Tố Hữu – Nhà Thơ Lớn Của Dân Tộc
- Hữu Thỉnh
1. Như tôi biết, tại một số bảo tàng văn học trên thế giới, cứ sau một thời gian, người ta lại tiến hành thay đổi vị trí trưng bày, quy mô, sắp xếp các hiện vật của các nhà văn tuỳ theo kết quả nghiên cứu đánh giá thăm dò dư luận. Ở bảo tàng văn học đương đại Trung Quốc thì sự thay đổi đánh giá diễn ra càng nhanh hơn. Nhưng cho dù Mao Thuẫn, Lão Xá, Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Nguỵ Nguỵ,… có xê dịch như thế nào thì vị trí của Lỗ Tấn vẫn không hề thay đổi. Trước sau ông vẫn ung dung một mình một gian trang trọng nhất ở trung tâm bảo tàng, và sự thiết kế chi li đến mức đứng ở bất cứ tầng nào của ngôi nhà người ta cũng nhìn thấy ông trong tư thế đăm chiêu trước bản viết.
Từ quan sát đó, tôi tự đặt câu hỏi cho mình, tại Việt Nam trong thế kỉ XX, xét về tài năng, ảnh hưởng, độ gắn kết với cách mạng và tác động của họ vào tiến trình văn học thì ai là người xứng đáng có vị trí tương tự như Lỗ Tấn ở Trung Quốc? Tôi thử đưa ra nhiều ứng cử viên, nhưng bình tĩnh cân nhắc, căn cứ vào các yếu tố vừa nêu trên và xét toàn bộ thân thế và sự nghiệp, tôi thường nghĩ đến Tố Hữu. Thời gian của Hội thảo không dài, mỗi diễn giả có thể và cần thiết đi sâu vào những khía cạnh khác nhau, nhưng tổng thể không thể quên sự thống nhất biện chứng giữa thân thế và sự nghiệp của Tố Hữu. Chúng ta đã tỏ ra rất công bằng khi đánh giá Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu trên cả hai phương diện thân thế và sự nghiệp. Ở đây không phải là câu chuyện lấy cuộc đời để cộng thêm hoặc bù vào cho văn chương, mà xét trên bình diện một tinh hoa, một nhân cách văn hoá. Trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp nói về Tố Hữu với hai sự nghiệp là nhà cách mạng tiêu biểu và nhà thơ lớn. Một đời người chỉ cần làm được một trong hai sự nghiệp đó thôi đã đáng được coi là đấng anh hào như Hoàng Tùng đã nói. Thế mà Tố Hữu đã làm được cả hai và đều đạt đến mức ưu tú.
2. Tiến sĩ Thu Trang (Công Thị Nghĩa), một tri thức và một Việt kiều với những hoạt động yêu nước nổi tiếng tại Pháp cho biết, “Những năm kháng chiến, việc tìm đọc thơ Tố Hữu ở Paris là một thái độ chính trị”. Tại sao đọc thơ lại được xem là thái độ chính trị? Vì Tố Hữu là nhà thơ của một khuynh hướng, là tiếng nói bất khuất của một dân tộc chiến đấu cho các giá trị tự do và độc lập, cho quyền sống, quyền làm người, và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đặng Thai Mai, Hoài Thanh đề cao tính lí tưởng trong thơ Tố Hữu. Trong nền văn học của chúng ta, không ai cất lên tiếng hát của lí tưởng cách mạng thấm thía, xúc động hào sảng và đầy sức mạnh như Tố Hữu. Thử tưởng tượng, giữa một cố đô mà bóng các lăng tẩm đè nặng trên mỗi con đường, giữa một rừng mũ mão áo thụng và bài ngà, và hơn nữa một phủ toàn quyền thuộc thực dân Pháp thiết lập sự cai trị tàn khốc của nó đến mức một ông vua cha truyền con nối phải ngửa tay xin từng lít xăng cho những chuyến công du, thì, một thư sinh mười sáu tuổi, vừa tốt nghiệp Thành chung liệu có thể làm được gì. Để gây được chú ý giữa chốn kinh thành như thế đã là việc vô cùng khó. Thế mà Tố Hữu không những tạo nên một sự kiện đầy tiếng vang, mà còn khiến cả bộ máy cai trị phải đau đầu đối phó với những bài thơ cách mạng của mình. Tập thơ Từ ấy chủ yếu được viết trong tù ngục. Nhưng ảnh hưởng của nó đã nhen nhóm lên cả một biển lửa. Thơ Tố Hữu đã góp phần đào tận móng cốt, nền tảng cả một vương quyền phong kiến và chế độ thực dân. Đó là nghệ thuật chinh phục lòng người, là tiếng nói tâm tình, là yêu thương thấm thía, là an ủi và khích lệ. Thi sĩ sắm vai đứa “con của vạn nhà” để gõ cửa mọi số phận. Và tình yêu thương con người của anh là rất cụ thể. Từ chị vú em, đứa ở, cô gái giang hồ, đến bà má Hậu Giang, bà bủ, bà bầm, em bé liên lạc, người anh hùng chăn bò Hồ Giáo, mẹ Suốt, Morison. Tất cả có chung một tên gọi, đó là “Nhân dân”. Về điều này nhận xét sau đây của Trần Đình Sử là rất chí lí: Không chỉ giản đơn là Tố Hữu tìm ra cho mình một tiếng thơ mà còn là quần chúng tìm thấy nhà thơ của họ.
