bào ơi, anh chị em ơi!
Sống, chúng tôi mong được sống làm người
Dù phải chết, mà còn trời còn đất
Mà Tổ quốc ta hoà bình, thống nhất
Một điều chúng ta có thể lấy làm lạ là trong Từ ấy, đột nhiên cũng có cái giọng tha thiết ấy trong bài Bà má Hậu Giang. Bà má thét vào mặt địch:
Con tao gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh như rừng tràm thơm.
Đành rằng cây tràm, cây đước có từ bao giờ ở bưng biền Nam Bộ, nhưng từ 1941 làm sao đã có thể ngang nhiên đi vào thơ văn như vậy? Thực ra phải có cuộc kháng chiến mới đem lại được vinh quang ấy, vẻ đẹp ấy cho cây cỏ xứ ta cũng như cho từng anh chị em chúng ta. Sau đó, bà má bị giết. Nhà thơ nghe cả tiếng thét của má nửa chừng đứt tiếng, anh kêu lên:
Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!
Một dòng máu đỏ lên trời
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!
Và liền đó là một lời thơ nghe khác khác:
Nước non muôn quý ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang.
Làm sao từ hồi ấy đã có cái giọng tha thiết ấy trong thơ? Có cái gì phảng phất như mấy câu thơ về Phú Lợi:
Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước
Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu
Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều
Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát
Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát!
Có cái chuyện chết oan, chết ức ở Phú Lợi, mới có cái giọng thiết tha đến đau xót ấy trong thơ. Tôi hỏi nhà thơ. Đúng là mấy câu này mới làm thêm trong khi chữa lại.
Có người đặt vấn đề: chữa lại như vậy có nên không? Chữa lại như vậy có hại gì cho tính chân thực của bài thơ không? Riêng trong trường hợp bài Bà má Hậu Giang một điều rõ ràng là nếu trong bài thơ thiếu mất mấy câu này thì uổng quá. Vả chăng hai mươi năm trước chưa có lời ấy, giọng ấy là chỉ vì chưa tìm ra được chứ không phải vì nó có gì không hợp với thực tế hồi bấy giờ. Cái chết của bà má Hậu Giang và cái chết trong trại giam Phú Lợi trên thực tế cũng chỉ là một mà thôi.
Trong mối tình mặn nồng đối với đất nước, Tố Hữu đã dành một vị trí đặc biệt cho xứ Huế, mảnh đất quê hương. Có lần anh nói:
Ta nện gót trên đường phố Huế
Dửng dưng không một cảm tình chi!
Nhưng đó chỉ là chuyện giận cá chém thớt hay đúng hơn một cách nói dỗi, nói cho quá đi vậy thôi. Ghét là ghét triều đình Huế. Nào có phải ghét Huế đâu. Ngay trong bài thơ gọi là Dửng dưng ấy, cũng đã có những hình ảnh yêu kiều mà nếu quả thật là dửng dưng thì không sao ghi lại được:
Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai...
Hình ảnh sông Hương, hình ảnh xứ Huế còn được gợi lên rất hữu tình trong một số bài thơ hồi đó. Nhiều khi không có nhắc tên nhưng ai đã biết Huế vẫn không thể lầm được. Sau này trong bài Ta đi tới, khi nói đến Huế giờ đây ở bên kia giới tuyến, lời thơ bỗng có một chút gì như thắt lại:
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng...
Tố Hữu còn làm cả một bài thơ dài gửi nhớ thương về quê mẹ. Anh gợi lại cái cảnh quen thuộc biết mấy đối với anh những năm còn nhỏ tuổi:
Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng
Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi...
Anh nhắc lại cả tiếng hò, tiếng hát thân yêu:
Tiếng hát đâu mà nghe nhớ thương
Mái nhì man mác nước sông Hương.
Khó có thể nói một cách nào khác cho đúng hơn cái phong vị riêng của xứ Huế! Huế là một nơi từ hình thế của núi sông, màu sắc của cây cỏ, đến cốt cách, dáng điệu của con người, đến tiếng đàn giọng hát, đều có một vẻ gì dịu dàng, thuỳ mị, như muốn vỗ về, mơn trớn người ta, ai đã tiếp xúc một lần khó mà quên cho được. Có lẽ tất cả những cái đó đã thấm sâu vào lòng Tố Hữu từ ngày mới lớn lên trong sự âu yếm của một bà mẹ rất mực yêu con và dưới sự dìu dắt của một ông cha đặc biệt thích thu nhặt ca dao và văn thơ yêu nước.
