Tố Hữu Với Chúng Tôi
- Xuân Diệu
Đối với một số thi sĩ chúng tôi đã làm thơ trước Cách mạng tháng Tám 1945, theo những khuynh hướng vốn có từ trước, rất lãng mạn, lẫn ít hay nhiều tượng trưng, thơ đăng trên những tờ báo công khai dưới chủ nghĩa thực dân, thì thơ Tố Hữu đã xuất hiện theo con đường của gió; hơi thở con người đã thổi thơ Tố Hữu đến với chúng tôi; thơ ấy nhảy hàng rào mà đến, vượt lưới hợp pháp mà đến, từ bí mật mà đến, từ miệng vào tai, và thơ ấy đã làm một cách tốt đẹp cái điều rất mới lạ đối vối chúng tôi: nó đã kết hợp cách mạng và lãng mạn; nó kêu trên tất cả các mái nhà rằng trời xanh Việt Nam có thể xanh hơn nữa, đất đẹp Việt Nam có thể đẹp hơn nữa, và những con người đau khổ Việt Nam có thể không đau khổ nữa...
Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thơ chúng tôi, nhưng là một thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi thì đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khoá: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng những người lao khổ. Vì vậy nên có thể nói, khi Tố Hữu và chúng tôi cùng ở trong tuổi trẻ, thơ chúng tôi như những con chim dù hát ca da diết đến đâu, nhưng cứ đập cánh vào song cửa của chiếc lồng, còn thơ Tố Hữu, mặc dầu tác giả của nó nhiều năm ở trong song sắt, chính thơ Tố Hữu là con chim bay giữa trời cao đất rộng. Không thể quên rằng tất cả những thi sĩ Việt Nam đã ở trong một xứ thuộc địa!
Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự. Tự nhiên tôi liên hệ thơ Tố Hữu với thơ Petofi, khi Việt Nam và Hungary đang đấu tranh giành độc lập; họ đều có cái bí quyết của thơ; bằng lời của họ, có thể đốt cháy trái tim con người vào ngọn lửa thần của đại nghĩa. Khi ngai vàng của vua phong kiến đã sụp đổ cùng với chính quyền của thực dân Pháp, đế quốc Nhật, người thi sĩ đã là Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa ở Huế ấy, Tố Hữu, làm cho chúng tôi cảm động đến cao độ, chúng tôi làm theo những cử chỉ vui sướng tuyệt vời của anh; chúng tôi cũng "Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc"; cũng "Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà"; chúng tôi cũng "Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi"; nhà cách mạng ấy đúng là một thi sĩ.
Đối với một đất nước ngót một trăm năm mất nền độc lập, thì thơ chính trị để giải phóng dân tộc và con người có một vị trí quan trọng khác thường; chính trị đúng đắn là sự sống của chúng tôi, là cốt lõi của tâm trí chúng tôi, giúp chúng tôi từ cõi chết bước lên đường sống.
Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đến trình độ là thơ rất trữ tình, trong từng giai đoạn gay go của cuộc đấu tranh, thơ chính trị đạt đến thơ hay, là một niềm vui sướng cho tâm và trí của người đọc. "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" (Mon Parti m’ a donné les yeux et la mémoire - Aragon) "Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi" (Tố Hữu); cuộc kháng chiến trường kì chín năm (1946 - 1954) chúng tôi đã ăn cơm độn sắn, chống gậy bước trên những đường lầy trơn, mà hai chân lại có những đôi giày trăm dặm!
Tố Hữu đã nâng tình thương mến đến mức một sự đam mê: Đó là tình nhân loại mà thấm vào đến mỗi tia máu; đó là tình thân mến của người cộng sản; trong tù, Tố Hữu đã thương mến: "Nó chết rồi, con chim của tôi / Con chim sẻ sẻ mới ra đời!"; những em nhỏ có được sự chăm chút của anh, những bà mẹ được lòng yêu thương kính mến của anh; bản thân Tố Hữu lúc còn bé, đã nằm bên mẹ mình, ấm tròn lưng: mẹ và con "Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn / Mẹ bấm con im, chúng nó lùng"; Tố Hữu khai sinh trong cái sợ ấy, lòng thương yêu đã vì vậy rộ lên, mài sắc thêm, và một mặt biện chứng của nó cũng nảy sinh ra: căm thù, căm thù những kẻ thù của hạnh phúc.
Cái tình thương mến rộng lớn đó có liên quan đến dáng điệu, nhạc điệu của thơ anh. Là chiến sĩ kiểu mới, anh gọi quần chúng là cha mẹ của anh, là anh, là chị của mình. Anh muốn làm thơ cho hàng triệu người, cho nên sự dùi mài rèn luyện của anh là học theo trường của quần chúng, viết những
câu thơ người ta có thể uống như nước ngọt, có thể hít thở như khí trời lành. Cái nhạc điệu rất hay, rất quyến rũ của những câu thơ anh là kết quả của một sự nhập tâm sâu sắc; anh thu hút và chế biến những tư tưởng, ý tưởng cách mạng thành ra thức ăn của tâm hồn; muốn vậy, anh đã khai thác sâu sắc tính nhạc của ngôn ngữ Việt Nam, thơ anh đã đạt tới một sự ngọt ngào như là mỗi người có thể tự làm ra những câu thơ Tố Hữu mà họ đọc ấy. Đứng trên thượng du nhìn xuống thành phố Huế:
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên
Sự phiên dịch không thể nào đạt được cái nhạc điệu của câu thơ thứ hai, nó đi và tựa trên những cặp tiếng đã chọn với một nghệ thuật cao độ. Cho nên thơ Tố Hữu gắn với lời ru điệu hát.
Tố Hữu rèn luyện để có được những câu thơ thật đơn giản mà tràn đầy tình cảm. Nhiều câu thơ Tố Hữu đã đạt được cái trong sáng của những câu thơ cổ điển.
Trong tù, Tố Hữu đã gửi ra ngoài đời một cành lá, một cành mà trên tất cả các lá đều đã được lấy kim chọc từng lỗ để viết thành những dòng thơ. Cái nhành thơ ấy, từ khi tôi được nghe kể lại câu chuyện của nó, không rời tâm trí tôi nữa. Nó đã từ trong tù ngục đi ra ngoài đời; nó có thể che nắng cho người, che một áng mưa bụi lất phất; thật ra người ta không đòi hỏi nhành thơ ấy che mưa nắng, mà nó đã là một nhành của vườn hoa tâm hồn người, nó là cành trang điểm đẹp cho tâm trí con người. Những dòng thơ ghi bằng mũi kim trên lá, khi giơ lên đọc, có thể để ánh sáng lọc qua, và thấy trời qua đó. Anh Tố Hữu, nhành thơ kia đã nhân ra hàng nghìn bản; anh chẳng thấy những con người đã cầm nó mà tặng nhau đó sao?
Hà Nội, tháng Giêng 1975
(Báo Văn nghệ, số ra ngày 6 – 3 – 1976)