Thơ Tố Hữu có khả năng bao quát cuộc sống lớn lao của đất nước với những thăng trầm của lịch sử qua những năm tháng hệ trọng nhất. Đó là hành trình của dân tộc là sự cộng hưởng giữa lí tưởng và hiện thực, bi ca và tráng ca, máu và hoa, tâm tình và hành khúc. Dân tộc và hiện đại. Lịch sử đi qua một con người và qua một con người hiện lên lịch sử. Nói về thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi viết: “Và qua lửa của thơ, thơ anh có biết bao thương yêu dịu dàng đối với đất nước quê hương và những con người của đất nước quê hương. Từ cuộc sống hiện đại, thơ anh ngày càng bắt nguồn trở lại vào hồn thơ cổ điển của dân tộc. Thơ Tố Hữu đem đến niềm tin cho các thế hệ chiến sĩ, làm nên hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập thống nhất”.
Nói về khái quát lịch sử thì Tố Hữu là nhà thơ có tài nổi bật. Những năm chống Mĩ, nhiều nhà thơ vào Trường Sơn. Huy Cận thì thấy “ đánh Mĩ là một ngày vui lớn”, Phạm Tiến Duật “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Hoàng Nhuận Cầm “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, Nguyên Duy “căng một bầu trời vuông” cùng đồng đội. Hay thì khá hay, nhưng bạn đọc vẫn chưa thoả, người ta vẫn chờ đợi một cái gì đến từ Tố Hữu:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
Thì khí phách tầm vóc, thần thái của cuộc chiến đấu bừng lên hoành tráng khác thường.
3. Một khía cạnh đặc biệt nữa trong tài năng của Tố Hữu là khả năng biến những biến số thành hằng số, biến cái nhất thời thành cái vĩnh cửu. Cách mạng, kháng chiến, là một chuỗi các sự kiện, hành động bất thường, tiếp nối không ngừng. Đó tuyệt đối là một trạng thái động. Ngược lại, hoà bình là một trạng thái tĩnh. Sức sống của văn học đòi hỏi các nhà văn viết về chiến tranh mà vẫn còn sức hấp dẫn trong hoà bình. Tố Hữu có nhiều bài thơ viết trong tù ngục, trong chiến tranh nhưng vẫn vượt qua được sự sàng lọc của thời gian, tiếp tục gây xúc động lâu dài cho người đọc. Con cá, chột nưa là câu chuyện bảo toàn khí tiết trong những ngày tuyệt thực. Cảnh tù ngục từ lâu không còn nữa, nhưng vấn đề tự trọng, tự thắng, tự giữ gìn danh dự liêm chính thì vẫn còn có ý nghĩa thời sự lâu dài.
Câu thơ Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh/ Môi ta thầm kêu Bác Hồ Chí Minh trong bài Sáng tháng Năm, viết năm 1951, gây xúc động lớn trong những năm gian khổ kháng chiến. Gần sáu mươi năm đã trôi qua, trước biết bao vật đổi sao dời, những chấn động của thời thế trong, ngoài nước, ta thấy sự chiêm nghiệm của nhà thơ vẫn còn nguyên giá trị. Tố Hữu là nhà thơ viết sớm nhất, nhiều nhất, xúc động nhất và thành công nhất về Bác.
Và ngày nay, bước vào cơ chế thị trường, trước biết bao cảnh chộp giật và lừa đảo những vấn đề bức xúc của đạo đức xã hội, hai câu thơ của Tố Hữu sau đây, có thể giúp cho người ta bình tâm lại, nhận ra giá trị thực của cuộc sống, của một đời người.
Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau.
Và Tiếng chổi tre, một bài thơ vào loại hay nhất của Tố Hữu, bao năm rồi, không những không bị thời gian vượt qua mà còn trở nên thời sự nhất trong bối cảnh hiện nay. Thơ Tố Hữu có rất nhiều những viên ngọc quý như vậy. Và anh lớn là vì vậy.
4. Giữa các nhà văn, câu chuyện tài năng hơn kém là một đề tài vô tận. Thước đo tin cậy nhất là xem xét vùng ảnh hưởng của họ đến đâu với công chúng và với tiến trình văn học nói chung.