Trên kia, chúng ta đã nhận thấy tiếng nói yêu thương của Tố Hữu về một mặt là tiếng nói xứ Huế. Tiếng nói ấy cũng rất Huế ở chỗ thường nó chỉ muốn âm thầm, muốn nhỏ nhẹ. Câu thơ có khi là lời thì thầm một mình như mấy câu này làm ở Lao Bảo:
Non quanh chừng đã lạnh rồi
Rừng sâu run rẩy xa vời tiếng rung
Mền không mà chiếu cũng không
Một mình trơ trọi giữa phòng xà linh
Nằm nghe mình chuyện với mình
Mênh mông nhớ bạn gửi tình trăm phương...
Cả bài Tiếng hát đi đày cũng là một tiếng hát thì thầm:
Đồng xanh gợn nhớ quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều
Nhiều bài thơ khác cũng vậy. Những bài như thế đọc to lên nghe sỗ sàng và sẽ mất đi rất nhiều ý vị.
TIẾNG HÁT PHẤN ĐẤU VÀ TIN TƯỞNG
Nhưng Huế không phải chỉ biết có yêu thương, có dịu dàng và nhỏ nhẹ. Huế cũng đã sống những ngày tháng Tám sôi nổi, đã chiến đấu gian khổ trong tám năm và giờ đây vẫn đang gan góc đấu tranh với địch. Tiếng hát của Tố Hữu cũng không phải chỉ có yêu thương, có dịu dàng và nhỏ nhẹ. Tiếng hát của Tố Hữu còn là tiếng hát phấn đấu. Anh đã tiếp thu được ánh sáng của Đảng. Ánh sáng ấy đã đến với anh như thế nào? Ra đời trong cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên học sinh này cũng như mọi người thanh niên học sinh thời đó, muốn làm một cái gì đấy. Do ảnh hưởng của cha, từ nhỏ anh đã đọc rất nhiều thơ Phan Bội Châu, thơ Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng ở Huế vào những năm 1933 – 1935, trong cảnh khủng bố và bưng bít của địch, tiếng vang của các cuộc khởi nghĩa mấy năm trước không lấy gì làm lớn lắm. Cậu học sinh trường Quốc học chỉ mải miết đọc thơ văn. Anh đọc say mê từ Denis Diderot đến Alphonse Daudet, Anatole France, Victo Hugo, Alfred de Musset, Charles Baudelaire. Anh thuộc rất nhiều thơ mới. Anh thuộc thơ Thế Lữ, thơ Lưu Trọng Lư và thơ nhiều người khác nữa. Một câu thơ của Thế Lữ trong bài Con người vơ vẩn:
Hỡi người bạn! Anh định về đâu đó?
làm anh suy nghĩ rất nhiều vì nó nói lên rất đúng tâm trạng của anh. Loay hoay mãi mà anh vẫn chưa biết là đi đâu. Sau này nằm trong tù anh có nhắc lại cái thời ấy trong đời một người bạn mà cũng là trong đời anh:
Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời
và liền theo đó anh kể tiếp:
Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời...
Do đâu mà có sự thay đổi lạ lùng ấy? Do đâu mà những bước chân ngập ngừng, quanh quẩn bỗng lại biến thành đôi cánh chim trời lộng gió? Cái gì đã đến với anh trong khoảng thời gian ấy? Đó là một phong trào đấu tranh rộng lớn đã nhóm dậy sau cơn khủng bố nặng nề, phong trào Mặt trận Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, gắn liền với phong trào Mặt trận Bình dân bên Pháp và phong trào chống phát xít và chiến tranh trên toàn thế giới. Tố Hữu vẫn tiếp tục đọc rất nhiều thơ mới, anh đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên. Nhưng lúc này sách báo cách mạng bằng tiếng Pháp tràn vào. Anh trở nên bạn hàng rất quen của hiệu sách Hương Giang của anh Hải Triều ở đầu cầu Tràng Tiền và của hiệu sách xứ uỷ ở phố Đông Ba. Vì đến đó anh có thể tha hồ đọc mà không cần mua. Anh đọc Người mẹ, Thép đã tôi thế đấy, Chapayev; anh làm quen với Henri Barbusse, Romain Rolland. Anh thấy không thể nào không đi theo con đường của hai nhân vật Paven trong quyển truyện của Gorky và trong câu chuyện của Ostrovsky. Anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, anh hoạt động trong học sinh, phát báo, viết tin, diễn thuyết. Anh được gặp một vài đồng chí cộng sản lớp trước: anh Lê Duẩn lẳng lặng trong hiệu sách phố Đông Ba, anh Phan Đăng Lưu thiếu thốn đủ thứ mà không rời quyển Tư bản luận và quyển Chống Duyring, anh Nguyễn Chí Diểu sắp chết vẫn kéo đàn vi-ô-lông. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy đã để lại trong tâm trí anh một ấn tượng rất sâu. Anh thấy những con người ấy hình như cao hơn cuộc đời tầm thường một bậc. Kế đó, vào năm 1938 một đồng chí công nhân nhà in kết nạp anh vào Đảng. Đời anh đã chuyển hẳn theo hướng mới.