Trong các nhà thơ đương đại, sau Bác Hồ, không một nhà thơ nào có được một công chúng rộng rãi, một kỉ lục xuất bản lớn như Tố Hữu. Thơ anh được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận nồng nhiệt, là hành trang lên đường của hàng triệu chiến sĩ, dưới nhiều hình thức được bí mật đưa vào các thành thị miền Nam, vào các nhà tù đế quốc. Thơ Tố Hữu là tín hiệu sự có mặt của cách mạng. Thơ ông cũng được đánh giá cao và có tiếng vang ở nước ngoài. Năm 1995, nhà thơ Bruce Weigl cùng một số nhà văn thuộc Trung tâm Wiliam Joiner, Hoa Kì sang Việt Nam nhờ Hội Nhà văn hiệu đính cho tập thơ của các liệt sĩ Việt Nam. Đó là một tập thơ dày, lấy trong sổ tay của các chiến sĩ ta do lính Mĩ thu được sau các cuộc tấn công vào hậu cứ. Chúng tôi rất xúc động lần giở tập thơ, nhận thấy có nhiều bài do chính bộ đội ta sáng tác, nhưng cũng rất nhiều bài thơ chép tay của các nhà thơ chuyên nghiệp trong đó nhiều nhất là Tố Hữu. Vị trí và ảnh hưởng của Tố Hữu đã được cuộc sống kiểm nghiệm.
Nói về ảnh hưởng của Tố Hữu đối với đời sống và tiến trình văn học Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi chúng ta đang tìm đường, nhận đường thì đã thấy một ví dụ sống trên đường là tác phẩm Tố Hữu. Nói đến Tố Hữu và thơ phải nói vai trò mở đầu và hiện vẫn dẫn đầu của anh.”
Nhà văn Đặng Thai Mai viết:
Thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí.
Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật
Nhất trí giữa tư tưởng, tình cảm và hành động
Nhất trí giữa con người và thời đại, với tập thể.
Còn Xuân Diệu, ông vua thơ tình, người được xem là mới nhất trong Thơ mới, viết: “Tố Hữu đã có một bút pháp của riêng mình, không bắt chước ai, mà dễ thu hút người khác bắt chước”. Giáo sư Trần Thanh Đạm viết: “Mọi nhà thơ và mọi nhà hoạt động văn học, văn hoá Việt Nam dù thuộc thế hệ nào và ở bất cứ nơi đâu đã từ lâu nhất trí tôn vinh anh là con đường”. Giáo sư, nhà lí luận phê bình Trần Đình Sử nhận định: “Một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa, một quan niệm cá nhân cởi mở giữa những người đồng chí đã làm cho cái tôi nhà thơ được bộc lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất cứ công thức, chuẩn mực nào, đã tạo nên những vần thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trong thơ ca cách mạng Việt Nam”.
5. Có ý kiến, hai tập thơ Một tiếng đờn và Ta với ta có nhiều nỗi buồn và sự cô đơn, không còn giữ được phong độ như các tập trước. Tôi có ý nghĩ khác. Tôi nghĩ Tố Hữu đang tự bổ sung và hoàn thiện một phong cách cho một sự nghiệp thơ. Nếu anh không có lúc nào buồn và cô đơn thì đó là điều đáng tiếc hơn là đáng trách vì nguy cơ của sự đơn điệu.
Trước một hiện thực mới mẻ, có lúc ngổn ngang vật vã với biết bao chấn động dữ dội, thì một giọng thơ trầm, đầy ắp chiêm nghiệm và suy tư là một khoảng lặng cần thiết và đáng quý để thơ lặn vào sâu của tâm trạng xã hội. Qua đó, người đọc vẫn bắt gặp biết bao lo âu canh cánh về xã hội và con người của Tố Hữu.
Trước một chuyển nhịp như vậy, ta càng cảm thấy tính chất phức hợp, đa thanh của một tài năng lớn. Đặc biệt, tôi muốn nhắc đến bài Li hôn là bài vào loại riêng tư nhất, và mới nhất được công bố.
Mấy hôm rồi, nhà bỗng vắng teo
Nhớ cháu, trái tim ông muốn khóc
Sáng mai ra, ông cứ nhìn theo
Những mẹ trẻ, đèo con đi học…
…
Tan tổ ấm, rã rời đôi mảnh
Cháu về đâu, bên mẹ, bên cha?
Ôi, tội nghiệp! Non tơ lông cánh
Con bồ câu ngơ ngác xa nhà.
Với những câu thơ như thế, chúng ta càng yêu Tố Hữu hơn.
Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét: “Một tiếng đờn phù hợp với trạng thái vận động của tình cảm và tư duy qua nhiều năm tháng và trước yêu cầu của thời cuộc. Từ cảm xúc yêu thương đến suy nghĩ, Việt Nam là mối quan tâm lớn của nhà thơ trong lúc này”.
Như vậy là hồn thơ Tố Hữu đang mở ra những vùng sâu thẳm nhất.
Tố Hữu luôn đồng hành với chúng ta hôm nay và mai sau.
Hà Nội, 3-10-2010