Ánh sáng mới đã đến với anh không phải một cách nhẹ nhàng, đều đặn. Từ trong sách báo, từ trong cuộc đời, ánh sáng đã dội vào người anh, tràn ngập tâm hồn anh. Có một chút gì choáng váng như trong một mối tình đột ngột, thứ tình yêu mà tiếng Pháp gọi bằng "sét đánh" và ca dao ta cũng có ghi lại:
Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao(1).
(1) Câu này anh Xuân Diệu lượm được trong một buổi đi đò trên sông Lam vào hồi đầu kháng chiến.
Tố Hữu cũng đã ghi lại mối tình cách mạng với những lời, những hình ảnh tình cờ rất giống ca dao:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Anh đã nói rất rõ sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản khi nó bắt rễ được vào đất nước này, vào những lớp người lao khổ, vào những tâm hồn khao khát tự do, hạnh phúc, khao khát lí tưởng. Không có sức mạnh dị thường ấy làm sao những con người tay không, yếu đuối có thể đương đầu được với một kẻ thù hung ác nó đang nắm mọi thứ trong tay.
Con đường cách mạng, nhất là trong hoàn cảnh hồi bấy giờ, hiển nhiên không phải chỉ có hoa thơm và bóng mát mà:
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa.
Người cách mạng vô luận người nào, cũng phải không ngừng phấn đấu. Tố Hữu đã luôn luôn vươn mình lên cho kịp với yêu cầu của cách mạng. Tâm hồn hiền dịu và khao khát mến thương của anh đến với cách mạng như đến với tình yêu nhưng là một thứ tình yêu mãnh liệt giữa những phong ba bão táp của một cuộc đấu tranh sống chết với quân thù. Chính anh đã từng nói:
Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão
và cũng đã ghi lại những cơn bão táp của tâm hồn như trong bài Tranh đấu
viết hồi tháng 7 – 1940 ở lao Thừa Thiên:
Tôi đã sống những ngày điên phẫn uất
Nhưng chưa hề một bữa như hôm nay
Tôi đã nghe ran nóng máu hăng say
Rung cơ thể khắp đầu tay ngọn tóc
Nhưng chưa biết có bao giờ lại mọc
Ở trong tôi một núi lửa hơi đầy
Thét vang trời ghê gớm như hôm nay.
Trong sự nỗ lực phi thường ấy, thỉnh thoảng ta nghe như có một cái gì rạn vỡ. Những lúc đó hoặc nhà thơ hoá ra nhà hùng biện, thơ biến thành văn xuôi vì tình không theo kịp ý như nhiều đoạn trong các bài Quyết đề kháng, Đông Kinh nhuộm máu, Tình thương với chiến tranh, Song thất. Hoặc ngay trong tình cảm có một chỗ nào đó chưa đúng, có một cái gì quá đi, lạc đi như trong bài Li rượu thọ hay đoạn cuối bài 14 tháng 7. Lại có lúc phảng phất có cái giọng ghê ghê của các trường thơ loạn. Hồi chưa bị bắt, Tố Hữu đã có làm một bài thơ về Lao Bảo. Anh nghĩ đến những đồng chí đã chết dưới lằn roi, báng súng. Lời thơ sôi sục hận thù, nhưng đồng thời anh cũng thấy rợn rợn:
Nhắm mi mắt: chờn vờn trong đêm tối
Nhánh xương khô khua rợn cả lòng tôi.
...
Hỡi chiến sĩ rữa tan trong mả loạn
Hãy về đây trong đáy giếng hồn tôi!
Tiếng nói ở đây vẫn là tiếng nói cố vươn mình lên trong gió bão. Nhưng trong giọng nói có sự quằn quại của một tâm hồn cảm thấy mình hơi đuối sức.
Mặc dù vậy, hay đúng hơn, thái độ của anh không phải là tránh mà là cứ xông vào làm cho bằng được. Làm rồi nó sẽ quen đi. Hai năm sau bị giải đến Lao Bảo tay còng chân xích mà trong lòng anh lại thấy thảnh thơi. Thì ra:
Đứng ngoài đau khổ, ta thường khổ
Hơn lúc vào trong cảnh khổ đau.
Câu thơ có lẽ chưa phải là hay nhưng bài học kinh nghiệm rút ra thì rất quý. Muốn chiến đấu với địch trước hết vẫn là phải tự mình làm chủ lấy mình, phải khắc phục mọi thái độ yếu đuối, mọi tình cảm nhỏ nhen. Đã có lần anh đặt vấn đề với đồng chí và chắc cũng là với mình:
Chừ sao đây? Kéo cờ trắng đầu hàng
Hay chuyển sức trăm cân đầu búa sắt
Gạt phăng hết những tình riêng nhỏ nhặt.
Cách mạng có đòi hỏi gạt hết mọi tình riêng như vậy không? Trong cách đặt vấn đề có phần nào hơi quá; nhưng thái độ kiên quyết, dứt khoát của anh vẫn rất đẹp:
Không, phải hi sinh, phải nhất thiết hi sinh
Lòng vô sản phải mang tình nhân loại
Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!
Câu chuyện Con cá, chột nưa trong những ngày tuyệt thực ở Lao Bảo là một tấm gương ngời sáng. Nó đưa ta đi sâu vào tâm tư một người cộng sản trong hoàn cảnh phấn đấu cực gay go. Nhưng cuối cùng anh đã thắng vì anh tuyệt đối trung thực với mình và với Đảng.
Sự gắn bó với Đảng và với quần chúng là một sức mạnh lớn đã nâng đỡ anh. Ở trong tù, anh thấy mình với đồng chí như một đoàn thuyền phải cùng nhau ra sức chèo chống để đương đầu với bão táp:
Xích sát lại, cập kề nhau vững chắc
Dầu sóng tung hay gió quật thâm người
Da rét, mặc! Tả tơi quần áo, mặc!
Phải gắng lên, mỗi đứa chúng mình ơi!
Sau khi vượt ngục anh đi sâu vào quần chúng, càng ngày càng thêm gắn bó với những người:
Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn
Rách rưới lều che tạm gió sương
Hồi này anh không sáng tác được nhiều vì địch lùng riết, anh cứ phải chạy hoài. Nhưng thời gian này rất quan trọng trong đời anh, vì nó là thời gian anh hoà mình với quần chúng, rèn mình trong quần chúng.
Đời sống của đồng bào ta trong những năm này hết sức đau khổ. Nhưng anh không bi quan. Đầu năm 1945, giữa cảnh chết đói, chết rét đầy đường anh đã dám viết:
Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu
Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công!
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
vì anh nắm chắc những nhận định của Đảng về cuộc đảo chính Nhật, về tình hình trong nước, tình hình trên thế giới. Chúng ta còn nhớ từ tháng 5 – 1941, Đảng đã nhận định: "Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công" (Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp ở hang Pác Bó dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thực ra cũng không phải chờ đến Đại hội thứ hai. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã nhìn thấy trước con đường đi tất yếu của xã hội Việt Nam, của xã hội loài người. Cho nên ngay từ khi mới làm thơ, được ánh sáng của Đảng soi đường, Tố Hữu đã có một cái nhìn khác hẳn đa số các nhà thơ văn đương thời. Từ hồi đó anh đã nói dứt khoát:
Ngày mai đây tất cả sẽ là chung
Tất cả sẽ là vui và ánh sáng.
Anh đã nhìn thấy trước sự nghiệp hùng vĩ của thời đại chúng ta:
Cứ như thế, cho tới ngày giải phóng Cả Loài ta.
Và khi đó, Tự nhiên
Sẽ trố nhìn, ngơ ngác, lớp thanh niên
Xây thế giới cao quá trời xa thẳm.
Đối với một vấn đề cụ thể, vấn đề cô gái giang hồ, một nhân vật thường được nhắc đến, cái nhìn của anh cũng là cái nhìn duy nhất đúng trong thơ văn hồi bấy giờ. Nhất Linh dựng lên một cô Tuyết thoát "đời mưa gió" nhưng rồi lại trở về "đời mưa gió"; hình như có một thứ định mệnh hay hơn nữa một thứ "máu giang hồ" không cách gì gỡ ra khỏi. Người đọc hồi bấy giờ phần đông lại cho có nhìn như thế mới sâu sắc, mới nên thơ. Nhất Linh lãng mạn, Vũ Trọng Phụng không lãng mạn nhưng Vũ Trọng Phụng nhìn người "làm đĩ" cũng không khác gì Nhất Linh, cũng vẫn là một cái nhìn bế tắc. Tố Hữu nhìn khác hẳn. Anh hứa với cô gái giang hồ một ngày mai trong trắng, trong trắng về tinh thần và cả về cơ thể:
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài
Thơm như hương nhuỵ hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng
Hứa hẹn như thế trong hoàn cảnh ngày xưa có vẻ là chuyện viển vông. Nhưng đến nay thì ai nấy đều đã rõ lời hứa của Tố Hữu không những rất táo bạo, rất giàu tình nhân ái mà cũng rất thực tế. Nó đã biến thành sự thực ở miền Bắc, nhất định nó cũng sẽ biến thành sự thực ở miền Nam.
Sức mạnh của chủ nghĩa cộng sản không có gì khác hơn là sức mạnh của chân lí. Mà chân lí là chuyện không thể cưỡng được. Mặc dầu bị Giáo hội hành hạ, Galilei không thể nào không tin rằng quả đất xoay quanh mặt trời vì sự thật là quả đất xoay quanh mặt trời. Những người cộng sản cũng thế. Đối với họ, không một sự khủng bố nào có thể lay chuyển được lòng tin.
Có kẻ tưởng mình là thông minh, là khôn ngoan, cho người cộng sản là cuồng tín, là viển vông, thiếu đầu óc thực tế. Họ không biết chính họ mới là người xa thực tế vì họ xa những thực tế lớn nhất, những thực tế chủ yếu của cuộc đời. Người cộng sản trái lại được võ trang bằng chủ nghĩa Marx nên nắm chắc những thực tế lớn ấy. Lí tưởng cộng sản không những là lí tưởng đẹp nhất, cao quý nhất mà cũng là lí tưởng duy nhất đúng, duy nhất phù hợp với thực tế khách quan, với quy luật phát triển của lịch sử. Lòng tin của họ là một lòng tin có cơ sở khoa học.
TIẾNG HÁT CHIẾN THẮNG
Tố Hữu đã rất sớm có một lòng tin như thế. Lòng tin ấy cùng với sự gắn bó với đồng chí, với đồng bào, cùng với một sự nỗ lực không ngừng, không nghỉ đã khiến anh vượt qua mọi thử thách. Người thanh niên ấy mười lăm, mười sáu tuổi đầu đã dấn thân vào cách mạng, lúc bị bắt đã cắn răng chịu đựng các nhục hình:
Lấy xương máu mà chọi cùng sắt lửa
ngay ở trong tù đã không ngớt đấu tranh, không ngớt kêu gọi đấu tranh, đã mấy lần cùng anh em tuyệt thực cho đến lúc "phút chết đã kề bên", cuối cùng đã vượt ngục và trong đời sống gian nguy của một người tù vượt ngục, đã nối lại liên lạc với Đảng, đã xây dựng cơ sở, phát động phong trào và mới hai mươi mấy tuổi đã giành được trách nhiệm rất lớn, đã lãnh đạo khởi nghĩa thành công ở ngay giữa kinh đô của triều đình phong kiến! Từ ấy là tiếng ca hát của anh vọng lên từ trong cảnh vật lộn với phong ba bão táp. Nó là tiếng hát phấn đấu và cũng là tiếng hát chiến thắng, thắng mình, thắng địch.
Trong cái thế chiến thắng ấy, câu thơ Tố Hữu đôi lúc gợi lên một cái tư thế hiên ngang rất thích. Tôi thích bước chân anh nện gót trên đường phố Huế để biểu thị thái độ khinh ghét đối với cả một lối sống đớn hèn. Tôi thích những lời anh mình tự nhủ mình trong những ngày đầu mới bước vào nhà tù đế quốc:
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Sao cái dáng kiêu căng ở đây lại dễ yêu thế? Anh nhìn trước những gian khổ đang chờ anh. Nhưng vô luận ở đâu, vô luận thế nào, lòng anh cũng đã quyết:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn.
Cũng cái khí phách hào hùng, cái tư thế hiên ngang ấy trong những câu nói về các chiến sĩ đã hi sinh:
Các anh chị bước lên đài gươm máy
Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!
Tuy vậy những nét bút quen thuộc hơn đối với Tố Hữu vẫn là những nét dịu dàng, âu yếm. Lúc thơ anh đạt những đỉnh cao nhất là lúc cái khí phách hào hùng, cái tư thế hiên ngang gắn liền được với những nét dịu dàng, âu yếm. Một trong những đỉnh cao ấy là hình ảnh bà má Hậu Giang. Má đang nấu cơm cho du kích:
Nhưng:
Một mình má, một nồi toCơm vừa chín tới, vùi tro, má cười...
Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt Má già run, trán toát mồ hôi
Giặc áp vào:
Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô
Má ngã xuống bên bếp, nhắm mắt lại nghĩ đến các con du kích trong rừng.
Thằng giặc đạp lên đầu má, dí gươm vào người má. Bỗng:
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: "Tụi bay đồ chó!"
Một hình ảnh nữa rất đẹp là hình ảnh Bác:
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến
Lúc này hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu chưa được sâu sắc và gần gũi như trong tập Việt Bắc. Nhưng cây bút nhà thơ chứa chất hào khí mà vẫn có những nét nhẹ nhàng phù hợp với cái phong thái ung dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng không ở đâu cái gan dạ phi thường của người cộng sản trẻ tuổi và cái cốt cách khiêm tốn, hiền hoà của anh lại thống nhất với nhau như trong bài Trăng trối. Anh không phải không ham sống. Lúc mới vào tù, anh từng lắng nghe những thứ tiếng náo nức ở ngoài kia mà lòng sôi lên thèm khát. Một tiếng guốc dưới đường xa anh ghi vội, hơn hai mươi năm rồi vẫn còn vang mãi trong thơ. Thế mà giờ đây trong khi tuyệt thực để đấu tranh, anh cứ thung dung đi vào cõi chết. Thực ra mới hai mươi tuổi đầu:
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!
Không tiếc làm sao cho được? Đường cách mạng mới dấn bước vào được có mấy năm, không tiếc làm sao cho được? Nhưng anh không hề chùn bước và tâm trí anh rất bình yên. Anh hình dung chết vì nghĩa lớn như một cái gì tuyệt đẹp, một điệu đàn:
Trường đấu tranh là một bản hùng ca
Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu
một giấc mơ:
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộngLòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
...
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hi vọng.
và hồn anh cũng sẽ bay giữa đồng như sau này hồn chú Lượm. Ta nhớ lại lời anh Decour, một chiến sĩ cộng sản Pháp trước khi bị bắn: "Tôi xem tôi như một chiếc lá rơi xuống để cho đất thêm màu". Ta nhớ lời anh Hoàng Văn Thụ ôn tồn chào hỏi bọn giám thị trên con đường đi ra trường bắn: "Thôi ông ở lại mạnh khoẻ nhá, tôi đi". Thì ra ở khắp các phương trời, những người cộng sản đều giống nhau trước cái chết. (...)
Trở lại bài thơ Tố Hữu. Thương nhất là lời nhắn lại của anh:
Đây là tiếng, hỡi bạn đời yêu dấu
Của một người bạn nhỏ, trước khi đi
Đây là lời trăng trối để chia li,
Hãy đón nó, bạn đời ơi, đón nó!
Vẫn cái giọng nói quen thuộc, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhẹ, rất êm dịu. Trong lời nhắn tha thiết ấy, bao nhiêu là gắn bó với cuộc đời, bao nhiêu mến thương đối với người sống. Tôi cứ nghĩ giá lúc bấy giờ mà hoá ra những lời trăng trối thật thì từ đó trên đời này đã bao nhiêu kẻ phải khóc anh. Thường tình chúng ta đối với người anh hùng, kính phục vẫn nhiều hơn yêu thương. Ở đây việc làm của anh là một việc làm rất vĩ đại mà ta lại thấy ta thương. Thì ra người anh hùng vẫn là một người như mọi người và chúng ta, những người như mọi người, vẫn có thể có những việc làm rất vĩ đại.
Về mặt nghệ thuật, Trăng trối là một bài khá dài nhưng rất ít bị pha văn xuôi. Tâm hồn nhà thơ rất trong sáng, rất giản dị trong khi đi vào cõi chết đã tạo nên sự giản dị, trong sáng trong lời thơ.
Một bài khác ngắn hơn nhưng cũng giản dị, nhẹ nhàng mà hay là bài Đêm giao thừa đã nhắc đến ở trên kia. Nó có cái gì phảng phất như bài Giây phút chạnh lòng của Thế Lữ, nhưng hình ảnh người chiến sĩ cộng sản ở đây khác hẳn anh chàng Dũng, mẫu người lí tưởng hồi bấy giờ của thơ văn lãng mạn. Cả hai đều dừng chân trong ngày Tết, nhưng một bên thì giữa đêm khuya nép mình bên miếu nhỏ, một bên thì rất đàng hoàng, có thể nói rất kịch:
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.
Một bên chân dừng lại mà lòng vẫn mơ theo lá cờ của cách mạng, còn một bên thì:
Mắt lệ đắm trông miền cách biệt
Phút giây chừng mỏi gối phiêu lưu...
Nói cho phải thì anh chàng Dũng không phải không có những khía cạnh đáng yêu: nó thể hiện một tấm lòng yêu nước đang yếu dần đi nhưng vẫn là lòng yêu nước, nó thể hiện cái mơ ước vươn lên trên cuộc sống tầm thường và tủi nhục hồi bấy giờ. Mặt khác, nếu trên bước đường phấn đấu có lúc dừng lại, nhớ đến người yêu thì điều đó cũng chẳng tội tình gì. Nhưng so với con người thực của phong trào cộng sản thì mẫu người lí tưởng kia bé nhỏ lắm rồi.
Kiên quyết, dứt khoát mà vẫn rất nhiều tình thương mến cũng là thái độ của Tố Hữu đối với thơ văn lãng mạn đương thời. Lúc Tố Hữu bước vào làng thơ cũng là lúc vừa diễn ra cuộc tranh luận về nghệ thuật. Rõ ràng trong nhiều bài, anh đã tham gia cuộc tranh luận. Nhưng tham gia theo lối anh và theo lối một nhà thơ. Anh nói nhân sinh quan nhiều hơn là nói quan điểm nghệ thuật. Và giọng nói của anh dịu dàng, âu yếm. Anh thông cảm sâu sắc với những con người cũng như anh mà chưa được giác ngộ như anh. Trong thơ anh, có những ý, những lời, những nhịp điệu anh tiếp thu được của thơ mới. Cái buồn của thơ mới cũng phảng phất một hai chỗ trong thơ anh. Nhưng thương mến, thông cảm mà vẫn cứ chọi lại và chọi lại trên vấn đề cơ bản, vấn đề thái độ sống, vấn đề chỗ đứng. Bản sắc của Tố Hữu, giá trị lớn của thơ Tố Hữu, cái dáng trẻ trung, sức hấp dẫn của Từ ấy chính là ở chỗ này, ở chỗ Tố Hữu đã đi ngược lại con đường đi của thơ mới. Tôi không đồng ý với Xuân Diệu khi anh nói: "... chính do Tố Hữu đã dùng những yếu tố của thơ lãng mạn đương thời mà thơ Tố Hữu có một dáng điệu rất trẻ trung, một phong cách tràn đầy hấp dẫn..." (Xuân Diệu, Phê bình giới thiệu thơ, NXB Văn học, H., 1960, tr. 155.)
Trong thái độ chung ấy đối với văn thơ lãng mạn cố nhiên vẫn có thái độ riêng đối với từng người. Một trong những nhà thơ hồi bấy giờ anh đọc nhiều là Chế Lan Viên. Thơ anh thỉnh thoảng vẫn có câu phảng phất giọng thơ Chế Lan Viên hồi đó. Riêng trong bài Qua cổ tháp anh tặng Chế Lan Viên thì lòng xót xa vì dân tộc Chiêm Thành, những cảnh huy hoàng và êm ấm trong nước Chiêm Thành thời trước đều rất giống Chế Lan Viên. Anh chỉ thêm có hai câu:
Chạnh lòng tưởng nhớ thân nô lệ
Mà hận cừu chung bỗng réo sôi
Hai câu này cũng chỉ là phát triển những ý mà tôi nghĩ vẫn có ở Chế Lan Viên. Nhưng ở Chế Lan Viên nó âm thầm, lẳng lặng không nói được nên lời hay đúng hơn phải chuyển sang những lời khác, có khi lạc hẳn sang một thế giới khác để tránh cái bóng ma đế quốc. Còn ở Tố Hữu thì nó được nói lên rõ ràng, dứt khoát. Chỉ khác nhau một tí thế thôi nhưng là khác nhau nhiều lắm; khác nhau đến độ từ chỗ gặp nhau, hai cuộc đời đã đi theo hai ngả, ngả đi về quá khứ, ngả vươn tới tương lai, mãi cho đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám là lúc mọi người cùng vươn tới tương lai mới cùng đi với nhau theo một hướng.
Con đường đi tới tương lai đòi hỏi rất nhiều dũng cảm, nhưng cũng rất vui. Trong khi tiếng nói của thơ mới là một tiếng kêu ảo não thì tiếng nói của Tố Hữu giữa muôn nghìn gian khổ lại là tiếng nói lạc quan. Lenin nói: Cách mạng là một ngày hội lớn của quần chúng. Thơ Tố Hữu là tiếng ca trong ngày hội. Ngay từ đầu, Tố Hữu đã thấy:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Bởi vì anh đã không co mình lại trong đời sống cá nhân nhỏ hẹp. Anh sống vì một cái lẽ lớn, gắn đời mình với tất cả mọi cuộc đời khốn khổ:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ...
Từ đó anh đã gặp bao nhiêu chông gai trên con đường cách mạng, nhưng anh vẫn không ngừng tiến bước:
Tình đã phân chia cùng đất rộng
Lòng không vướng nợ, bén duyên gì
Dầu ngăn lối đó bao nhu cảm
Chân vẫn bình yên vượt bước đi
Và càng đi càng thấy:
Chân trời lui mãi lan lan rộng
Hi vọng tràn lên đồng mênh mông
Ngay trong Đêm giao thừa, một thân một mình ở một nơi "người dưng nước lã" theo như cách nói hồi xưa, anh vẫn thấy ấm áp tình thương và bước chân anh đi say sưa, mê mải. Nhưng làm cách mạng đâu có phải chỉ để vui trong tin tưởng như các nhà tu, mặc dầu đức tin xưa nay vẫn có nhiều phép lạ. Cũng không phải để say sưa trong một thứ hành động vu vơ:
Chúng ta nào phải lũ phiêu lưu
Tung bừa sinh mạng lên đùa bỡn
Với gió mây như đứa thả diều.
Làm cách mạng trước hết là để giành lấy chính quyền; khi nhân dân ta giành được chính quyền, thơ Tố Hữu tràn trề vui sướng. Mới hôm qua đây, Huế còn trầm mặc:
Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau
Chân nôn nao như khách đợi mong tàu
Thế mà:
Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi.
Hà Nội cũng thế, Hà Nội vui làm sao trong đêm kỉ niệm quốc khánh đầu tiên:
Ta đi đây, là trăm vạn thiên thần
Chiều chiến thắng phá tan quân quỷ sứ
Ta đi dưới bốn nghìn năm lịch sử
Đêm nay tràn hoa đỏ nhuỵ vàng tươi
Ta đi đây, với thế kỉ hai mươi
Mạch suối trẻ trong dòng người vô địch!
Ta đi tới, biết đâu là tuyệt đích?
Người cuốn lôi ta, ta cuốn lôi người
Đi đi hoài, đi mãi, anh em ơi
Đây cuối đất hay đầu trời chẳng biết!
Thật là hả hê, sau bao đời bị đánh đập, bị tù đày, sau những năm dài đói rét liên miên, có lẽ trên đất nước này chưa bao giờ có một niềm vui như vậy. Tố Hữu đã tìm được những lời thơ tuyệt đẹp để nói lên niềm vui mới. Anh dùng cả những hình ảnh rất lạ nó như muốn đưa ta vào một thế giới nào huyền diệu nhưng vẫn nói rất đúng cái vui gần như mê man của chúng ta, của một dân tộc từng phải chịu bao nhiêu đau khổ mới có ngày hôm nay:
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên.
Tim bỗng hoá mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
Gió gió ơi! Hãy làm dông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Nói cho đúng thì trong lời thơ không phải không có những chỗ quá như:
Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc
Nói chung trong cái vui vẫn có cái gì chông chênh, nếu so với những lời vui chiến thắng sau này như:
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
thì rõ ràng chưa có cái thế vững chắc ấy, cái phong cách đĩnh đạc ấy. Từ tháng Tám năm 1945 đến Điện Biên Phủ, cách mạng đã tiến một bước lớn. Thơ Tố Hữu cũng đã tiến một bước lớn. Nhưng cái vui của thơ Tố Hữu trong những ngày tháng Tám vẫn lôi cuốn chúng ta rất mãnh liệt. Nó là cái vui mở đầu một cuộc đời mới.
Từ ấy là tập thơ đầu lòng của Tố Hữu, của một người thanh niên, một người cộng sản. Con người ấy trong một hoàn cảnh gay go và tuy bản thân không phải không vướng nhiều thứ nợ nần của cuộc đời cũ nhưng đã dứt khoát vùng dậy theo tiếng gọi của Đảng, đã băng mình vào nơi sóng to gió lớn và từ trong sóng gió đã không ngừng cất lên tiếng hát khi hữu tình đằm thắm, khi sôi nổi say sưa. Một tiếng hát như thế lẽ tự nhiên rất quý đối với chúng ta mặc dầu vẫn còn một đôi khi chưa thật là đúng điệu. So với Việt Bắc thì Từ ấy kém về mặt này mặt nọ và điều đó là một điều rất đáng mừng. Vả chăng, tuy có hơn kém nhưng mỗi tiếng ca vẫn có một ý nghĩa, một ý vị riêng.
Không những Việt Bắc mà ta mong sẽ còn có nhiều tập thơ khác vượt tập thơ Từ ấy. Tố Hữu có lần tâm sự: càng gần quần chúng anh càng thấy cái đau khổ và cái anh dũng trong cuộc đời lớn quá. Anh thấy những người như cụ Hà Văn Quận trên một trăm hai mươi tuổi chưa hề được ăn một miếng đường và trước cải cách ruộng đất cũng không hề nghĩ trong đời mình có thể được ăn một miếng đường, những người ấy cơ hồ chưa nói lên trong thơ văn cái đau khổ, cái căm uất của mình. Có người nói Từ ấy là lịch sử, là tấm gương của mười năm cách mạng, nhưng anh thì anh thấy so với cái vĩ đại của cuộc đời, quả thật mình chưa nói được bao nhiêu. Cố nhiên, trong hoàn cảnh ngày xưa, không thể nào đòi hỏi khác được. Nhưng tình hình ngày nay đã thay đổi rồi. Nhà thơ, nhà văn tha hồ đi vào công nông và nhất là hàng triệu công nhân, nông dân đang mạnh mẽ tiến quân vào văn hoá để dần dần nắm lấy mọi thành tựu của trí tuệ loài người. Trong hàng triệu người ấy nhất định sẽ xuất hiện những thiên tài về thơ văn cũng như về các mặt khác. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm rất lớn, nhiều bài thơ rất hay để ca ngợi sự nghiệp hùng vĩ của dân tộc ta.
(Tạp chí Nghiên cứu văn học, tháng 5 – 1960)